6 thông tin cần biết về quy trình phục hồi chức năng

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.

Phục hồi chức năng là một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị của bệnh nhân, là chìa khóa mở ra cuộc sống khỏe mạnh và tích cực hơn. Vậy quá trình thăm khám và điều trị phục hồi chức năng diễn ra như thế nào, phải thực hiện những công việc gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về quy trình phục hồi chức năng cho 2 đối tượng, bao gồm người trong ngành y tế và bệnh nhân. Hãy cùng theo dõi nhé!

Trong giai đoạn điều trị của bệnh nhân, quy trình phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng
Quy trình phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn điều trị của bệnh nhân

1. Quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng của Bộ Y tế

Dưới đây là 3 quy trình phục hồi chức năng của Bộ y tế dành cho các bác sĩ, các kỹ thuật viên, người trong ngành Y tế,… áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Những kiến thức cơ bản này rất cần thiết để bất cứ bác sĩ, nhân viên y tế nào cũng cần trang bị và nắm vững.

1.1. Quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng (Đợt 1) – 2014

Ngày 06/01/2014, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 54/QĐ-BYT về tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng (đợt 1)”. Trong đợt này, Bộ Y tế đã đưa ra những hướng dẫn cho kỹ thuật viên quy trình thực hiện vật lý trị liệu, vận động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu cho bệnh nhân, các kỹ thuật thăm dò, lượng giá, chẩn đoán và các dụng cụ chỉnh hình trợ giúp.

Chi tiết hướng dẫn quy trình kỹ thuật phục hồi, bạn có thể tham khảo và download tại đây.

1.2. Quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng (Đợt 2) – 2017

Ngày 22/12/2017, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng (đợt 2)” kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT. Trong đợt 2, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn về các liệu pháp điều trị, thủy trị; kỹ thuật điều trị, xoa bóp; phục hồi chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ; kỹ thuật lượng giá, tiêm botulinum toxine, làm nẹp, bó bột,…

Bạn có thể tham khảo và tải file PDF quy trình phục hồi chức năng tại đây.

1.3. Quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng (Đợt 3) – 2019

Đến ngày 18/06/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định số 2520/QĐ-BYT về tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng (đợt 3)”. Hướng dẫn đợt 3 của Bộ Y tế tiếp tục bổ sung các kỹ thuật làm nẹp, áo nẹp, chân giả; các kỹ thuật liên quan đến giãn sườn, tập thở, nhún sườn; đo chức năng và điều trị.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về các kỹ thuật phục hồi chức năng tại đây.

Quy định kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng
Bộ Y tế đã 3 lần ban hành Quy định kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng

2. Quy trình phục hồi chức năng dành cho bệnh nhân

Quy trình phục hồi chức năng dành cho bệnh nhân sẽ khác so với quy trình dành cho bác sĩ và nhân viên y tế. Quy trình này bao gồm 9 bước cơ bản trong giai đoạn trước, trong và sau khi điều trị tại bệnh viện hoặc trung tâm phục hồi chức năng.

2.1. Quy trình thăm khám trước khi điều trị PHCN

Bước 1: Đăng ký thăm khám tại bệnh viện/trung tâm PHCN

Đăng ký thăm khám là bước đầu tiên trong quy trình phục hồi chức năng. Ở bước này, người bệnh cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ tùy thân bao gồm: CCCD, Bảo hiểm bảo lãnh, Hồ sơ bệnh án, Bản sao của các tài liệu y tế trước đây như kết quả xét nghiệm, hình ảnh y khoa (nếu có) để giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng sức khỏe của bạn.

Trước khi đăng ký, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin về các bệnh viện hoặc trung tâm phục hồi chức năng uy tín, xác định rõ thời gian và địa điểm thăm khám. Bạn cũng cần hỏi thêm về các yêu cầu đặc biệt cần thiết trước khi khám, chẳng hạn như có được ăn uống trước khi thăm khám không, khi đi có cần mang theo vật dụng gì không,…

Khi đến bệnh viện/trung tâm PHCN đăng ký khám, nhân viên lễ tân sẽ tiếp đón và hướng dẫn bạn thực hiện các thủ tục cần thiết tiếp theo.

Nhân viên lễ tân hướng dẫn bệnh nhân thủ tục trước khi thăm khám
Bạn sẽ được các nhân viên lễ tân hướng dẫn chi tiết các thủ tục trước khi thăm khám

Bước 2: Thăm khám với bác sĩ

Sau khi đăng ký và thực hiện quy trình phục hồi chức năng ban đầu, bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để được đánh giá chi tiết về tình trạng sức khỏe và chức năng cơ thể. Các bác sĩ sẽ tiến hành phỏng vấn y tế. Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về tiền sử bệnh, triệu chứng và mục tiêu cá nhân với việc điều trị. Lúc này, bạn cần mô tả chi tiết về các triệu chứng, vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải hoặc bất kì hạn chế nào trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Khi đã có được những thông tin cơ bản về tình trạng bệnh của bạn, bác sĩ hoặc chuyên gia phục hồi chức năng sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra cơ bản và đánh giá mức độ chức năng của bạn. Quá trình kiểm tra, đánh giá có thể bao gồm các công việc như:

  • Kiểm tra y khoa: Đo huyết áp, nhiệt độ, đo nhịp tim, kiểm tra khả năng vận động, kiểm tra cơ bắp, và các xét nghiệm cần thiết.

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thăm khám thông qua các hình thức như nhìn, sờ, kiểm tra vận động, khám cảm giác, làm một số bài test, nghiệm pháp, đánh giá chức năng sinh hoạt hàng ngày.

  • Đánh giá chức năng cụ thể: Bác sĩ đánh giá dựa trên cận lâm sàng và có thể thêm chỉ định (nếu cần).

Bác sĩ đang khám lâm sàng cho bệnh nhân
Người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và đưa ra những đánh giá cụ thể về mức độ chức năng

Bước 3: Tư vấn phương pháp điều trị và lượng giá

Sau khi thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và tiên lượng điều trị phục hồi chức năng. Bệnh nhân cùng bác sĩ thảo luận để đưa ra mục tiêu phục hồi ngắn hạn hay dài hạn. Trong suốt quy trình phục hồi chức năng, bước này giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về phương pháp điều trị được đề xuất và chuẩn bị tâm lý để thực hiện kế hoạch điều trị một cách tích cực.

Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu phù hợp, bao gồm:

  • Giải thích chi tiết về liệu pháp: Bác sĩ sẽ giới thiệu về từng phương pháp điều trị, giải thích cách liệu pháp tác động, lợi ích và cũng nhắc đến những điều cần lưu ý.

  • Lên kế hoạch điều trị: Bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị cụ thể, bao gồm thời gian, tần suất và loại hình liệu pháp cần thực hiện.

  • Hướng dẫn chi tiết: Bạn sẽ nhận được hướng dẫn rõ ràng về cách thực hiện mỗi liệu pháp, cũng như các bài tập cần thực hiện tại nhà (nếu có). Trong quá trình điều trị, bệnh nhân luôn được gặp và được điều trị, chăm sóc bởi kỹ thuật viên – bác sĩ. Họ sẽ là người hướng dẫn bạn thực hiện các bài tập đúng kỹ thuật, tần suất thực hiện nhằm tối ưu hiệu quả của bài tập vật lý trị liệu trong suốt quy trình phục hồi chức năng còn lại.

Bác sĩ hướng dẫn quy trình kỹ thuật phục hồi cho bệnh nhân
Người bệnh sẽ được tư vấn chi tiết về liệu pháp, kế hoạch điều trị và chi phí cho quá trình phục hồi chức năng

Đây là cơ hội để bạn để đặt câu hỏi về bất kỳ khía cạnh nào của quá trình điều trị, bao gồm cả về cách thức tập luyện, thời gian hoặc bất kỳ điều gì mà bạn cần hiểu rõ hơn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được tư vấn về chi phí điều trị và lượng giá quá trình phục hồi theo chỉ định của bác sĩ. Nếu đồng ý với mức chi phí đó, bạn sẽ cần hoàn tất thủ tục thanh toán trước khi tiến hành điều trị phục hồi.

2.2. Quy trình điều trị phục hồi chức năng

Bước 4: Gặp kỹ thuật viên hướng dẫn

Khi đến phòng tập phục hồi chức năng, bạn sẽ được tiếp xúc với kỹ thuật viên hoặc chuyên gia trực tiếp thực hiện liệu pháp điều trị. Họ sẽ hướng dẫn và giúp bạn thực hiện các động tác, bài tập nhằm đảm bảo tối đa hiệu quả và tránh chấn thương. Nếu bạn có thắc mắc trong quá trình tập, bạn có thể trực tiếp đặt câu hỏi để nhận được sự hỗ trợ và giải đáp từ người thực hiện liệu pháp.

Bước 5: Thực hiện các liệu pháp và bài tập

Khi thực hiện quy trình phục hồi chức năng, bạn cần tuyệt đối tuân thủ kế hoạch điều trị, bám sát đúng các bài tập, liệu pháp theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. Khi tập trị liệu, bạn sẽ báo cáo, phản hồi lại với ngay với kỹ thuật viên về những cảm giác, tác động của bài tập. Kỹ thuật viên có thể căn cứ vào đó để điều chỉnh lại bài tập cho phù hợp, tránh tình trạng đau cơ, căng cơ, mệt mỏi hay bất kỳ vấn đề nào khác.

Bệnh nhân được kỹ thuật viên hướng dẫn tận tình trong quá trình tập luyện
Khi điều trị tại các trung tâm phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn tận tình trong quá trình tập luyện

Bước 6: Ghi chú và đánh giá sau buổi điều trị

Sau buổi tập trị liệu, bạn có thể ghi chép lại cảm nhận, tiến triển hay những thay đổi tích cực về sức khỏe. Bạn cũng nên chia sẻ với chuyên gia về trải nghiệm của mình sau buổi điều trị để họ hiểu rõ hơn về tiến triển của bạn, đồng thời là căn cứ để đánh giá được mức độ hiệu quả của cả quy trình phục hồi chức năng.

Sau buổi tập, bệnh nhân cần ghi chú lại tiến triển để bác sĩ tiếp tục theo dõi
Sau buổi tập, bệnh nhân cần ghi chú, đánh giá lại những cảm nhận, tiến triển của mình để các bác sĩ hiểu và tiếp tục theo dõi

Bước 7: Kỹ thuật viên theo dõi quá trình luyện tập và điều chỉnh

Thông qua những nhận xét và sự phục hồi của bạn, họ có thể điều chỉnh lại chương trình luyện tập, liệu pháp để đảm bảo rằng bạn đang hồi phục một cách tích cực và an toàn. Quá trình này đòi hỏi sự hợp tác giữa bạn và kỹ thuật viên để đạt được kết quả tốt nhất cho quá trình phục hồi chức năng.

Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như mức độ nghiêm trọng của bệnh, độ tuổi của người bệnh, mức độ tuân thủ lịch trình điều trị,…

2.3. Quy trình sau khi điều trị phục hồi chức năng

Bước 8: Đánh giá kết quả

Sau quá trình điều trị, bạn sẽ tham gia đánh giá chi tiết kết quả phục hồi, so sánh với các mục tiêu ban đầu để xem kết quả điều trị có đạt được không. Dựa trên kết quả đánh giá cả quy trình phục hồi chức năng, các chuyên gia sẽ đề xuất về các bước tiếp theo, có thể tiếp tục duy trì, điều chỉnh chương trình tập luyện hoặc các liệu pháp bổ sung nếu cần thiết.

Bước 9: Hướng dẫn tự chăm sóc và duy trì luyện tập

Dựa trên đánh giá, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn để bạn có thể duy trì tập luyện sau quá trình điều trị tại bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng.

Bạn sẽ được hướng dẫn các bài tập, phương pháp chăm sóc cá nhân để tiếp tục duy trì tập luyện phục hồi tại nhà. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào sau quá trình điều trị, bạn có thể liên hệ lại với các chuyên gia để được tư vấn thêm. Bạn cũng sẽ được hướng dẫn về lịch trình theo dõi sức khỏe, các cuộc kiểm tra định kỳ để đảm bảo sự ổn định và tiến triển tốt của sức khỏe.

Bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập trị liệu để tập luyện và duy trì tại nhà
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các bài tập trị liệu nhẹ nhàng để có thể tự tập luyện và duy trì tại nhà

Phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có quy trình, phương pháp phù hợp với từng bệnh nhân, sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia y tế và bệnh nhân để đảm bảo đạt kết quả tốt nhất. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu thêm về quy trình phục hồi chức năng dành cho kỹ thuật viên và bệnh nhân, từ đó biết được cách thức thăm khám và điều trị phục hồi tại các bệnh viện/trung tâm.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến quy trình phục hồi chức năng, cũng như hiệu quả của phương pháp tập vật lý trị liệu, người bệnh hãy liên hệ với MYREHAB để được tư vấn miễn phí.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 23/01/2024Ngày cập nhật: 19/03/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.