Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước dao động từ 6 – 8 tháng. Thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tổn thương dây chằng chéo trước, tình hình sức khoẻ của người bệnh hay tuổi tác,…[1] Liệu có cách nào giúp người bệnh rút ngắn thời gian phục hồi sau phẫu thuật dây chằng chéo trước? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc này!
1. Mất 6 – 8 tháng để quá trình biến đổi mảnh ghép thành dây chằng chéo thực thụ
Sau khi phẫu thuật dây chằng chéo trước sẽ có hai quá trình khác nhau nhưng diễn ra đồng thời trên mảnh ghép là quá trình làm lành mảnh ghép và quá trình biến đổi mảnh ghép thành dây chằng chéo thực thụ. Thời gian của hai quá trình này tương ứng là thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước.
1 – Quá trình lành mảnh ghép: Sau phẫu thuật dây chằng chéo trước sau 4 – 6 tuần sẽ bắt đầu hình thành những liên kết sinh học gồm các sợi collagen và các tế bào xương tân tạo ở thành đường hầm của khớp. Để đảm bảo các liên kết sinh học này đảm bảo chắc chắn thì cần 6 – 8 tháng.
2 – Quá trình biến đổi mảnh ghép thành dây chằng chéo thực thụ: Các mảnh ghép tự thân sẽ dần dần biến đổi sao cho có đặc tính cơ học tương tự với dây chằng chéo tự nhiên. Quá trình này được chia thành 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Hoại tử vô mạch của các mảnh ghép (từ 2 – 3 tuần sau phẫu thuật).
- Giai đoạn 2: Tai mảnh ghép xuất hiện các mạch máu mới ( 6 – 8 tuần sau phẫu thuật).
- Giai đoạn 3: Biến đổi, tái cấu trúc mảnh ghép gần giống với dây chằng chéo tự nhiên, xuất hiện trở lại các tế bào sợi ( 18 – 24 tuần sau phẫu thuật).
- Giai đoạn 4: Biệt hoá cấu trúc mảnh ghép ( 1 – 3 sau phẫu thuật).
1.1. 2 – 3 tuần có thể đi lại bình thường
Đây là giai đoạn hoại tử vô mạch của các mảnh ghép sau phẫu thuật. Mục tiêu điều trị của giai đoạn này là bảo vệ mảnh ghép, giảm đau, giảm sưng, ngăn ngừa mất duỗi gối, gia tăng tầm vận động gập gối đến 90 độ, ngừa teo cơ. [1] Bệnh nhân cần tập một số động tác tốt cho quá trình phục hồi như uốn cong, duỗi thẳng hoặc nâng cao đùi, giúp gia tăng biên độ chuyển động của khớp gối, tăng cường sức mạnh cơ, giữ cân bằng tốt hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên chườm đá để giảm sưng, đau trong quá trình phục hồi. [2]
Nếu quá trình phục hồi tốt thì sau mổ 1 – 2 tuần bệnh nhân có thể bỏ nạng nách tùy theo mức độ tổn thương có kết hợp tái tạo sụn chêm hay cắt bỏ sụn chêm hay không. [3] Thông thường sau 2 – 3 tuần phẫu thuật, biên độ vận động của dây chằng được cải thiện về ban đầu và người bệnh có thể đi lại bình thường. [2]
1.2. 6 – 8 tuần có thể đi lại nhiều, lái xe hoặc làm các hoạt động nâng, nhấc
Qua tuần thứ 4, hầu hết bệnh nhân đã có thể leo cầu thang, sinh hoạt bình thường mỗi ngày mà không có biểu hiện sưng, đau. [4] Tuy nhiên, cần hạn chế những công việc nặng như mang vác, nâng nhấc đồ vật nặng trong thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước này. [5]
Bước sang tuần thứ 6 sau mổ, đây là giai đoạn xuất hiện các mạch máu tân tạo tại mảnh ghép, bệnh nhân tiếp tục gia tăng tầm vận động và sức mạnh cơ tối đa, phục hồi phản xạ tự thân. Các bài tập bệnh nhân có thể thực hiện như bài tập kéo dãn, bài tập mạnh cơ với tạ, bài tập đề kháng tăng tiến các cơ liên quan, bước xuống bục 10cm, tập thăng bằng một chân, chạy chậm, đi bộ hay chạy vòng số 8, chạy vòng tròn lớn, nhảy bằng 2 chân tại chỗ, lên xuống cầu thang. [5]
Trong giai đoạn này bệnh nhân có thể:
- Đạp xe nếu gối gấp được 115 độ
- Bước lên bục 10cm phía trước
- Đứng ném bóng, bắt bóng
- Tập dáng đi bình thường
1.3. 4 – 6 tháng có thể tập chạy bộ tăng dần về thời gian và tốc độ
Thông thường người bệnh có thể chạy bộ sau khi phẫu thuật dây chằng chéo trước khoảng 4 – 6 tháng tuỳ thuộc vào loại mô ghép, độ tuổi, thể trạng cũng như tốc độ phục hồi của từng người. [6] Vì khi chạy bộ, các chuyển động của đùi, cẳng chân sẽ gây nhiều áp lực lên khớp gối nên rất dễ tái phát chấn thương. Bệnh nhân cần thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước từ 10 – 16 tuần để đảm bảo sau phẫu thuật, các cơn đau, sưng tấy cũng như biên độ vận động của đầu gối được kiểm soát tốt nhất. [6] Giai đoạn này bệnh nhân có thể tập chạy thẳng, tăng dần về thời gian và tốc độ, tập các bài tập đổi hướng nhanh khi chạy hoặc tập nhảy tiếp đất bằng 2 chân.
Lưu ý trước khi chạy bộ, người bệnh cần đảm bảo quá trình phục hồi đạt những tiêu chí dưới đây:
- Mức độ đau dưới 3/10 trong thang điểm đau (trong đó 0 là không đau, 10 là mức độ đau nặng nhất).
- Đầu gối bên phẫu thuật có thể uốn cong 95% và duỗi thẳng toàn bộ so với bên còn lại.
- Không xuất hình tình trạng sưng, viêm. [7]
1.4. Sau 6 tháng có thể chơi thể thao được
Với các môn thể thao yêu thích, thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước để người bệnh có thể quay trở lại tập luyện là sau 6 tháng. Với trường hợp muốn tham gia thi đấu các môn thể thao yêu cầu dậm, chạy nhảy thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chơi.
Với các vận động viên chuyên nghiệp có 80% cơ hội quay trở lại chơi thể thao, nhưng chỉ có khoảng 65% cơ hội quay lại chơi với phong độ như trước khi bị chấn thương. Ngay cả khi khi đã phẫu thuật dây chằng chéo trước bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái rách dây chằng chéo trước từ 20 đến 25%. Thậm chí nếu bệnh nhân là nữ, nguy cơ này cao gấp 5 lần so với trước khi bị chấn thương. [8]
Thời gian phục hồi và quay trở lại các hoạt động sau mổ dây chằng chéo trước sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, loại mô ghép, sức khỏe của người bệnh, phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng,… Người bệnh cần kiên nhẫn, tuân thủ theo đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ và kỹ thuật viên trị liệu để quá trình phục hồi đạt được kết quả tốt nhất. Đây là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước.
2. 7 lưu ý để đẩy nhanh thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước
Quá trình hồi phục sau phẫu thuật cần nhiều thời gian nhưng người bệnh hoàn toàn có thể thu ngắn thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước với 7 lưu ý dưới đây:
1 – Sau mổ không được tự ý bỏ nẹp: Thời gian đầu sau khi phẫu thuật người bệnh cần mang nẹp đùi cẳng chân 4 tuần đầu sau mổ, chỉ tháo ra khi tập luyện hay đi tắm để đảm bảo quá trình phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước không bị ảnh hưởng. [9]
2 – Tập luyện theo chỉ định của bác sĩ và kỹ thuật viên, không tập luyện quá sức: Kiên trì và tuân thủ theo những hướng dẫn của các chuyên gia là điều kiện tiên quyết giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước, tránh những tổn thương có thể tái phát nếu tập luyện quá sức. [5] Việc tập luyện theo chỉ định của những người có chuyên môn là lưu ý vô cùng quan trọng, được áp dụng không chỉ trong phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước mà còn áp dụng trong vật lý trị liệu tràn dịch khớp gối, vật lý trị liệu khớp gối.
3 – Tập co duỗi các khớp ngón chân, khớp háng và tăng cường sức mạnh cơ xung quanh vùng đầu gối trước: Ngay sau phẫu thuật cần thực hiện các động tác này để duy trì sự lưu thông máu ở bắp chân và phòng ngừa tình trạng huyết khối, bảo vệ các mảnh ghép,… [5]
4 – Tránh 1 số tư thế tác động mạnh đến đầu gối: ngồi xổm, lên xuống cầu thang, lái xe,…: Thời gian đầu sau phẫu thuật cần tránh các tư thế trên để đảm bảo biên độ chuyển động của khớp gối được cải thiện từ từ, khi các cơn đau đã được kiểm soát, sức mạnh vùng cơ quanh đầu gối đã được gia tăng. [5]
5 – Đừng đặt quá nhiều áp lực lên đầu gối quá sớm: Đầu gối không xuất hiện cơn đau không có nghĩa là khớp gối đã phục hồi hoàn toàn. Việc gia tăng áp lực lên đầu gối quá mức có thể khiến tái phát tổn thưởng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. [10]
6 – Đừng chườm đá quá nhiều vào đầu gối: Không nên lạm dụng việc chườm đá 24/24 vì có thể gây tình trạng co mạch, tắc mạch, hoặc bỏng lạnh. Bạn nên chườm đá theo chỉ định của bác sĩ khoảng 10-15 phút/ lần, thực hiện ngày 5-6 lần.
7 – Đừng ngủ với đầu gối cong: Trong 4 tuần đầu để lấy lại biên độ gập duỗi gối tránh ngủ với đầu gối cong gây ra tình trạng mất duỗi, co cứng khớp gối, dính khớp, hạn chế vận động.
3. Giải đáp 3 câu hỏi thường gặp khi phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước
Câu 1: Phục hồi chức năng xong có nguy cơ tái giãn dây chằng chéo trước không?
Câu trả lời là CÓ. Nguy cơ tái giãn dây chằng chéo trước sau khi phục hồi chức năng dao động từ khoảng 20 đến 25%. Đặc biết nếu bệnh nhân là nữ giới thì rủi ro bị tổn thương dây chằng sau phẫu thuật có thể cao gấp 5 lần so với thời điểm chưa bị rách dây chằng chéo trước. [8]
Vì vậy, ngay cả khi thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước đã kết thúc, bệnh nhân cũng nên chú ý tránh những hoạt động quá sức hay các môn thể thao “nặng” như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ,… để hạn chế nguy cơ tái giãn dây chằng chéo trước. Đồng thời hãy liên hệ ngay với các bác sĩ phụ trách khi đầu gối có dấu hiệu sưng, đau nhức sau phẫu thuật để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Câu 2: Những biến chứng sau phẫu thuật dây chằng chéo trước là gì?
Hầu hết người bệnh đều phục hồi tốt sau phẫu thuật dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, mọi ca phẫu thuật đều có thể để lại nguy cơ biến chứng hậu phẫu. Dưới đây là một số biến chứng sau mổ dây chằng chéo trước, người bệnh nên lưu ý:
- Nhiễm khuẩn vết mổ.
- Chảy máu, nguy cơ xuất hiện huyết khối.
- Lỏng gối, teo cơ, tràn dịch khớp gối.
- Hạn chế vận động, mất khả năng duỗi khớp.
- Tổn thương phần sụn đang phát triển (thường gặp ở trẻ nhỏ) gây rối loạn phát triển xương.
- Bầm tím mặt sau đùi và cẳng chân.
- Đau khớp, có tiếng lục cục trong khớp gối. [11]
Xem thêm: Tràn dịch khớp gối – Triệu chứng và phương pháp điều trị
Câu 3: Vết rách dây chằng chéo trước có “kết thúc sự nghiệp” của một vận động viên?
Đa phần các vận động viên bị rách dây chằng chéo trước đều có thể quay trở lại chơi các môn thể thao của mình mà không để lại hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, có 80% vận động viên quay trở lại với tập luyện thể thao thì chỉ có khoảng 65% số người có thể tập luyện và thi đấu với cường độ và phong độ như trước khi bị chấn thương. [8] Phục hồi chức năng sau mổ là cần thiết và là cách tốt nhất để các vận động viên cải thiện sức khỏe và khôi phục sự linh hoạt, biên độ chuyển động của đầu gối.
Khi kết thúc thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước, trước khi quay trở lại với tập luyện thể thao chuyên nghiệp, bệnh nhân hãy tham vấn với các bác sĩ trị liệu để đảm bảo kết quả phục hồi sau mổ dây chằng chéo đáp ứng được quá trình tập luyện lại. Nếu cần thiết, các chuyên gia cũng sẽ cho lời khuyên hữu ích về thời gian bệnh nhân có thể tập luyện tốt nhất. [12]
Mong rằng bài viết đã mang đến nhiều thông tin bổ ích giúp người bệnh nắm rõ thời gian phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước là bao lâu và những lưu ý cần thiết giúp người bệnh rút ngắn quá trình hồi phục. Tốt nhất người bệnh cần kiên trì phối hợp tập các bài tập vật lý trị liệu được các bác sĩ chỉ định để khôi phục sức khỏe các cơ xung quanh đầu gối, cải thiện biên độ vận động của khớp gối nhanh chóng nhất.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến phục hồi chức năng sau mổ dây chằng chéo trước, người bệnh hãy liên hệ với MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm Trị liệu và phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.