Tổng quan về tình trạng đứt dây chằng chéo trước và cách điều trị

Tác giả: Myrehab - MatsuokaTham vấn y khoa: Th.s BSVũ Thị Hằng

Dây chằng chéo trước đóng vai trò như một “dây đai” kết nối xương và giữ đầu gối được ổn định. Khi dây chằng chéo trước bị tổn thương, đặc biệt là bị đứt không chỉ gây đau nhức, sưng tấy mà còn làm mất sự ổn định trong cấu trúc và chức năng của khớp gối.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin tổng quan về đứt dây chằng chéo trước cùng phương pháp điều trị mang lại hiệu quả phục hồi cao. Tìm hiểu ngay nhé!

1. Đứt dây chằng chéo trước là gì?

Đứt dây chằng chéo trước là hiện tượng dây chằng bị kéo căng quá mức dẫn đến rách một phần hoặc toàn phần. Tổn thương này khiến khớp gối mất ổn định, gây cảm giác lỏng lẻo, đau nhức và khó khăn khi vận động.

Tình trạng đứt dây chằng chéo trước thường xảy ra do khớp gối phải chịu lực tác động mạnh hoặc bị xoắn đột ngột. Những chuyển động bất ngờ như: dừng lại nhanh, đổi hướng gấp, tiếp đất sai kỹ thuật,… cũng có thể khiến dây chằng bị căng quá mức, dẫn đến tổn thương hoặc đứt.

Một số tình huống cụ thể dễ dẫn đến đứt dây chằng chéo trước bao gồm:

  • Khi bạn đang chạy với tốc độ cao, đột ngột dừng lại hoặc đổi hướng sẽ tạo nên lực xoắn lớn lên đầu gối và làm tổn thương dây chằng.
  • Trong bóng đá, cầu thủ thường phải đổi hướng chạy nhanh hoặc dừng đột ngột khi đuổi bóng. Các pha va chạm trực tiếp vào đầu gối cũng tạo nên lực tác động mạnh, dễ gây đứt dây chằng.
  • Các vận động viên nhảy xa hoặc nhảy cao nếu tiếp đất không đúng kỹ thuật (chân chạm đất mà không gập gối) sẽ tạo ra phản lực lớn lên đầu gối và làm tổn thương dây chằng.

Ngoài ra, các sự cố trong sinh hoạt như: trượt chân, ngã cầu thang, vận động không đúng cách,… đều có thể khiến khớp gối bị xoay vặn mạnh và gây đứt dây chằng.

Các chấn thương khi vận động dễ khiến dây chằng chéo trước bị căng và đứt.
Các chấn thương khi vận động dễ khiến dây chằng chéo trước bị căng và đứt.

2. Phân loại đứt dây chằng chéo trước

Đứt dây chằng chéo trước được chia thành 3 mức độ dựa trên tình trạng tổn thương và sự lỏng lẻo của khớp gối, cụ thể như sau:

Mức độ Tình trạng Mô tả chi tiết
Mức độ 1 Đứt một phần dây chằng chéo trước, xương chày lệch từ 3 – 5mm. Dây chằng chéo chỉ bị tổn thương nhẹ và vẫn còn nguyên vẹn. Vì vậy, khớp gối vẫn giữ được sự ổn định cần thiết.
Mức độ 2 Đứt bán phần dây chằng chéo trước, xương chày lệch từ 5 – 10mm. Dây chằng chéo trước xuất hiện các vết rách rõ rệt hơn, làm giảm đáng kể khả năng ổn định của khớp gối. Người bệnh thường cảm thấy đau, đầu gối lỏng lẻo và gặp khó khăn khi di chuyển.
Mức độ 3 Đứt toàn phần dây chằng chéo trước, xương chày lệch lớn hơn 10mm. Dây chằng chéo trước bị đứt hoàn toàn, tách rời thành hai mảnh và mất khả năng hỗ trợ khớp gối khiến đầu gối lỏng lẻo và xuất hiện các cơn đau nhói, sưng phù nề.

3. Những triệu chứng điển hình khi bị đứt dây chằng chéo trước

Chấn thương dây chằng chéo trước thường gây ra các cơn đau nhói tại vùng đầu gối và đi kèm với đó là các triệu chứng điển hình như:

  • Xuất hiện âm thanh lạ: Người bị chấn thương thường nghe thấy tiếng “rắc” hoặc “bụp” phát ra từ đầu gối ngay khi dây chằng bị tổn thương.
  • Đầu gối đau nhức, sưng tấy nhanh: Đầu gối bị sưng to rõ rệt trong vòng 24 giờ sau chấn thương và kèm theo đó là cảm giác đau nhức khó chịu do bao khớp và dây chằng bên bị tổn thương.
  • Khó khăn khi vận động, đi lại: Khi di chuyển nhanh, người bệnh dễ bị té ngã hoặc sụm gối do khớp gối trở nên lỏng lẻo.
  • Xuất hiện cảm giác “kẹt khớp”: Người bệnh thường xuất hiện các cảm giác như khớp gối bị “trật” hoặc “mắc kẹt” ở một tư thế cố định, buộc phải duỗi hoặc điều chỉnh gối để trở lại trạng thái bình thường.
  • Teo cơ: Tình trạng này khiến đùi bên bị thương nhỏ dần do cơ tứ đầu bị teo. Thực tế, ở những người ít vận động, đặc biệt là nhân viên văn phòng sẽ có nguy cơ teo cơ nhanh hơn, dẫn đến chân yếu đi rõ rệt.
Biểu hiện điển hình của đứt dây chằng chéo trước là các cơn đau nhói và sưng phù nề sau chấn thương.
Biểu hiện điển hình của đứt dây chằng chéo trước là các cơn đau nhói và sưng phù nề sau chấn thương.

4. Cách xử lý khi bị đứt dây chằng chéo trước

Nếu bạn gặp các triệu chứng đau nhức bất thường ở đầu gối, đặc biệt là sau các chấn thương thì đây có thể là dấu hiệu của tổn thương dây chằng chéo trước. Để xử lý đúng cách, bạn hãy thực hiện cách hoạt động sơ cứu an toàn như sau:

  • Bất động khớp gối: Dùng nẹp để tạm cố định khớp gối, tránh cử động để bảo vệ cấu trúc bên trong khớp, hạn chế chảy máu và tổn thương các mô mềm xung quanh.
  • Nâng cao chân hơn tim: Kê cao chân để giảm sưng, hỗ trợ lưu thông máu tốt.
  • Chườm đá: Đặt túi đá lạnh lên vùng đầu gối bị chấn thương để giảm đau và hạn chế tình trạng sưng phù.
  • Dùng thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như: ibuprofen, aspirin, naproxen,… để giảm đau, giảm viêm tạm thời.

Sau khi sơ cứu, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Tại đây, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ thực hiện chẩn đoán hình ảnh thông qua các phương pháp như: chụp X – quang, cộng hưởng từ (MRI),… để kiểm tra tổn thương xương, đánh giá chi tiết mức độ chấn thương của cấu trúc dây chằng và mô mềm.

Bệnh nhân nên cố định tạm thời vùng khớp gối và đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân nên cố định tạm thời vùng khớp gối và đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

5. Các phương pháp điều trị đứt dây chằng chéo trước

Phương pháp điều trị đứt dây chằng chéo trước sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương và nhu cầu vận động của bệnh nhân. Dưới đây là bảng tóm tắt các cách điều trị phổ biến:

Đứt bán phần
  • Nghỉ ngơi
  • Chườm đá
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu và đeo nẹp cố định.
  • Vật lý trị liệu
Đứt toàn phần Phẫu thuật tái tạo dây chằng

Chúng tôi sẽ phân tích từng phương pháp điều trị chi tiết ở nội dung bên dưới để bạn có cái nhìn tổng quan và hiểu rõ hơn về cách phục hồi sau khi bị đứt dây chằng chéo trước.

5.1 Vật lý trị liệu

Phương pháp vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, sưng và cứng khớp cho bệnh nhân điều trị đứt dây chằng chéo trước hoặc phục hồi chức năng sau mổ. Một số phương pháp thường được áp dụng phổ biến bao gồm:

  • Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS): Sử dụng dòng điện áp thấp để kích thích các tế bào thần kinh, tăng cường sản sinh endorphin tự nhiên giúp giảm đau hiệu quả.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng siêu âm để tăng tối đa hấp thu năng lượng của các mô mềm, kích thích các mô sâu bên dưới bề mặt da để làm dịu cơn đau và giảm sưng.
  • Laser: Sử dụng tia laser công suất thấp để giúp thúc đẩy quá trình lành mô nhờ tăng lưu lượng máu đến vùng sụn, xương khớp bị tổn thương.
  • Điện xung: Dùng dòng điện nhẹ để kích thích sự phục hồi mô, giảm viêm và đau. Đồng thời, phương pháp này còn giúp cải thiện tuần hoàn máu và thúc đẩy quá trình tái tạo dây chằng và xương.
  • Di động mô mềm: Sử dụng các kỹ thuật bằng tay tác động lên các vùng cơ bị căng cứng để giúp bệnh nhân thư giãn, giảm đau, cải thiện tính linh hoạt cho các cơ xương khớp ở gối và vùng lân cận.

Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện một số bài tập vận động dưới đây để hỗ trợ phục hồi tầm vận động của khớp gối, giảm viêm và đau sau mổ dây chằng chéo trước:

1 – Bài tập gập duỗi cổ chân

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân ngồi thẳng lưng và duỗi thẳng hai chân.
  • Bước 2: Duỗi bàn chân phải căng nhất có thể về phía trước, đồng thời gập cổ bàn chân trái về phía ngực.
  • Bước 3: Duy trì tư thế này trong khoảng 5 – 10 giây, sau đó đổi bên.

Tần suất: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày.

Bài tập gập duỗi cổ chân
Bài tập gập duỗi cổ chân

2 – Bài tập gập duỗi cổ bàn chân bằng khăn

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân ngồi trên thảm tập và duỗi thẳng hai chân.
  • Bước 2: Dùng dây tập chuyên dụng hoặc dây kháng lực quấn quanh qua lòng bàn chân bị thương.
  • Bước 3: Dùng 2 tay nắm 2 đầu dây và kéo nhẹ lên phía trước. Bệnh nhân cần kéo dây cho đến khi thấy căng ở phía sau bắp chân.
  • Bước 4: Giữ tư thế này từ 15 – 30 giây.

Tần suất: Thực hiện 3 – 5 lần/hiệp, 2 –  3 hiệp/ngày, duy trì ít nhất 4 – 6 tuần.

Gập duỗi cổ bàn chân bằng khăn
Bài tập gập duỗi cổ bàn chân bằng khăn

3 – Bài tập nâng chân ở tư thế nằm sấp

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm sấp, sau đó kê đầu lên gối.
  • Bước 2: Từ từ nhấc chân bị thương lên khỏi mặt đất. Lưu ý khi nhấc chân, bệnh nhân cần giữ thẳng đầu gối bị thương, đồng thời siết chặt mông.
  • Bước 3: Duy trì tư thế này từ 5 – 10 giây rồi hạ xuống.

Tần suất: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, 2 –  3 hiệp/ngày.

Bài tập nâng chân ở tư thế nằm sấp
Bài tập nâng chân ở tư thế nằm sấp.

4 – Bài tập đứng thăng bằng

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân đứng thẳng bằng 2 chân trên trên bục phẳng.
  • Bước 2: Từ từ nhấc chân không bị tổn thương lên cao trong giới hạn chịu đựng và giữ trong 10 giây, rồi hạ xuống.
  • Bước 3: Lặp lại động tác.

Tần suất: 10-15 lần/hiệp, 1-2 hiệp/ngày.

Bài tập đứng thăng bằng
Bài tập đứng thăng bằng

5.2 Dùng thuốc giảm đau

Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc Nonsteroid (NSAID) như: aspirin, ibuprofen, naproxen,…để ức chế khả năng sản sinh chất gây viêm cho cơ thể, hỗ trợ giảm đau, sưng phù nề, đặc biệt là sau mổ.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý sử dụng thuốc đúng liều lượng và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc. Mục đích chính là để hạn chế gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày, gan, thận hoặc gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

5.3 Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được áp dụng cho bệnh nhân bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, đặc biệt là khi tổn thương làm ảnh hưởng đến sụn chêm.

Hiện nay, mổ nội soi là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất vì giúp hạn chế tổn thương cơ và các mô xung quanh. Phương pháp này thực hiện qua một hoặc hai vết rạch nhỏ trên đầu gối, kết hợp ghép dây chằng mới được lấy từ gân bánh chè hoặc gân khoeo để thay thế dây chằng bị đứt.

Có thể bạn quan tâm: Bài tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước

6. Giải đáp các câu hỏi thường gặp về đứt dây chằng chéo trước

6.1 Đứt dây chằng chéo trước có thể tự lành không?

Dây chằng chéo trước không thể tự lành trong trường hợp bị đứt hoàn toàn, đặc biệt là khi tổn thương kèm theo rách sụn chêm. Khi đó, phẫu thuật là phương pháp cần thiết để phục hồi chức năng vận động của khớp gối và ngăn ngừa các biến chứng như: thoái hóa khớp gối, teo cơ đùi, mất vững khớp,…

Tuy nhiên, nếu dây chằng chéo trước chỉ bị rách bán phần và không gây tổn thương sụn chêm (hoặc vết rách sụn chêm nhỏ) thì dây chằng vẫn có khả năng tự lành khi người bệnh tuân thủ phác đồ phục hồi chức năng phù hợp.

6.2 Đứt dây chằng chéo trước bao lâu thì khỏi?

Thời gian phục hồi dây chằng chéo trước sẽ phục thuộc vào mức độ tổn thương và phương pháp điều trị của người bệnh. Thông thường, sau khi phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, người bệnh sẽ mất khoảng 6 – 8 tháng để dây chằng phục hồi. Khoảng thời gian này bao gồm quá trình biến đổi mảnh ghép thành dây chằng chéo trước thực thụ và thời gian tập hồi phục chức năng để khôi phục khả năng vận động của khớp gối.

Bệnh nhân thực hiện các phương pháp phục hồi dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật viên sẽ mang đến hiệu quả hồi phục cao hơn.
Bệnh nhân thực hiện các phương pháp phục hồi dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật viên sẽ mang đến hiệu quả hồi phục cao hơn.

6.3 Đứt dây chằng chéo trước có nguy hiểm không?

Câu trả lời là có. Tình trạng đứt dây chằng chéo trước có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ cơ xương khớp. Bên cạnh hậu quả làm lỏng lẻo khớp gối, người bệnh đứt dây chằng chéo trước còn dễ gặp phải các biến chứng như: teo cơ đùi, thoái hóa khớp gối, suy giảm chức năng vận động theo thời gian,…

6.4 Đứt dây chằng chéo trước có biến chứng gì không?

Câu trả lời là có. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, đứt dây chằng chéo trước có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Rách sụn chêm.
  • Lỏng khớp và mất ổn định khớp gối.
  • Hạn chế khả năng vận động.
  • Đau đầu gối dai dẳng.
  • Thoái hóa khớp gối.
  • Teo cơ đùi.

Tìm hiểu về các di chứng sau mổ trong bài viết: 9 biến chứng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước

6.5 Làm thế nào để ngăn ngừa rách dây chằng chéo trước?

Để ngăn ngừa rách dây chằng chéo trước, bạn chú ý đến các biện pháp sau :

  • Thường xuyên vận động trong ngưỡng cho phép của cơ thể, không vận động quá sức để duy trì tốt thể lực, tăng sự linh hoạt cho các xương khớp và giảm nguy cơ chấn thương do các cử động đột ngột.
  • Sử dụng đai nẹp bảo vệ khớp gối khi chơi các môn thể thao có mức độ va chạm cao như: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bầu dục,…
  • Khởi động trước khi thi đấu hoặc chơi thể thao bằng các bài tập kéo giãn cơ. Mục đích là để làm tăng thân nhiệt, giúp cơ thể thích nghi quen dần đồng thời hỗ trợ các khớp hoạt động trơn tru hơn.
  • Không giảm tốc độ đột ngột khi chạy, đặc biệt là lúc đổi hướng vì điều này có thể làm tăng áp lực lên dây chằng.
  • Chú ý đến tư thế tiếp đất khi tham gia các hoạt động như: chạy, nhảy hoặc xoay người. Bạn nên tiếp đất bằng nửa bàn chân trước và giữ đầu gối hơi cong để giảm lực tác động lên dây chằng.
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm giàu canxi cho xương chắc khỏe.

Đứt dây chằng chéo trước nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như: teo cơ, viêm khớp, thoái hóa khớp gối,… ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của hệ cơ xương khớp. Do đó, bệnh nhân cần điều trị sớm để tận dụng “thời gian vàng” phục hồi và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp để giúp phục hồi nhanh và giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Myrehab Matsuoka là trung tâm tiên phong áp dụng phương pháp phục hồi chức năng “lấy vận động làm trung tâm’’, giúp mang lại hiệu quả phục hồi vượt trội so với các phương pháp điều trị truyền thống. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại chuẩn Âu – Mỹ, chúng tôi cam kết mang đến giải pháp phục hồi tối ưu cho bệnh nhân đứt dây chằng chéo trước.

Hãy liên hệ với Myrehab Matsuoka để bắt đầu hành trình phục hồi của bạn ngay hôm nay nhé!

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 25/03/2024Ngày cập nhật: 13/01/2025

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.