Rách dây chằng chéo sau có cần mổ không?

Tác giả: Myrehab - MatsuokaTham vấn y khoa: Th.s BSVũ Thị Hằng

Rách dây chằng chéo sau nếu không được điều trị đúng cách có khả năng gây ra biến chứng ở khớp gối, cản trở khả năng vận động. Vậy rách dây chằng chéo sau có cần mổ không? Tùy vào tình trạng chấn thương và nhu cầu phục hồi của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để giúp quá trình phục hồi hiệu quả hơn, khôi phục khả năng đi lại, sinh hoạt bình thường.

1. Rách dây chằng chéo sau khi nào cần mổ?

Dây chằng chéo sau (PCL) là dải mô ở đầu gối, nối xương ống quyển và xương đùi để ổn định khớp. Khi dây chằng chéo sau bị đứt hoàn toàn, khiến cho khớp gối mất vững và tổn thương cùng các dây chằng khác ở đầu gối hoặc khi điều trị bảo tồn không hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra sẽ còn nhiều yếu tố khác để bác sĩ quyết định có cần tiến hành phẫu thuật hay không. Cụ thể:

1 – Theo cấp độ tổn thương: Dựa theo mức độ nghiêm trọng, rách dây chằng chéo sau có thể được phân loại thành 4 cấp độ như sau:

  • Độ I: Dây chằng chéo sau bị rách một phần.
  • Độ II: Dây chằng bị rách một phần, đầu gối lỏng lẻo hơn độ I.
  • Độ III: Dây chằng chéo bị đứt hoàn toàn, khớp gối mất vững.
  • Độ IV: Dây chằng sau bị tổn thương đồng thời với dây chằng khác ở đầu gối.

Người bệnh rách dây chằng chéo sau thường có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật để nối dây chằng đối với trường hợp tổn thương cấp độ III trở lên, dây chằng bị đứt hoàn toàn giữa thân hoặc các điểm bám, khớp mất vững nhiều và ảnh hưởng đến chuyển động đi lại, tổn thương đồng thời các dây chằng khác hoặc sụn khớp, xương.

2 – Điều trị bảo tồn thất bại: Đối với các trường hợp nhẹ hơn, người bệnh có thể tiến hành điều trị bảo tồn theo các phương pháp như nẹp, trị liệu RICE (Nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép, nâng cao) hoặc tập phục hồi chức năng. Sau quá trình điều trị trong 3 – 6 tháng, nếu tình trạng khớp gối không được cải thiện, vẫn còn đau nhức, khớp lỏng lẻo thì có thể được chỉ định tiến hành phẫu thuật.

3 – Thường xuyên phải hoạt động thể chất cường độ cao: Người bị rách dây chằng chéo sau nếu phải thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao như vận động viên thể thao, người thường lao động nặng,… có thể được khuyến khích thực hiện phẫu thuật để phục hồi chức năng khớp toàn diện hơn, hạn chế nguy cơ tái phát, tạo điều kiện để người bệnh quay trở lại sinh hoạt, làm việc như bình thường.

4 – Tổn thương PCL mạn tính gây biến chứng: Trong trường hợp người rách dây chằng chéo sau không được điều trị đúng cách và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rách sụn chêm, thoái hóa khớp gối,… thì người bệnh cần tiến hành phẫu thuật để khắc phục những vấn đề đối với khớp gối. Trường hợp rách dây chằng chéo sau khiến mâm chày bị trượt, gây biến dạng khớp gối cũng có thể được yêu cầu phẫu thuật chỉnh hình.

5 – Mong muốn của bệnh nhân: Phẫu thuật cũng có thể được tiến hành cho người bệnh, đặc biệt là người trẻ, có mong muốn phẫu thuật để phục hồi hiệu quả hơn khả năng hoạt động của khớp gối, hạn chế nguy cơ biến chứng và thoái hóa khớp trong tương lai.

Phẫu thuật đứt dây chằng chéo sau đầu gối có thể được chỉ định tùy thuộc vào nhiều yếu tố
Phẫu thuật rách dây chằng chéo sau đầu gối có thể được chỉ định tùy thuộc vào nhiều yếu tố

2. Các trường hợp không chỉ định phẫu thuật đứt PCL

1 – Bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật: Bệnh nhân lo lắng về rủi ro sau phẫu thuật, chi phí phẫu thuật, thời gian phục hồi,… có thể từ chối phẫu thuật. Bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất. Trong các trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp khác như vật lý trị liệu, sử dụng dụng cụ hỗ trợ.

2 – Người lớn tuổi: Đặc biệt là những người từ 60 tuổi trở lên, thường không được khuyến khích thực hiện phẫu thuật do thời gian phục hồi dài, hiệu quả sau đạt được phẫu thuật không cao, có nguy cơ bị ảnh hưởng do các bệnh lý nền khác như tim mạch, tiểu đường, loãng xương. Người cao tuổi bị rách dây chằng chéo sau có thể được chỉ định thực hiện các phương pháp điều trị bảo tồn như tập luyện tăng cường cơ quanh khớp, tập thăng bằng.

3 – Người ít vận động: Trường hợp bệnh nhân không có yêu cầu sử dụng khớp gối ở cường độ cao như vận động viên chuyên nghiệp, người lao động nặng,… thì có thể thực hiện điều trị bảo tồn thay cho các phương pháp phẫu thuật khác, giúp lấy lại khả năng đi lại và vận động mà không tốn nhiều thời gian, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

4 – Đứt PCL nhưng khớp gối vẫn ổn định: Khớp không mất vững nhiều, không gặp tổn thương ở các dây chằng khác, vẫn duy trì khả năng hoạt động bình thường thì bác sĩ sẽ ưu tiên các phương pháp phục hồi chức năng và tăng cường sức mạnh cơ bắp hơn so với phẫu thuật.

Người bệnh chưa mất vững khớp gối có thể thực hiện các phương pháp điều trị bảo tồn thay cho phẫu thuật
Người bệnh chưa mất vững khớp gối có thể thực hiện các phương pháp điều trị bảo tồn thay cho phẫu thuật

3. Giải đáp các câu hỏi thường gặp

Câu 1: Rách dây chằng chéo sau có tự lành được không?

Đối với trường hợp người bệnh bị rách bán phần dây chằng chéo, vết thương không thể tự lành sau thời gian nghỉ ngơi mà cần có biện pháp để giúp dây chằng khỏe mạnh hơn. Việc thực hiện các phương pháp tập luyện chuyên biệt theo hướng dẫn của chuyên gia có thể làm giảm các triệu chứng đau nhức, đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

Trong trường hợp dây chằng bị đứt nghiêm trọng đi kèm với những dấu hiệu mất vững khớp gối và các tổn thương phức tạp, người bệnh cần tiến hành phẫu thuật để phục hồi hiệu quả hơn, hạn chế những biến chứng nguy hiểm và nguy cơ thoái hóa khớp trong tương lai.

Câu 2: Mổ rách dây chằng hết bao nhiêu tiền?

Phẫu thuật tái tạo dây chằng là một phẫu thuật phức tạp nên thường có chi phí cao. Phẫu thuật nội soi có thể dao động trong khoảng 60 – 70 triệu đồng, hoặc khoảng 30 – 35 triệu đồng nếu có bảo hiểm y tế. Các phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau và sụn chêm có thể dao động trong khoảng 65 – 75 triệu đồng, hoặc khoảng 35 – 40 triệu đồng nếu có bảo hiểm y tế.

Câu 3: Mổ dây chằng chéo sau bao lâu đi lại được?

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật dây chằng chéo sau như sau:

  • Trong vòng 2 tuần: Người bệnh thường phải phụ thuộc vào nạng khi đi lại, tuyệt đối không bỏ nạng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Sau 2 – 3 tuần: Người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng và bắt đầu thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường.
  • Sau 6 – 8 tuần: Người bệnh có thể thực hiện các công việc nặng nhọc, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, tuy nhiên vẫn cần để cho khớp gối nghỉ ngơi thường xuyên để tránh áp lực lên khớp.
  • Sau 6 – 8 tháng: Có thể hồi phục hoàn toàn khi kết hợp thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp có thể cần đến 7 – 9 tháng để hồi phục hoàn toàn và quay trở lại tập luyện với cường độ cao như trước.

Sau phẫu thuật, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi kết hợp với thực hiện các biện pháp trị liệu phục hồi chức năng và bài tập sau mổ dây chằng chéo sau để quá trình phục hồi hiệu quả hơn.

Thực hiện phục hồi chức năng sau phẫu thuật có thể giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi
Thực hiện phục hồi chức năng sau phẫu thuật có thể giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi

Câu 4: Cần lưu ý gì khi PHCN sau phẫu thuật dây chằng chéo sau?

Mổ tái tạo dây chằng chéo sau là một phẫu thuật khó vì dây chằng chéo sau nằm ở vùng khoeo chân gần động mạch khoeo, nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật có thể gây tổn thương mạch và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh có nguy cơ gặp một số rủi ro sau phẫu thuật dây chằng chéo sau như:

  • Cơn đau không được cải thiện và vẫn tiếp diễn, đi kèm với các triệu chứng sưng, nóng đỏ khớp.
  • Xuất huyết, hình thành cục máu đông.
  • Nhiễm trùng vết mổ.
  • Cứng khớp, yếu đầu gối, teo cơ, hạn chế phạm vi chuyển động khớp gối.
  • Trường hợp phẫu thuật dây chằng chéo sau ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển, gây rút ngắn xương ở trẻ.

Để hỗ trợ quá trình phục hồi sau phẫu thuật dây chằng chéo sau diễn ra hiệu quả hơn, người bệnh nên chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Dưới đây là những loại thực phẩm có lợi dành cho người bệnh sau phẫu thuật:

  • Thực phẩm giàu protein: Có nhiều trong thịt gà, cá, trứng, các loại đậu,… hỗ trợ tái tạo mô cơ và dây chằng để thúc đẩy quá trình lành vết thương.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin là chất kháng viêm tự nhiên, đồng thời hỗ trợ tổng hợp collagen để tái tạo mô. Bổ sung vitamin C qua cam, chanh, ổi, kiwi, ớt chuông, bông cải xanh,…
  • Thực phẩm giàu Omega-3: Các loại cá hồi, cá ngừ, hạt chia, quả óc chó,… chứa axit béo omega-3 lành mạnh, có tác dụng kháng viêm và hỗ trợ chống oxy hóa, ngăn ngừa tác nhân gây hại cho vết thương.
  • Sữa: Sữa tươi là nguồn bổ sung dồi dào canxi và khoáng chất cần thiết đối với xương khớp, có thể hỗ trợ quá trình phục hồi sau phẫu thuật.
  • Rau xanh, hoa quả: Đây là nguồn dồi dào các vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho quá trình tái tạo mô, ngăn ngừa oxy hóa để hạn chế tổn thương, kháng viêm.
Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh hỗ trợ quá trình phục hồi sau phẫu thuật dây chằng
Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh hỗ trợ quá trình phục hồi sau phẫu thuật dây chằng

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, tình trạng sức khỏe, nhu cầu phục hồi, đặc thù công việc mà bác sĩ có thể chỉ định rách dây chằng chéo sau có cần mổ không hay thực hiện các phương pháp điều trị bảo tồn khác. Người bệnh nên thực hiện phục hồi chức năng cả khi không hoặc có phẫu thuật để góp phần giảm các triệu chứng an toàn và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Việc phục hồi chức năng rách dây chằng chéo sau cần tiến hành dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia. Trung tâm MYREHAB MATSUOKA là địa chỉ uy tín, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện đối với tổn thương dây chằng chéo sau. Đến với MYREHAB MATSUOKA, người bệnh sẽ được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để đề ra lộ trình điều trị cá nhân hóa với các phương pháp trị liệu và bài tập được thiết kế riêng.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được tiến hành tập luyện với hệ thống trang thiết bị hiện đại nhập khẩu từ châu Âu, các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ theo sát 1:1 với bệnh nhân để đảm bảo hiệu quả luyện tập.

Đến ngay Trung tâm MYREHAB MATSUOKA nếu gặp các vấn đề tổn thương về dây chằng để được áp dụng các phương pháp phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 21/03/2024Ngày cập nhật: 13/01/2025

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.