4 điều cần biết về phục hồi chức năng nói sau tai biến

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Người bị tai biến mạch máu não thường đối mặt với một di chứng phổ biến là rối loạn chức năng ngôn ngữ, ảnh hưởng đến khả năng nói và hiểu. Tùy thuộc vào thể rối loạn, mức độ tổn thương não và mức độ nghiêm trọng mà người bệnh sẽ được áp dụng những phương pháp phục hồi chức năng nói sau tai biến khác nhau theo chỉ định của bác sĩ.

1. Các biểu hiện rối loạn ngôn ngữ sau tai biến

Tai biến mạch máu não có thể gây ra những tổn thương cho vùng trung tâm ngôn ngữ tại vỏ não và hạch nền. Di chứng rối loạn ngôn ngữ chiếm tỷ lệ 20 – 40% trong số các ca đột quỵ. Dựa vào vị trí tổn thương tại não, rối loạn ngôn ngữ có thể được chia thành 4 thể:

  • Tổn thương vùng sinh ra ngôn ngữ (vùng Broca): Người bệnh không thể nói, chỉ nói được một vài từ, không tìm được từ để nói dù có thể hiểu được những những gì muốn biểu đạt. Mức độ nhẹ hơn người bệnh nói không lưu loát, khó khăn khi nhắc lại câu mà bản thân hoặc người khác vừa nói.
  • Tổn thương vùng hiểu ngôn ngữ (vùng Wernick): Khả năng nói vẫn lưu loát những người bệnh nói nhưng câu nói vô nghĩa, không hiểu những điều mọi người xung quanh nói với mình, khả năng lặp lại câu nói kém.
  • Tổn thương vùng dẫn truyền: Tình trạng tổn thương đường dẫn truyền giữa vùng Broca và vùng Wernick khiến người bệnh có khả năng lặp lại kém dù có thể hiểu và nói tốt.
  • Tổn thương toàn thể: Các vùng trên đều bị tổn thương khiến người bệnh không thể nói và hiểu, khả năng nhắc lại câu nói mà bản thân (hoặc người khác) vừa nói kém.
Người bị rối loạn ngôn ngữ sau khi đột quỵ có thể không nói được, khả năng lặp lại kém
Người bị rối loạn ngôn ngữ sau khi đột quỵ có thể không nói được, khả năng lặp lại kém

2. 4 phương pháp phục hồi chức năng nói sau tai biến

Để tạo điều kiện cho việc phục hồi chức năng nói sau tai biến, người bệnh cần tìm đến các chuyên gia vật lý trị liệu có chuyên môn để được xây dựng những bài tập phù hợp với các thể bệnh, giai đoạn, mức độ rối loạn ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, việc khuyến khích và tăng dần các mức độ luyện tập cũng sẽ tạo tâm lý tích cực cho bệnh nhân, hỗ trợ quá trình phục hồi.

2.1. Điện xung kích thích tại vùng hầu họng

Thực hiện kích thích điện thần kinh cơ (Neuromuscular electrical stimulation) có thể tác động đến các nhóm cơ bằng điện xung, kích hoạt để tăng khả năng chuyển động của dây thanh quản, kích thích đường dẫn truyền cảm giác để hỗ trợ tái cấu trúc vỏ não. Áp dụng phương pháp này sẽ giúp người bệnh giảm sự căng thẳng vùng hầu họng và bảo vệ dây thanh quản để cải thiện khả năng nói.

Người bệnh thực hiện phục hồi chức năng nói sau tai biến bằng phương pháp kích thích điện xung có thể điều trị 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần và kéo dài trong khoảng 4 tuần liên tiếp.

Phương pháp điện xung tại vùng hầu họng
Phương pháp điện xung tại vùng hầu họng

2.2. Trường hợp người bệnh hiểu tốt nhưng chưa nói được nhiều từ

Đối với trường hợp người bệnh bị vùng sinh ra ngôn ngữ (vùng Broca) gây khó khăn trong việc nói chuyện dù vẫn có thể hiểu biết tốt, các phương pháp tập phục hồi chức năng nói sau tai biến sẽ được áp dụng theo từng mức độ khác nhau.

  • Tập nói tự nhiên: Tập cho người bệnh nói một cách tự nhiên các chữ số, chữ cái, ngày tháng năm.
  • Tập gọi tên đồ vật: Giúp bệnh nhân có thể gọi tên các vật dụng gần gũi xung quanh (bàn, ghế, tủ, kệ, giày dép, quần áo,…) và gọi tên màu sắc của vật dụng đó.
  • Tập kể tên đồ vật: Để cho bệnh nhân kể càng nhiều tên gọi của các đồ vật trong một danh mục càng tốt, ví dụ kể tên của các loại trái cây, con con vật, nghề nghiệp,…
  • Các cách biểu đạt khác: Hướng dẫn người bệnh sử dụng các dấu hiệu để giao tiếp trong trường hợp chưa thể nói các từ.
  • Mô tả để người bệnh tự tìm từ vựng: Mô tả những đặc điểm của đồ vật để bệnh nhân đoán tên của đồ vật đó, đặc các câu hỏi như: “Dùng cái gì để chải tóc?” (Cái lược), “Dùng cái gì để viết?” (Cây bút), “Người làm nghề dạy học là gì?” (Giáo viên), “Người làm nghề chữa bệnh là gì?” (Bác sĩ).
Cho người bệnh tập kể tên các vật dụng quen thuộc hàng ngày
Cho người bệnh tập kể tên các vật dụng quen thuộc hàng ngày

2.3. Trường hợp người bệnh nói được các từ ngắn

Nếu người bệnh có khả năng nói được các từ ngắn, các phương pháp phục hồi chức năng nói sau tai biến dưới đây sẽ được áp dụng:

  • Luyện tập đọc các từ đơn, sau đó ghép các từ để đọc thành câu dài. Ví dụ: Cho bệnh nhân luyện đọc theo các cụm như “Tập nói – Tập nói kiên trì hàng ngày – Tập nói kiên trì hàng ngày sẽ nói được bình thường”, “Ăn trái cây – Ăn trái cây như cam, bưởi – Ăn trái cây như cam, bưởi tốt cho sức khỏe.”.
  • Cho người bệnh tự tìm và đọc lên các từ đối nghĩa. Ví dụ: Bạn đọc một từ “nóng” để người bệnh nói ra được từ “lạnh”, tương tự với các cặp từ như “xa – gần”, “lên – xuống”, “ngày – đêm”.
  • Đưa các hình ảnh và để người bệnh mô tả lại bức ảnh. Ví dụ: Đưa cho người bệnh xem bức ảnh của một thành viên trong gia đình để bệnh nhân mô tả, có thể hỏi thêm các câu hỏi để định hướng người bệnh như “Đây là ai?”, “Người này bao nhiêu tuổi?”, “Người này đang làm công việc gì?”,…
  • Khi người bệnh có thể đọc được tốt hơn, bắt đầu chuyển qua đọc sách, báo.
  • Để cho người bệnh lặp lại các câu ngắn vừa nghe, sau đó có thể bắt đầu tăng độ khó bằng cách lặp lại các câu truyện ngắn.
  • Nếu bệnh nhân có thể, hãy khuyến khích hát các bài hát yêu thích, đặc biệt là hát karaoke.
  • Thường xuyên tìm chủ đề để nói chuyện với người bệnh.
Bệnh nhân có thể luyện đọc các từ đơn, sau đó ghép các từ để đọc thành câu dài
Người nhà có thể cho bệnh nhân đọc sách báo khi tình trạng được cải thiện

2.4. Trường hợp bệnh nhân hiểu kém

Những phương pháp phục hồi chức năng nói sau tai biến được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có khả năng hiểu biết kém do tổn thương vùng hiểu ngôn ngữ là:

  • Kết hợp các cử chỉ với lời nói để diễn tả cho bệnh nhân hiểu về các đồ vật, hành động.
  • Đặt 2 – 3 đồ vật ở trước mặt bệnh nhân, đọc tên đồ vật và yêu cầu bệnh nhân chỉ vào đồ vật đó, hướng dẫn bệnh nhân cho đến khi chỉ được đúng đáp án.
  • Khi tình trạng bệnh nhân được cải thiện, cho bệnh nhân tập nói các từ đơn, sau đó bắt đầu ghép thành các câu ngắn.
Tập cho người bệnh cách diễn tả kèm với các dấu hiệu
Tập cho người bệnh cách diễn tả kèm với các dấu hiệu

3. Lưu ý khi thực hiện phục hồi chức năng nói sau tai biến

Các bài tập phục hồi chức năng nói sau tai biến giúp người bệnh có thể cải thiện được các vấn đề về rối loạn ngôn ngữ, khôi phục khả năng đọc, nói và diễn tả bằng cử chỉ về mức gần như bình thường để người bệnh có thể giao tiếp tốt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phục hồi chức năng cần lưu ý những điều sau để đảm bảo hiệu quả tập luyện:

  1. Luôn luôn cổ vũ, động viên, khuyến khích bệnh nhân tập, không được để bệnh nhân chán nản, thất vọng.
  2. Không tạo cho bệnh nhân có cảm giác mình là một đứa trẻ.
  3. Tập các bài tập từ dễ đến khó theo đúng quy trình.
  4. Khi tập cố gắng cho bệnh nhân nói to nhất có thể.
  5. Tránh nhìn thẳng vào mắt bệnh nhân khi nói chuyện và nói chuyện với bệnh với giọng rõ ràng, chậm rãi, bình thường.
  6. Tránh thúc ép bệnh nhân trong quá trình tập luyện để tránh gây áp lực.
  7. Kiên nhẫn trong quá trình hướng dẫn bệnh nhân tập luyện, trợ giúp cho bệnh nhân lặp lại nhiều lần nếu như vẫn chưa thực hiện thành công.
  8. Thay đổi các bài tập, cách tập, địa điểm đa dạng để bệnh nhân không cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi trong quá trình tập luyện.
  9. Luyện tập trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày, không để bệnh nhân tập quá lâu gây chán nản.
  10. Các bác sĩ, kỹ thuật viên phải phối hợp chặt chẽ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn. Có thể nhiều thành viên tham gia tập cho bệnh nhân.
  11. Xây dựng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần khoa học để hỗ trợ quá trình phục hồi.
Cần có sự giúp đỡ của gia đình người bệnh để quá trình phục hồi diễn ra hiệu quả hơn
Cần có sự giúp đỡ của gia đình người bệnh để quá trình phục hồi diễn ra hiệu quả hơn

4. Giải đáp 1 số câu hỏi thường gặp khi phục hồi chức năng nói sau tai biến

Trong quá trình phục hồi chức năng nói sau tai biến, bệnh nhân và người nhà thường thắc mắc về những vấn đề sau đây.

Câu 1: Thời gian tập phục hồi chức năng nói đạt hiệu quả cao nhất?

Đối với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, các hình thức phục hồi chức năng đạt hiệu quả tốt nhất khi bệnh nhân qua giai đoạn cấp, sau 24 giờ đầu. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được tập cách diễn đạt những mong muốn đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày, ví dụ như muốn ăn gì, đang khó chịu ở đâu.

Câu 2: Chứng khó nói sau tai biến có ảnh hưởng gì đến sự minh mẫn của người bệnh không?

Thông thường, người bị đột quỵ và dẫn đến di chứng khó nói thường vẫn minh mẫn, có thể hiểu được chính xác những điều muốn biểu đạt nhưng không thể diễn đạt chính xác theo mong muốn.

Người bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ thường vẫn minh mẫn và nhận thức được thông tin cần diễn đạt
Người bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ thường vẫn minh mẫn và nhận thức được thông tin cần diễn đạt

Câu 3: Mất bao lâu để phục hồi chức năng nói sau đột quỵ?

Thông thường, 6 tháng đầu tiên là thời gian quan trọng nhất của việc phục hồi chức năng sau đột quỵ. Người bệnh có thể đạt được tiến bộ sau vài tuần tập luyện đầu tiên và sau đó tình trạng có thể dần được cải thiện ổn định hơn.

Sau 6 tháng đầu, người bệnh vẫn có cơ hội phục hồi. Thời gian hồi phục của mỗi người bệnh còn phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí đột quỵ, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác, bệnh lý đi kèm,…

Câu 4: Có phải tất cả bệnh nhân đều có thể hồi phục chức năng ngôn ngữ sau tai biến?

Việc thực hiện phục hồi chức năng nói sau tai biến không có tác dụng đối với tất cả bệnh nhân, có đến 21% đến 40% bệnh nhân không thể khôi phục chức năng ngôn ngữ. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân chỉ có thể hồi phục đến một mức độ nhất định chứ không thể trở về như bình thường. Hiệu quả của quá trình phục hồi chức năng còn phụ thuộc vào tình trạng đột quỵ và nỗ lực của bệnh nhân trong quá trình tập luyện.

Nhiều bệnh nhân có khả năng không thể phục hồi chức năng nói sau tai biến
Nhiều bệnh nhân có khả năng không thể phục hồi chức năng nói sau tai biến

Tùy theo tình trạng rối loạn ngôn ngữ mà người bệnh sẽ được áp dụng các phương pháp phục hồi chức năng nói sau tai biến khác nhau. Việc phục hồi cần có sự phối hợp giữa chuyên gia có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để đạt hiệu quả tốt nhất.

Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA là địa chỉ ứng dụng mô hình phục hồi chức năng toàn diện theo tiêu chuẩn Nhật Bản, giúp phục hồi chức năng nói sau tai biến hiệu quả với các điều kiện như:

  • Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phục hồi chức năng và thường xuyên được đào tạo, nâng cao chuyên môn với các chuyên gia từ Tập đoàn Y tế EMS Nhật Bản.
  • Xây dựng lộ trình tập luyện phục hồi chức năng cá nhân hóa phù hợp với tình trạng của bệnh nhân, bệnh nhân được bác sĩ và kỹ thuật viên theo sát trong quá trình tập luyện.
  • Hệ thống trang thiết bị hiện đại, không gian phòng tập thoải mái hỗ trợ tối đa quá trình phục hồi của người bệnh.

Hãy đến với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được điều trị hiệu quả các di chứng rối loạn ngôn ngữ do tai biến mạch máu não.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 23/06/2024Ngày cập nhật: 23/06/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.