Teo cơ sau mổ dây chằng chéo là tình trạng giảm kích thước và khối lượng cơ liên quan ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi chức năng của người bệnh. Tình trạng này không chỉ làm giảm khả năng vận động mà còn có nguy cơ để lại những biến chứng lâu dài nếu không được can thiệp và khắc phục kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn những thông tin cơ bản về nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa, điều trị teo cơ hiệu quả.
1. Nguyên nhân dẫn đến teo cơ sau mổ dây chằng chéo
Teo cơ là một trong những biến chứng sau mổ dây chằng chéo xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ yếu tố sinh lý đến thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của người bệnh.
1.1. Bất động nhiều ngày
Sau phẫu thuật dây chằng chéo, vùng tổn thương thường được cố định bằng bó bột hoặc nẹp để đảm bảo quá trình lành vết thương diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, việc không vận động trong thời gian dài dẫn đến quá trình chuyển hóa và trao đổi chất ở cơ bị hạn chế, thậm chí ngưng trệ. Điều này khiến cơ dần teo nhỏ và mất đi khối lượng.
1.2. Người bệnh lười vận động
Khi vết thương đã lành, người bệnh cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để khôi phục chức năng và phát triển cơ bắp. Nếu không tuân thủ chế độ vận động, các cơ sẽ không được kích thích và dần bị teo nhỏ do thiếu hoạt động.
1.3. Tổn thương thần kinh
Trong một số trường hợp, phẫu thuật hoặc chấn thương trước đó có thể gây tổn thương đến các dây thần kinh chi phối cơ chân. Khi tín hiệu thần kinh từ não đến cơ bị gián đoạn, khả năng vận động của cơ giảm sút, dẫn đến hiện tượng teo cơ.
1.4. Thiếu dinh dưỡng
Protein là thành phần quan trọng giúp xây dựng và sửa chữa các mô cơ sau phẫu thuật. Nếu người bệnh không được cung cấp đủ protein và các dưỡng chất cần thiết trong chế độ ăn, quá trình phục hồi sẽ bị chậm lại và nguy cơ teo cơ tăng cao.
1.5. Các yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân trên, các yếu tố như tuổi tác hay bệnh lý nền (tiểu đường, bệnh tim mạch,…) cũng góp phần làm tăng nguy cơ teo cơ sau phẫu thuật. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và duy trì khối lượng cơ của người bệnh.
2. Cách khắc phục và phòng ngừa teo cơ
2.1. Tập vật lý trị liệu
Đây là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa và khắc phục tình trạng teo cơ. Các bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt của khớp gối và phục hồi chức năng của khớp.
Bài 1: Nhón chân
- Bước 1: Bắt đầu ở tư thế đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai.
- Bước 2: Từ từ nhấc cả hai gót chân lên, đứng trên đầu ngón chân, đầu gối thẳng.
- Bước 3: Giữ nguyên như vậy trong khoảng 5 đến 10 giây. Từ từ hạ gót chân xuống.
Tần suất: Lặp lại 10 – 15 hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày.
Bài 2: Nửa ngồi xổm
- Bước 1: Bắt đầu ở tư thế đứng, hai chân rộng bằng vai.
- Bước 2: Từ từ cong đầu gối và hạ hông xuống tư thế nửa ngồi xổm.
- Bước 3: Giữ nguyên trong 5 giây rồi từ từ trở về tư thế đứng. Lặp lại 10 lần.
Bài 3: Đứng trên một chân
- Bước 1: Bắt đầu ở tư thế đứng, hai tay bám vào một chiếc bàn chắc chắn.
- Bước 2: Nâng chân không bị thương lên và đứng trên chân bị thương.
- Bước 3: Duy trì tư thế trong 10 – 30 giây rồi hạ chân xuống.
Lặp lại bài tập 10 lần. Để tăng cường độ bài tập, bạn có thể không sử dụng bàn để hỗ trợ và duy trì tư thế trong thời gian lâu hơn.
Bài 4: Tấn một nửa
Lợi ích: Hỗ trợ hồi phục cơ dép và phần dưới của bắp chân
- Bước 1: Đứng thẳng, tiến về phía trước nửa bước.
- Bước 2: Giữ trọng lượng phân bố đều trên cả 2 bàn chân và gót chân.
- Bước 3: Từ từ gập 2 đầu gối sao cho đầu gối chân sau gần chạm xuống mặt đất và giữ tư thế trong khoảng 30 giây rồi lặp lại với chân còn lại.
Tần suất: Thực hiện 30 giây/lần, 10 lần/buổi.
Bài 5: Bài tập với máy tập mạnh cơ tứ đầu
- Bước 1: Ngồi lên máy, lưng dựa sát vào đệm tựa lưng, điều chỉnh vị trí con lăn và chọn mức nâng phù hợp.
- Bước 2: Hít vào, từ từ duỗi thẳng chân về trước, tập trung siết chặt cơ tứ đầu.
- Bước 3: Giữ chân ở vị trí cao nhất trong khoảng 3 – 5 giây, thở ra và từ từ hạ chân về vị trí ban đầu.
Tần suất: Thực hiện 10 – 12 lần/buổi.
Bài 6: Bài tập với máy leg press
- Bước 1: Ngồi lên máy, lưng dựa sát vào đệm tựa lưng, điều chỉnh vị trí bàn đạp và mức kháng lực phù hợp.
- Bước 2: Hít vào, từ từ đẩy bàn đạp ra hết mức.
- Bước 3: Thở ra, từ từ hạ bàn đạp cho đến khi gối gập khoảng 90 độ.
Tần suất: Thực hiện 10 – 12 lần/buổi.
Tìm hiểu thêm về cách tập trong bài viết:
2.2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để hỗ trợ quá trình hồi phục cơ bắp và tái tạo năng lượng sau phẫu thuật, một chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng. Việc cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn đẩy nhanh quá trình lành thương và cải thiện hiệu suất tập luyện.
- Ăn đủ protein: Đặc biệt trong giai đoạn phục hồi, việc đảm bảo đủ lượng protein hàng ngày giúp duy trì và tái tạo cơ bắp một cách hiệu quả. Các thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu là lựa chọn không thể thiếu.
- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất như vitamin D, B12, canxi, magie, kẽm,… cũng góp phần hỗ trợ sức khỏe cơ xương khớp, giảm viêm nhiễm và tăng cường khả năng phục hồi.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả: Trái cây và rau quả cung cấp một lượng lớn vitamin và chất xơ cần thiết, giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện tiêu hóa. Các loại quả như cam, kiwi,… và rau xanh như cải bó xôi, bông cải xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, hỗ trợ quá trình phục hồi mô cơ bị tổn thương.
- Tiêu thụ chất béo lành mạnh: Các loại chất béo từ dầu ô liu, cá hồi, quả bơ và các loại hạt giúp cơ thể duy trì năng lượng bền bỉ, hỗ trợ sự tái tạo mô và giảm viêm.
- Uống nhiều nước: Cơ thể cần đủ nước để tăng cường quá trình trao đổi chất, đào thải độc tố và duy trì sự linh hoạt của cơ bắp. Hãy đảm bảo uống ít nhất 2 – 3 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình hồi phục.
3. Teo cơ sau phẫu thuật dây chằng chéo bao lâu thì hồi phục?
Quá trình hồi phục có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm với tần suất tập ít nhất 3 buổi/tuần và thời gian tập 60 phút/buổi. Nếu tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng và rèn luyện phù hợp, người bệnh có thể dần lấy lại khối lượng cơ đã mất và cải thiện sức mạnh.
4. Teo cơ sau mổ dây chằng chéo có thể hồi phục hoàn toàn được không?
Hầu hết các trường hợp bị teo cơ sau phẫu thuật đều có thể hồi phục hoàn toàn nếu người bệnh có lộ trình tập luyện kết hợp duy trì lối sống lành mạnh và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các chương trình phục hồi chức năng, kết hợp với luyện tập đều đặn và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, không chỉ giúp cơ bắp phát triển mà còn tăng khả năng quay trở lại các hoạt động bình thường của người bệnh.
Teo cơ sau phẫu thuật dây chằng chéo là một vấn đề phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và khắc phục nếu người bệnh hiểu rõ nguyên nhân cũng như áp dụng các biện pháp phục hồi phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ chế độ tập luyện và duy trì dinh dưỡng khoa học để cải thiện sức khỏe cơ bắp và gia tăng khả năng phục hồi toàn diện.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến phục hồi chức năng sau mổ dây chằng chéo, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official