Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka. 

Thoái hóa khớp gối là căn bệnh thường gặp ở những người có tuổi và đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ do lối sống ít vận động. Theo ước tính, mỗi năm có hàng triệu người phải đối mặc với những triệu chứng và biến chứng do căn bệnh này gây ra, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này, hãy cùng Myrehab Matsuoka tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý thoái hóa khớp gối thông qua khái niệm, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị,…

1. Khái niệm thoái hóa khớp gối

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), viêm xương khớp đầu gối (KOA), còn được gọi là bệnh thoái hóa khớp, là kết quả của sự hao mòn và mất dần sụn khớp, thường xảy ra phổ biến ở người cao tuổi.

Viêm xương khớp đầu gối có thể được chia thành hai loại: Nguyên phát (Primary osteoarthritis) và Thứ phát (Secondary osteoarthritis). 

  • Viêm xương khớp nguyên phát là tình trạng thoái hóa khớp mà không có nguyên nhân rõ ràng. 
  • Viêm xương khớp thứ phát là hậu quả của sự tập trung lực bất thường trên khớp như nguyên nhân sau chấn thương hoặc sụn khớp bất thường, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp (RA).

Theo thống kê của Hội Cơ xương khớp Việt Nam năm 2023, tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp ở nước ta đứng top đầu thế giới với trên 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi. Các nghiên cứu trên bệnh nhân khớp cho thấy chỉ sau 5 năm phát bệnh, 60% bệnh nhân sẽ bị mất chức năng lao động bình thường và 16% bệnh nhân mất chức năng đi lại.

Giải đáp ngắn gọn thoái hóa khớp gối là gì: Thoái hóa khớp gối là kết quả của sự hao mòn và mất dần sụn khớp
Giải đáp ngắn gọn thoái hóa khớp gối là gì: Thoái hóa khớp gối là kết quả của sự hao mòn và mất dần sụn khớp

2. Đối tượng dễ mắc thoái hóa khớp gối

Các đối tượng được cho là dễ mắc các bệnh thoái hóa khớp gối bao gồm:

  • Người cao tuổi: Những người lớn tuổi, đặc biệt là người già, được đề cập đến như là nhóm có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối. Do quá trình lão hóa tự nhiên, sụn khớp bị mòn dần, khả năng tái tạo sụn kém đi làm giảm chất lượng của sụn khớp và mất tính linh hoạt.
  • Người lao động nặng nhọc: Những người thường xuyên phải làm việc với công việc đòi hỏi sức lao động chân tay nặng nhọc, công việc phải đứng, ngồi quỳ gập gối nhiều trong thời gian dài,… gây áp lực lên khớp gối, làm tổn thương sụn, xương khớp dẫn đến thoái hóa.
  • Đối tượng ít hay lười vận động: Khi không tham gia vào hoạt động vận động đều đặn, các cơ bắp và mô sụn xung quanh khớp gối sẽ yếu đi và mất độ linh hoạt. Điều này có thể dẫn đến tăng cường áp lực lên khớp gối khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, gây ra thoái hóa và gây đau nhức.
  • Người thừa cân, mắc béo phì: Những người thừa cân, béo phì với chỉ số BMI trên 30 cũng có nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối cao hơn do khớp gối phải chịu áp lực lớn từ cơ thể khi di chuyển..
  • Người từng bị chấn thương khớp gối: Những người đã từng gặp các chấn thương như đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi thường có khớp gối yếu hơn, dẫn đến tăng nguy cơ mắc thoái hóa.
Đối tượng được cho là dễ bị thoái hóa khớp gối bao gồm: người cao tuổi, người lao động nặng nhọc, ít hay lười vận động, ...
Đối tượng được cho là dễ bị thoái hóa khớp gối bao gồm: người cao tuổi, người lao động nặng nhọc, ít hay lười vận động, …

3. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp gối

Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa sụn khớp gối là do tuổi tác và quá trình lão hóa, đặc biệt ở những người có tiền sử làm các công việc có tính chất nặng nhọc. 

3.1. Thoái hóa khớp gối nguyên phát

Dưới đây là những nguyên nhân thoái hóa khớp gối cơ bản và phổ biến nhất:

  • Tuổi tác: Sau độ tuổi trưởng thành, tế bào sụn khớp không còn khả năng sinh sản và tự tái tạo như trước nữa. Đặc biệt, khi tuổi càng cao, quá trình tổng hợp sụn sẽ kém đi, cùng với quá trình lão hóa góp phần đẩy mạnh khả năng thoái hóa khớp.
  • Di truyền: Yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò trong việc làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Theo NCBI, ảnh hưởng di truyền của căn bệnh này là từ 35% – 65%. Nếu trong gia đình bạn có người thân mắc căn bệnh này, rất có khả năng, bạn cũng sẽ bị thoái hóa khớp gối.
  • Nội tiết – sự chuyển hóa cơ thể: Các thay đổi nội tiết, đặc biệt là trong quá trình chuyển hóa cơ thể như giai đoạn mãn kinh, bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây lên các bệnh lý về xương khớp bao gồm thoái hóa khớp gối.
Hình ảnh thoái hóa khớp gối nguyên phát
Thoái hóa khớp gối nguyên phát

3.2. Thoái hóa khớp gối thứ phát

Bên cạnh các nguyên nhân chính dẫn tới bệnh thoái hóa khớp thì còn một số nguyên nhân khác như sau: 

  • Giới tính: Phụ nữ thường có nguy cơ cao hơn so với nam giới do tác động của hormone. Theo NCBI, hormone nữ có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của khớp, tăng nguy cơ gặp chấn thương, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai khi có các thay đổi hormone lớn.
  • Thừa cân: Trọng lượng cơ thể thay đổi, thừa cân làm tăng nguy cơ thoái hóa do áp lực lớn lên khớp, gây mòn sụn và giảm tính linh hoạt.
  • Chấn thương vùng gối lặp đi lặp lại: Các chấn thương hoặc hoạt động lặp đi lặp lại có thể làm suy giảm chất lượng của sụn khớp, gây tổn thương cấu trúc khớp và tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
  • Vận động quá sức: Tác động cơ bản của vận động quá mức có thể làm mất cân bằng và tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
  • Mắc các bệnh về xương khớp khác: Một số bệnh lý khác như viêm khớp, thấp khớp,… có thể gây tổn thương xương khớp, gây mất cân bằng cơ học và kích thích quá trình thoái hóa trong khớp gối.
  • Khớp bị vẹo hoặc từng bị gãy: Các biến đổi cơ bản như vẹo hoặc gãy có thể gây ra các thay đổi không tự nhiên trong cấu trúc và chức năng của khớp. Các thay đổi bao gồm việc tạo ra các điểm áp lực không đều lên bề mặt của khớp, mất cân bằng cơ học, tăng ma sát giữa các bề mặt khớp, gây mài mòn và thoái hóa sụn.
  • Không tập luyện thể dục: Việc lười vận động cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của khớp, khiến cho khớp gối trở lên lỏng lẻo, thiếu dẻo dai và gây ra thoái hóa.
  • Ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn giàu chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa (Saturated fat), chất béo chuyển hóa (Trans fat) và thiếu hụt vitamin D cùng canxi gây ảnh hưởng đến cấu trúc xương đều làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối. 
  • Sử dụng sai cách thuốc Corticoid: Corticoid là một loại thuốc chống viêm mạnh có thể được sử dụng để giảm viêm và đau trong các bệnh lý khớp. Tuy nhiên, sử dụng nó một cách không đúng cách hoặc quá mức có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe của khớp.
Giới tính cũng là một trong những nguyên nhân thoái hóa khớp gối thứ phát
Giới tính cũng là một trong những nguyên nhân thoái hóa khớp gối thứ phát

4. Triệu chứng bệnh thoái hóa khớp gối theo giai đoạn

Thoái hóa khớp gối có 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn lại được đặc trưng bằng các triệu chứng và dấu hiệu khác nhau. Dưới đây là những triệu chứng cụ thể cho các giai đoạn thoái hóa khớp gối:

Hình ảnh minh hoạ các giai đoạn thoái hóa khớp gối
Hình ảnh minh hoạ các giai đoạn thoái hóa khớp gối

4.1. Giai đoạn 1: Viêm hoặc bị tổn thương bên trong

Ở giai đoạn này, mặc dù chỉ có một phần nhỏ của lớp sụn khớp bị mòn, nhưng người bệnh thường không cảm thấy đau nhức hay khó chịu đầu gối. Khe khớp vẫn chưa thu hẹp và không có dấu hiệu rõ ràng, nhưng gai xương đã bắt đầu hình thành. Sự phát triển của gai xương có thể gây đau khi gập và duỗi cẳng chân, tuy nhiên, điều này thường xảy ra ở giai đoạn sau.

Do có triệu chứng không rõ ràng, hầu hết các trường hợp ở giai đoạn này, người bệnh khó phát hiện chính xác việc bị thoái hóa khớp gối. Mặc dù vậy, nếu nhận thấy nguy cơ thoái hóa khớp tiềm ẩn, người bệnh thường được chỉ định duy trì thói quen rèn luyện thể chất đều đặn thông qua các bài tập nhằm giảm thiểu bất kỳ triệu chứng khó chịu nào có thể xuất hiện và làm chậm quá trình thoái hóa khớp.

4.2. Giai đoạn 2: Thay đổi cấu trúc

Trong giai đoạn này, kết quả chụp X-quang khớp gối thường cho thấy không gian giữa các xương chưa bị thu hẹp, và không có cọ xát giữa chúng. Các dấu hiệu rõ ràng của thoái hóa chưa thể quan sát được một cách rõ ràng. 

Đồng thời, chất lỏng hoạt dịch ở khớp vẫn đủ để duy trì khả năng vận động bình thường. Do đó, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức nhiều sau các hoạt động như quỳ, cúi hay đi bộ cả ngày và cảm giác co cứng khi không hoạt động nhiều giờ.

4.3. Giai đoạn 3: Hao mòn sụn khớp

Giai đoạn 3 của thoái hóa khớp gối được xem là “thoái hóa khớp mức độ trung bình” đặc trưng bởi sự tổn thương rõ ràng của sụn giữa các xương và thu hẹp không gian giữa chúng. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng đau nhức khi thường xuyên đi bộ, cúi, quỳ. Cảm giác cứng khớp cũng như sưng khớp cũng được biểu hiện rõ rệt hơn trong giai đoạn này gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống hàng ngày.

4.4. Giai đoạn 4 – Hỏng sụn khớp

Giai đoạn 4 của thoái hóa khớp được coi là giai đoạn “nghiêm trọng” bởi đây là thời điểm mà bệnh đã tiến triển đến mức độ đáng kể và gây ra những tác động nặng nề đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.

Trong giai đoạn này, không gian giữa các xương bị giảm đáng kể, sụn hầu như không còn nguyên vẹn, lượng chất lỏng hoạt dịch giảm đi, không đảm nhận được nhiệm vụ giảm ma sát giữa các bộ phận chuyển động của khớp.

Các triệu chứng đặc trưng trong giai đoạn này đó là bệnh nhân thường cảm thấy đau và khó chịu mỗi khi đi bộ hoặc cử động khớp. Khớp trở nên cứng và đôi khi trở nên bất động. Do vậy, giai đoạn này đòi hỏi sự can thiệp của chuyên gia y tế, và các phương pháp điều trị như phẫu thuật để cải thiện tình trạng của bệnh nhân.

Như vậy, thời điểm lý tưởng nhất để điều trị thoái hóa khớp gối chính là giai đoạn một của bệnh khi các triệu chứng mới chỉ bắt đầu xuất hiện. Việc điều trị lúc này giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình thoái hóa và giảm nguy cơ phát triển các vấn đề nặng nề trong tương lai.

5. Biến chứng của bệnh thoái hoá khớp gối

Thoái hóa khớp không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về lâu dài cho người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời:

1 – Đầu gối có nguy cơ bị chấn thương: Sụn khớp giữa xương bị mòn, làm giảm sự giảm xóc tự nhiên. Điều này tăng nguy cơ chấn thương đầu gối khi hoạt động, đặc biệt là trong các hoạt động đòi hỏi sự chuyển động đột ngột.

2 – Mất xương: Sự thoái hóa sụn khớp có thể dẫn đến mất xương do áp lực không đều và sự mòn của xương dưới sụn. Mất xương có thể làm suy giảm độ cứng và sức mạnh của khớp.

3 – Mất ổn định khớp: Sụn giữa xương không còn đủ để giữ cho khớp ổn định. Điều này có thể dẫn đến sự mất ổn định, tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.

4 – Sự đè nén lên hệ thần kinh tại vùng xương/sụn: Mất chất lỏng và sụn có thể làm tăng áp lực lên các dây thần kinh quanh khớp, gây đau và chèn ép dây thần kinh.

5 – Xuất hiện khối u nang ở phía sau khớp gối: Sự mòn sụn có thể dẫn đến việc hình thành u nang, làm tăng đau và giảm linh hoạt.

6 – Làm tăng khả năng mắc bệnh gout: Thoái hóa khớp gối có thể tăng nguy cơ bị gout do tăng cường sản xuất acid uric và giảm khả năng loại bỏ nó từ cơ thể.

7 – Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Đau viêm khớp thường khiến người bệnh khó ngủ. Bệnh nhân có thể thức dậy vào ban đêm vì đau hoặc khó ngủ ngay từ đầu. Và việc thiếu ngủ có thể khiến cơn đau trở nên tệ hơn. Điều này làm tăng nguy cơ trầm cảm và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp làm hạn chế khả năng di chuyển của bạn.

8 – Những thách thức về khả năng vận động và thể chất: giảm khả năng vận động, hạn chế thực hiện các công việc hàng ngày, những hoạt động đơn giản như leo lên xuống cầu thang.

9 – Kéo theo một số bệnh lý khác: Thoái hóa khớp gối có thể gắn liền với các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch, đau lưng, và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp khác.

Đầu gối có nguy cơ bị chấn thương là một trong những biến chứng của thoái hóa khớp gối
Đầu gối có nguy cơ bị chấn thương là một trong những biến chứng của thoái hóa khớp gối

6. 5 phương pháp chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp gối

Có một số phương pháp nhất định thường được áp dụng để chẩn đoán tình trạng của bệnh thoái hóa khớp gối, bao gồm: Khám tổng quát, tia X, MRI, xét nghiệm máu và chọc dịch khớp. Trong đó, chọc dịch khớp được đánh giá là phương pháp đem lại hiệu quả và tính chính xác cao giúp bác sĩ có thể đánh giá bệnh tình và lên kế hoạch điều trị phù hợp, đặc biệt với bệnh nhân mắc thoái hóa khớp gối giai đoạn nặng.

6.1. Khám tổng quan

Quá trình chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp thường được bắt đầu bằng việc khám tổng quát, bao gồm kiểm tra tiền sử bệnh lý, quan sát đặc điểm bằng mắt thường và sử dụng các bài kiểm tra.

1 – Khám khớp gối:

Quan sát: 

  • Dáng đi: Đánh giá dáng đi để phát hiện bất kỳ biểu hiện nào của bệnh lý khớp gối.
  • Hình dạng đầu gối, các hốc tự nhiên: Kiểm tra hình dạng tổng thể của đầu gối để nhận biết các biến đổi cơ bản.

Kiểm tra: 

  • Lồi cầu xương đùi trong, ngoài: Kiểm tra sự lồi lõm ở cầu xương đùi, có thể là dấu hiệu của thoái hóa hoặc các vấn đề khác.
  • Lồi cầu xương chày trong, ngoài: Xem xét sự lồi lõm ở cầu xương chày, một dạng kiểm tra tính đối xứng và cân đối của khớp.
  • Chỏm mác: Đánh giá tình trạng của chỏm mác, có thể làm tăng khả năng vận động trơn tru và linh hoạt của khớp.
  • Xương bánh chè: Kiểm tra tình trạng của xương bánh chè, đánh giá có sự bình thường hay biến đổi cấu trúc.
  • Lồi củ chày: Xác định sự lồi lõm ở củ chày, có thể là một biểu hiện của sưng hoặc bệnh lý.
  • Ròng rọc xương đùi: Kiểm tra ròng rọc của xương đùi, một dạng biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp gối.
  • Gân cơ tứ đầu: Đánh giá tình trạng của gân cơ tứ đầu để xem xét sự chuyển động và linh hoạt.
  • Cánh bên bánh chè trong, ngoài: Kiểm tra cánh bên bánh chè để xem xét cấu trúc và sự ổn định của khớp.
  • Gân bánh chè: Đánh giá gân bánh chè để xem xét sự mạnh mẽ và linh hoạt của khớp.
  • Gân cơ nhị đầu: Kiểm tra gân cơ nhị đầu để đánh giá sự ổn định và linh hoạt của khớp.
  • Gân cơ bán gân, bán màng: Đánh giá tình trạng của gân cơ bán gân và bán màng để nhận biết bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Khám tổng quát - Một trong những phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Khám tổng quát – Một trong những phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Đánh giá tầm vận động chủ động và thụ động khớp gối:

  • Độ gấp gối: tư thế nằm ngửa, tư thế nằm sấp
  • Độ duỗi gối: tư thế nằm ngửa, phương pháp đo độ chênh gót
  • Thử cơ bằng tay: Giúp đánh giá trương lực cơ các nhóm cơ chi dưới

Kiểm tra độ vững của khớp gối bằng các nghiệm pháp:

  • Phép kiểm ngăn kéo (Drawer test): Đánh giá sự ổn định của khớp gối, đặc biệt là ligament chéo trước và sau.
  • Phép kiểm Lachmann (Lachmann test): Đánh giá độ chảy (laxity) của ligament chéo trước.
  • Phép kiểm vẹo ngoài (Valgus stress test): Kiểm tra sự ổn định của ligament cánh bánh chè ngoài.
  • Phép kiểm vẹo trong (Varus stress test): Kiểm tra sự ổn định của ligament cánh bánh chè trong.
  • Phép kiểm chuyển trục xoay (Pivot Shift Test): Kiểm tra có sự chuyển động không bình thường khi xoay của đầu gối.
  • Phép kiểm quay điện thoại (Dial test): Đánh giá sự ổn định của khớp gối trong trường hợp chấn thương ligament cánh bánh chè ngoài.

Kiểm tra tràn dịch trong khớp gối để chẩn đoán thoái hóa khớp gối: 

  • Bập bềnh xương bánh chè (ballottement): Đánh giá lượng dịch trong túi chảy khớp gối.
  • Vắt sữa (milking): Kiểm tra lượng dịch trong túi chảy khớp gối và đánh giá áp lực trong khớp.
Bác sĩ đang đánh giá biên độ vận động của khớp gối
Đánh giá tầm vận động của khớp gối

Đánh giá sụn chêm:

  • Ấn khe khớp: Đánh giá độ trơn tru và đàn hồi của sụn chêm.
  • Phép kiểm McMurray: Kiểm tra sự có mặt của các tổn thương trong sụn chêm, đặc biệt là ở khu vực cặp meniscus.
  • Phép kiểm Appley: Đánh giá sự đau nhức hoặc bất kỳ triệu chứng nào khi áp dụng áp lực và xoay đầu gối.
  • Phép kiểm Thessaly: Kiểm tra sự ổn định của meniscus và xác định có sự đau nhức hay không.

Đánh giá khớp chè đùi: 

  • Ép khớp: Đánh giá sự ổn định và linh hoạt của khớp chè đùi.
  • Sờ mặt khớp: Đánh giá sự đau nhức, sưng, hay bất kỳ dấu hiệu nào trên mặt khớp chè đùi.
  • Mài mặt khớp: Đánh giá sự trơn tru và đàn hồi của mặt khớp chè đùi.

Độ rơ khớp: 

  • Khớp chày đùi: Ra trước, ra sau, ra ngoài, vào trong, xoay trong, xoay ngoài.
  • Khớp chè đùi: Ra ngoài, vào trong, xuống.

Một số phép kiểm khác: 

  • Phép kiểm Ober: Đánh giá độ căng và linh hoạt của dải cơ và dải chậu chày.
  • Phép kiểm Noble: Đánh giá đau nhức và mức độ bức bối ở cổ chân dưới khi chạm vào đầu gối.
  • Độ căng cơ gân kheo: Đánh giá độ căng của cơ gân kheo (hamstring).
Khám tổng quát chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Khám tổng quan để chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Bảng kiểm chức năng: 

  • Thang điểm Lysholm: Thang điểm Lysholm được thiết kế để đánh giá các khía cạnh khác nhau của chức năng khớp gối, bao gồm sự đau nhức, ổn định, sức mạnh cơ, linh hoạt và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Bảng điểm đi từ 0 (tình trạng tồi nhất) đến 100 (tình trạng tốt nhất).
  • Thang điểm IKDC: Thang điểm IKDC đo lường mức độ đau, sự ổn định, chức năng và hoạt động của khớp gối. Bệnh nhân tự báo cáo về trạng thái của mình và được đánh giá trên các hạng mục khác nhau. Bảng điểm IKDC có các phần điểm khác nhau và cung cấp một hình ảnh tổng thể về chức năng của khớp gối.

6.2. Tia X

Phương pháp tia X là một công cụ quan trọng trong việc chẩn đoán thoái hóa khớp gối. Tia X có thể hiển thị mức độ mòn sụn, sưng, và biến đổi cấu trúc của xương xung quanh khớp. Các hình ảnh này giúp xác định giai đoạn của thoái hóa và cung cấp thông tin về tình trạng xương, giúp đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Phương pháp tia X là một công cụ quan trọng trong việc chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Sử dụng tia X để chẩn đoán thoái hóa khớp gối

6.3. Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI)

MRI là phương pháp hình ảnh chính xác và chi tiết, giúp quan sát các mô mềm như sụn, mô liên kết, cũng như các cấu trúc xung quanh khớp gối. Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn sự tổn thương, viêm nhiễm, và tình trạng của mô mềm, từ đó, có cái nhìn toàn diện về tình trạng của khớp.

MRI là phương pháp hình ảnh chính xác để chẩn đoán thoái hóa khớp gối
MRI là phương pháp hình ảnh chính xác để chẩn đoán thoái hóa khớp gối

6.4. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu không phải là phương pháp trực tiếp chẩn đoán thoái hóa khớp gối nhưng nó có thể cung cấp thông tin về tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Các chỉ số như huyết áp, c-reactive protein (CRP), và số lượng tế bào máu trắng có thể tăng lên trong trường hợp xuất hiện bệnh lý hay viêm nhiễm trong cơ thể. Bác sĩ có thể kết hợp với các triệu chứng và kết quả chẩn đoán hình ảnh hơn để đưa ra kết luận.

6.5. Chọc dịch khớp – hút khớp

 

 

Chọc dịch khớp để phân tích và chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Chọc dịch khớp để phân tích và chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Đây là quá trình mà bác sĩ sử dụng một kim nhỏ để đâm xuyên da và mô mềm xung quanh để tiếp cận và nhận mẫu chất lỏng từ bên trong khớp gối. Chất lỏng thu được sau khi chọc dịch khớp sau đó sẽ được phân tích. Các thông tin cụ thể như có sự viêm nhiễm hay không, sự xuất hiện của tế bào máu, và các yếu tố khác được kiểm tra để đánh giá rõ hơn về tình trạng khớp gối. Kết quả của quá trình này có thể giúp xác định nguyên nhân gốc của các triệu chứng mà bệnh nhân đang trải qua, từ đó có thể lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm: 

7. 3 phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Hiện chưa có cách chữa thoái hóa khớp gối hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp giúp kiểm soát và giảm bớt triệu chứng. Trong một số trường hợp, khi bệnh trạng đã phát triển quá mức, việc điều trị có thể trở nên khó khăn hơn và kết quả không đạt được như khi bắt đầu điều trị sớm. Do đó, khi có dấu hiệu thoái hoá khớp gối hoặc được chẩn đoán mắc căn bệnh này, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời.

7.1. Điều trị không dùng thuốc

Phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm các bài tập vận động giúp giảm đau và tăng cường sức mạnh cơ xung quanh khớp gối, cải thiện khả năng vận động linh hoạt của khớp. Tuy nhiên, khác với các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối khác, phương pháp trị thoái hoá khớp gối này đòi hỏi quá trình thực hiện lâu dài và đều đặn để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

1 – Giảm cân: Đối với những người béo phì, giảm cân có thể làm giảm triệu chứng và nguy cơ bị thoái hóa khớp gối. 

2 – Vật lý trị liệu: Bài tập và liệu pháp vật lý giúp giảm đau, giảm viêm và cải thiện sức mạnh cơ, linh hoạt. Phương pháp này thích hợp cho người bệnh ở mọi giai đoạn của thoái hóa khớp gối. Bệnh nhân có thể thực hiện tập luyện vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối theo hướng dẫn của chuyên gia để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả cao.

3 – Tập vận động thoái hoá khớp gối: Một số bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe có thể giúp cải thiện sự linh hoạt và giảm đau. Điều này rất tốt cho những người ở giai đoạn đầu thoái hóa và không gây áp lực lớn lên khớp gối.

4 – Chỉnh sửa tư thế cho đúng: Điều chỉnh tư thế khi ngồi, đứng, và làm việc để giảm áp lực lên khớp gối. Phương pháp này nên được thực hiện từ giai đoạn đầu để ngăn chặn sự tiến triển của thoái hóa và tránh cảm giác đau nhức.

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp vật lý trị liệu
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp vật lý trị liệu

7.2. Điều trị sử dụng thuốc

Điều trị bằng thuốc là phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối giúp bệnh nhân giảm được cơn đau và viêm tức thì cũng như tiết kiệm chi phí đáng kể so với phẫu thuật.

1 – Thuốc chống viêm giảm đau: Đây là phương pháp thích hợp cho mọi giai đoạn, đặc biệt là khi có triệu chứng viêm nhiễm.

2 – Thuốc chống viêm không steroid: Sử dụng khi cần giảm đau và viêm nhiễm, nhưng cần theo sự giám sát của bác sĩ.

3 – Thuốc bôi ngoài da: Kem, gel có chứa các thành phần giảm đau được bôi trực tiếp lên khu vực đau. Có thể sử dụng để giảm đau cục bộ, đặc biệt ở giai đoạn đầu.

4 – Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Được thiết kế để bảo vệ sụn và ngăn chặn sự thoái hóa và thích hợp cho những người ở giai đoạn muộn thoái hóa.

5 – Thuốc tiêm vào khớp: Sử dụng khi cần giảm đau nhanh chóng, đặc biệt là khi các phương pháp khác không hiệu quả.

6 – Đắp thuốc: Sử dụng miếng dán chứa thuốc để giảm đau và viêm, có thể là phương pháp hỗ trợ để duy trì hiệu quả thuốc trong thời gian dài.

Sử dụng thuốc là một trong các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Sử dụng thuốc là một trong các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

7.3. Điều trị can thiệp phẫu thuật

Phương pháp can thiệp phẫu thuật mang lại hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối lâu dài, giúp cải thiện triệu chứng và khả năng vận động rõ rệt cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và chi phí cao hơn so với các phương pháp điều trị bảo tồn.

1 – Ghép sụn: Ghép sụn là quá trình sử dụng sụn khỏe mạnh từ một phần khác của cơ thể hoặc nguồn cung sụn nhân tạo để lấp đầy lỗ trên sụn tổn thương. Phương pháp này phù hợp cho những trường hợp có tổn thương sụn cục bộ, giúp khôi phục và củng cố sụn tổn thương.

2 – Phẫu thuật cắt xương đầu gối: Phẫu thuật này liên quan đến việc cắt bỏ một phần nhỏ của xương đầu gối để giảm áp lực và cải thiện chức năng. Phương pháp phù hợp trong những trường hợp mà chỉ cần điều chỉnh cấu trúc và áp lực trên khớp gối.

3 – Thay thế bán phần khớp gối: Phẫu thuật nhằm thay thế một phần của đầu gối, thường là bảng sụn và xương bị tổn thương, phù hợp trong những trường hợp có tổn thương một phần của đầu gối, nhưng vẫn giữ được một phần của khớp gối tự nhiên.

4 – Thay toàn bộ khớp gối: Thay thế toàn bộ đầu gối bằng implant nhân tạo, được tiến hành cho những trường hợp thoái hóa khớp và tổn thương nặng nề, khi toàn bộ khớp cần được thay thế để khôi phục chức năng và giảm đau.

5 – Phẫu thuật nội soi làm sạch: Phẫu thuật nội soi được khuyến nghị cho những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của thoái hóa khớp gối nguyên phát, bao gồm đau và hạn chế vận động gối, và phản ứng không tích cực với thuốc. Các tình trạng lâm sàng bao gồm: thoái hóa khớp gối giai đoạn 2 và 3; có dị vật khớp gối (như chuột khớp gối); có biểu hiện của kẹt khớp trên lâm sàng; và thoái hóa khớp gối kèm theo viêm dày bao hoạt dịch.

6 – Phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn: Phẫu thuật kích thích tủy xương thông qua nội soi ở khớp gối được áp dụng cho những trường hợp thoái hóa khớp gối thứ phát sau chấn thương ở người trẻ, đặc biệt là khi chỉ có vùng nhỏ hoặc vừa của sụn bị tổn thương. Hiện nay, phương pháp này thường được kết hợp với ghép tế bào gốc tự thân để điều trị thoái hóa khớp gối nguyên phát giai đoạn 2 và 3 với kết quả tốt hơn. Kết quả của phương pháp này là sự tái tạo một lớp sụn mới có cấu trúc gần giống với sụn trong (hyaline cartilage), giống như sụn khớp bình thường.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

8. 3 lưu ý khi điều trị thoái hóa khớp gối

Để quá trình điều trị được diễn ra hiệu quả chúng ta cần tuân thủ một số lưu ý sau:

1 – Chế độ dinh dưỡng cho người thoái hóa khớp gối

  • Chế độ ăn uống khoa học: Bệnh nhân nên duy trì một chế độ ăn khoa học, giàu canxi và vitamin D để hỗ trợ sức khỏe xương. Thức ăn như sữa, cá, thực phẩm giàu canxi là lựa chọn tốt.
  • Bổ sung thức ăn có tính chống viêm: Các thức ăn có tính chống viêm như quả mâm xôi, dâu, và các loại thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, hạt chia) có thể giúp giảm viêm nhiễm và đau.
  • Chất béo khỏe mạnh: Ưu tiên chất béo tốt như axit béo omega-3 (cá hồi, hạt lanh), chất béo không chuyển hóa, và chất béo chưa bão hòa đơn (dầu oliu, hạt giống lanh).
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C giúp hỗ trợ sự sản xuất collagen, một protein quan trọng trong cấu trúc của khớp. Quả cam, dâu, kiwi là các nguồn vitamin C tốt.
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa có thể giúp giảm việc tổn thương mô xung quanh khớp. Thực phẩm như quả mâm xôi, lựu, dâu đen, và rau màu xanh đậm là những nguồn chất chống oxy hóa tốt.
  • Rau xanh và rau củ: Rau xanh cung cấp nhiều chất khoáng và vitamin có lợi cho sức khỏe xương. Hãy thêm nhiều rau xanh như bông cải, cà chua, cà rốt, cần tây vào chế độ ăn hàng ngày.

2 – Chế độ dinh dưỡng người mắc thoái hóa khớp gối cần tránh

  • Tránh thức ăn gây tăng cân: Tránh thức ăn nhiều calo, đường, và chất béo để kiểm soát cân nặng. Việc duy trì cân nặng ổn định là quan trọng để giảm áp lực lên khớp gối.
  • Hạn chế thức ăn có tính gây viêm: Hạn chế thức ăn có thể gây kích thích việc viêm nhiễm trong cơ thể như thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo.

3 – Một số lưu ý cho người mắc thoái hóa khớp gối

  • Duy trì hoạt động thể chất: Tập luyện đều đặn những bài thể dục, đi bộ, yoga, bơi lội giúp củng cố cơ bắp xung quanh khớp gối và duy trì sự linh hoạt.
  • Kiểm soát cân nặng: Người bệnh cần theo dõi cân nặng và giữ nó ở mức ổn định để giảm áp lực lên khớp.
  • Uống đủ nước: Duy trì thói quen uống đủ 2 – 4 lít nước/ngày, giúp duy trì sự linh hoạt của sụn khớp.
  • Kiểm soát Stress: Stress có thể gây tăng cường triệu chứng thoái hóa khớp, vì vậy, người mắc thoái hóa khớp gối cần chú trọng hạn chế căng thẳng thông qua thiền, yoga….
  • Hạn chế hút thuốc lá: Thuốc lá có thể hủy hoại sụn khớp và tăng mức độ đau nhức xương khớp, đặc biệt khi bước vào tuổi 40, 50. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế hút thuốc lá để ngăn chặn quá trình mất xương diễn ra nhanh hơn và các biến chứng gây hại cho sức khỏe.
Lưu ý dinh dưỡng khi điều trị thoái hoá khớp gối
Chế độ dinh dưỡng cho người thoái hóa khớp gối

9. 6 cách phòng tránh bệnh thoái hóa khớp gối

Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa viêm xương khớp đầu gối, nhưng có những bước bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Giữ cân nặng ổn định thông qua chế độ ăn khoa học và hoạt động thể chất đều đặn.
  • Nghỉ ngơi điều độ: Đảm bảo có thời gian nghỉ ngơi đủ, không làm việc hoặc tập luyện quá mức để khớp có thể phục hồi và tái tạo.
  • Nếu bạn chạy bộ, hãy chạy bộ trên cỏ hoặc bề mặt mềm: Nếu chạy bộ, hãy chọn bề mặt như cỏ hoặc đất mềm hơn đường nhựa để giảm va đập và giúp giảm áp lực lên khớp khi di chuyển.
  • Thay đổi thói quen tập thể dục của bạn: bằng các bài tập có tác động thấp như bơi lội hoặc đạp xe. Bởi các bài tập này không tạo áp lực lớn lên khớp gối, giảm nguy cơ tổn thương và giúp duy trì sức khỏe khớp.
  • Tránh hoạt động quá sức: Hoạt động quá sức có thể tăng áp lực lên khớp và gây tổn thương. Tránh những hoạt động căng trực tiếp lên khớp gối giúp giảm nguy cơ thoái hóa.
  • Duy trì chế độ lành mạnh: Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng và nghỉ ngơi hợp lý.

Con người không thể tránh khỏi tác động từ quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động xây dựng một lối sống và sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, khoa học để giữ khớp gối luôn khỏe mạnh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm của thoái hóa khớp gối. Hy vọng bài viết này đã đem tới cho bạn những thông tin hữu ích, chúc bạn có một sức khỏe tốt và thật dồi dào năng lượng nhé!

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 30/05/2024Ngày cập nhật: 30/05/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.