Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai biến mạch máu não (đột quỵ) là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và suy giảm sức khỏe nghiêm trọng ở người trưởng thành. Để giúp bệnh nhân lấy lại khả năng vận động và ngăn ngừa nguy cơ tái phát đột quỵ, bạn nên tham khảo những hướng dẫn phục hồi chức năng sau tai biến tại nhà dưới đây để hỗ trợ bệnh nhân phục hồi hiệu quả.
1. Chăm sóc bệnh nhân tai biến giai đoạn đầu
Trong 24 giờ đầu sau đột quỵ, bệnh nhân cần được hỗ trợ thực hiện các bài tập thụ động tại giường để ngăn ngừa các biến chứng như tắc mạch hoặc nhồi máu phổi. Các hoạt động cụ thể như: [1]
1.1 Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm đúng cách
Thường xuyên điều chỉnh tư thế nằm sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ co cứng cơ và các biến chứng ở ngực, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân ngăn ngừa loét do tì đè và cải thiện khả năng hô hấp tốt.[2]
1.1.1 Tư thế nằm ngửa
Cách thực hiện:
- Kê đầu bệnh nhân nằm trên một chiếc gối mềm vừa phải, không quá cao hoặc quá thấp để giúp cổ được thư giãn.
- Khi nằm bên liệt được đặt phía bên ngoài.
- Đặt một chiếc gối nhỏ dưới bả vai bên bị liệt để nâng nhẹ vai lên đồng thời để tay lên trên một chiếc gối khác cao hơn tim.
- Cuộn một chiếc chăn nhỏ dưới chân để khớp gối gập nhẹ khoảng 30 độ.
1.1.2 Tư thế nằm nghiêng sang bên liệt
Cách thực hiện:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nghiêng sang bên liệt, sử dụng một chiếc gối để đỡ đầu, đảm bảo cổ hơi cong nhẹ và trục cơ thể thẳng.
- Vai bên liệt được gập nhẹ về phía trước với cánh tay duỗi thẳng vuông góc với thân mình.
- Kê một chiếc gối sau lưng để hỗ trợ giữ cơ thể người bệnh không bị lật ra sau.
- Chân bên lành được gập vuông góc tại hông và gối, đồng thời kê một chiếc gối dưới chân lành để giảm lực tác động lên khớp háng.
- Đặt tay lành lên thân mình và giữ cho chân bị liệt ở tư thế duỗi thẳng.
1.1.3 Tư thế nằm nghiêng sang bên lành
Cách thực hiện:
- Người hỗ trợ gập cong gối người bệnh trước khi lăn để tạo đà, dễ xoay người.
- Sau khi lăn sang bên lành, đặt một chiếc gối sau lưng để giữ bệnh nhân không bị ngã về sau, không nằm trực tiếp lên xương hông.
- Đặt cánh tay bên liệt lên một chiếc gối đồng thời gập nhẹ chân và kê gối mềm bên dưới nâng toàn bộ chân liệt.
- Phía tay và chân lành duỗi tự nhiên ở tư thế thoải mái nhất.
1.2 Hỗ trợ bệnh nhân lăn trở
Thực hiện các động tác lăn trở 2h/lần nhằm mục đích giúp bệnh nhân thay đổi tư thế, giảm áp lực lên phổi và cơ hoành. Đồng thời, các động tác này còn có tác dụng hỗ trợ người bệnh ngăn ngừa các biến chứng như loét da và tụ khí huyết do tì đè trong thời gian dài. [3]
Hướng dẫn chi tiết cách lăn trở:
1 – Lăn trở từ bên lành sang bên liệt:
- Người hỗ trợ nâng tay và chân lành bệnh nhân lên.
- Đưa chân và tay lành về phía bên liệt.
- Xoay toàn thân người sang bên bị liệt.
2 – Lăn trở từ bên liệt sang bên lành:
- Người hỗ trợ giúp người bệnh gập gối và háng bên liệt.
- Đan hai bàn tay của người bệnh lại với nhau.
- Người bệnh dùng lực từ tay lành kéo tay liệt sang đồng thời người hỗ trợ đẩy phần hông và chân người bệnh sang bên lành.
Lưu ý: Người nhà nên hướng dẫn để chính người bệnh thực hiện lăn trở, ở giai đoạn đầu nếu có khó khăn có thể đứng bên hỗ trợ lực giúp bệnh nhân thực hiện cử động.
1.3 Bài tập vận động vai
Bài tập vận động vai có tác dụng hỗ trợ tăng cường tuần hoàn tại chỗ cho vùng thiếu máu, ngăn ngừa phù nề và phục hồi một phần các neurons thần kinh bị tổn thương.
Cách thực hiện:
- Đặt bệnh nhân nằm ngửa và thả lỏng toàn thân.
- Người hỗ trợ dùng một tay giữ phần vai bên liệt, tay còn lại cầm cẳng tay liệt của bệnh nhân đưa lên phía đầu.
- Duy trì tư thế trong 30 giây rồi đưa tay trở về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác từ 5-10 lần
Tần suất: 2 lần/ngày, sáng và tối.
1.4 Bài tập kéo giãn cổ chân
Bài tập kéo giãn cổ chân có tác động tốt đến quá trình tái tổ chức chức năng của não bộ, nâng cao sự phục hồi thần kinh và hỗ trợ bệnh nhân giảm tê cứng cơ.
Cách thực hiện:
- Đặt bệnh nhân nằm ngửa ở tư thế duỗi thẳng hai chân.
- Người hỗ trợ dùng một tay nắm giữ cẳng chân, tay còn lại dùng bàn tay giữ gót chân bệnh nhân sao cho phần bàn chân người bệnh tựa vào phần cẳng tay của người hỗ trợ (giống ảnh dưới).
- Dùng lực từ bàn tay kéo căng gót chân đồng thời nhấn gập mu bàn chân của người bệnh về phía trước.
- Duy trì tư thế này trong khoảng 10-15 giây, sau đó thả lỏng về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác 5-10 lần.
Tần suất: 1-2 lần/ngày.
2. Chăm sóc bệnh nhân tai biến giai đoạn sau khi cử động
Ở giai đoạn bệnh nhân bắt đầu cử động lại, bác sĩ sẽ chỉ định tập trung vào các bài tập gia tăng sức mạnh của cơ và khả năng chịu đựng cho các bộ phận bị yếu. Mục đích chính là để lấy lại tầm vận động cho các bộ phận bị tổn thương.
2.1 Tập chuyển tư thế từ nằm sang ngồi
Thông thường trong khoảng 48 giờ sau đột quỵ, bệnh nhân có thể bắt đầu tập ngồi dậy sau khi chỉ số huyết áp và mạch dần ổn định, không có dấu hiệu suy giảm nhận thức.
Cách thực hiện:
- Người hỗ trợ ngồi bên cạnh người bệnh phía không liệt, đồng thời quàng cánh tay và đỡ vai bị liệt cho bệnh nhân.
- Người bệnh bám tay vào cánh tay của người hỗ trợ.
- Đỡ từ từ bệnh nhân ngồi dậy.
2.2 Tập ngồi thăng bằng tĩnh – động
Động tác tập ngồi thăng bằng tĩnh – động có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân tăng tuần hoàn máu ở vùng cổ vai gáy, giảm thiểu tình trạng co rút tay chân do hạn chế vận động.
Cách thực hiện:
- Người bệnh nằm nghiêng về phía bên liệt và chân trên gập.
- Người hỗ trợ ở phía sau dùng một tay đỡ vai dưới còn tay kia đỡ vai trên của bệnh nhân.
- Người bệnh chống tay khỏe xuống giường để ngồi lên dưới sự hỗ trợ lực từ người phía sau.
Lưu ý: Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như chóng mặt người bệnh nên dừng bài tập và tiếp tục nghỉ ngơi để ổn định sức khỏe dưới sự hướng dẫn của bác sĩ/chuyên gia điều trị.
2.3 Di chuyển từ giường sang xe lăn
Các hoạt động hỗ trợ di chuyển bệnh nhân từ giường sang xe lăn sẽ giúp giảm thiểu hậu quả do nằm bất động lâu, tạo thuận lợi cho hồi phục vận động.
Cách thực hiện:
- Di chuyển bệnh nhân ngồi ở sát mép giường, thả chân xuống đất và nghiêng người về phía trước.
- Người chăm sóc đứng đối diện, một tay giữ đai lưng và tay còn lại nâng mông để kéo bệnh nhân đứng xuống đất.
- Sau khi đứng vững, xoay bệnh nhân để lưng hướng vào xe lăn rồi từ từ ngồi xuống.
- Hạ chỗ để chân và đặt chân bệnh nhân lên bàn đạp.
2.4 Hướng dẫn hoặc hỗ trợ bệnh nhân tập sinh hoạt hàng ngày
Bệnh nhân phục hồi chức năng sau tai biến tại nhà nên được tạo điều kiện phục hồi độc lập để nâng tầm vận động khớp và cơ lực, ngăn ngừa các biến chứng huyết khối như thuyên tắc mạch phổi, tắc tĩnh mạch sâu chi dưới.
Hướng dẫn cách thực hiện:
Thay quần áo:
- Cởi áo (quần): Bệnh nhân nên cởi theo thứ tự từ tay áo (ống quần) bên lành trước, bên bị liệt thực hiện sau.
- Mặc quần (áo): Người bệnh xỏ ống quần (tay áo) bên liệt vào trước, sau đó kéo lên rồi hoàn thành động tác với ống quần (tay áo) còn lại.
Các hoạt động sinh hoạt khác:
- Cài khuy: Người bệnh có thể sử dụng bàn tay lành để giữ áo cố định, sau đó từ từ cài từng khuy.
- Ăn uống: Người bệnh có thể tập sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như muỗng, nĩa có tay cầm lớn hoặc khung cố định bát đĩa trên bàn để ăn uống thuận tiện hơn.
- Rửa tay: Bệnh nhân nên ngồi trên ghế tắm, kẹp một chiếc khăn đã được xoa xà phòng giữa hai gối và di chuyển cánh tay qua lại trên khăn để làm sạch.
Lưu ý: Bệnh nhân nên được khuyến khích tự thực hiện các hoạt động vận động, người chăm sóc chỉ nên giúp đỡ khi động tác đó người bệnh hoàn toàn không thể tự làm để hiệu quả phục hồi cao hơn.
2.5 Tập đứng thăng bằng tĩnh- động
Trường hợp tự dùng nạng:
Cách thực hiện:
- Hỗ trợ người bệnh đứng vững giữ thanh song song để tạo sự ổn định ở cơ tay (ảnh 1).
- Bệnh nhân ngồi trên giường và đặt hai chân xuống sàn đều nhau (ảnh 2).
- Vịn tay vào nạn, khi đó hai tay phải ở ngang mức khớp háng và đứng dậy với lực phân bổ đều ở cả hai chân (ảnh 3).
Lưu ý: Bệnh nhân nên dùng lực tay để nâng đỡ cơ thể, hạn chế tỳ lực vào nách để tránh ảnh hưởng đến mạch máu hoặc tổn thương thần kinh.
Trường hợp bệnh nhân không thể dùng nạng:
Cách thực hiện:
- Người hỗ trợ đặt tay ngang thắt lưng người bệnh, đồng thời để bệnh nhân vòng tay qua cổ.
- Tỳ hai đầu gối để giữ chân bệnh nhân được duỗi thẳng và đỡ họ đứng dậy.
- Người hỗ trợ dùng hai cánh tay để làm điểm tựa cho bệnh nhân vịn vào và bắt đầu tập bước đi.
2.6 Tập đứng thăng bằng
Bệnh nhân nên tập đứng thăng bằng càng nhiều càng tốt để hạn chế tình trạng tê bì chân, tay và các biến chứng teo cứng xương khớp, hỗ trợ khả năng giữ thăng bằng tốt cho cơ thể.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, dang ngang hai tay.
- Cúi gập người sang bên chân trái sau đó quay trở về vị trí ban đầu và thực hiện tương tự với bên chân phải.
- Lặp lại động tác mỗi bên 10 lần (ảnh 2).
Trường hợp bệnh nhân chưa đứng vững có thể bắt đầu tập đứng giữa hai thanh song song để tăng cường sức mạnh của lực ở tay, tạo sự thăng bằng ở chân và toàn bộ cơ thể.
2.7 Tập bài tập vận động cơ
Các bài tập vận động cơ trong giai đoạn này giúp ngăn ngừa và hạn chế tình trạng co cứng, co rút cơ, giảm nguy cơ cứng khớp vai và khớp cổ chân bên liệt.
2.7.1 Bài tập duỗi gối
Bài tập duỗi gối giúp bệnh nhân phục hồi chức năng sau tai biến tại nhà duy trì tầm vận động của khớp và ngăn ngừa tình trạng teo cơ vì ít vận động.
Hướng dẫn thực hiện:
- Người bệnh tai biến nằm trên giường và duỗi thẳng hai chân.
- Người hỗ trợ dùng một tay đặt vào ngay đầu gối bệnh nhân và tay còn lại nắm giữ khuỷu chân.
- Từ từ duỗi thẳng chân của người bệnh nâng lên cao sao cho chân vuông góc với thân mình sau đó quay về vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác liên tục từ 10-15 lần.
Tần suất: 2 lần/ngày.
2.7.2 Bài tập gập khớp háng
Bài tập gập khớp háng có tác dụng giúp bệnh nhân ổn định khớp, giảm áp lực lên khớp háng và ngăn ngừa cứng khớp.
Hướng dẫn thực hiện:
- Người bệnh tai biến nằm trên giường bệnh với tư thế duỗi thẳng hai chân.
- Người hỗ trợ dùng một tay giữ ở khớp gối và tay còn lại nắm vào bàn chân người bệnh.
- Gập khớp gối bệnh nhân lại và từ từ dùng tay đẩy bàn chân của người bệnh về phía ngực, sao cho đùi tạo với sàn một góc khoảng 120 độ.
- Giữ tư thế này trong 5-10 giây, lặp lại động tác khoảng 10 lần.
Tần suất: 2 lần/ngày, sáng và tối.
2.7.3 Bài tập rèn luyện ngón tay
Các hoạt động lặp đi lặp lại cử động của tay thông qua bài tập có tác dụng hỗ trợ sự phục hồi thần kinh ở người bệnh, giúp duy trì sự tập trung và cải thiện khả năng vận động của khớp.
1 – Nhặt bi bằng tay
- Bệnh nhân dùng ngón tay cái và tay trỏ để nhặt các viên bi.
- Thực hiện lặp lại động tác nhiều lần để tăng cử động ở tay.
2 – Giữ vật trong lòng bàn tay
- Giữ một quả bóng nhỏ giữa ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa.
- Từ từ bóp chặt các ngón tay lại với nhau và giữ trong khoảng 10 giây rồi thả lỏng.
- Lặp lại động tác 10 lần.
3. Lưu ý khi chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng sau tai biến tại nhà
Khi chăm sóc và hỗ trợ phục hồi chức năng sau tai biến tại nhà cho bệnh nhân, người nhà cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo quá trình điều trị của bệnh nhân đạt hiệu quả cao:
Chế độ vận động:
- Bệnh nhân nên được vận động sớm để làm giảm nguy cơ trào ngược thực quản, viêm phổi hít và giảm hình thành co rút.
- Mức độ tập luyện: Bệnh nhân nên di động khớp theo tầm vận động và kéo giãn thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày.
- Thực hiện đúng các động tác theo chỉ dẫn của chuyên gia/ bác sĩ điều trị để tăng hiệu quả phục hồi.
- Thường xuyên thăm khám bác sĩ định kỳ để được đánh giá và điều chỉnh lộ trình phục hồi thích hợp, ngăn ngừa biến dạng xương khớp.
Chế độ sinh hoạt:
- Thường xuyên theo dõi các chỉ số huyết áp của người bệnh.
- Khuyến khích bệnh nhân tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày để tăng cử động ở các khớp.
- Thường xuyên cho bệnh nhân ngồi dậy, vỗ rung vùng lưng để hạn chế tắc nghẽn đường thở cho ứ đọng đờm.
- Đối với bệnh nhân mắc bàng quang giảm trương lực phải đặt sonde tiểu thì nên rút sonde càng sớm càng tốt, đồng thời kiểm soát tốt tình trạng nước tiểu. Nếu bệnh nhân bị bí tiểu kéo dài nên đặt sonde ngắt quãng theo chỉ định của bác sĩ.
Chế độ dinh dưỡng:
- Nên bổ sung đầy đủ nhóm thực phẩm giàu chất xơ, protein và vitamin.
- Bổ sung các loại thực phẩm có chứa hàm lượng L-arginine cao để mạch máu khỏe mạnh.
- Hạn chế các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đường, muối để giúp kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu và cholesterol, giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.
Đột quỵ thường gây liệt một bên cơ thể và khiến người bệnh suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì thế, gia đình cần theo dõi tình trạng của bệnh nhân thường xuyên và điều chỉnh lộ trình Phục hồi chức năng sau tai biến tại nhà phù hợp để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
Liên hệ ngay với MYREHAB MATSUOKA nếu bạn cần tư vấn miễn phí về liệu trình điều trị phù hợp với thể trạng của người bệnh nhé. Tại đây, bệnh nhân sẽ được các chuyên gia giàu kinh nghiệm đồng hành và hỗ trợ khắc phục tốt nhất những thương tật thứ phát.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.