Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Phẫu thuật tuyến giáp là phương pháp điều trị được áp dụng trong các trường hợp ung thư tuyến giáp, bướu giáp,… Tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng sau phẫu thuật, ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống. Tham khảo ngay những phương pháp phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp dưới đây.
1. Một số vấn đề có thể gặp sau phẫu thuật tuyến giáp
Sau phẫu thuật tuyến giáp, người bệnh có thể gặp những vấn đề phổ biến như:
- Khó nuốt: Ở giai đoạn đầu sau phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi nuốt, một số trường hợp có thể đi kèm với buồn nôn hoặc nôn.
- Khó nói: Phẫu thuật tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến thanh quản và gây ra những tình trạng như khàn giọng, mất giọng, gặp khó khăn khi nói chuyện.
- Ảnh hưởng hô hấp: Sau phẫu thuật, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc hít thở, dễ bị hụt hơi và có thể chóng mặt.
- Sưng cổ họng: Xuất hiện triệu chứng sưng nề ở cổ họng, sờ vào thấy cứng.
- Xuất hiện sẹo: Sẹo dính, xơ sẹo là những vấn đề thường xuất hiện ở vết mổ mà người bệnh cần lưu ý.
- Ảnh hưởng tâm lý: Người bệnh gặp các triệu chứng sau phẫu thuật có thể cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến tâm trạng, dễ buồn bã, tiêu cực.
Người bệnh cũng có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng ở vết mổ như chảy máu, tụ máu, nhiễm độc giáp (cơn bão giáp trạng), nhiễm trùng sau mổ (sốt cao, run rẩy, vết mổ sưng tấy, có dịch tiết,…), sưng và phù bạch huyết, tổn thương tuyến cận giáp,… Do đó, việc thực hiện phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp là vô cùng cần thiết để hỗ trợ quá trình phục hồi của người bệnh.
Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng xẹp phổi – Tình trạng tràn khí màng phổi có nguy cơ dẫn đến xẹp phổi, gây ra tình trạng nhiễm trùng tái phát, dẫn đến nhiều biến chứng và đe dọa tính mạng.
2. Thời gian phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp
Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà quá trình phục hồi sau khi mổ có thể khác nhau. Tuy nhiên, khoảng thời gian phổ biến để bệnh nhân phục hồi là:
- Thời gian nằm viện: Người bệnh cắt bỏ 1 phần tuyến giáp có thể xuất viện trong ngày. Trường hợp cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp có thể cần theo dõi trong ít nhất 1 ngày.
- Thời gian phục hồi: Người bệnh có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường nhưng cần tránh vận động mạnh trong khoảng 10 ngày đầu. Vết sẹo mổ có thể mờ dần sau 1 – 2 tuần. Tùy vào tình trạng của người bệnh, thời gian để phục hồi hoàn toàn có thể kéo dài từ 2 tuần – 1 tháng.
3. 6 bài tập phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp
Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể thực hiện các bài tập khôi phục khả năng nói, nuốt, thở, cải thiện chức năng ở cổ và vai, giúp người bệnh có thể khôi phục các hoạt động sinh hoạt bình thường. Trong quá trình luyện tập, người bệnh cần đảm bảo cố định vết thương và sử dụng các loại thuốc giảm đau kê đơn bởi bác sĩ.
Người bệnh có thể tiến hành các bài tập nhẹ nhàng từ ngày thứ 2 sau phẫu thuật, thực hiện 2 – 3 lần/ngày và tăng dần cường độ theo chỉ định của bác sĩ. Hãy luyện tập kiên trì trong 3 tháng và tiếp tục khi đã phục hồi hoàn toàn.
3.1. Tập thở
Để phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp nhằm ngăn ngừa các biến chứng về phổi, người bệnh có thể thực hiện các bài tập thở sâu và mở rộng lồng ngực.
Bài 1: Tập thở cơ hoành: Cải thiện sức mạnh cơ hoành để tăng thông khí và tăng đào thải dịch tiết ở phổi, giúp giảm các triệu chứng khó thở.
- Bước 1: Nằm ngửa trên sàn, một tay đặt ở ngực và một tay đặt ở bụng.
- Bước 2: Hít vào bằng mũi chậm rãi và cảm nhận bụng phình lên trong khi lồng ngực không thay đổi.
- Bước 3: Thở ra bằng miệng và cảm nhận bụng xẹp xuống, lồng ngực không thay đổi.
Tần suất luyện tập: Thực hiện 5 – 10 lần/hiệp, sau đó nghỉ trong 2 – 3 phút trước khi qua bài tập mới.
2 – Bài 2: Tập thở mím môi: Đẩy toàn bộ khí ứ đọng ở phổi ra ngoài, giúp việc hô hấp đạt hiệu quả cao hơn.
- Bước 1: Ngồi thoải mái, sai đó hít vào bằng mũi chậm rãi.
- Bước 2: Mím môi như đang huýt sáo, sau đó thở ra một hơi dài và chậm.
Tần suất luyện tập: Lặp lại bài tập này nhiều lần hoặc có thể áp dụng như một cách thở bắt buộc.
3 – Bài 3: Vận động lồng ngực: Giúp tăng cường sự vận động của lồng ngực và thân trên để hỗ trợ hoạt động hô hấp hiệu quả hơn
- Bước 1: Ngồi trên ghế, đan hai tay và đặt sau gáy.
- Bước 2: Từ từ hít vào và kéo giãn 2 khuỷu tay ra sau để mở rộng lồng ngực.
- Bước 3: Sau đó thở ra và khép 2 khuỷu tay lại gần nhau. Lặp lại bài tập này theo hướng dẫn của bác sĩ.
3.2. Tập nói
Hướng dẫn người bệnh thực hiện một số bài tập phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp kết hợp hít thở sâu và phát âm dưới đây trong trường hợp gặp vấn đề đối với khả năng nói.
Bài 1: Luyện nói với hơi thở thoải mái
- Bước 1: Ngồi trên ghế, giữ lưng, cổ và vai thả lỏng.
- Bước 2: Hít vào nhẹ nhàng, sau đó mở miệng và đưa lưỡi ra ngoài môi dưới để thở ra bằng miệng chậm rãi.
- Bước 3: Ngắt quãng giữa chừng để tạo thành từng nhịp nhẹ nhàng tương tự với khi nói “ha, ha, ha, ha”.
Tần suất luyện tập: Thực hiện 10 lần/hiệp và lặp lại 3 hiệp mỗi ngày.
Bài 2: Luyện nói với thở cơ hoành
- Bước 1: Đặt đầu lưỡi ở vị trí giữa chân răng và vòm miệng trên.
- Bước 2: Thở ra, đẩy khí qua giữa lưỡi và răng để tạo thành âm thanh rít hơi hoặc tiếng “s”.
Tần suất luyện tập: Thực hiện 10 lần/hiệp và lặp lại 3 hiệp mỗi ngày.
3.3. Tập nuốt
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật tuyến giáp có thể bị ảnh hưởng đến khả năng nuốt, gây khó khăn trong việc ăn uống, nuốt nước bọt,… Người bệnh cần được hướng dẫn thực hiện các bài tập giúp hỗ trợ khả năng nuốt dưới đây để hạn chế nguy cơ suy dinh dưỡng và viêm phổi hít.
Bài 1: Nỗ lực nuốt
- Bước 1: Tập trung một lượng nước bọt trong khoang miệng.
- Bước 2: Mím môi và cố gắng nuốt hết nước bọt xuống.
Bài 2: Đẩy hàm
- Bước 1: Đưa hàm răng dưới ra trước hàm răng trên.
- Bước 2: Đẩy hàm dưới ra xa nhất có thể, giữ tư thế trong vài giây.
- Bước 3: Đưa hàm về vị trí ban đầu, sau đó lặp lại thêm vài lần theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bài 3: Bất động lưỡi (động tác Masako):
- Bước 1: Mở miệng và đưa lưỡi ra ngoài, dùng răng cắn nhẹ để giữ lưỡi cố định.
- Bước 2: Cố gắng nuốt trong khi giữ nguyên vị trí của lưỡi và hàm răng, sau đó thả lưỡi ra. Lặp lại bài tập này theo hướng dẫn của bác sĩ.
3.4. Các bài tập cổ
Bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp có thể gặp phải tình trạng đau và cứng khớp cổ. Khi vết mổ đã ổn định, bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng với cổ để hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa nguy cơ cứng cổ. Tham khảo ngay các bài tập thể dục sau mổ tuyến giáp dành cho cổ dưới đây.
Bài 1: Nghiêng đầu
- Bước 1: Từ từ nghiêng đầu về bên phải, cảm nhận sự căng giãn ở cổ. Giữ nguyên tư thế trong 3 – 5 giây.
- Bước 2: Nghiêng đầu nhẹ nhàng về trung tâm, sau đó thực hiện tương tự với hướng ngược lại.
Tần suất luyện tập: Thực hiện 5 – 10 lần cho mỗi bên.
Bài 2: Quay đầu sang hai bên
- Bước 1: Xoay đầu và nhìn qua vai, cảm nhận sự căng giãn. Giữ trong tư thế này trong 3 – 5 giây.
- Bước 2: Từ từ quay đầu về trung tâm, sau đó quay đầu về hướng ngược lại và tiếp tục giữ trong 3 – 5 giây.
Tần suất luyện tập: Thực hiện 5 – 10 lần cho mỗi bên.
Bài 3: Ngửa – cúi đầu
- Bước 1: Cúi đầu để cằm gần chạm đến ngực, giữ trong 3 – 5 giây.
- Bước 2: Từ từ ngửa cổ để đưa đầu ra sau đến khi cảm nhận sự căng giãn ở cổ, tiếp tục giữ trong 3 – 5 giây.
Tần suất luyện tập: Thực hiện 5 – 10 lần cho mỗi bên.
3.5. Các bài tập vai
Ngoài vùng cổ, người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp cũng có khả năng gây áp lực và ảnh hưởng đến vùng vai nên cần thực hiện các bài tập thể dục sau mổ tuyến giáp để hạn chế nguy cơ cứng khớp. Thực hiện kiên trì kể cả khi đã khôi phục khả năng vận động để tăng cường sự linh hoạt của các khớp.
Bài 1: Nhún vai: Di chuyển nâng cả hai vai lên đồng thời rồi hạ vai xuống vị trí ban đầu. Thực hiện 5 – 10 lần với tốc độ như nhau.
Bài 2: Xoay vai: Nhẹ nhàng từ từ xoay 2 vai về phía trước, sau đó xoay về phía sau. Thực hiện 5 – 10 lần.
Bài 3: Đưa hai tay lên cao: Giơ hai cánh tay thẳng lên cao, duỗi để kéo cả vai và cơ thể hướng lên trên, sau đó trở về vị trí ban đầu. Thực hiện 5 – 10 lần.
3.6. Hoạt động trị liệu
Sau khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh để giúp khôi phục lại các hoạt động bình thường. Tại bệnh viện, người bệnh có thể tập đứng dậy và đi lại như bình thường, như mặc quần áo, tắm rửa.
Khi người bệnh được xuất viện, hãy thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng, tránh nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế cả ngày. Ở mỗi giai đoạn, người bệnh có thể thực hiện các bài tập tương ứng như:
- Tuần 1 – 2: Thực hiện đi bộ hoặc chạy bộ nhẹ nhàng trong 15 – 30 phút, lưu ý tránh nâng các vật nặng.
- Tuần 2 – 4: Kéo dài thời gian đối với các bài tập, đồng thời có thể thực hiện nâng các vật dưới 5kg. Lưu ý, tránh đứng trong thời gian dài và nâng vật nặng quá sức.
- Tuần 4 – 6: Trở lại hoạt động như bình thường, có thể quay lại làm việc bình thường như cần lưu ý nếu các công việc đòi hỏi phải đi bộ trong thời gian dài hoặc nâng vật nặng.
4. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tuyến giáp
Hãy chăm sóc vết mổ tại nhà, duy trì chế độ ăn uống là sinh hoạt lành mạnh, kết hợp thực hiện tập thể dục sau mổ tuyến giáp theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý để hỗ trợ quá trình phục hồi.
4.1. Chăm sóc vết mổ
Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật tuyến giáp:
- Vệ sinh vết mổ bằng cách sát trùng với cồn y tế và thay băng gạc hàng ngày.
- Không để vết mổ tiếp xúc trực tiếp với nước, thuốc mỡ, hóa chất tẩy rửa, nước muối, khói bụi,…
- Che kín vùng cổ khi tắm, không ngâm vết mổ trong bồn tắm, bồn nước nóng,…
- Không chạm tay, gãi, cào mạnh vào vết mổ.
- Tránh ngửa cổ khi ho, hắt hơi,… để tránh làm căng vết mổ.
- Liên hệ với bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, có dịch hoặc máu từ vết mổ,…
4.2. Chế độ dinh dưỡng
Ở giai đoạn này, việc lựa chọn loại thực phẩm phù hợp đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế các áp lực lên vết mổ và bổ sung dưỡng chất cho quá trình phục hồi của người bệnh. Những điều cần lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng sau khi phẫu thuật tuyến giáp:
- Đảm bảo khẩu phần ăn cung cấp đủ 25–40 kcal/kg cơ thể và bổ sung đủ các nhóm dưỡng chất như tinh bột (190 – 220g/ngày, ưu tiên các loại tinh bột từ các loại, đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt,…), protein (60 – 70g/ngày, có trong các thụt gia cầm, trứng, cá, đậu, hải sản,…), chất béo (30 – 40g/ngày, ưu tiên các loại chất béo lành mạnh từ cá, dầu thực vật, quả bơ,…), chất xơ (25 – 38g/ngày, có trong các loại rau sẫm màu, củ, trái cây, đậu,…).
- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa (8 – 10 bữa) để hạn chế áp lực lên vùng cổ cho bệnh nhân và duy trì năng lượng cho cả ngày.
- Lựa chọn các thực phẩm mềm lỏng dễ nuốt, ưu tiên chế biến theo các phương pháp hầm, nấu canh, súp, cháo,…
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
- Hạn chế các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa, đồ ngọt, đồ ăn cay nóng, đồ sống, thực phẩm làm chua lên men, đồ đóng hộp chế biến sẵn,…
- Sử dụng một lượng i-ốt vừa phải để tránh tái phát các bệnh lý về tuyến giáp. Lưu ý khi sử dụng các thực phẩm giàu i-ốt như muối tinh chế chứa i-ốt, sữa, hải sản, một số loại rau lá xanh,…
4.3. Chế độ sinh hoạt
Một trong những phương pháp hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp là lưu ý những thói quen sinh hoạt như:
- Thực hiện vận động cơ thể nhẹ nhàng, kết hợp với các bài tập cho vùng cổ. Lưu ý không luyện tập các môn thể thao cường độ cao ảnh hưởng đến vết mổ.
- Nghỉ ngơi thường xuyên, ngủ đủ 8 tiếng/ngày để hỗ trợ quá trình phục hồi của cơ thể.
- Không lái xe trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật vì có thể gây áp lực lên vùng cổ. Bạn chỉ có thể tiếp tục lái xe khi không còn sử dụng thuốc giảm đau.
- Không nâng vác các vật nặng trong thời gian đầu sau phẫu thuật.
- Tránh bơi lội, tắm bồn và sử dụng máy sấy tóc nhiệt độ cao gần vết mổ.
- Bôi kem chống nắng cho các vùng da xung quanh vết mổ để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
- Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
5. 4 câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp
Câu 1: Bệnh nhân có thể trở lại hoạt động bình thường sau mổ tuyến giáp không?
Sau khi việc gây mê hết tác dụng và tỉnh táo lại, người bệnh có thể ăn uống thức ăn nhẹ và bắt đầu vận động nhẹ nhàng, nên hạn chế các hoạt động thể chức mạnh trong thời gian đầu. Sau khi thực hiện phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp, bạn có thể trở lại hoạt động bình thường.
Câu 2: Khi nào thì người bệnh mổ tuyến giáp có thể quay trở lại làm việc?
Thời gian người bệnh có thể quay trở lại làm việc còn phụ thuộc vào khả năng phục hồi vết thương tuy nhiên khoảng thời gian phổ biến là 2 tuần sau phẫu thuật. Nếu người bệnh làm các công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều hoặc mang vác nặng, hay tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi làm việc.
Câu 3: Sau mổ tuyến giáp bao lâu thì vết mổ lành lại?
Nếu chăm sóc tốt, vết mổ có thể được liền lại từ bên ngoài sau 1 – 2 tuần và có thể được phục hồi hẳn trong 3 – 6 tháng. Người bệnh nên lưu ý chăm sóc và vệ sinh vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Câu 4: Khi nào thì nên đến gặp bác sĩ sau phẫu thuật tuyến giáp?
Sau phẫu thuật, người bệnh cần tiến hành thăm khám ngay nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như: Sưng, đỏ và sợ vào thấy ấm tại vết mổ; tiết dịch, chảy máu tại vết mổ; sốt cao trên 38 độ; tê bì, ngứa ran ở vai, mặt, môi, tay,…
Để phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp, bạn cần kết hợp chăm sóc vết mổ cẩn thận, xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp, đồng thời kiên trì tập luyện các bài tập giúp khôi phục các hoạt động bình thường. Hãy phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với tái khám định kỳ để tăng cường hiệu quả phục hồi.
Hiện nay, Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA với chương trình phục hồi chức năng toàn diện theo tiêu chuẩn Nhật Bản là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu, giúp người bệnh cải thiện các vấn đề sau phẫu thuật tuyến giáp.
Tại MYREHAB MATSUOKA, người bệnh có thể được thăm khám và hỗ trợ trong quá trình tập luyện với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; hệ thống máy móc trang thiết bị vật lý trị liệu hiện đại theo tiêu chuẩn Âu – Mỹ; lộ trình điều trị cá nhân hóa được xây dựng phù hợp với tình trạng bệnh.
Hãy đến Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được trải nghiệm dịch vụ phục hồi chức năng chuyên nghiệp và tận tâm, nâng cao chất lượng sống của người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.