Phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm và 4 lưu ý quan trọng cần biết

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Chương trình phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm thường bắt đầu từ sớm để rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân. Một lộ trình phục hồi phù hợp với tình trạng sức khỏe kết hợp với tinh thần lạc quan sẽ giúp bệnh nhân có thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng vài tuần. 

Trong bài viết này, chuyên gia Myrehab Matsuoka sẽ giúp bạn có góc nhìn tổng quan về 4 giai đoạn phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm cùng những lưu ý quan trọng về chăm sóc người bệnh. 

1. 5 yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phục hồi sau mổ rách sụn chêm

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sỹ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka, kết quả phục hồi của bệnh nhân rách sụn chêm dựa vào các yếu tố sau: vị trí rách, phương pháp mổ rách sụn chêm, độ tuổi, cân nặng và tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. 

Hiểu rõ về từng yếu tố sẽ giúp bệnh nhân chủ động và lạc quan hơn trong quá trình điều trị và phục hồi. Thông tin cụ thể về các yếu tố như sau:

1 – Vị trí rách sụn chêm

  • Rách ở vùng sụn chêm ngoài: Đây là vùng có nhiều mạch máu nuôi, vì vậy, sụn chêm rách có khả năng hồi phục nhanh nếu phát hiện sớm và điều trị đúng.
  • Rách ở vùng sụn chêm giữa: Đây là vùng trung gian nên số lượng mạch máu sẽ giảm so với vùng ngoài. Phần sụn chêm rách ở vùng này có khả năng lành nhưng tỷ lệ không cao ngay cả khi điều trị đúng phương pháp. 
  • Rách ở vùng sụn chêm trong cùng: Đây là vùng vô mạch nên phần sụn chêm rách ở đây sẽ không có khả năng phục hồi. Do đó, phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt phần sụn chêm bị rách.
Thời gian hồi phục sẽ chịu ảnh hưởng từ vị trí rách sụn chêm
Vị trí rách của sụn chêm sẽ ảnh hưởng tới thời gian phục hồi.

2 – Phương pháp phẫu thuật sụn chêm: Tùy vào tình trạng rách của sụn chêm, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật cắt bỏ sụn chêm, ghép sụn chêm hay khâu sụn chêm. Hiện nay, mổ nội soi khớp gối là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị xâm lấn sụn chêm nhờ khả năng chẩn đoán chính xác, hạn chế tác động tới vùng tổn thương, tăng hiệu quả phục hồi. 

3 – Tuổi tác: Những người trưởng thành khỏe mạnh, có sức đề kháng cao hơn nên thời gian hồi phục sẽ nhanh hơn người lớn tuổi hoặc trẻ em với cùng một chấn thương.

4 – Cân nặng: Bệnh nhân phục hồi chức năng sau phẫu thuật sụn chêm cần duy trì cân nặng phù hợp để giảm áp lực lên vùng gối bị tổn thương.

5 – Tình trạng sức khoẻ: Nếu bệnh nhân gặp phải bất kỳ chấn thương nào khác tại thời điểm rách sụn chêm, điều này có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị và quá trình phục hồi. Ví dụ: Bệnh nhân bị rách sụn chêm và dây chằng chéo trước (ACL) cùng lúc sẽ mất nhiều thời gian phục hồi hơn. Đồng thời, bệnh nhân cần thực hiện nhiều liệu pháp và bài tập phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm hơn để tăng khả năng phục hồi.

Có thể bạn quan tâm: Thoái hoá khớp gối – Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Phục hồi chức năng sau mổ sụn chêm có vai trò quan trọng đối với sự hồi phục sức khỏe ở bệnh nhân
Phục hồi chức năng sau mổ sụn chêm đóng vai trò quan trọng đối với sự hồi phục sức khỏe ở bệnh nhân.

2. 4 giai đoạn phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm

Bảng tóm tắt 4 giai đoạn phục hồi chức năng sau mổ sụn chêm để giúp bạn có hình dung tổng quát về mục tiêu trị liệu của từng giai đoạn.

Giai đoạn phục hồi Mục tiêu
Tuần 1
  • Kiểm soát đau và phù nề.
  • Bắt đầu tập vận động khớp gối ở mức an toàn cho phép (<90 độ).
  • Tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi.
Tuần 2 – tuần 6
  • Phục hồi tầm vận động và sinh cơ học bình thường.
  • Bảo vệ khớp gối tránh vận động quá mức và làm lành vết thương.
  • Lấy lại tầm vận động của khớp, với giới hạn gập gối đến 90º.
  • Bắt đầu tập mạnh sức cơ.
Tuần 6 – tuần 12 
  • Tập chịu trọng lượng vào chân phẫu thuật .
  • Lấy lại hết tầm vận động của khớp gối.
  • Tập mạnh sức cơ.
Từ tháng thứ 4 trở đi
  • Hoạt động chức năng và/hoặc thể thao
  • Bắt đầu tập chạy

Dưới đây là thông tin chi tiết về từng giai đoạn phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm.

2.1. Giai đoạn 1: Bảo vệ tối đa (Tuần 1)

Mục tiêu phục hồi chức năng sau phẫu thuật sụn chêm trong tuần đầu tiên là:

  • Kiểm soát và giảm tình trạng đau, phù nề sau phẫu thuật cho bệnh nhân.
  • Tăng tầm vận động của khớp gối thông qua các bài tập nhẹ nhàng sao cho không vượt quá 90º để tránh sự dịch chuyển quá mức về phía sau của lồi cầu xương đùi trong quá trình gập đầu gối gây ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của sụn chêm.
  • Bệnh nhân được hướng dẫn cách điều chỉnh vị trí của cơ thể để đảm bảo không gây căng thẳng quá mức cho vùng phẫu thuật.
  • Tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi giúp củng cố cơ bắp xung quanh khớp gối, cải thiện sự ổn định và hỗ trợ quá trình lành mạnh của vết thương.
  • Bảo vệ quá trình sửa chữa sau phẫu thuật, khôi phục phạm vi chuyển động của khớp và xử lý tình trạng tràn dịch khớp [1].

Để đáp ứng được những mục tiêu trên, bệnh nhân được bác sĩ trị liệu tư vấn các phương pháp, kỹ thuật sau:

1 – Sử dụng nẹp

  • Loại nẹp được sử dụng có thể là nẹp cố định đầu gối hoặc nẹp đầu gối có bản lề.
  • Bệnh nhân được mang nẹp cả ngày lẫn đêm. 
  • Phần nẹp cần đảm bảo đùi cẳng chân với khớp gối duỗi hoàn toàn tránh làm ảnh hưởng tới sụn chêm được tái tạo. 
  • Sau 1 – 3 tuần, bệnh nhân có thể tháo nẹp đầu gối hoặc dụng cụ cố định khi không đi lại và uốn cong đầu gối
Nẹp cố định phần khớp gối sau mổ rách sụn chêm
Bệnh nhân sử dụng nẹp để cố định phần khớp gối sau phẫu thuật rách sụn chêm.

2 – Sử dụng nạng

  • Bệnh nhân được phát nạng và hướng dẫn đi lại bằng nạng.
  • Bệnh nhân có thể sử dụng nạng hỗ trợ khi đi bộ để phần đầu gối bị tổn thương dần dần chịu được trọng lượng của cơ thể.
  • Khi bệnh nhân không còn cảm thấy đau thì có thể tập cho phần chân tổn thương chịu trọng lượng hoàn toàn.
  • Bệnh nhân có thể mang nẹp duỗi gối trong khi sử dụng nạng để di chuyển.

Lưu ý về thời gian sử dụng nạng:

  • Mổ tái tạo sụn chêm: Bệnh nhân sẽ bỏ nạng sau 4 tuần
  • Mổ cắt sụn chêm: Bệnh nhân có thể bỏ nạng sau 1 – 2 tuần sau phẫu thuật

3 – Chườm lạnh và xoa bóp để giảm sưng phù

  • Bệnh nhân được chỉ định chườm lạnh vùng khớp gối bị rách sụn chêm sau mổ trong 20 phút.
  • Khoảng thời gian cách nhau giữa các lần chườm là 2 tiếng đồng hồ.

4 – Vật lý trị liệu

Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định những bài tập phục hồi sau phẫu thuật sụn chêm vận động nhẹ nhàng cho bệnh nhân nhằm hạn chế tình trạng phù nề, giảm đau, tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh đầu gối và chân, giúp ổn định khớp gối. Cho những ai chưa biết, bài tập vật lý trị liệu cũng được áp dụng trong quá trình phục hồi chức năng cũng như điều trị các bệnh liên quan tới đầu gối, kể đến như viêm gân bánh chè, vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối.

Dưới đây là 3 bài tập thường được áp dụng cho bệnh nhân phục hồi chức năng sau phẫu thuật sụn chêm.

Gập duỗi gối: Có thể bắt đầu từ tuần thứ 2 sau phẫu thuật rách sụn chêm. [2]

  • Bệnh nhân tháo nẹp chân và nằm trên giường trị liệu
  • Gập đầu gối sao cho không quá 90º rồi duỗi ra. 
Các bước thực hiện bài tập gập duỗi khớp gối
Bài tập gập duỗi khớp gối

Bài tập gồng cơ đùi [2]

  • Bắt đầu với tư thế gối duỗi hoàn toàn
  • Gồng cơ đùi lên và giữ trong 5 giây.
  • Tập 20 lần/liệu trình, khoảng 3 liệu trình/ngày.
Các bước thực hiện bài tập gồng cơ đùi
Bài tập gồng cơ tứ đầu đùi

Bài tập duỗi thẳng khớp gối ở tư thế nằm hoặc ngồi [2]

  • Bắt đầu với tư thế nằm hoặc ngồi
  • Từ từ tập duỗi thẳng khớp gối và giữ yên trong 5 phút.
  • Tập 3 lần/ngày.
Các bước thực hiện bài tập duỗi thẳng khớp gối
Bài tập duỗi thẳng khớp gối

Lưu ý

  • Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian được chỉ định, cũng như tuân thủ các hạn chế về hoạt động và vận động.
  • Duy trì vết mổ sạch sẽ và khô ráo để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tránh những hoạt động quá mức hoặc chuyển động mạnh mẽ có thể gây căng thẳng cho vùng phẫu thuật.
Bệnh nhân được chỉ định sử dụng nạng và nẹp trong 1 tuần sau phẫu thuật
Bệnh nhân được chỉ định sử dụng nạng và nẹp trong 1 tuần sau phẫu thuật để bảo vệ phần gối bị tổn thương.

2.2. Giai đoạn 2: Bảo vệ trung bình (Tuần 2 – tuần 6)

Mục tiêu phục hồi chức năng sau mổ sụn chêm từ tuần 2 – 6 là:

  • Bảo vệ khớp gối tránh vận động quá mức và làm lành vết thương.
  • Lấy lại tầm vận động của khớp, với giới hạn gập gối đến 90º .
  • Bắt đầu tập mạnh sức cơ.

Để đáp ứng được những mục tiêu trên, bệnh nhân được bác sĩ trị liệu tư vấn các phương pháp, kỹ thuật sau:

1 – Tiếp tục sử dụng nạng và nẹp

  • Tiếp tục đi nạng với chịu trọng lượng một phần (nên tiếp tục chịu trọng lượng chạm ngón nếu mổ khâu nối, rách ở cách sừng,…)
  • Tiếp tục sử dụng nẹp khoá gối với góc mở 0 – 30 độ, tăng dần góc mở khi hoạt động cơ tứ đầu tốt.
  • Nếu thấy đau khớp gối, giảm trọng lượng tỳ vào chân phẫu thuật. Có thể gấp gối khi ngồi.
  • Sau 4 tuần có thể bỏ nẹp duỗi gối khi đi lại.

2 – Vật lý trị liệu

Ở giai đoạn này, bệnh nhân phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm sẽ được chỉ định thực hiện những bài tập vận động nhẹ nhưng có mức độ cao hơn giai đoạn 1. Ví dụ:

1. Gồng cơ tứ đầu đùi

  • Bắt đầu với tư thế gối duỗi hoàn toàn
  • Gồng cơ đùi lên và giữ trong 5 giây.
  • Lặp lại 20 lần/lượt, mỗi lần giữ 5 giây, tần suất 3 hiệp/ngày.

2. Duỗi thẳng khớp gối

  • Bắt đầu với tư thế nằm hoặc ngồi
  • Từ từ tập duỗi thẳng khớp gối và giữ yên.
  • Giữ mỗi lần 5 phút, 3 lần/ngày.

3. Gập duỗi khớp gối

  • Tập khi tháo nẹp
  • Bắt đầu với tư thế duỗi thẳng chân
  • Từ từ gập gối lại, gập không quá 90º, sau đó từ từ duỗi về tư thế ban đầu
  • Tập 20 lần/lượt, 3 lượt/ngày.

4. Gập duỗi cổ chân 

  • Duỗi thẳng cổ chân sao cho các cơ ở mu bàn chân căng ra xa nhất có thể và giữ trong 5 – 10 giây.
  • Gấp mu bàn chân lên xa nhất sao cho bàn chân tạo thành 1 góc 90 độ.
  • Thực hiện động tác này 4 lần trong 30 giây.
  • Có thể thường xuyên tập luyện trong ngày giúp cổ chân linh hoạt hơn.
Các bước thực hiện bài tập vận động khớp cổ chân
Bài tập vận động khớp cổ chân

5. Dạng khép khớp háng với gối duỗi thẳng.

  • Nằm nghiêng, 2 chân song song với nhau, duỗi thẳng khớp gối
  • Từ từ nâng chân bên trên lên, tạo 1 góc khoảng 30 độ, giữ khoảng 5 – 10 giây
  • Từ từ hạ chân xuống về tư thế ban đầu
  • Lặp lại khoảng 5 – 10 lần, sau đó đổi bên.
Các bước thực hiện bài tập dạng khép khớp háng
Bài tập dạng khép khớp háng

6. Tập chịu trọng lượng lên chân phẫu thuật.

  • Đứng thẳng, 2 chân mở rộng bằng vai
  • Từ từ dồn trọng lượng cả cơ thể vào chân phẫu thuật (lấy chân phẫu thuật làm trụ, thả lỏng chân còn lại)
  • Giữ nguyên khoảng 15 – 30 giây
  • Từ từ về lại tư thế đứng thẳng ban đầu, nghỉ khoảng 15 giây và tiếp tục lặp lại động tác.
Bài tập chịu trọng lực lên chân sau phẫu thuật
Bên chân phải (chân phẫu thuật) sẽ dần dần chịu lực từ cơ thể.

 7. Nhún chân

  • Đứng thẳng, 2 chân mở rộng bằng vai, 2 tay có thể chống lên tường để giữ thăng băng
  • Từ từ kiễng gót chân lên, dồn chịu trọng lượng cơ thế lên mũi chân, giữ 1 giây
  • Từ từ hạ gót chân xuống về lại tư thế ban đầu và lặp lại khoảng 20 lần.
Bài tập nhún chân
Bài tập nhún chân

8. Xuống tấn

  • Tập xuống tấn với gối gấp 45º, giữ 5 giây
  • Từ từ đứng lên về lại tư thế ban đầu
  • Tập khoảng 20 lần/lượt.
Tư thế đứng tấn
Tư thế đứng tấn

Lưu ý khi đi lại: 

  • Bệnh nhân đeo nẹp với gối duỗi thẳng và sử dụng nạng khi đi bộ.
  • Chân phẫu thuật tập chịu trọng lượng cơ thể cho tới khi cảm thấy đau khớp gối thì bệnh nhân giảm trọng lượng tỳ vào.
  • Sau 4 tuần tập đi lại, bệnh nhân phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm có thể gấp gối khi ngồi và có thể bỏ nẹp gối.
Bệnh nhân sẽ tập chịu trọng lực cơ thể lên phần chân phẫu thuật ở giai đoạn 2
Ở giai đoạn 2, bệnh nhân sẽ tập chịu trọng lực cơ thể lên phần chân phẫu thuật.

2.3. Giai đoạn 3: Trở lại hoạt động nhẹ (Tuần 6 – tuần 12)

Mục tiêu phục hồi sau phẫu thuật sụn chêm ở giai đoạn này là:

  • Chịu trọng lượng hoàn toàn vào chân phẫu thuật.
  • Lấy lại hết tầm vận động của khớp gối.
  • Tập mạnh sức cơ.

Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiếp tục tập các bài tập ở giai đoạn trên với tần suất cao hơn và giảm thời gian sử dụng các phụ kiện hỗ trợ như nạng hay nẹp chân.

Một số bài tập phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm được áp dụng giai đoạn 3 như sau:

  1. Gập duỗi khớp gối chủ động để lấy lại tầm vận động bình thường.
  2. Bệnh nhân tập đi bộ chậm mà không có nạng
  3. Tập đứng chịu lực hoàn toàn trên chân phẫu thuật.
  4. Tập xuống tấn: Mini-squat nhỏ hơn 60 độ gập gối/squat với bóng, trượt tường.
  5. Tập đứng lên từ từ từ tư thế ngồi trên ghế.
  6. Gập duỗi gối có sức cản trên máy tập hoặc dụng cụ trợ giúp tránh không được xoắn vặn khớp gối.
  7. Tập lên xuống cầu thang.
  8. Tập đạp xe đạp từ 10 tới 20 phút.
Lưu ý: Ở giai đoạn 3, bệnh nhân chưa nên chạy và chơi thể thao trở lại.
Bệnh nhân tập lên xuống cầu thang dưới sự hướng dẫn và quan sát của kỹ thuật viên tại Myrehab Matsuoka
Bệnh nhân tập lên xuống cầu thang dưới sự hướng dẫn và quan sát của kỹ thuật viên.

2.4. Giai đoạn 4: Hoạt động – Duy trì (Từ tháng thứ 4)

Sau 4 tháng, bệnh nhân phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm đã bắt đầu hồi phục gần như hoàn toàn. Thời điểm này, bệnh nhân bắt đầu tập chạy bộ từ từ để khớp gối bắt đầu làm quen với nhịp độ vận động nhanh hơn. 

Sau khoảng 6 tháng phục hồi chức năng sau mổ sụn chêm, bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động thể thao bình thường như trước phẫu thuật. 

3. Lưu ý trong quá trình chăm sóc bệnh nhân sau mổ sụn chêm

3.1. Chú ý các biến chứng có thể xuất hiện sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng ảnh hưởng đến quá trình trị liệu và phục hồi như: tổn thương thần kinh mác, thần kinh hiển, các mạch máu nằm ở phía sau khớp gối,… [3]

Bệnh nhân nên theo dõi quá trình phục hồi và đi khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời. 

3.2. Chăm sóc vết mổ đúng cách để kiểm soát nhiễm trùng

Trong các giai đoạn phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm, bệnh nhân cần được chăm sóc vết mổ đúng cách để tránh những biến chứng không mong muốn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng từ bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan: 

  • Vết mổ cần được giữ sạch và khô ráo để ngăn ngừa nhiễm trùng: Sử dụng băng bó và gạc sạch để bảo vệ vết mổ khỏi tác động bên ngoài.
  • Theo dõi các triệu chứng của nhiễm trùng như sưng, đỏ, đau, hay tổn thương da xung quanh vết mổ. Bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường.
  • Tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh tay và vệ sinh cơ thể: Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng sau mổ.
  • Tránh tiếp xúc với chất bẩn và vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng cho vết mổ.

Một số trường hợp vận động mạnh trở lại làm khớp gối bị sưng phù, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trị liệu về việc sử dụng các thuốc bổ sung cần thiết (thuốc kháng viêm, chống phù nề), ngừng các hoạt động mạnh, chườm lạnh. 

Việc vệ sinh đúng cách vùng da tổn thương sau mổ tránh ảnh hưởng đến kết quả hồi phục
Vệ sinh đúng cách vùng da tổn thương sau mổ giúp bệnh nhân tránh bị nhiễm trùng, ảnh hưởng tới kết quả hồi phục.

3.3. Duy trì chế độ ăn uống dinh dưỡng 

Bệnh nhân chế độ ăn uống cân đối 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để cơ thể có đủ dưỡng chất cho các hoạt động sống và thúc đẩy quá trình phục hồi và tái tạo tế bào.

Đặc biệt, bệnh nhân nên tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu chất xơ và dễ tiêu hóa để hỗ trợ tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.

3.4. Luôn trấn an tinh thần và tâm lý bệnh nhân

Người thân của bệnh nhân nên quan tâm, lắng nghe những chia sẻ,  lo lắng hoặc băn khoăn của bệnh nhân về quá trình phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm. Việc này sẽ giúp bệnh nhân giữ được tinh thần lạc quan, tích cực trong suốt quá trình phục hồi rách sụn chêm.

4. Câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm

Câu 1: Mổ sụn chêm đầu gối bao lâu thì hồi phục?

Hầu hết mọi người có thể đi lại bằng nạng ngay sau khi phẫu thuật sụn chêm. Nhiều người trở lại hoạt động bình thường trong vòng 4 – 6 tuần hoặc có thể lên tới 6 tháng đối với những ca phẫu thuật rách sụn chêm phức tạp. [4]

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật sụn chêm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ chấn thương, phương pháp phẫu thuật (cắt bỏ sụn chêm, ghép sụn chêm hay khâu sụn chêm), mức độ hoạt động hàng ngày của bạn. 

Câu 2: Bệnh nhân nên tránh thực hiện bài tập nào trong quá trình phục hồi?

Trong vài tuần đầu tiên ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm, bệnh nhân cần tránh gập hoặc duỗi gối hoặc ngồi duỗi thẳng khớp gối. Bệnh nhân cần thực hiện các hoạt động không gây đau theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.

Câu 3: Cắt bỏ sụn chêm có sao không?

Câu trả lời là không sao. Trong trường hợp bệnh nhân bị rách 2/3 sụn chêm bên trong gây đau nhức cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi để cắt bỏ. Phương pháp này giúp giảm đau cho bệnh nhân. [5]

Các bác sĩ, chuyên gia lành nghề sẽ cố gắng bảo tồn càng nhiều mô sụn chêm càng tốt để ngăn ngừa thoái hóa đầu gối lâu dài và cho phép bệnh nhân quay trở lại hoạt động bình thường nhanh chóng nhất có thể.

Tổng kết

Phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm là việc cần thiết đối với tất cả các bệnh nhân để đạt kết quả hồi phục như mong muốn, trong thời gian ngắn nhất. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên lựa chọn trung tâm phục hồi chức năng uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng và có lộ trình phục hồi mang tính cá nhân hóa, hiệu quả cao. 

Nếu bạn muốn nhận tư vấn chi tiết phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm từ chuyên gia, hãy liên hệ tới Myrehab Matsuoka để được các bác sĩ, kỹ thuật viên của chúng tôi hỗ trợ bạn tốt nhất nhé.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 18/05/2024Ngày cập nhật: 07/07/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo