Phương pháp phục hồi chức năng gãy xương chậu

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.

Thực hiện các biện pháp can thiệp phục hồi chức năng gãy xương chậu đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường sau điều trị [1]. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. 

1. Tổng quan về tình trạng gãy xương chậu

Gãy xương chậu (Pelvic Fracture) là tình trạng xương cánh chậu và ổ cối (ngành mu) bị vỡ do gặp chấn thương với lực rất mạnh bởi vì vòng chậu có một cấu trúc rất chắc chắn. Phần lớn các trường hợp gãy xương chậu đều do va chạm với xe cơ giới, ngã từ trên cao hoặc do người đi bộ hay đi xe đạp bị đâm [2]

Đó là lý do vì sao tình trạng gãy xương chậu khá hiếm gặp thường chỉ chiếm 3 – 8% tổng số ca gãy xương. Tuy vậy, chấn thương này có tỷ lệ tử vong cao do sự mất ổn định thường gặp của gãy xương với các biến chứng mạch máu và nội tạng liên quan [3].

Triệu chứng điển hình của người bị gãy xương chậu là đau ở vùng khớp háng và lưng, tụ máu đáy chậu, đái ra máu, chảy máu âm đạo (với nữ), chảy máu miệng sáo (chấn thương niệu đạo), tổn thương ruột hoặc trực tràng, chảy máu trực tràng, viêm phúc mạc, mất cảm giác cũng như phản xạ chi dưới, đại tiểu tiện không tự chủ,…

Gãy xương chậu là tình trạng khung xương chậu bị phá vỡ, dẫn đến đau dữ dội ở vùng hông, mông hoặc đùi
Gãy xương chậu là tình trạng khung xương chậu bị phá vỡ, dẫn đến đau dữ dội ở vùng hông, mông hoặc đùi.

2. Tầm quan trọng của phục hồi chức năng sau gãy xương chậu

Phục hồi chức năng sau gãy xương chậu là quá trình chăm sóc và phục hồi tính linh hoạt và sức mạnh của khu vực xương chậu sau khi bị gãy hoặc chấn thương. Đây là phương pháp nhằm cải thiện kết quả sức khỏe của bệnh nhân và giảm tỷ lệ khuyết tật còn sót lại. Phương pháp này còn có tác dụng giảm đau, cải thiện khả năng vận động của khớp, tăng cường cơ bắp và giải quyết rối loạn chức năng vùng chậu [4].  

Ngoài ra, phục hồi chức năng là biện pháp cần được tiến hành sớm để ngăn ngừa những biến chứng liên quan sau gãy xương chậu, bao gồm:

  • Tổn thương các cơ quan tiết niệu
  • Tổn thương dây thần kinh tọa
  • Tổn thương cơ quan sinh dục
  • Ảnh hưởng đến cơ quan trong ổ bụng
  • Thuyên tắc phổi
  • Nhiễm trùng

Phục hồi chức năng sau gãy xương chậu quan trọng và mang lại những lợi ích cho bệnh nhân như sau:

  • Giúp làm giảm đau, giảm phù nề: Các bài tập vận động kích thích lưu thông máu đến khu vực bị ảnh hưởng, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết giúp loại bỏ dịch sưng tấy, giảm phù nề. Đồng thời, khi tập luyện, cơ thể tiết ra endorphin nhiều hơn, giúp cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác đau đớn.
  • Rút ngắn thời gian phục hồi, nhanh chóng đi lại bình thường: Phục hồi chức năng có thể giảm bớt sự khó chịu, khôi phục phạm vi chuyển động của phần xương bị gãy sớm. Can thiệp vật lý trị liệu sớm sẽ tăng tốc độ phục hồi lâm sàng của bệnh nhân bị gãy xương [5].
  • Giảm thiểu nguy cơ tái phát, biến chứng về khi về già: Các biện pháp phục hồi thích hợp sẽ giúp người bệnh tối ưu hóa việc chăm sóc sức khoẻ và dẫn đến ít biến chứng hơn ở bệnh nhân sau gãy xương chậu [4].
Phục hồi chức năng gãy xương chậu giúp bệnh nhân cải thiện sức mạnh cơ, giảm đau và tránh các biến chứng không mong muốn.
Phục hồi chức năng gãy xương chậu bằng các bài tập giúp bệnh nhân cải thiện sức mạnh cơ, giảm đau và tránh các biến chứng không mong muốn.

3. Phương pháp phục hồi chức năng gãy xương chậu kèm gợi ý bài tập trị liệu 

Phục hồi chức năng gãy xương chậu sẽ được bác sĩ xây dựng theo từng giai đoạn và tình trạng của mỗi bệnh nhân. Một lộ trình với phương pháp phù hợp sẽ giúp bệnh nhân giảm đau, cải thiện vận động, tăng cường sức mạnh cơ bắp và dần dần lấy lại khả năng sinh hoạt bình thường.

3.1 Nguyên tắc phục hồi chức năng cho bệnh nhân gãy xương chậu

Nguyên tắc phục hồi chức năng sau vỡ xương chậu

Người bệnh gãy xương chậu được chỉ định bắt đầu quá trình phục hồi chức năng sớm để ngăn ngừa biến chứng tới phổi phổi. Ngoài ra, tập luyện các bài tập sẽ thúc đẩy hệ tuần hoàn hoạt động trở lại, duy trì lực cơ và tầm vận động khớp, rút ngắn thời gian có thể di chuyển bình thường.

Thời gian “vàng” thực hiện bài tập phục hồi chức năng gãy xương chậu

Thời gian cụ thể để phục hồi chức năng sau khi gãy xương chậu có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại gãy (ổn định hoặc không ổn định), phương pháp điều trị, và điều kiện sức khỏe của bệnh nhân, cụ thể như sau:

  • Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật): 24 giờ sau khi thực hiện các phương pháp điều trị đối với các trường hợp gãy xương nhỏ hoặc gãy xương chậu ổn định.
  • Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật: Bắt đầu sau 1 hoặc 2 ngày nghỉ ngơi tại giường bằng việc thực hiện các động tác và chuyển động nhỏ. Phương pháp được áp dụng với các trường hợp gãy xương chậu không ổn định [6].

Việc thực hiện phục hồi chức năng sớm là rất quan trọng vì việc nằm bất động kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm rối loạn chức năng hô hấp và tuần hoàn. Do đó, mục tiêu của phục hồi chức năng là sẽ tập trung vào việc cải thiện mức độ đau, sức mạnh, tính linh hoạt, sự chuyển động của hông, cột sống, chi dưới và hạn chế các biến biến chứng liên quan.

3.2 Bài tập phục hồi chức năng gãy xương chậu

3.2.1 Trong thời gian người bệnh bất động

Bài tập thở

Cách thở có thể tác động sâu sắc đến các cơ ở đáy xương chậu. Nhiều người có xu hướng thở bằng cơ cổ và cơ ngực, điều này làm giảm chuyển động của cơ hoành. Nếu cơ hoành hô hấp của bạn không di chuyển tốt thì điều đó có nghĩa là cơ sàn chậu của bạn cũng không di chuyển tốt. Điều này có thể dẫn đến giảm sức mạnh và tăng sự hiện diện của các điểm gây đau ở sàn chậu, có thể dẫn đến các vấn đề về tiết niệu, ruột hoặc tình dục. Một trong những cách tốt nhất để phá vỡ chu kỳ này là tập các bài tập thở [7]

Bài tập thở có thể giúp ngăn ngừa biến chứng phổi với các bài tập như thở cơ hoành, thở phân thùy kết hợp với các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp như:

  • Kỹ thuật thở chúm môi
  • Kỹ thuật thở bụng: thở 2 thì, 3 thì
  • Kỹ thuật vỗ rung

Các bài tập cử động bàn chân, cổ chân 

Cử động bàn chân, cổ chân là những bài tập nhằm gia tăng tuần hoàn máu trong cơ thể người bệnh sau gãy xương chậu. Bằng cách thực hiện các bài tập này, người bệnh có thể cải thiện khả năng điều chỉnh và kiểm soát chuyển động của chân, tăng cường sức mạnh cho các cơ và cấu trúc liên quan đến chân và cổ chân.

Hướng dẫn bài tập gập lòng bàn chân và gập mu bàn chân:

  • Bước 1: Ngồi thẳng lưng trên 1 mặt phẳng, duỗi chân thẳng.
  • Bước 2: Co bàn chân về phía bạn, đẩy gót chân ra xa và giữ trong 5 giây.
  • Bước 3: Đảo ngược động tác, hướng mũi chân về phía trước để tạo độ cong của lòng bàn chân.
  • Lặp lại 10 – 15 lần mỗi giờ.
Bài tập gập lòng bàn chân và gập mu bàn chân
Bài tập gập lòng bàn chân và gập mu bàn chân.

Bài tập co cơ tứ đầu

  • Bước 1: Giữ ​​hai chân phẳng trên giường, đẩy đầu gối xuống sao cho chân thẳng.
  • Bước 2: Siết chặt cơ đùi và giữ trong 5 giây.
  • Lặp lại 5 – 10 lần.
Bài tập tăng sức mạnh cơ tứ đầu
Bài tập co cơ tứ đầu

3.2.2 Sau thời gian người bệnh bất động

Bài tập dạng khép khớp háng

  • Bước 1: Di chuyển chân sang hai bên, giữ đầu gối thẳng. 
  • Bước 2: Đưa chân của bạn trở lại giữa và lặp lại động tác. 
  • Lặp lại mỗi bên 10 lần, 3 lần/ngày.

Lưu ý: Giai đoạn đầu, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp bạn di chuyển chân bị thương cho đến khi bạn có thể tự mình thực hiện được bài tập.

Bài tập dạng khép khớp háng
Bài tập dạng khép khớp háng

Bài tập duỗi đầu gối khi nằm

  • Bước 1: Nằm ngửa và đặt một chiếc khăn cuộn dưới đầu gối của bạn.
  • Bước 2: Siết chặt cơ đùi và duỗi thẳng đầu gối, nhấc gót chân ra khỏi giường, giữ chân thẳng trong 5 giây và hạ xuống nhẹ nhàng.
  • Lặp lại cả hai bên 10 lần, 3 lần/ngày.
Bài tập duỗi đầu gối khi nằm
Bài tập duỗi đầu gối khi nằm

Bài tập duỗi đầu gối khi ngồi (có/không dây kháng lực)

  • Bước 1: Kéo chân lên về phía bạn (Khi bạn có thể ngồi thoải mái trên ghế hoặc xe lăn).
  • Bước 2: Siết chặt cơ đùi và duỗi thẳng đầu gối, giữ vị trí này trong 5 giây.
  • Lặp lại 10 – 15 lần mỗi giờ.
Bài tập duỗi đầu gối khi ngồi có dây kháng lực
Bài tập duỗi đầu gối khi ngồi có dây kháng lực

Xem thêm: 16 bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng giúp giảm đau hiệu quả

Bài tập tăng cường tầm vận động của các khớp cần hồi phục

Nhóm bài tập này thường được áp dụng vào giai đoạn tuần 3 – 6 trong chương trình phục hồi nhằm tăng cường tầm vận động của các khớp cần hồi phục. Các bài tập cụ thể như sau:

  • Tăng dần cường độ và phạm vi của các bài tập chuyển động xung quanh vùng xương chậu.
  • Tập cải thiện dáng đi (đi bộ) trên thanh song song hoặc sử dụng nạng.
  • Tăng cường các hoạt động về phía trên cơ thể và tập luyện các bài tập liên quan đến tim mạch để cải thiện sức khỏe toàn diện.
  • Tiếp tục sử dụng các kỹ thuật mô mềm như massage để giảm căng thẳng, đau nhức và đẩy mạnh lưu thông mạch máu.
  • Kiểm soát đau và sưng thông qua các biện pháp phù hợp như chườm nóng.
  • Tập luyện các bài tập chịu lực tỳ đè với các xương gãy như leo cầu thang nếu phù hợp và được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.
Bệnh nhân thực hiện các bài tập tăng cường tầm vận động cùng với kỹ thuật viên Myrehab Matsuoka
Người bệnh được hướng dẫn thực hiện các bài tập chịu lực tỳ đè dưới sự giám sát của kỹ thuật viên.

Tập đi lại

Ở giai đoạn tuần 7 – 12 khi bệnh nhân đã có thể chịu được sức nặng và đi bộ một quãng đường xa mà không cảm thấy khó khăn hay đau nhiều, các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn trở lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Chương trình phục hồi chức năng ở giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động cụ thể như tập đi lại, tập tỳ đè và thực hiện các động tác có thêm lực đối kháng như sử dụng đoạn dây thun co giãn để tăng cường sức mạnh cơ bắp.

Đối với những trường hợp gặp phải biến chứng, việc theo dõi kỹ lưỡng và cẩn thận là rất quan trọng. Các bài tập chỉ nên được thực hiện khi các khớp xương thực sự ổn định, cần điều trị các biến chứng trước khi bắt đầu thực hiện các bài tập này.

Bài tập sức mạnh phục hồi gãy xương chậu
Bài tập có liên quan đến lực đối kháng giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bắp.

Bên cạnh thực hiện các bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, thuốc phòng tránh tình trạng đông máu,…

Ngoài ra, người bệnh nên tái khám sau khi xuất viện 3 tháng để bác sĩ đánh giá tình trạng phục hồi và khả năng xảy ra một số biến chứng không mong muốn để có phương pháp điều trị phù hợp.

4. Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân gãy xương chậu trong thời gian phục hồi

4.1 Chế độ dinh dưỡng

Sau một chấn thương nghiêm trọng như gãy xương chậu, bệnh nhân thường sẽ có một khoảng thời gian nằm bất động trên giường bệnh. Do đó, việc bổ sung một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phòng ngừa và điều trị các bệnh về xương khớp [9].

Dưới đây là một số dưỡng chất mà bệnh nhân nên bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày để nhanh đẩy nhanh quá trình liền xương: 

  • Protein: Thịt, cá, sữa, phô mai, sữa chua, các loại hạt, đậu, sản phẩm đậu nành, ngũ cốc… 
  • Canxi: Sữa, sữa chua, phô mai, các loại rau lá xanh, cá hồi,…
  • Vitamin D: trứng, cá béo, dầu gan cá tuyết và sữa chua.
  • Vitamin C: trái cây họ cam quýt, ớt, khoai tây và rau xanh.
  • Sắt: Thịt đỏ, gan và các loại nội tạng, trứng, trái cây sấy khô, rau xanh,… [10]

Một chế độ ăn uống toàn diện dành cho người bị gãy xương không chỉ bao gồm thực phẩm cần bổ sung mà còn bao gồm cả thực phẩm cần tránh xa. Xương giòn không chỉ do thiếu vitamin và khoáng chất mà còn là kết quả của việc uống quá nhiều rượu, muối và cà phê. Quá nhiều những thứ này sẽ làm giảm lượng canxi có trong cơ thể bạn, khiến việc chữa lành vết thương trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, người bệnh không nên chỉ tập trung vào các loại thực phẩm tốt cho xương khớp mà không bổ sung đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể vì điều này có thể làm mất cân bằng dinh dưỡng và giảm chất lượng phục hồi [10]

Nhóm các chất dinh dưỡng cần thiết cho người phục hồi chức năng gãy xương chậu
Người bệnh có thể bổ sung Canxi và vitamin D từ nguồn thực vật như bơ, các hoạt hạt,… và từ động vật như cá, trứng,…

4.2 Chế độ nghỉ ngơi

Trong quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương chậu, một chế độ nghỉ ngơi phù hợp, đúng cách là rất quan trọng. Một số lưu ý trong chế độ nghỉ ngơi của bệnh nhân bị gãy xương chậu đang trong quá trình phục hồi bao gồm:

  • Nghỉ ngơi đủ: Bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi đủ để cơ thể có thể phục hồi và tái tạo nhanh hơn.
  • Hạn chế hoạt động cường độ cao: Trong giai đoạn hồi phục, người bệnh nên tránh các hoạt động có cường độ cao lên khu vực xương chậu khi chưa có sự hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ điều trị. Điều này có thể gây tổn thương thêm và làm chậm quá trình lành của xương.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu: Trong quá trình phục hồi chức năng, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ các chỉ đạo và hướng dẫn của chuyên gia y tế về việc nghỉ ngơi và thực hiện các bài tập phục hồi.
  • Điều chỉnh dựa trên cảm giác và phản hồi của cơ thể: Khi luyện tập, bạn cần luôn lắng nghe và điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi của bạn dựa trên cảm giác và phản hồi của cơ thể. Nếu bạn cảm thấy đau hoặc mệt mỏi, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh việc làm xương khớp hoạt động quá lâu, gây nên tình trạng mỏi và đau nhức.
Bệnh nhân tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để quá trình hồi phục có thể diễn ra nhanh hơn.

4.3 Chế độ vận động

Khi phục hồi sau gãy xương chậu, tư thế đi đứng, nằm và ngồi làm việc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình lành của xương và tránh tình trạng đau đớn hoặc tái phát. Dưới đây là một số lưu ý:

Tư thế đi đứng

  • Hãy đảm bảo bạn duy trì tư thế thẳng lưng và cân bằng khi đi đứng.
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ như gậy hoặc nạng đi nếu cần thiết để giảm áp lực lên xương chậu.

Tư thế nằm

  • Khi nằm, bạn hãy sử dụng gối hoặc gối chân để giữ cho cơ thể ở tư thế thoải mái và giảm áp lực lên khu vực xương chậu.
  • Bạn nên hạn chế việc nằm trên mặt bụng hoặc nằm ngửa hoàn toàn, thay vào đó hãy nằm nghiêng để giảm áp lực trực tiếp lên vùng xương chậu.

Tư thế ngồi làm việc

  • Đảm bảo bạn sử dụng ghế có độ nghiêng và độ cứng phù hợp để hỗ trợ cột sống và khu vực xương chậu.
  • Hãy đứng dậy và đi dạo xen kẽ giữa các khoảng thời gian ngồi để giảm áp lực và duy trì sự linh hoạt cho cơ thể.

Hạn chế thời gian ngồi lâu: Nếu có thể, bạn hãy hạn chế thời gian ngồi lâu để tránh tình trạng cơ bắp yếu và cảm giác đau đớn.

Người bệnh sử dụng nạng và được bác sĩ, kỹ thuật viên hỗ trợ trong quá trình tập đi lại và giảm áp lực lên xương chậu
Người bệnh có thể sử dụng nạng để hỗ trợ trong quá trình tập đi lại và giảm áp lực lên xương chậu.

4.4 Tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, kỹ thuật viên

Việc hồi phục của bạn sẽ tốt hơn nếu có sự giám sát chuyên môn phù hợp của các chuyên gia và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm. Tại Myrehab Matsuoka, chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ bạn, cung cấp các dịch vụ cần thiết để phục hồi sức khỏe. Sự kết hợp giữa dịch vụ chăm sóc sáng tạo, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và thân thiện sẽ mang đến cho bạn hành trình phục hồi ở mức độ tốt mà bạn mong đợi.

Trong quá trình phục hồi chức năng và điều trị, việc theo dõi các biến chứng có thể xảy ra đối với xương chậu cũng như các cơ quan trong ổ bụng như tiết niệu sinh dục và tiêu hóa là rất quan trọng. Nếu người bệnh được xuất viện về nhà, họ cần tái khám định kỳ sau mỗi 3 tháng hoặc khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Các bài tập trong chương trình phục hồi chức năng có thể giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, linh hoạt và chức năng chung của xương chậu. Tuy nhiên, việc thực hiện các bài tập không đúng cách có thể gây tổn thương hoặc trở ngại cho quá trình hồi phục. Do đó, người bệnh cần luôn luôn tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng và báo cáo bất kỳ triệu chứng không bình thường nào cho họ để được xử lý kịp thời.

Quá trình phục hồi chức năng gãy xương chậu tại Myrehab sẽ được giám sát chuyên môn bởi bác sỹ và kỹ thuật viên
Myrehab Matsuoka là trung tâm đầu tiên trong phục hồi chức năng toàn diện theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam.

5. Câu hỏi thường gặp về gãy xương chậu

5.1 Gãy xương chậu có phải mổ không?

Gãy xương chậu có thể được điều trị bằng hoặc không cần phẫu thuật. Điều trị gãy xương chậu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và tình trạng của bệnh nhân. Gãy xương nhỏ hoặc gãy xương ổn định có thể được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn như nghỉ ngơi, dùng thuốc, sử dụng nạng, vật lý trị liệu. 

Việc điều trị gãy xương không ổn định bao gồm kiểm soát tình trạng chảy máu và tổn thương các cơ quan nội tạng, mạch máu và dây thần kinh. Can thiệp phẫu thuật có thể được sử dụng để cố định xương chậu bị gãy bằng vít và tấm. Cố định xương chậu mang lại sự ổn định cho xương chậu và thúc đẩy quá trình lành vết gãy một cách tự nhiên [11].

5.2 Khi nào nên thực hiện phục hồi chức năng sau gãy xương chậu?

Đối với các trường hợp không cần phẫu thuật, quá trình phục hồi chức năng có thể được bắt đầu sau 24 giờ khi đã thực hiện các phương pháp điều trị. Trường hợp bệnh nhân phải điều trị bằng phẫu thuật, phục hồi chức năng có thể bắt đầu sau 1 hoặc 2 ngày nghỉ ngơi tại giường [6].

5.3 Gãy xương chậu bao lâu thì đi lại được?

Trong hầu hết các trường hợp, gãy xương chậu ổn định sẽ tự khỏi trong vòng vài tháng mà không cần phẫu thuật hoặc các thủ tục khác. Điều trị thường bao gồm sự kết hợp giữa thuốc giảm đau và vật lý trị liệu [11].

Đối với gãy xương chậu không ổn định, tổn thương các cơ xung quanh xương chậu của bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để chữa lành và bạn có thể phải đi khập khiễng trong tối đa 1 năm [11].

Phục hồi chức năng gãy xương chậu là một quá trình đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chức năng, sức mạnh vùng xương chậu. Bằng cách thăm khám với các chuyên gia y tế, bệnh nhân có thể học lại cách đi lại, tập luyện để cải thiện sức mạnh cơ bắp và linh hoạt và đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong lối sống hàng ngày để đảm bảo sự hồi phục tối ưu.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị sớm nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua:

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 10/07/2024Ngày cập nhật: 30/07/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo