9+ bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày theo từng giai đoạn 

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Theo Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Nghệ An: Mâm chày là một bộ phận của xương đầu gối, phần xương đầu trên xương chày khớp với lồi cầu của xương đùi để tạo thành khớp gối. Gãy mâm chày là phần bị gãy hoặc tổn thương ở xương mâm chày, gây ảnh hưởng tới các khớp còn lại. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do lực tác động mạnh và đột ngột vào vùng mâm chày. Tai nạn, chấn thương sinh hoạt hoặc chơi thể thao đều có thể làm vỡ xương.

Những bài tập vật lý trị liệu luôn được bác sĩ đưa vào lộ trình chăm sóc phục hồi chức năng sau phẫu thuật cho các bệnh nhân bị vỡ xương mâm chày. Tập luyện đều đặn và đúng cách những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, trở lại cuộc sống hàng ngày.

Lưu ý: Bệnh nhân không nên tự tập luyện tại nhà khi chưa có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia phục hồi chức năng để tránh tập luyện không đúng cách dẫn tới việc làm chậm quá trình hồi phục tổn thương.

 

Giai đoạn Thời gian sau phẫu thuật Mục tiêu Phương pháp phục hồi
Giai đoạn 1: Chưa chống tỳ sức nặng cơ thể lên chân bị tổn thương

(3 tháng đầu) 

Tuần đầu (1 – 7 ngày đầu)
  • Giảm các cơn đau ở vùng mâm chày bị tổn thương
  • Hạn chế tình trạng phù nề;
  • duy trì sức cơ, trương lực cơ đùi và cẳng chân ở bên chân bị vỡ xương chày;
  • Duy trì tầm vận động cho các khớp xung quanh phần xương vỡ được ghép lại trong khi phần khớp gối ở trạng thái bất động tương đối.
  • Chườm lạnh
  • Tập gấp duỗi khớp cổ chân chủ động
  • Tập co cơ tĩnh
  • Tập nâng chân lên khỏi mặt giường ở tư thế gối duỗi
Tuần thứ 2 – 4
  • Giảm phù nề;
  • Hỗ trợ hệ tuần hoàn để đưa chất dinh dưỡng đi nuôi các tế bào mới, thúc đẩy nhanh quá trình liền sẹo và can xương;
  • Duy trì trương lực cơ, tăng sức mạnh cho phần cơ đùi và cẳng chân ở bên tổn thương mâm chày; t
  • Tăng dần tầm vận động khớp gối ở bên chân tổn thương từ 0° lên tới 65°.
  • Điều trị nhiệt nóng bằng hồng ngoại hoặc túi nhiệt
  • Điều trị bằng từ trường
  • Tiếp tục thực hiện các bài tập ở tuần đầu
  • Tập gấp – duỗi khớp gối
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập
Tuần thứ 5 đến 8
  • Bệnh nhân có thể duỗi tối đa
  • Tăng tầm vận động tối đa, tỳ sức nặng của cơ thể lên chân bị chấn vỡ mâm chày.
  • Điều trị nhiệt nóng và từ trường
  • Tiếp tục tập các bài tập giống các tuần trước
  • Đi nạng
Giai đoạn 2: Được phép chịu sức nặng lên chân tổn thương Tuần thứ 9 -12
  • Tăng tầm vận động khớp gối lên đến 110° và chân tổn thương có khả năng chịu được 25% trọng lượng cơ thể.
  • Điều trị nhiệt nóng và từ trường
  • Bài tập gấp – duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường.
  • Bài tập duỗi khớp gối chủ động và thụ động
  • Đi nạng
Tháng thứ 4 đến tháng thứ 6
  • Hướng tới khả năng tăng tầm vận động khớp gối lên tới 140°.
  • Tăng dần sức nặng lên chân tổn thương dần dần đạt tới 100% trong lượng
    cơ thể.
  • Điều trị bằng nhiệt nóng và từ trường.
  • Tiếp tục các bài tập trên
  • Bài tập gấp duỗi khớp gối chủ động và thụ động
  • Đi bằng nạng/khung tập đi có tì chân tổn thương tăng dần sức nặng để đạt tới 100% trọng lượng cơ thể vào cuối tháng thứ 6.
Từ tháng thứ 7 trở đi
  • Tập đi với dáng đi đúng cách (thẳng người, mở rộng vai).
  • Bắt đầu hòa nhập lại cuộc sống bình thường trước khi vỡ/ gãy mâm chày.
  • Tập dáng đi bình thường, cân đối không nạng.
  • Tập lên xuống cầu thang và đi trên các địa hình phức tạp.
  • Tập đi bộ nhanh hoặc chạy bộ nhẹ nhàng.

1. Giai đoạn 1: Chưa chống tỳ sức nặng cơ thể lên chân bị tổn thương

Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân ở giai đoạn đầu sau phẫu thuật đó là cảm thấy đau, sưng, cứng ở đầu gối khiến cho phạm vi cử động bị hạn chế. Tình trạng này khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơ bắp và sức mạnh của chân, không chịu được trọng lượng sức nặng của toàn bộ cơ thể. Do đó, trong thời gian khoảng 3 tháng đầu, bệnh nhân sẽ dùng nạng để chịu một phần trọng lượng cơ thể, hỗ trợ chân trong việc đi lại. 

Ở giai đoạn 1, lộ trình phục hồi chức năng của bệnh nhân sẽ được chia thành 3 giai đoạn bao gồm: 1 tuần sau phẫu thuật và tuần thứ 2 tới tuần thứ 8. Cụ thể như sau:

1.1 Bài tập PHCN trong tuần 1 sau phẫu thuật (từ ngày 1 – 7)

Các bài tập chân có đơn giản sẽ được áp dụng ở giai đoạn này đó là:

1.1.1 Tập gấp duỗi khớp cổ chân chủ động 

Bệnh nhân nằm thẳng người trên một mặt phẳng, rồi duỗi và gập cổ chân cho từng bên.

Những ngày đầu thực hiện 10 hiệp/lần tập, sau đó tăng dần lên 20 hiệp/lần với tần suất tập: 2 lần/ngày.

Bài tập vận động khớp cổ chân trong quá trình phục hồi chức năng gãy mâm chày
Bài tập vận động khớp cổ chân

1.1.2 Tập co cơ tĩnh (co cơ đẳng trường) 

Người bệnh tập co cơ đùi và cơ cẳng chân 10 lần/lần tập trong vài ngày đầu tiên, sau đó tăng dần lên 20 lượt/lần tập

Tần suất: 2 lần tập/ngày.

Bài tập tập co cơ tĩnh
Bài tập co cơ tĩnh

1.1.3 Tập nâng chân lên khỏi mặt giường ở tư thế gối duỗi

  • Cách tập: Bệnh nhân nâng chân lên khỏi mặt giường ở tư thế gối duỗi và giữ càng lâu càng tốt rồi hạ xuống và nghỉ 5 phút rồi tiếp tục động tác tương tự. 
  • Tần suất: 2 lần tập/ngày.
  • Lưu ý: Trong những ngày đầu, bệnh nhân nên tập 10 lượt/lần tập, rồi sau đó tăng dần lên 20 lượt/lần tập.

Khi các cơn đau trong quá trình luyện tập thuyên giảm, bác sĩ sẽ khuyến khích tập luyện gấp và duỗi gối ở chân tổn thương với biên độ rộng hơn, nhưng vẫn đảm bảo trong phạm vi người bệnh có thể chịu đựng được.

Bài tập nâng chân lên khỏi mặt giường ở tư thế gối duỗi
Nâng chân lên khỏi mặt giường ở tư thế gối duỗi

Bên cạnh những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày co cơ ở chân, bác sĩ sẽ áp dụng thêm phương pháp giảm đau bằng nhiệt lạnh và hướng dẫn người bệnh đặt chân đúng cách. Cụ thể như sau:

  • Giảm đau bằng nhiệt lạnh: Bệnh nhân sẽ được chườm lạnh lên vùng khớp gối mới được phẫu thuật trong khoảng 10 – 15 phút/lần với tần suất từ 3 – 5 lần/ngày. Lưu ý: Sử dụng túi nước đá hoặc túi nước lạnh chườm lên trên lớp băng gạc và lớp khăn lót dày 1cm và không dùng đá lạnh chạm trực tiếp lên da.
  • Cách đặt chân: Người bệnh đưa chân tổn thương lên cao hơn so với mặt giường từ 20 – 30cm sao cho phần cổ chân và đầu gối cao hơn so với phần ngực (mức tim).

Tham khảo thêm càc bài tập phục hồi chức năng đầu gối khác như bài tập cho người bị giãn dây chằng đầu gối hay các bài tập phục hồi dây chằng chéo sau.

1.2 Bài tập PHCN trong tuần thứ 2 – 4 (từ ngày 8 – 30) 

Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày tương tự ở tuần 1 nhưng được điều chỉnh để phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Các bài tập bao gồm

1.2.1 Bài tập gấp – duỗi khớp gối

  • Cách tập: Bệnh nhân sẽ tập gấp và duỗi khớp gối với mức độ khó tăng lên 5° – 10° so với bài tập ở tuần 1 và sử dụng bằng bàn tập theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên.
  • Thời gian tập: 20 phút/lần
  • Tần suất: 2 lần/ngày. 
  • Lưu ý: Nếu sau khi ngừng tập trên 3 giờ mà bệnh nhân vẫn cảm thấy đau hoặc sưng nề, thì đây là dấu hiệu của việc tập quá sức. Khi đó, bệnh nhân cần giảm cường độ ở lần tập sau.

1.2.2 Tập đi bằng nạng/khung tập đi

Bệnh nhân sẽ bắt đầu tập đi lại bằng nạng/khung tập đi nhưng không tì sức nặng lên chân bị tổn thương.

Bệnh nhân sẽ tập đi bằng nạng nhưng không dồn lực tì đè lên đầu gối của chân bị tổn thương trong tuần thứ 2 - 4 sau phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ tập đi bằng nạng nhưng không dồn lực tì đè lên đầu gối của chân bị tổn thương.

Song song với những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng liệu pháp vật lý trị liệu như:

  • Điều trị bằng nhiệt nóng: Bác sĩ sẽ sử dụng bức xạ hồng ngoại hoặc túi nhiệt vào vào khớp gối tổn thương của người bệnh trong 20 phút/lần. Tần suất: 2 – 3 lần/ngày.
  • Điều trị bằng từ trường: Bác sĩ sử dụng điện từ trường vào khớp gối vỡ mâm chày với cường độ 0,8 – 1,5 mT, 20 phút/lần. Tần suất: 2 lần/ngày để kích thích can xương.

Có thể bạn quan tâm: Chấn thương dây chằng đầu gối: Cách nhận biết và điều trị

1.3 Bài tập PHCN trong tuần thứ 5 – 8 

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày tương tự giai đoạn trước nhưng sẽ tăng mức độ khó. Cụ thể như sau:

  • Bài tập co cơ tĩnh
  • Bài tập nâng chân lên khỏi mặt giường 
  • Bài tập gấp – duỗi khớp gối tăng dần mỗi lần gấp tăng 5° – 10° chủ động và thụ động bằng bàn tập trong 20 phút/lần với tần suất 2 lần/ngày.
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi nhưng không dồn toàn bộ trọng lực cơ thể lên chân tổn thương.

Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng nhiệt nóng và điện từ tương tự như giai đoạn tuần 2 – 4.

2. Giai đoạn 2: Giai đoạn được phép chịu sức nặng lên chân tổn thương

2.1 Những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày tháng thứ 3 (Tuần thứ 9 -12)

Liệu pháp vật lý trị liệu ở giai đoạn này tiếp tục là điều trị bằng nhiệt nóng và điện từ trường kết hợp với các bài tập vận động. Bao gồm:

  • Bài tập gấp – duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường.
  • Bài tập gấp – duỗi khớp gối chủ động và thụ động tăng dần để đạt tầm vận động lên tới 110°.
  • Bệnh nhân tiếp tục tập đi bằng nạng/khung tập đi. Ở giai đoạn này bệnh nhân bắt tập tì chân tổn thương tăng dần sức nặng tới 25% trọng lượng cơ thể.
Bệnh nhân sẽ tập đi bằng nạng và tập tì đè lên đầu gối của chân bị tổn thương vào tháng thứ 3 sau phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ tập đi bằng nạng và tập tì đè lên đầu gối của chân bị tổn thương.

2.2 Tháng thứ 4 – 6

Những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày và liệu pháp vật lý trị liệu tương tự các giai đoạn trước. Điểm tăng lên chính là tầm vận động đạt mức mong đợi là 140°.

  • Điều trị bằng nhiệt nóng và từ trường.
  • Bài tập gấp – duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường.
  • Bài tập gấp duỗi khớp gối chủ động và thụ động, tăng dần biên độ để đạt tới tầm vận động bình thường 0° – 140°.
  • Bệnh nhân tiếp tục tập đi bằng nạng/khung tập đi có tì chân tổn thương tăng dần sức nặng để đạt tới 100% trọng lượng cơ thể vào cuối tháng thứ 6.

2.3 Từ tháng thứ 7 trở đi

Những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày cho giai đoạn này sẽ khác với thời gian trước đó. Bao gồm:

2.3.1 Tập dáng đi bình thường

Bệnh nhân tập giữ thăng bằng, bước đi mà không cần tới nạng.

Bài tập dáng đi bình thường
Bài tập dáng đi bình thường

2.3.2 Tập đi bộ hoặc chạy bộ

Bệnh nhân tập đi bộ nhanh hoặc chạy bộ với nhịp độ vừa sức để tập trở lại trạng thái vận động như trước khi bị vỡ mâm chày.

2.3.3 Tập lên xuống cầu thang 

Bệnh nhân sẽ tập các bước đi lên cầu thang hoặc có thể trên các địa hình không bằng phẳng.

Bài tập lên xuống cầu thang
Bài tập lên xuống cầu thang

2.3.4 Bài tập nâng gót chân (Standing Heel Raise)

Tương tự như những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày khác, lợi ích của bài tập này là tăng cường sức mạnh của cơ bắp chân; cải thiện lưu thông máu; tăng phạm vi vận động của khớp mắt cá chân, cải thiện sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp mắt cá chân; tăng cường sự ổn định và hỗ trợ cho khớp, giảm thiểu nguy cơ tái chấn thương. [1]

Cách tập:

  • Đứng thẳng, hai chân mở rộng bằng hông. Bàn chân đặt song song và đều trên mặt sàn. Nếu cần, có thể giữ một bàn hoặc ghế để hỗ trợ thăng bằng.
  • Từ từ nâng gót chân lên khỏi mặt sàn, trong khi vẫn giữ ngón chân tiếp xúc với mặt sàn.
  • Cố gắng nâng cao nhất có thể, nhưng đảm bảo không gây đau hoặc khó chịu. Giữ vị trí nâng cao trong 1 giây.
  • Từ từ hạ gót chân xuống mặt sàn, trở về vị trí bắt đầu.

Thời gian tập: Thực hiện 3 đợt,  mỗi đợt lặp lại 10 – 15 lần.

Bài tập nâng gót chân
Bài tập nâng gót chân sử dụng bàn để hỗ trợ tập luyện.

2.3.5 Bài tập căng cơ tứ đầu (Quadriceps Stretch)

Đây là một trong những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày nhằm duy trì sự linh hoạt thích hợp của cơ chân và giúp cải thiện khả năng uốn cong đầu gối. [2]

Cách tập:

  • Nằm sấp và quấn một chiếc khăn dài hoặc dây dài quanh bàn chân bị đau. 
  • Dùng một tay nắm lấy hai đầu khăn và kéo chân để bàn chân di chuyển gần đến mông hơn. 
  • Giữ tư thế này trong 30 giây, sau đó thư giãn. 

Thời gian tập: Lặp lại 3 lần, mỗi lần 30 giây.

Bài tập căng cơ tứ đầu
Bài tập căng cơ tứ đầu

2.3.6 Bài tập nâng thẳng chân (Straight Leg Raise)

Bài tập có tác dụng cải thiện sức mạnh của cơ gập hông để nâng chân và cơ tứ đầu để ổn định đầu gối. 

Cách tập:

  • Nằm ngửa, một chân cong và một chân duỗi thẳng. 
  • Siết chặt cơ đùi của chân duỗi và nhấc chân lên đồng thời giữ thẳng chân trong suốt thời gian. 
  • Từ từ hạ chân xuống đồng thời giữ chặt cơ đùi và đầu gối thẳng. 

Thời gian tập: Thực hiện 3 đợt,  mỗi đợt lặp lại 10 – 15 lần.

Bài tập nâng thẳng chân
Bài tập nâng thẳng chân

3. Giải đáp các thắc mắc phổ biến cả bệnh nhân sau phẫu thuật kết xương

Câu 1: Vỡ/ Gãy xương chày bao lâu thì tập đi được?

Thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào tùy tình trạng của từng bệnh nhân. Thông thường, nếu bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì sẽ mất khoảng 6 tháng để trở lại hoạt động bình thường. [3]

Câu 2: Những di chứng sau vỡ mâm chày là gì?

Vỡ mâm chày được xem là một trong những tổn thương gãy xương phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều biến chứng và khó khăn trong điều trị. Dù áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật, gãy mâm chày đều có thể ảnh hưởng lâu dài đến chức năng khớp gối của bệnh nhân. Ngoài tổn thương gãy xương, chấn thương vỡ mâm chày có thể đi kèm những di chứng sau:

  • Đau nhức và cứng khớp gối
  • Tổn thương phần mềm nội khớp khác như sụn chêm, sụn khớp, các dây chằng.
  • Thoái hóa khớp

Câu 3: Nên ăn gì sau phẫu thuật vỡ mâm chày để đẩy nhanh quá trình hồi phục?

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp chứa nhiều canxi và vitamin D

Câu 4: Cách tập đi sau gãy xương chày?

Giai đoạn đầu bạn cần tập đi với nạng mà không tì lên chân tổn thương, nên sử dụng 2 nạng để tập đi vững chắc. Sau đó dần dần tăng sức nặng lên chân bị tổn thương từ 25% để đạt đến 100% trong lượng cơ thể vào tháng thứ 6.

Câu 5: Làm sao để đánh giá được mức tì trọng lượng cơ thể lên đầu gối?

Có thể sử dụng cân, bệnh nhân đứng tì chân lên cân và đo lực tì của mình là bao nhiên cân so với trọng lượng cơ thể

Tổng kết

Thời gian phục hồi phần xương mâm chày bị vỡ bằng vật lý trị liệu vào khoảng từ 3 – 6 tháng tùy thuộc vào thể trạng và mức độ kiên trì tập luyện của bệnh nhân. Điều quan trọng là bệnh nhân tích cực, lạc quan và hợp tác với các chuyên gia vật lý trị liệu. 

Nếu bạn muốn nhận tư vấn chi tiết những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày từ chuyên gia, hãy liên hệ tới Myrehab Matsuoka để được các bác sĩ, kỹ thuật viên của chúng tôi hỗ trợ bạn tốt nhất nhé.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 17/06/2024Ngày cập nhật: 19/07/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo