Các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp cải thiện trao đổi khí

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Phục hồi chức năng hô hấp được áp dụng trong điều trị cho những người bệnh bị tổn thương tim phổi. Có 4 kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp gồm: kỹ thuật tập thở, tập vận động lồng ngực, ho có kiểm soát, dẫn lưu tư thế. Tùy theo từng nhóm bệnh, phục hồi chức năng hô hấp sẽ có những mục đích và các kỹ thuật phục hồi khác nhau. Tìm hiểu ngay các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp thường được áp dụng qua bài viết dưới đây.

Nhóm vấn đề Các vấn đề cần phục hồi chức năng Các kỹ thuật phục hồi
Phổi rối loạn thông khí hạn chế
  • Tràn dịch màng phổi (chủ yếu là lao màng phổi)
  • Viêm phổi mô kẽ
  • Lao phổi ổn định
  • Xơ phổi, ung thư phổi,…
  • Tập ho có kiểm soát
  • Tập thở với cơ hoành kết hợp kháng cản
  • Tập thở cơ hoành với dụng cụ
  • Các kỹ thuật vận động tăng cường thể lực
Phổi có rối loạn thông tắc khí nghẽn
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Viêm phổi
  • Áp xe phổi
  • Giãn phế quản
  • Nung mủ phổi phế quản
  • Tập ho có kiểm soát
  • Tập thở cơ hoành
  • Tập thở cơ hoành có dụng cụ
  • Dẫn lưu tư thế kết hợp với kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực
  • Vận động tăng cường thể lực
Phổi có rối loạn thông khí hỗn hợp
  • Đột phát cấp tính bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Viêm phổi
  • Áp xe phổi
  • Sau khi phẫu thuật lồng ngực
  • Tập ho có kiểm soát
  • Tập thở cơ hoành
  • Dẫn lưu tư thế kết hợp với kỹ thuật vỗ
  • Rung lồng ngực và kết hợp với các bài tập vận động tăng cường thể lực khác.

1. Kỹ thuật tập thở

Tập thở là một trong các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp phổ biến, được áp dụng để làm giãn nở lồng ngực, hỗ trợ khôi phục hô hấp để người bệnh có thể thở đúng cách, hạn chế ứ khí trong phổi.

Kỹ thuật tập thở được chỉ định áp dụng đối với những trường hợp sau:

  • Người bị hạn chế hô hấp do mắc các bệnh lý phổi nguyên phát hoặc thứ phát, bệnh co thắt phế quản, tắc đường thở, xẹp phổi, phù phổi, tắc mạch phổi, suy tim có ứ máu ở phổi,…
  • Trước hoặc sau khi thực hiện các phẫu thuật lồng ngực, tim mạch, phổi, bụng, cột sống.
  • Người mắc các bệnh thần kinh như Guillain-barre, tổn thương tủy sống,… dẫn đến yếu cơ, nhược cơ.
  • Người bị hạn chế hô hấp do thừa cân, mang thai, đầy bụng, mắc các dị tật hệ cơ xương, nằm lâu ngày do liệt có khuynh hướng giảm thông khí và ứ đọng đờm dãi.
  • Người bị căng thẳng, lo âu, suy nhược thần kinh.
  • Rối loạn chuyển hóa nhưng còn đáp ứng bù trừ. Bệnh nhân thở máy gây rối loạn điều hợp cơ hoành.

Chống chỉ định thực hiện kỹ thuật tập thở đối với các trường hợp: chấn thương lồng ngực, cơ hoành chưa được xử trí; tràn khí màng phổi; lao phổi cấp.

Các bài tập thở có vai trò quan trọng trong cải thiện các vấn đề hô hấp do nhiều bệnh lý
Các bài tập thở có vai trò quan trọng trong cải thiện các vấn đề hô hấp do nhiều bệnh lý

Những kỹ thuật tập thở mà người bệnh có thể thực hiện là thở bụng (thở bằng cơ hoành), thở phân thùy (thở cạnh sườn), thở mím môi, thờ hà hơi và thở có kháng cản.

1.1. Thở bụng (thở cơ hoành)

Cơ hoành là cơ hô hấp quan trọng, liên quan đến 60% hoạt động thở. Đa số các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều gặp các biến dạng cơ hoành như dẹt, lồi lõm không đều, gây khó khăn cho việc thở.

Thực hiện bài tập thở cơ hoành có thể tăng cường sức mạnh cơ hoành, cơ bụng để tăng lượng khi lưu thông tại phổi mà không gây mất sức các cơ hô hấp phụ. Phương pháp thở này còn giúp tăng thông khí và trao đổi oxy, đào thải đờm dịch, cải thiện tình trạng khó thở, tăng cường hiệu quả hô hấp và tiết kiệm năng lượng cho người bệnh.

Cách thực hiện kỹ thuật:

  • Để bệnh nhân trong tư thế nằm ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi, đầu gối gấp 45 độ và hai khớp háng xoay ra ngoài. Một bàn tay đặt lên bụng, tay còn lại đặt lên ngực.
  • Người bệnh tiến hành hít vào chậm và đều bằng mũi sao cho bàn tay trên bụng cảm nhận sự phình lên, lồng ngực không di chuyển.
  • Bắt đầu thở ra chậm chậm bằng miệng và hóp bụng đến khi bàn tay cảm nhận bụng lõm xuống.
  • Thực hiện 5 – 10 chu kỳ/lượt, sau đó thư giãn bằng cách thở tự nhiên trong 2 – 3 phút rồi lặp lại lượt bài tập tiếp theo.
Tư thế thực hiện kỹ thuật thở cơ hoành
Tư thế thực hiện kỹ thuật thở cơ hoành

Lưu ý:

  • Cho người bệnh thực hiện bài tập này ở tư thế ngồi, đứng hoặc đang hoạt động khi đã thành thạo hơn.
  • Nếu người bệnh gặp khó khăn khi hít vào bằng cơ hoành, thực hiện hít vào bằng mũi với động tác hít mạnh để tạo kích thích cho cơ hoành.
  • Tập bài tập này nhiều lần trong ngày để tạo thói quen.

1.2. Thở phân thùy hoặc thở cạnh sườn

Đây là một trong các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp cần sự phối hợp của kỹ thuật viên để tập trung vào các vùng bị tổn thương, tạo áp lực ngược lên bàn tay của kỹ thuật viên khi người bệnh hít thở để việc hít thở đầy đủ hơn.

Cách thực hiện kỹ thuật:

  • Kỹ thuật viên xác định vùng phổi bị tổn thương và đặt tay lên vùng thành ngực tương ứng với phần cần tăng thông khí, chẳng hạn như cạnh sườn, phía trước hạ sườn,…
  • Yêu cầu bệnh nhân tiến hành hít vào mạnh và sâu và thở ra đều đặn, kỹ thuật viên tiến hành điều chỉnh động tác tay lên xuống theo nhịp thở của bệnh nhân, sau đó kết hợp với ấn và rung lồng ngực người bệnh khi thở ra.
Kỹ thuật viên hỗ trợ người bệnh trong kỹ thuật thở phân thùy
Kỹ thuật viên hỗ trợ người bệnh trong kỹ thuật thở phân thùy

Lưu ý: Kỹ thuật viên để cho lồng ngực của bệnh nhân có thể di chuyển tự do khi hít vào.

1.3. Thở mím môi

Khí ở trong phổi không được đẩy ra ngoài có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở. Bài tập này sẽ giúp người bệnh đẩy được lượng khí ứ đọng ở phổi, thường được áp dụng đối với trường hợp bị mệt, đang đi bộ hoặc áp dụng xuyên suốt như một cách thở bắt buộc.

Cách thực hiện kỹ thuật:

  • Ngồi với tư thế thoải mái, thả lỏng cổ, vai.
  • Tiến hành hít vào chậm rãi bằng mũi trong vài giây.
  • Mím hoặc chúm môi lại như đang huýt sáo, sau đó thở ra một hơi dài và chậm, thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.
Thực hiện kỹ thuật thở mím môi trong trường hợp đang mệt, khó thở
Thực hiện kỹ thuật thở mím môi trong trường hợp đang mệt, khó thở

Lưu ý: Thực hiện lại bài tập lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi tình trạng khó thở được cải thiện, áp dụng kỹ thuật thở này khi thấy khó thở như đi cầu thang, leo núi, tập thể dục,…

1.4. Thở hà hơi

Phương pháp thở được áp dụng khi người bệnh quá mệt mỏi và không thở nổi. Khi gặp các cơn khó thở đột ngột, người bệnh có thể thực hiện kỹ thuật thở này trong lúc tìm các loại thuốc xịt hỗ trợ giãn phế quản.

Cách thực hiện kỹ thuật: Há miệng và thực hiện hít vào và thở mạnh ra như đang hà hơi.

Thực hiện thở hà hơi khi người bệnh không thở nổi
Thực hiện thở hà hơi khi người bệnh không thở nổi

1.5. Tập thở có kháng cản

Tập thở với kháng cản sẽ giúp tập trung vào rèn luyện các cơ hít vào, từ đó tăng sức mạnh và sức bền của các cơ hô hấp. Người bệnh có thể thực hiện tập bằng 2 phương pháp là tập mạnh cho cơ hoành (sử dụng một vật nặng có trọng lượng nhỏ giúp tăng sức mạnh cho cơ hoành) và tập luyện hít vào qua vật cản (sử dụng vật cản để nâng cao trương lực và giảm áp lực lên các hít vào).

1 – Tập mạnh cho cơ hoành:

  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu hơi cao.
  • Đặt một vật có trọng lượng khoảng 1.5 – 2.5kg lên vùng thượng vị.
  • Hướng dẫn bệnh nhân thở sâu trong khi vẫn giữ vật trên ngực ở trạng thái tĩnh, đảm bảo vật nặng không cản trở chuyển động của cơ hoành và sự lên của vùng thượng vị.
  • Tăng dần thời gian thở và tăng dần trọng lượng của vật nếu bệnh nhân có thể duy trì kiểu thở hoành trong 15 phút mà không sử dụng các cơ hít phụ.
Thực hiện kỹ thuật thở với vật cản để tăng sức mạnh cơ hoành
Thực hiện kỹ thuật thở với vật cản để tăng sức mạnh cơ hoành

2 – Tập luyện hít vào qua vật cản:

  • Sử dụng một dụng cụ chuyên dụng (vật cản) là những ống có đường kính khác nhau với tay cầm. Người bệnh đặt dụng cụ vào miệng và hít vào, dụng cụ sẽ tạo lực cản cho luồng khí khi hít vào, đường kính của ống càng nhỏ thì lực cản tạo ra càng lớn.
  • Thực hiện bài tập vài lần trong ngày, tăng dần thời gian lên 20 – 30 phút/liệu trình và giảm dần đường kính của ống.
Thực hiện thở có kháng cản với các dụng cụ chuyên dụng
Thực hiện thở có kháng cản với các dụng cụ chuyên dụng

1.6. Kỹ thuật thở 2 – 3 – 4

Thở 2 – 3 – 4 thì cũng là một kỹ thuật mà người bệnh có thể thực hiện để cải thiện nhịp thở và tăng cường chức năng hô hấp.

Cách thực hiện kỹ thuật: 

  • Ngồi thẳng, đặt hai tay lên đầu gối.
  • Thở 2 thì gồm 1 nhịp hít (hít vào bằng mũi) và 1 nhịp thở lặp lại nhiều lần.
  • Thở 3 thì (hít – nín thở – chuyển âm) – (hít – nín thở – chuyển dương).
  • Thở 4 thì (hít – nín – thở – nín).
  • Lặp lại quá trình này trong khoảng vài phút.

2. Tập vận động lồng ngực

Tập vận đồng lồng ngực là các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp phối hợp hoạt động chủ động của tay, chân, thân mình với động tác thở sâu. Phương pháp này sẽ duy trì và tăng cường sự vận động của lồng ngực, thân mình và đai vai khi thực hiện hít thở và giúp điều chỉnh tư thể.

2.1. Vận động một bên ngực

  • Để bệnh nhân ở tư thế ngồi, gập nghiêng người ngược hướng với các bộ phận bị hạn chế vận động. Tư thế này có thể giúp làm giãn nở ngực khi hít vào, đồng thời kéo giãn các bộ phận bị thương.
  • Bệnh nhân tự ấn nắm tay vào sườn bên, thở ra kết hợp với nghiêng người về hướng có bộ phận bị hạn chế vận động.
  • Khi bệnh nhân đã quen với bài tập, cho bệnh nhân nâng tay ở bên bị hạn chế vận động qua đầu rồi gập người nghiêng về phía ngược lại để tăng lực kéo giãn.
Bài tập vận động một bên ngực
Bài tập vận động một bên ngực

2.2. Vận động ngực trên và kéo duỗi các cơ ngực

  • Bệnh nhân ngồi trên ghế, đan 2 tay sau gáy, sau đó vừa hít vào vừa dạng ngang hai khuỷu tay ra phía sau để kéo dài cơ ngực lớn.
  • Khép 2 khuỷu tay lại gần nhau và cúi gập đầu khi thở ra.
Bệnh nhân đặt tay sau gáy và vươn tay để giãn cơ ngực
Bệnh nhân đặt tay sau gáy và vươn tay để giãn cơ ngực

2.3. Vận động ngực trên và hai vai

  • Bệnh nhân ngồi trên ghế, vừa hít vào giơ 2 tay lên đầu, giữ tay duỗi thẳng, vai gập 180 độ và hơi dạng.
  • Bệnh nhân thở ra và cúi gập người xuống tại khớp háng, 2 tay chạm sàn.
Tư thế gập người và vươn tay chạm sàn khi thở ra 
Tư thế gập người và vươn tay chạm sàn khi thở ra

3. Ho có kiểm soát

Ho là một phản xạ của cơ thể để loại bỏ các vật lạ ra khỏi cơ thể. Ho có kiểm soát là các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp giúp thông đờm, loại bỏ dịch tiết phế quản để làm sạch đường thở, cải thiện tình trạng cản trở hô hấp do đờm hoặc khó khăn khi khạc đờm. Các bước để thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát:

  • Ngồi trên ghế với tư thế thoải mái, hít vào chậm và thật sâu, sau đó nín thở trong vài giây.
  • Tiến hành ho mạnh lần 1 để long đờm, sau đó ho mạnh lần 2 để đẩy đờm ra ngoài. Người bệnh nên đặt tay lên bụng sau 2 lần ho để cảm nhận sự co lại của cơ bụng.
  • Tiếp tục hít vào chậm và nhẹ nhàng, áp dụng kỹ thuật thở mím môi vài lần rồi lặp lại động tác ho.
Thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát
Thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát

Người bệnh có thể thực hiện một số kỹ thuật sau hỗ trợ cho bài tập ho có kiểm soát, giúp ho mạnh hoặc thoải mái hơn, giúp đào thải đờm dịch hiệu quả hơn.

3.1. Trợ giúp ho bằng tay

Đối với bệnh nhân bị chấn thương tuỷ sống vùng cổ hoặc ngực giữa,… khiến cơ bụng bị yếu, nên dùng tay ấn lên vùng bụng khi thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát để tăng áp suất bên trong ở bụng, giúp kích thích cơ hiệu quả hơn.

Cách thực hiện kỹ thuật:

  • Để bệnh nhân nằm, kỹ thuật viên đặt 1 tay lên vùng thượng vị của bệnh nhân, sau đó chồng tay kia lên trên, có thể đan các ngón tay vào nhau.
  • Sau khi bệnh nhân hít vào sâu, kỹ thuật viên ấn lên bụng một lực theo chiều vào trong và lên phía trên để đẩy cơ hoành lên trên, giúp ho mạnh và hiệu quả hơn.

Đối với bệnh nhân thực hiện kỹ thuật trong tư thế ngồi, kỹ thuật hiện thực hiện tương tự với tư thế ấn vào bụng bệnh nhân khi thở ra, đứng ở trước hoặc sau bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật này.

Lưu ý: Không được ấn trực tiếp lên mỏm xương ức trong quá trình thực hiện kỹ thuật.

Kỹ thuật trợ giúp bằng tay để người bệnh thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát
Kỹ thuật trợ giúp bằng tay để người bệnh thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát

3.2. Đè ép lên vùng đau

Thực hiện kỹ thuật này nếu khả năng ho của bệnh nhân bị hạn chế do chấn thương lồng ngực hay sau phẫu thuật. Bệnh nhân tự thực hiện hoặc nhờ sự giúp đỡ của kỹ thuật viên để dùng tay hoặc gối đè ép lên vùng đau khi ho.

3.3. Kích thích phế quản

Đây là kỹ thuật được áp dụng đối với trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân trong tình trạng không tỉnh táo, không thể hợp tác. Kỹ thuật hiện phương pháp này bằng cách đặt 2 ngón tay lên chỗ lõm của xương ức bệnh nhân và tiến hành miết theo vòng tròn trên khí quản để tạo phản xạ ho.

3.4. Kỹ thuật thở mạnh ra

Đây là kỹ thuật được thực hiện để thay thế động tác ho trong trường hợp người bệnh có lực cơ quá yếu không thể ho. Thực hiện phương pháp này tương tự với kỹ thuật ho có kiểm soát nhưng thay động tác ho bằng cách thở ra mạnh và kéo dài.

Thực hiện thở mạnh ra thay cho hoạt động ho trong trường hợp người bệnh có lực cơ quá yếu
Thực hiện thở mạnh ra thay cho hoạt động ho trong trường hợp người bệnh có lực cơ quá yếu

4. Dẫn lưu tư thế

Dẫn lưu tư thế, còn gọi là dẫn lưu phế quản, là liệu pháp dẫn lưu các chất tiết ra đường khi phế quản dưới tác dụng của trọng lực bằng cách đặt bệnh nhân ở các tư thế khác nhau. Khi các chất tiết được dẫn đến các đường khí phế quản lớn hơn, chúng sẽ được đưa ra ngoài bằng cách ho hoặc qua ống nội khí quản.

Dẫn lưu tư thế có tác dụng trong việc ngăn ngừa sự tích tụ các chất tiết đối với các bệnh nhân bị tăng tiết đờm dãi do bị bệnh phổi như giãn phế quản, bệnh xơ nang hóa; bệnh nhân phải nằm lâu ngày; bệnh nhân hạn chế hô hấp do đau, phải thở gắng sức; bệnh nhân có áp xe phổi. Phương pháp này còn giúp đào thải các dịch tích tụ trong phối đối với bệnh nhân bị bệnh phổi cấp tính hoặc mãn tính như viêm phổi, xẹp phổi, nhiễm trùng phổi cấp và COPD.

Cách thực hiện kỹ thuật:

  • Đặt bệnh nhân ở các tư thế dẫn lưu theo chỉ định, mỗi tư thế duy trì trong 5 – 10 phút. Kỹ thuật viên cần quan sát được nét mặt bệnh nhân xuyên suốt trong quá trình thay đổi tư thế.
  • Sau điều trị, để bệnh nhân nằm ở tư thế ban đầu, ngồi dậy từ từ, thở sâu và tiến hành ho.
  • Tập luyện các tư thế trong tổng thời gian 40 phút. Thực hiện 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều.
  • Các chất dịch có thể được tống ra sau 30 phút – 1 giờ thực hiện dẫn lưu tư thế, nên kỹ thuật viên cần nhắc nhở người bệnh ho và khạc ra.
Một số tư thế dẫn lưu thường được áp dụng
Một số tư thế dẫn lưu thường được áp dụng

Người bệnh có thể thực hiện phối hợp các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp dẫn lưu tư thế vỗ, rung, lắc lồng ngực để tạo hiệu quả tối đa cho việc vận chuyển các dịch tiết.

4.1. Kỹ thuật vỗ lồng ngực

Kỹ thuật vỗ lồng ngực giúp tạo sóng cơ học, có tác dụng vận chuyển các chất tiết hiệu quả hơn để làm bong dịch nhầy khỏi phổi để đào thải ra ngoài.

Cách thực hiện kỹ thuật:

  • Kỹ thuật viên đặt bàn tay ở tư thế chụm lại, các ngón tay khép sát.
  • Thực hiện vỗ lên những thùy phổi cần dẫn lưu một cách nhịp nhàng, với tốc độ và lực vừa phải để không gây đau, khó chịu cho bệnh nhân. Giữ cho vai, khuỷu tay và cổ tay của tay đang vỗ được thả lỏng.
  • Thực hiện vỗ trong 3 – 5 phút.
Cách đặt bàn tay khi vỗ lồng ngực
Cách đặt bàn tay khi vỗ lồng ngực

Lưu ý:

  • Lót một lớp khăn mỏng ở vùng vỗ hoặc cho bệnh nhân mặc áo để lót mỏng. Tránh vỗ lên những vùng da nhạy cảm.
  • Tránh vỗ lên vùng vú ở nữ giới và những phần xương nhô lên như xương đòn, xương bả vai, xương cột sống.
  • Không thực hiện phương pháp này trong trường hợp bệnh nhân bị gãy xương, nghẽn mạch phổi, đau thắt ngực, đau thành ngực (do chấn thương hoặc sau phẫu thuật), dễ chảy máu do giảm tiểu cầu hoặc sử dụng các thuốc chống đông máu, bệnh nhân có khối u.

4.2. Kỹ thuật rung lồng ngực

Đây là kỹ thuật thường được kết hợp với vỗ lồng ngực, thực hiện khi bệnh nhân đang trong thở ra để tạo sóng cơ học giúp di chuyển dịch tiết từ phế quản nhỏ đến phế quản lớn dễ dàng hơn.

Cách thực hiện kỹ thuật:

  • Chồng 2 bàn tay lên nhau và đặt ở phía sau của lồng ngực, luồn tay vào kẽ sườn.
  • Khi bệnh nhân đang thở ra, tiến hành ấn nhẹ nhàng và rung nhanh vào thành ngực, lực ấn phải cùng chiều với chuyển động của ngực.

Lưu ý: Rung của bàn tay được tạo ra bằng sự co đẳng trương các cơ từ vai đến bàn tay của kỹ thuật viên.

Động tác tay thực hiện kỹ thuật rung lồng ngực
Động tác tay thực hiện kỹ thuật rung lồng ngực

4.3. Kỹ thuật lắc

Đây là dạng kỹ thuật rung nhưng tầm cử động ở 2 tay của kỹ thuật viên sẽ rộng hơn để tạo rung động mạnh hơn. Kỹ thuật viên đặt 2 ngón cái chạm vào nhau, mở rộng 2 lòng bàn tay, đặt tay lên bộ phận cần thực hiện kỹ thuật và dùng ngón tay ôm chặt thành ngực, tiến hành ép và lắc thành ngực.

Tư thế tay thực hiện động tác lắc dẫn lưu tư thế
Tư thế tay thực hiện động tác lắc dẫn lưu tư thế

Có thể bạn quan tâm: 8 điều cần biết về phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người

Các biện pháp đối phó với cơn khó thở

Khi người bệnh gặp các cơn khó thở đột ngột, hãy thực hiện các bài tập phục hồi chức năng hô hấp kết hợp với các kỹ thuật sau:

  • Đứng hoặc ngồi với tư thế sao cho phần thân trên cơ thể (từ hông trở lên) hơi cúi về phía trước, có thể tìm các điểm tựa như mặt bàn, tay vịn, tường,… để thực hiện lúc cúi người.
  • Thực hiện bài tập thở chúm môi trong các trường hợp khó thở.
  • Nếu người bệnh đang ở trong tư thế ngồi, hãy đặt tay sao cho khuỷu tay hoặc bàn tay chống lên đầu gối. Người bệnh cũng có thể để đầu tựa vào cẳng tay để hỗ trợ các hoạt động của cơ hô hấp lồng ngực trong việc làm nở phổi.

Nếu người bệnh thường đối mặt với các cơn khó thở về đêm, hãy lưu ý những điều sau để hạn chế hiệu quả:

  • Sử dụng các gối kê cao đầu.
  • Đặt các loại thuốc xịt hỗ trợ hô hấp gần giường ngủ.
  • Giữ cho tư thế nằm thoải mái.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, kết hợp với luyện tập thể dục thể thao.
  • Nếu thức giấc giữa chừng do khó thở, hãy ngồi cạnh mép giường, chống khuỷu tay lên gối, hơi cúi người về phía trước và thực hiện kỹ thuật thở mím môi đến khi cải thiện được cơn khó thở.
Ngủ với gối cao hơn giúp hạn chế cơn khó thở
Ngủ với gối cao hơn giúp hạn chế cơn khó thở

Lưu ý cho người phục hồi chức năng hô hấp

Bên cạnh việc thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp theo hướng dẫn của chuyên gia, người bệnh cần lưu ý duy trì những thói quen sau để quá trình phục hồi đạt hiệu quả cao hơn:

  1. Vận động và tập thể dục đều đặn với cường độ thích hợp để lưu thông khí huyết, tăng cường sức mạnh cho các cơ và hỗ trợ hô hấp.
  2. Hạn chế đi cầu thang hoặc leo lên chỗ cao. Nếu cần phải đi, bạn nên dừng lại nghỉ giữa các khoảng cầu thang.
  3. Không nên tắm khi cảm thấy mệt mỏi, khó thở và đang ở nhà một mình. Thiết kế các thanh vịn trong nhà tắm để có thể bám vịn khi cần thiết.
  4. Lựa chọn quần áo rộng rãi, chất liệu co giãn dễ chịu. Hạn chế mặc các trang phục phải cài nút áo sau lưng, cao kín cổ, quần áo chật hoặc bó sát.
  5. Tránh dùng các loại sữa tắm, mỹ phẩm, thuốc tẩy có mùi hăng. Hạn chế các vật dụng có mùi gắt như long não, dầu lửa,…
  6. Hạn chế cúi gập người, đặt các vật dụng cần thiết trong tầm tay, sử dụng các dụng cụ có cán dài để hỗ trợ việc mang giày.
  7. Không mang vác các vật nặng, làm việc quá sức.
  8. Hạn chế đến những nơi kém thoáng khí như tầng hầm, nhà kín, tránh nơi đông người.
  9. Giữ ấm cho cơ thể, hạn chế ra ngoài trời vào mùa lạnh.
Hạn chế những thói quen có thể cản trở hoạt động hô hấp 
Hạn chế những thói quen có thể cản trở hoạt động hô hấp

Các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp thường được thực hiện trong trường hợp người bệnh gặp các bệnh lý về phổi gây rối loạn thông khí. Việc thực hiện các bài tập hô hấp cần có sự theo dõi của các kỹ thuật viên chuyên môn để đảm bảo đúng kỹ thuật và tránh rủi ro nguy hiểm. Người bệnh cũng cần kết hợp các kỹ thuật với duy trì các thói quen có lợi cho hô hấp trong sinh hoạt hằng ngày.

Bệnh nhân có nhu cầu thực hiện phục hồi chức năng hô hấp có thể tìm đến Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA, một trong những địa chỉ thăm khám, tư vấn và phục hồi chức năng toàn diện theo tiêu chuẩn Nhật Bản. 

Đến với MYREHAB MATSUOKA, người bệnh có thể được hỗ trợ bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, thường xuyên được giao lưu đào tạo các kỹ thuật phục hồi chức năng bởi các chuyên gia đến từ Tập đoàn Y tế Emergency Medical Service (EMS) Nhật Bản. 

Tại đây, người bệnh sẽ được xây dựng kế hoạch tập luyện cá nhân hóa phù hợp với tình trạng bệnh và tập luyện với sự hỗ trợ của máy móc trang thiết bị vật lý trị liệu hiện đại hàng đầu theo tiêu chuẩn Âu – Mỹ

Hãy đến với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được hỗ trợ toàn diện và hiệu quả nhằm phục hồi chức năng hô hấp.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 04/08/2024Ngày cập nhật: 06/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.