5 phương pháp phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Các rối loạn về cơ tròn ở bàng quang và hậu môn là những tổn thương thần kinh có thể ảnh hưởng đến hoạt động đại tiểu tiện của người bệnh, cản trở sinh hoạt và làm chất lượng cuộc sống. Hãy cùng tham khảo các phương pháp phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn và những thói quen cần duy trì để cải thiện hiệu quả bệnh lý này

1. 2 loại rối loạn cơ tròn cần tập phục hồi chức năng

Cơ tròn tại bàng quang và hậu môn là những cơ có khả năng hoạt động dưới sự điều khiển từ trung khu của hệ thống thần kinh trung ương. Rối loạn cơ tròn là tình trạng tổn thương ở trung tâm phản xạ lưng cùng, vùng phình thắt lưng, vùng nón tận của hệ thần kinh; hoặc do biến chứng của tai biến mạch máu não, u não, xơ cứng động mạch não.

Những dạng rối loạn cơ tròn cần thực hiện PHCN là rối loạn cơ tròn bàng quang và rối loạn cơ tròn hậu môn.

1.1. Rối loạn cơ tròn bàng quang

Phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn bàng quang giúp người bệnh khôi phục sức mạnh của các cơ vòng để tăng khả năng điều khiển, giữ nước tiểu và gây đi tiểu của bàng quang. Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sẽ giúp bạn cải thiện hiệu quả các triệu chứng tiểu tiện bất thường thường như:

  • Tiểu rò rỉ: Tiểu nhỏ giọt, không thể kiểm soát, có thể diễn ra khi bệnh nhân đang ngủ hoặc hôn mê. Tình trạng này thường liên quan đến những tổn thương ở phình tủy thắt lưng, chóp cùng đuôi ngựa.
  • Tiểu khó: Người bệnh có cảm giác buồn tiểu nhưng gặp khó khăn trong tiểu tiên, tiểu phải rặn, thường liên quan đến các trường hợp chèn ép tủy sống, viêm tủy. 
  • Tiểu không tự chủ: Nước tiểu chảy ra và ngừng chảy mà người bệnh không thể điều khiển được. Triệu chứng này liên quan đến các tổn thương ở phình tủy thắt lưng (không tăng trương lực vòng ngoài), hạ khâu não, thùy cạnh giữa.
Các rối loạn cơ tròn bàng quang có thể gây ra những vấn đề về tiểu tiện
Các rối loạn cơ tròn bàng quang có thể gây ra những vấn đề về tiểu tiện

1.2. Rối loạn cơ tròn hậu môn

Rối loạn cơ tròn hậu môn thường đi kèm với các triệu chứng rối loạn tiểu tiện nhưng mức độ thường ít rõ ràng hơn. Các phương pháp phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn hậu môn có thể giúp tăng trương lực cơ của các cơ thắt hậu môn ngoài, từ đó giúp tăng khả năng tự chủ của người bệnh trong việc đại tiện, ngăn ngừa các vấn đề như:

  • Đi đại tiện rò rỉ phân không thể kiểm soát, làm tăng nguy cơ bị loét và bội nhiễm các loại virus hoặc vi khuẩn.
  • Bí đại tiện, người bệnh không thể đi đại điện dù có cảm giác buồn.
  • Rối loạn đại tiện đi kèm với các vấn đề về tiểu tiện và các triệu chứng rối loạn sinh dục như cường dương, liệt dương ở nam giới; chứng lạnh khí (cảm thấy cơ thể lạnh đột ngột) ở nữ giới.

Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người nhằm mục đích giúp người bệnh có thể tự đi lại hoặc thực hiện các hoạt động cá nhân, hạn chế sự hỗ trợ từ người khác.

Đại tiện không kiểm soát có thể do các rối loạn cơ tròn hậu môn
Đại tiện không kiểm soát có thể do các rối loạn cơ tròn hậu môn

2. 5 phương pháp phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn

2.1. Tập luyện bàng quang để thay đổi thói quen đi tiểu

Đây là phương pháp được chỉ định áp dụng đối với trường hợp cần kiểm soát triệu chứng tiểu gấp, rỉ tiểu. Tập luyện bàng quang tạo thói quen đi tiểu đều đặn và thay đổi lượng chất lỏng cơ thể tiêu thụ. Những điều cần lưu ý khi thực hiện phương pháp này là:

  • Luyện tập duy trì khoảng thời gian giữa các lần đi tiểu là 2 – 3 giờ khi người bệnh đang thức, sau đó tăng dần thời gian khoảng cách lên 3 – 4 giờ.
  • Bệnh nhân sẽ được nhắc để đi tiểu mỗi 2 giờ dù không có nhu cầu đi tiểu hoặc đang có dấu hiệu tiểu không kiểm soát.
  • Sử dụng nhật ký để ghi chép lại tần suất đi tiểu, cảm nhận của bệnh nhân về độ đầy của bàng quang.

Người bệnh có thể tiến hành tập bàng quang kết hợp với phương pháp khác như kích thích điện.

Tập luyện bàng quang để thay đổi thói quen đi tiểu
Thực hiện bài tập bàng quang bằng cách đi tiểu sau mỗi khoảng thời gian cố định

2.2. Kích thích điện

Một phương pháp phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn phổ biến là kích thích điện, tiến hành dùng các điện cực để kích thích các nhóm cơ tròn, thần kinh cùng, thần kinh chày. Kích thích điện cần được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn và tiến hành trong nhiều tháng để cải thiện hiệu quả các triệu chứng tiểu phải rặn, rỉ nước tiểu gấp. Thực hiện kích thích điện đồng thời với các phương pháp tập bàng quang, tập luyện cơ sàn chậu,…

Tiến hành kích thích điện thần kinh chày cải thiện rối loạn chức năng cơ tròn
Tiến hành kích thích điện thần kinh chày cải thiện rối loạn chức năng cơ tròn

2.3. Phản hồi sinh học (Biofeedback)

Phản hồi sinh học là một kỹ thuật sử dụng các thiết bị cảm biến chuyên dụng để phát hiện chính xác các nhóm cơ cần được sử dụng để kiểm soát các hoạt động tiểu tiện và đại tiện. Quá trình này giúp cho việc vận dụng và kiểm soát các nhóm cơ này hiệu quả trong quá trình tập luyện, đồng thời giảm áp lực lên bàng quang và hậu môn.

Để thực hiện phản hồi sinh học, theo như phương pháp thông thường bác sĩ sẽ tiến hành đặt hai miếng cảm biến ở hai bên hậu môn, một bộ cảm biến khác đặt trên bụng. Các biểu độ hiển thị trên thiết bị sẽ giúp bác sĩ nhận biết các nhóm cơ bạn đang sử dụng.

Hiện nay, tại MYREHAB MATSUOKA có hệ thống máy phản hồi sinh học hiện đại hơn với ưu điểm cảm biến đặt phía bên ngoài để người bệnh ngồi lên, không cần tiến hành các thủ thuật xâm lấn tạo cảm giác e ngại,  khó chịu cho người bệnh. 

Thực hiện phục hồi sinh học với hệ thống máy PELVIC hiện đại tại Myrehab Matsuoka
Thực hiện phục hồi sinh học với hệ thống máy PELVIC hiện đại để xác định các nhóm cơ phục vụ hoạt động đại tiểu tiện

2.4. Tập bài tập Kegel rèn luyện cơ sàn chậu

Kegel là bài tập tác động đến các cơ sàn chậu (PuboCoccygeus – PC) được phát minh bởi bác sĩ Arnold Kegel vào năm 1940. Các bài tập Kegel tăng cường sức khỏe của các cơ thắt niệu đạo, cơ đáy chậu, nhóm cơ nâng, giúp nâng đỡ các cơ quan vùng chậu (niệu đạo, bàng quang, ruột,…) và ngăn ngừa các rối loạn như rỉ nước tiểu, tiểu lắt nhắt, són phân,… Ngoài ra, bài tập Kegel còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe tình dục ở cả nam và nữ giới.

Để xác định đúng được vị trí của cơ sàn chậu, người bệnh phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn nên nhờ sự trợ giúp của bác sĩ với các dụng cụ hỗ trợ hoặc ứng dụng các thiết bị phản hồi sinh học. Dưới đây là các bài tập Kegel bạn có thể thực hiện dưới đây theo theo hướng dẫn của các kỹ thuật viên.

Bài 1: Bài tập co cơ nhanh: Gia tăng sức mạnh cho các nhóm cơ nhanh, giúp cải thiện tình trạng rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi đột ngột. 

Cách thực hiện bài tập co cơ nhanh:

  • Ngồi trên sàn, khoanh chân và giữ thẳng lưng.
  • Tập trung sức mạnh để siết các các cơ sàn chậu hết sức, giữ động tác trong 2 giây rồi thả lỏng.
  • Tần suất thực hiện: 10 lần/hiệp, 3 hiệp/ngày.
Bài tập co cơ nhanh
Thực hiện bài tập co cơ nhanh ở tư thế ngồi khoanh chân

Bài 2: Bài tập co cơ chậm: Tăng khả năng nâng đỡ các cơ quan ở vùng chậu, đồng thời giúp kéo dài thời gian giữa các lần đi vệ sinh. 

Cách thực hiện bài tập co cơ chậm:

  • Ngồi khoanh chân và thẳng lưng trên sàn.
  • Siết các cơ sàn chậu như trong bài tập trên, nhưng giữ lâu hơn trong 5 – 10 giây rồi mới thả lỏng.
  • Tần suất thực hiện: 10 lần/hiệp, 3 hiệp/ngày.
Bài tập co cơ chậm
Thực hiện bài tập co cơ chậm với thời gian siết cơ dài hơn

Bài 3: Bài tập Kegel nằm

  • Nằm trên thảm tập, duỗi thẳng hai tay, co hai đầu gối để bàn chân chạm sàn.
  • Từ từ nhấc hông lên khỏi sàn, giữ nguyên tư thế đồng thời siết chặt cơ sàn chậu trong 5 – 10 giây rồi thả lỏng.
  • Tần suất thực hiện: Lặp lại động tác siết cơ 10 lần/hiệp, 3 hiệp/ngày.
Bài Kegel tư thế nằm
Thực hiện bài tập Kegel ở tư thế nằm

Bài 4: Bài tập Kegel đứng: Khi quen với các tư thế luyện tập trên, bạn có thể thực hiện bài tập này kể cả khi đang đứng để có thể tập luyện thuận tiện và thường xuyên hơn. 

Cách thực hiện bài tập Kegel đứng:

  • Đứng thẳng, siết chặt vùng cơ sàn chậu. Người bệnh có thể cảm thấy sự căng ở đùi, tuy nhiên nếu căng ở bụng bài tập vẫn chưa đúng.
  • Siết cơ trong 10 giây rồi thả lỏng.
  • Tần suất thực hiện: 10 lần/hiệp, 3 hiệp/ngày.
Bài tập Kegel tư thế đứng
Bạn cũng có thể tập thực hiện siết cơ sàn chậu trong tư thế đứng

Lưu ý: Bạn có thể tăng dần số lần tập luyện mỗi ngày khi cơ thể đã quen với tần suất luyện tập.

Mục tiêu bài tập: Người bệnh cảm thấy sức mạnh của nhóm cơ sàn chậu được cải thiện, đồng thời tăng khả năng kiểm soát đường tiểu.

2.5. Tập các bài tập cơ tròn hậu môn 

Các bài tập phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn hậu môn có tác dụng tăng cường sức mạnh cho cả cơ tròn bên trong (cơ thực hiện nhiệm vụ mở khi nhận được tín hiệu đầy chất thải từ trực tràng) và cơ tròn bên ngoài (cơ nhận tín hiệu từ não bộ để đóng mở có chủ đích, cho phép chất thải đi ra khỏi hậu môn. Nhờ đó, các cơ tròn có thể kiểm soát ruột, ngăn ngừa các triệu chứng rò rỉ khí và phân. 

Bài tập cơ tròn hậu môn 1:

  • Bệnh nhân ngồi trên ghế, hai đầu gối hơi xa nhau.
  • Bệnh nhân siết cơ quanh hậu môn, có thể tưởng tượng đang ngăn các khí thoát ra bên ngoài, tiếp tục tăng cường siết chặt và nâng các cơ này.
  • Vùng da quanh hậu môn phải được thắt chặt và nâng lên khỏi ghế, trong khi đó các cơ bụng, mông và chân vẫn thả lỏng.
  • Cố giữ các cơ được ép đến mức tối đa rồi thả lỏng.
Bài tập cơ tròn hậu môn tư thế ngồi
Bệnh nhân ngồi trên ghế và tiến hành siết cơ tròn quanh hậu môn

Bài tập cơ tròn hậu môn 2:

  • Thực hiện với tư thế ngồi, đứng hoặc nằm; hai đầu gối hơi lệch nhau.
  • Siết chặt tối đa và nâng cơ tròn trong 5 giây, sau đó thả lỏng trong 4 giây. Lặp lại động tác này 5 lần.
  • Tiếp tục siết các cơ ở mức một nửa, giữ trạng thái này lâu nhất có thể, sau đó thả lỏng trong 10 giây, lặp lại động tác này 2 lần.
  • Siết các cơ tối đa với tốc độ nhanh và thả lỏng ngay lập tức, lặp lại động tác này nhiều lần nhất có thể, cố gắng thực hiện tối thiểu 5 lần.
  • Thực hiện bài tập này 4 – 6 lần/ngày. 
Bài tập Kegel cơ tròn hậu môn tư thế nằm
Thực hiện bài tập cơ tròn hậu môn trong nhiều tư thế để tăng hiệu quả

Lưu ý: Khi thực hiện phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn hậu môn, bạn cần luyện tập kiên trì để các cơ được củng cố sức mạnh, đồng thời thường xuyên kiểm tra xem đã thực hiện siết đúng nhóm cơ hay chưa.

Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng cho bệnh nhân gãy xương tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka giúp ngăn ngừa tình trạng yếu cơ, teo cơ, hỗ trợ vận động các khớp.

3. 5 thói quen tốt cần duy trì để phục hồi chức năng cơ tròn

Bên cạnh các phương pháp phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn, người bệnh cần chủ động duy trì những thói quen sau để bảo vệ chức năng của bàng quang và hậu môn.

1 – Kiểm soát lượng nước nạp vào cơ thể: Người bệnh cần lưu ý uống đủ lượng nước cơ thể cần, tránh uống quá nhiều nước từ sau 7h tối để tránh kích thích bàng quang vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Các loại đồ uống có cồn, caffeine và nhiều đường cũng là tác nhân làm ảnh hưởng đến bàng quang, gây ra các rối loạn về tiểu tiện.

2 – Vận động các cơ để luyện tập đại/tiểu tiện đúng cách: Tăng cường thực hiện các bài tập thở, tập cơ bụng, cơ sàn chậu, cơ vòng hậu môn,… để tăng kiểm soát đối với các hoạt động đại/tiểu tiện.

3 – Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Để hỗ trợ hoạt động đại/tiểu tiện, hãy uống đủ nước và bổ sung các dưỡng chất như chất xơ, vitamin A, C, vitamin nhóm B trong chế độ ăn hàng ngày. Những thực phẩm mà người bệnh sử dụng là các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau củ, trái cây.

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và vitamin để hỗ trợ hoạt động đại tiểu tiện
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và vitamin để hỗ trợ hoạt động đại tiểu tiện

4 – Chăm sóc hệ tiết niệu: Một số phương pháp hỗ trợ chức năng của hệ tiết niệu mà bạn có thể thực hiện là: chườm ấm ở bàng quang khi tiểu tiện; đi tiểu mỗi 4 tiếng/lần và xoa bóp để kích thích buồn tiểu ở bàng quang; kiểm tra màu sắc, dòng chảy của nước tiểu; cho người bệnh nghe tiếng nước róc rách để tạo cảm giác buồn tiểu…

5 – Chăm sóc hệ tiêu hóa: Hỗ trợ cơ tròn hậu môn và tăng chất lượng của hoạt động đại tiện bằng cách: xoa bóp bụng và dọc khung đại tràng; kích thích đại tràng bằng tay và tháo thụt phân trong trường hợp bí đại tiện; tập thói quen đi tại tiện vào những thời điểm cố định; vệ sinh sạch sẽ vùng kín để hạn chế nhiễm khuẩn, viêm nhiễm…

Nếu các các triệu chứng vẫn không được cải thiện hoàn toàn sau khi áp dụng các phương pháp phục hồi chức năng, người bệnh cần sử dụng thuốc hoặc thiết bị tăng cường chức năng bàng quang theo chỉ định của bác sĩ.

Thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn có thể giúp khôi phục hiệu quả của hoạt động đại/tiểu tiện ở người bệnh. Ngoài việc luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh nên kết hợp với các thói quen lành mạnh để tăng cường chức năng bằng quang và hậu môn.

Bệnh nhân có nhu cầu cần phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn có thể đến với Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA, địa chỉ cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện theo tiêu chuẩn Nhật Bản, với các tiêu chí gồm: đội ngũ chuyên gia gồm bác sĩ và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao; hệ thống thiết bị tập luyện phục hồi chức năng hiện đại từ Âu – Mỹ; lộ trình phục hồi chức năng cá nhân hóa theo tình trạng của từng bệnh nhân. 

Trải nghiệm ngay dịch vụ phục hồi chức năng hiệu quả và an toàn với các chuyên gia tại Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để phục hồi hiệu quả các vấn đề rối loạn cơ tròn.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 04/08/2024Ngày cập nhật: 06/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.