5 điều cần biết về phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay 

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.

Mức độ tình trạng phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay sẽ phụ thuộc vào mức độ gãy, kiểu gãy (đơn giản hay phức tạp) và vị trí gãy (xương quay hay xương trụ),… Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không tuân thủ các nguyên tắc và lộ trình điều trị được đặt ra, thời gian hồi phục có thể sẽ kéo dài hơn và thậm chí gây ra nhiều biến chứng lâu dài. Bài viết sau đây sẽ đưa ra 5 lưu ý quan trọng cần biết về phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay nhằm giúp bệnh nhân hồi phục sớm nhất. 

1. Nguyên tắc cần tuân thủ khi phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay

Sau gãy xương, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng phần cẳng tay hơn. Ngoài việc bị tác động bởi chấn thương gây ra đau nhức ở cẳng tay, việc nghỉ ngơi để vết thương lành lại cũng khiến bệnh nhân không quen với việc sử dụng cơ và khớp ở cẳng tay. Vì vậy, mục đích của việc phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay là:

  • Tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình liền xương.
  • Giảm sưng nề, giảm đau, chống rối loạn tuần hoàn, chống kết dính khớp, giảm nguy cơ biến chứng (hội chứng Wolkmann, khớp giả, cứng khớp do bất động, hội chứng Sudeck do rối loạn tuần hoàn cục bộ vùng gãy, hạn chế cử động quay sấp – ngửa cẳng tay do can lệch làm dính xương trụ vào xương quay).
  • Duy trì tầm vận động khớp, ngừa teo cơ, cứng khớp.
  • Phục hồi chức năng các hoạt động tinh tế bàn tay sau bất động.
Bệnh nhân cần phải được điều trị phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay kịp thời
Phần gãy xương cẳng tay của bệnh nhân thường sẽ sưng, đau và mất khả năng hoạt động, do đó cần phải được điều trị phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay kịp thời

Do đó, quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay là vô cùng quan trọng. Theo tham vấn của BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA, bệnh nhân cần tuân thủ các nguyên tắc sau: 

  • Tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi khi vết thương hở. 
  • Chủ động tập luyện ngay khi có thể, không được chần chừ.
  • Nếu thấy đau hoặc mệt, phải dừng lại ngay. 

Tìm hiểu thêm:

2. Các phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay cho từng đối tượng

Bệnh nhân bị gãy xương cẳng tay ở mức độ nặng (ảnh hưởng đến các dây thần kinh xung quanh) hoặc nhẹ (gãy xương nhưng không ảnh hưởng tới các cơ quan khác) sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

2.1. Với nhóm bệnh nhân điều trị bảo tồn

Trong những trường hợp chấn thương cẳng tay không quá nặng như di lệch xương ít (dưới 15mm), không có ảnh hưởng tới dây thần kinh hay mạch máu, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bảo tồn, bao gồm các phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay như bó bột, bất động hay nắn chỉnh khớp. 

Do tình trạng của bệnh nhân thuộc nhóm này không quá nặng, cẳng tay của bệnh nhân hoàn toàn có thể lành lại trong khoảng từ 6 – 8 tuần. [1] Tuy nhiên, để tay hoàn toàn trở lại trạng thái như trước khi bị gãy có thể cần tới 3 – 4 tháng. [2] Tốc độ phục hồi của bệnh nhân trong nhóm điều trị này sẽ phụ thuộc vào những yếu tố sau: 

  • Tần suất và mức độ tập luyện phục hồi
  • Chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng
Với nhóm bệnh nhân điều trị bảo tồn, tốc độ phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc vào chế độ tập luyện và dinh dưỡng
Tuy nhóm bệnh nhân điều trị bảo tồn có thể phục hồi nhanh hơn nhóm phẫu thuật, tuy nhiên tốc độ phục hồi của bệnh nhân còn phụ thuộc vào chế độ tập luyện và dinh dưỡng

Đối với nhóm bệnh nhân này, việc tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay có mục đích chủ yếu giúp khôi phục lại khả năng vận động cẳng tay như trước. Chương trình tập phục hồi chức năng sẽ chú trọng vào các bài tập vận động chủ động sớm hơn so với bệnh nhân điều trị phẫu thuật.  

2.1.1. Giai đoạn bất động: 8 – 12 tuần

Phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay này giúp vết thương giảm sưng, cải thiện tuần hoàn, chống teo cơ, duy trì tầm vận động của lực cơ khớp vai và các ngón tay.

Tuy giai đoạn này yêu cầu bệnh nhân bất động phần lớn thời gian nhưng bệnh nhân vẫn có thể thử tập cử động nhẹ nhàng để kích thích hoạt động của cơ cẳng tay bằng những cách sau: 

  • Đặt tư thế đúng: nâng cao tay
  • Cử động tập các ngón tay
  • Co cơ tĩnh các cơ cánh tay và cẳng tay trong bột.
  • Chủ động tập có trợ giúp các cử động của khớp vai.
Giai đoạn bất động (8 - 12 tuần), bên cạnh việc nghỉ ngơi, bệnh nhân nên thử tập cử động nhẹ nhàng
Vào giai đoạn bất động, bệnh nhân nên tập trung nghỉ ngơi, có thể tập luyện một vài cử động nhỏ ở các khớp ngón tay và chủ động nâng cao tay

2.1.2. Giai đoạn sau bất động: từ 12 – 20 tuần

Sau khi vết thương của bệnh nhân dần lành và đã có thể cử động được, bệnh nhân có thể thực hiện một số phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay giúp giảm đau, giảm co thắt cơ, gia tăng tầm hoạt động khớp bị giới hạn, gia tăng sức mạnh cơ, phục hồi chức năng sinh hoạt. Sau đây là một vài phương pháp điều trị trong giai đoạn sau bất động:

1 – Phương pháp trị liệu thụ động:

  • Nhiệt trị liệu: Chườm ấm vùng cơ co thắt bằng hồng ngoại, Paraphin…
  • Điện trị liệu: điện phân dẫn thuốc (Salicylat, Novocain…)

Lưu ý: Trong giai đoạn này vẫn cần phải tập luyện thật nhẹ nhàng, tránh vận động quá mạnh khi vết thương còn chưa thực sự liền. 

Bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng sau khi vết thương của bệnh nhân dần lành
Bệnh nhân trong giai đoạn đầu còn yếu, nên tập trung tập luyện thụ động nhẹ nhàng, vừa phải, tránh quá sức

2 – Phương pháp trị liệu chủ động:

Một vài phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay thuộc nhóm phương pháp trị liệu chủ động bao gồm:

  • Tập vật lý trị liệu sau gãy xương cẳng tay bằng cách xoa bóp vùng bàn tay, cẳng tay
  • Áp dụng kỹ thuật giữ – nghỉ hoặc kéo dãn thụ động đối với các khớp bị giới hạn (cử động sấp ngửa cẳng tay phải tập nhẹ nhàng)
  • Tập chủ động có trợ giúp, đề kháng tuỳ theo lực cơ của người bệnh
  • Chương trình tập tại nhà: tập cài nút áo từ thấp đến cao, quạt tay, vặn nắm cửa, chải đầu…
  • Hoạt động trị liệu: ném bóng, bắt bóng,… 
Bệnh nhân có thể kết hợp tập vật lý trị liệu sau gãy xương cẳng tay cùng hoạt động trị liệu
Bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu sau gãy xương cẳng tay kết hợp với hoạt động trị liệu để phục hồi năng lực vận động trong giai đoạn sau bất động

2.2. Với nhóm người điều trị sau phẫu thuật 

Nhóm bệnh nhân cần điều trị phẫu thuật là những bệnh nhân mắc các tình trạng gãy xương cẳng tay nặng hơn, chấn thương ảnh hưởng tới dây thần kinh, mạch máu và di lệch lớn sẽ cần phải can thiệp phẫu thuật để điều chỉnh xương và khớp cẳng tay. Bên cạnh đó, trong trường hợp điều trị bảo tồn không đem lại kết quả khả quan cho chấn thương, bệnh nhân cũng sẽ có thể phải can thiệp điều trị phẫu thuật.

Khác với phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay ở nhóm bệnh nhân điều trị bảo tồn, đối với bệnh nhân điều trị phẫu thuật, thời gian phục hồi có thể lâu hơn so với các bệnh nhân điều trị bảo tồn. Trung bình bệnh nhân sẽ cần khoảng thời gian từ 5 – 6 tháng để hoàn toàn bình phục sau khi phẫu thuật xương cẳng tay. [3] Tuy nhiên, tốc độ hồi phục của bệnh nhân có thể phụ thuộc vào những yếu tố như:

  • Mức độ trầm trọng của chấn thương
  • Mức độ tập luyện trong quá trình phục hồi
  • Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng

2.2.1. Tuần 1

Ở tuần đầu tiên, bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay có thể tự vận động nhẹ nhàng các khớp phần tay trong khả năng: 

  • Nâng cao chi khi nằm, băng treo tay ở tư thế chức năng khi đi đứng. 
  • Chủ động tập nhanh cử động gập duỗi các ngón tay. 
  • Co cơ tĩnh nhẹ nhàng các cơ vùng cẳng tay, cánh tay. 
  • Chủ động tập trợ giúp các cử động của khớp vai. 
Với nhóm người điều trị sau phẫu thuật, ở tuần đầu, bệnh nhân có thể tự vận động nhẹ nhàng
Ở tuần đầu tiên, bệnh nhân cũng chỉ nên tập luyện những cử động nhỏ ở ngón tay, khớp vai, tránh tác động trực tiếp vào phần cẳng tay

2.2.2. Tuần 2

Ở tuần tiếp theo, bệnh nhân có thể tiếp tục tập vật lý trị liệu sau gãy xương cẳng tay các bài khớp vai, khớp ngón tay như tuần 1, tuy nhiên có thể tăng số lần tập luyện hoặc tăng lực cơ trong khả năng để tăng hiệu quả cho bài tập. Với trường hợp phẫu thuật đã ổn định, bệnh nhân có thể chủ động tập cử động sấp ngửa nhẹ nhàng tại chỗ, nhưng phải thật cẩn thận, tốt hơn hết là nên được theo dõi và giám sát. 

Bệnh nhân tiếp tục tập luyện các bài tập nhẹ nhàng trong giai đoạn 2 và cần được giám sát
Bệnh nhân có thể tiếp tục tập luyện các bài tập nhẹ nhàng trong giai đoạn 2 và cần được đặc biệt giám sát

2.2.3. Tuần 3 và 4

Trong giai đoạn phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay này, bệnh nhân có thể tiếp tục tập các bài như tuần 2 nhưng tăng tốc độ, số lần tập và mức kháng lực tùy vào thể lực. Tuy nhiên, bệnh nhân muốn tăng kháng lực cần phải chụp X-quang và xin ý kiến bác sĩ để xem xương đã liền chưa và phần kháng lực đó có tác động vào phần gãy không.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể tham khảo tập thêm các chương trình hoạt động trị liệu và vật lý trị liệu như: 

1 – Vật lý trị liệu: Tập các bài tập chủ động có hỗ trợ của người giúp đỡ, có thể thêm mức kháng lực tùy theo lực cơ của bệnh nhân. 4 bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay thường được áp dụng như: [4

  • Uốn cong khuỷu tay: Để tay buông theo người, chủ động uốn cong khuỷu tay lên càng xa càng tốt, sau đó dùng tay kia nắm lấy cẳng tay hoặc cổ tay, tạo áp lực nhẹ và giữ trong 5 – 10 giây, sau đó thả lỏng bằng cách duỗi thẳng khuỷu tay và lặp lại 10 lần.
  • Mở rộng khuỷu tay: Ngồi trên ghế, đặt khuỷu tay lên bàn/gối/chăn gấp, duỗi thẳng khuỷu tay hết cỡ, sau đó tạo áp lực lên cẳng tay hoặc cổ tay bằng cách giữ căng trong 5 – 10 giây. Sau đó thả lỏng và lặp lại bài tập 10 lần.
  • Ngửa cẳng tay: Để khuỷu tay uốn cong khoảng 90 độ, giữ khuỷu tay và xoay cổ tay, bàn tay để lòng bàn tay hướng lên. Để tạo thêm áp lực cho việc kéo căng, dùng tay còn lại đưa xuống phía dưới cẳng tay của cánh tay đang ngửa, nắm lấy cổ tay và nhẹ nhàng xoay bàn tay thành tư thế ngửa, giữ nguyên 5 – 10 giây. Lặp lại bài tập 10 lần.
  • Quay sấp cẳng tay và khuỷu tay: Để khuỷu tay uốn cong 90 độ, xoay bàn tay và cổ tay càng xa càng tốt. Đưa tay kia lên phía trên cẳng tay, nắm lấy cổ tay và xoay cánh tay, giữ trong 5 – 10 giây, sau đó thả lỏng và lặp lại bài tập 10 lần.

Có thể bạn quan tâm: 5 thông tin chi tiết về tập vật lý trị liệu cổ tay 

2 – Hoạt động trị liệu: Các bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay trong chương trình này bao gồm: tập cài nút áo từ thấp đến cao, vặn nắm cửa, chải tóc, đánh răng rửa mặt, bắt tay, ném bóng, bắt bóng,…

Bệnh nhân thực hiện bài tập trị liệu có kháng lực dưới sự giám sát của kỹ thuật viên
Bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập trị liệu có kháng lực dưới sự giám sát của các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên

3. 5 bài tập vật lý trị liệu sau gãy xương cẳng tay đơn giản

Các bệnh nhân bị gãy xương cẳng tay cần phải bất động tay trong khoảng thời gian khá dài, dẫn đến việc bị teo cơ và co cứng khớp. Do đó, phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay là điều vô cùng cần thiết. Sau đây là các bài tập vật lý trị liệu đơn giản, dễ thực hiện, giúp bệnh nhân có thể tập luyện và khôi phục lại sức mạnh của cẳng tay. 

3.1. Tập nắm tay

Đây là một bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay đơn giản, bệnh nhân có thể bắt đầu tập bài này khi còn đang đeo nẹp. Một số bệnh nhân sau khi gãy xương cẳng tay gặp phải tình trạng không thể cử động ngón tay, do đó, bài tập này sẽ giúp bệnh nhân kích thích cảm giác vận động vùng bàn tay và ngón tay. 

Hướng dẫn tập: 

  • Bước 1: Duỗi thẳng bàn tay
  • Bước 2: Gập các ngón tay ở đốt ngón tay giữa, sao cho ngón tay chạm gần lòng bàn tay nhất có thể
  • Bước 3: Duỗi thẳng bàn tay về tư thế ban đầu.
  • Bước 4: Lặp lại động tác khoảng 10 lần, sau đó đổi phần gập sang đốt ngón tay trên và đốt ngón tay dưới cùng, lặp lại số lần tương tự

Tần suất tập: Tập nhiều nhất có thể mỗi ngày, mỗi lần tập lặp lại 10 lần [5]

Phục hồi chức năng sau gãy xương tay bằng bài tập nắm tay
Phục hồi chức năng sau gãy xương tay bằng bài tập nắm tay, giúp lấy lại cảm giác cho khớp ngón tay

3.2. Tập xoay cổ tay

Với bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay này, sẽ dễ tập hơn nếu bệnh nhân đã tháo bột hoặc tháo nẹp. Bài tập giúp khớp cổ tay của bệnh nhân không bị co cứng, đồng thời tăng cường sức mạnh cẳng tay.

Hướng dẫn tập: 

  • Bước 1: Bệnh nhân ngửa cẳng tay lên bàn, lúc này cổ tay của bệnh nhân cũng ngửa
  • Bước 2: Tự xoay nắm tay úp xuống dưới. 
  • Bước 3: Giữ nguyên trong khoảng 10 giây.
  • Bước 4: Từ từ đưa tay về vị trí cũ. 
  • Bước 5: Lặp lại khoảng 3 lần.
  • Bước 6: Đối tư thế, úp cẳng tay xuống mặt bàn, lúc này cổ tay của bệnh nhân úp xuống, thực hiện các bước tập như bình thường.

Tần suất tập: Tập từ 3 – 4 lần mỗi ngày. [6]

Lưu ý: Trong suốt quá trình tập luyện, nếu bệnh nhân không thể tập đủ thời lượng hay tầm vận động còn chưa đủ để xoay cổ tay, người hỗ trợ cần giúp bệnh nhân xoay cổ tay thụ động.

Bài tập xoay cổ tay giúp khôi phục khả năng vận động của khớp cổ tay và cẳng tay
Hướng dẫn bài tập xoay khớp cổ tay giúp khôi phục khả năng vận động của khớp cổ tay và cẳng tay hiệu quả

3.3. Tập gập duỗi cổ tay

Bệnh nhân cần phải tháo bột hoặc tháo nẹp để có thể tập được bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay này. Bài tập sẽ giúp giảm tình trạng cứng khớp cổ tay do bó bột lâu ngày. 

Hướng dẫn tập: 

  • Bước 1: Bệnh nhân ngồi thẳng, tựa tay gãy lên bàn hoặc một mặt phẳng, để phần cổ tay ra rìa của mặt phẳng.
  • Bước 2: Dùng tay lành ép cổ tay xuống dưới.
  • Bước 3: Giữ nguyên trong khoảng 10 giây.
  • Bước 4: Từ từ đưa tay về vị trí cũ. 
  • Bước 5: Lặp lại bước 2, tuy nhiên làm động tác ép ngửa cổ tay thay vì ép xuống dưới.

Tần suất tập: Lặp lại bài tập khoảng 3 lần mỗi ngày.

Lưu ý: Do không hoạt động lâu ngày nên cổ tay bệnh nhân bị cứng, khiến bệnh nhân có thể thấy đau trong quá trình tập luyện. Tuy nhiên, bệnh nhân cần cố gắng giữ nguyên tư thế để đạt được hiệu quả tốt nhất cho bài tập. 

Hướng dẫn thực hiện bài tập gập duỗi cổ tay
Hướng dẫn bài tập gập duỗi cổ tay

3.4. Tập nâng cao tay

Bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay, cụ thể là tập nâng cao tay sẽ được chỉ định khi cơ cẳng tay của bệnh nhân đã liền lại phần nào và có thể tự vận động. Bài tập sẽ giúp tác động vào bắp tay và cẳng tay của bệnh nhân, tăng cường lực tay hiệu quả.

Hướng dẫn tập: 

  • Bước 1: Bệnh nhân ngồi thẳng, hai tay thẳng theo người.
  • Bước 2: Từ từ giơ cánh tay bên gãy lên trên, cho tới khi tay giơ thẳng một góc 90 độ so với mặt đất. 
  • Bước 3: Giữ nguyên vị trí trong khoảng 3 giây.
  • Bước 4: Từ từ đưa tay về vị trí cũ. 

Tần suất tập: Tập từ 3 – 4 lần mỗi ngày.

Lưu ý: Sau bước 2, nếu bệnh nhân không thể giơ tay thẳng, người hỗ trợ có thể giúp bệnh nhân giơ tay sao cho đúng động tác. 

Bài tập nâng cao tay giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp tay
Hướng dẫn tập nâng cao tay giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp tay

3.5. Tập gập duỗi khuỷu tay 

Bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay này sẽ dễ tập hơn nếu bệnh nhân đã tháo bột hoặc tháo nẹp. Bài tập sẽ giúp tác động vào khớp khuỷu tay và kích thích sức mạnh bắp tay của bệnh nhân.

Hướng dẫn tập: 

  • Bước 1: Bệnh nhân duỗi thẳng phần từ khuỷu tay tới bàn tay. 
  • Bước 2: Lấy khuỷu tay làm điểm tựa, cố gắng dùng lực kéo bàn tay về vai.
  • Bước 3: Giữ bàn tay ở trên vai trong khoảng 5 – 10 giây.
  • Bước 4: Từ từ thả tay về vị trí cũ. 
  • Tần suất tập: Tập từ 3 – 4 lần mỗi ngày

Lưu ý: Nếu bệnh nhân không thể tự chạm bàn tay vào vai, tức là tầm vận động của bệnh nhân còn bị hạn chế. Lúc này, người hỗ trợ có thể giúp bệnh nhân vận động thụ động và ép bàn tay vào sát vai. Người hỗ trợ cần đỡ khuỷu tay và cánh tay cho bệnh nhân, thực hiện động tác nhẹ nhàng, chậm rãi, hỗ trợ bệnh nhân tự gồng cơ tay tối đa. [7]

Bài tập gập duỗi khuỷu tay
Hướng dẫn bài tập gập duỗi khuỷu tay

4. 3 hình thức tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay

Theo tham vấn của BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA, trong giai đoạn đầu, khi bệnh trạng còn nặng, bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay cần phải ở lại các cơ sở y tế để được các nhân viên y tế chăm sóc và theo dõi. Tuy nhiên, gãy xương cẳng tay là một tình trạng bệnh không quá nguy hiểm và cấp thiết. Do đó, bệnh nhân phục hồi tốt có thể sẽ được bác sĩ cho phép tự tập luyện tại nhà

Sau đây là thông tin liên quan đến 3 hình thức tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay khác nhau:

Yếu tố Tập tại Bệnh viện/Trung tâm Trị liệu Tập tại nhà Tập tại Cộng đồng
Hiệu quả Hiệu quả cao Hiệu quả cao (nếu có kỹ thuật viên tập kèm) Hiệu quả trung bình (KTV có thể phải để ý nhiều người)
Sự linh hoạt Bệnh nhân sẽ phải sinh hoạt theo giờ của bệnh viện Bệnh nhân được tự do sinh hoạt tại nhà Bệnh nhân được sinh hoạt tự do và lựa chọn giờ phù hợp
Môi trường tập Đầy đủ thiết bị, dụng cụ cần thiết, ngoài ra còn được hỗ trợ tập đúng, tập chuẩn.  Kỹ thuật viên sẽ hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ cần thiết tại nhà Có các bệnh nhân cùng tình trạng, được tập trong cộng đồng
Chi phí 300.000 – 500.000 VND/buổi tập đơn lẻ (mua theo gói có thể sẽ được ưu đãi) 550.000 – 1.200.000 VND/buổi tập đơn lẻ 400.000 – 600.000VND/người cho 1 buổi
Giai đoạn nên tập  Giai đoạn đầu của bệnh (4-12 tuần đầu): khi vết thương còn mới hoặc vừa phẫu thuật xong  Giai đoạn giữa của bệnh (từ 4 tuần trở đi): khi bệnh nhân đã có thể tự vận động và sinh hoạt trở lại, tuy còn yếu Giai đoạn sau của bệnh (từ 8 tuần trờ đi): do bệnh nhân có thể cần tự di chuyển và đã có thể tự vận động khá ổn, không cần quan tâm đặc biệt
Đối tượng nên tập Tất cả bệnh nhân gãy xương cẳng tay đều có thể tiến hanphục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay Bệnh nhân điều trị bảo tồn sau 4 tuần hoặc bệnh nhân điều trị phẫu thuật sau khi được bác sĩ cho phép Bệnh nhân điều trị bảo tồn hoặc bệnh nhân điều trị phẫu thuật sau khi được bác sĩ cho phép
Tập vật lý trị liệu sau gãy xương cẳng tay giúp bệnh nhân trải nghiệm trang thiết bị tối tân và giám sát sát sao bởi kỹ thuật viên
Tập luyện tại trung tâm trị liệu sẽ giúp bệnh nhân được sử dụng các trang thiết bị tối tân cũng như được hỗ trợ và giám sát sát sao bởi các kỹ thuật viên

5. 12 lưu ý khi chăm sóc cho bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay 

Bệnh nhân sau gãy xương cẳng tay thường dễ gặp phải nhiều bệnh đi kèm và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt. Đặc biệt, khoảng thời gian đầu sau khi phẫu thuật là lúc bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay dễ bất cẩn, có khả năng dẫn đến tái phát chấn thương. Do đó, người nhà và bệnh nhân cần hết sức lưu ý những điều sau trong quá trình phục hồi sau gãy xương cẳng tay:  

5.1. Với bệnh nhân thuộc nhóm điều trị bảo tồn 

Rất nhiều bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay có suy nghĩ rằng nếu mình thuộc nhóm điều trị bảo tồn tức là tình trạng không quá nặng và được tự do sinh hoạt thoải mái. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Nếu không cẩn thận, bệnh nhân sẽ có thể mắc phải nhiều biến chứng gây đau đớn hoặc tác động nguy hiểm lên vết thương. Do đó, đối với nhóm điều trị bảo tồn, người chăm sóc và bệnh nhân cần cực kỳ lưu ý những điều quan trọng sau: [8]

  • Trong 24 đến 72 giờ đầu, kê cao chi bó bột để máu chảy về tim
  • Những ngày đầu sau khi bó bột, cần giữ cho bột khô ráo, tránh nhiễm nước
  • Trong quá trình bó bột, luôn giữ cho phần bột sạch sẽ và thường xuyên vệ sinh
  • Không được tự ý tháo bột hoặc cắt bột khi chưa được sự cho phép của bác sĩ
  • Không được tự gãi ngứa, hay tác động mạnh vào phần bột
  • Nếu bột quá chặt, cần báo với bác sĩ để được nới ra 
  • Cần chú ý các biểu hiện của bệnh nhân và thông báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường 
Một trong những lưu ý khi chăm sóc cho bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay là cần chăm sóc cẩn thận phần bó bột, tránh để nhiễm nước hoặc để bột quá chặt
Các bệnh nhân điều trị bảo tồn cần chăm sóc cẩn thận phần bó bột, tránh để nhiễm nước hoặc để bột quá chặt

5.2. Với bệnh nhân điều trị sau phẫu thuật

Bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay thuộc nhóm điều trị sau phẫu thuật thường yếu hơn bởi sẽ cần trải qua quy trình khám chữa bệnh dài hơn, phức tạp hơn và tác động vào vết thương nhiều hơn. Do đó, bệnh nhân thuộc nhóm điều trị sau phẫu thuật cần lưu ý những điều quan trọng sau: [9]

  • Cần tự tập luyện các bài tại giường trong 24 giờ sau khi khỏi theo chỉ định của BS
  • Cần chú ý các biểu hiện của bệnh nhân và thông báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường nghiêm trọng 
  • Tuân thủ chế độ chăm sóc vết thương
  • Theo đuổi chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt quá trình hồi phục
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh 
Bệnh nhân thuộc nhóm điều trị sau phẫu thuật cần thận trọng chú ý các biểu hiện khác thường để kịp thời xử lý
Bệnh nhân thuộc nhóm cần can thiệp phẫu thuật cẳng tay cần thận trọng chú ý các biểu hiện của bệnh nhân sau phẫu thuật để kịp thời xử lý

6. 4 câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay

Nhiều bệnh nhân có rất nhiều thắc mắc liên quan tới quá trình hồi phục, chế độ dinh dưỡng mà không tìm được lời giải đáp. Sau đây là 4 câu hỏi thường gặp nhất về phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay mà bạn đọc có thể tham khảo. 

Câu 1: Bệnh nhân sau gãy xương cẳng tay cần kiêng gì không?

Bệnh nhân sau gãy xương cẳng tay cần tuyệt đối kiêng các loại thực phẩm sau: [10]

  • Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là rượu bia.
  • Hạn chế ăn đồ chiên rán, dầu mỡ. 
  • Không ăn đồ ngọt.
  • Không uống trà (vì trà không tốt cho sự phát triển của xương).

Trong quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay, bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm giúp hỗ trợ xương khớp như: [11]

  • Thực phẩm giàu canxi: Cải xanh, cải bó xôi, sữa, cá hồi, cá ngừ,…
  • Thực phẩm giàu đạm, protein: Thịt bò, sữa, trứng,…
  • Thực phẩm giàu Vitamin: Các loại hoa quả, rau xanh như táo, lê, mận, chuối, rau xà lách, cải xanh, cải bó xôi,… 
  • Thực phẩm giàu kẽm: Các loại hải sản như tôm, mực, cá.
Bệnh nhân trong quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng
Bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và kiêng tuyệt đối các loại thực phẩm nhiều chất kích thích, nhằm giúp quá trình phục hồi diễn ra hiệu quả nhất

Câu 2: Bệnh nhân gãy xương cẳng tay có thể tự tập luyện tại nhà không?

Đối với các bệnh nhân điều trị bảo tồn, do bệnh trạng của bệnh nhân không quá nặng, nên từ sau 4 đến 5 tuần đã có thể được các bác sĩ cho phép tự tập luyện tại nhà. [11] Đối với bệnh nhân điều trị phẫu thuật, bệnh nhân có thể sẽ phải ở lại bệnh viện trong khoảng thời gian dài hơn để phần phẫu thuật lành hẳn trở lại mới có thể được tập luyện tại nhà. 

Đối với các bệnh nhân điều trị bảo tồn, từ sau 4 đến 5 tuần đã có thể được các bác sĩ cho phép tự tập luyện tại nhà
Bệnh nhân có thể tự tập luyện và sinh hoạt tại nhà nếu được các bác sĩ cho phép

Câu 3: Có thể tự tháo bột tại nhà sau khi đã khỏi không?

Bệnh nhân tuyệt đối không được tự tháo bột tại nhà ngay cả khi có cảm giác đã khỏi bệnh. Khi bệnh nhân lành bệnh, bác sĩ sẽ sử dụng cưa điện chuyên dùng trong y tế để tháo bột cho bệnh nhân. Dụng cụ này cần phải được sử dụng cực kỳ cẩn thận, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho lớp da, thậm chí gây ra chấn thương ngược trở lại cho vùng tổn thương mới lành. 

Câu 4: Bị bó bột cẳng tay thì có được tắm không?

Bệnh nhân bó bột vẫn có thể tắm bình thường, miễn là không làm ướt phần bó bột. Phần bột bị ẩm có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và có khả năng phái tái phẫu thuật. [13] Bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay nên vệ sinh thường xuyên xung quanh phần bó bột bằng khăn khô, tránh để phần bột nhiễm nước hoặc bụi bẩn. Bệnh nhân tuyệt đối không được sử dụng que, gậy để vệ sinh bên trong bột. 

Bệnh nhân gãy xương cẳng tay bó bột vẫn có thể tắm bình thường, tuy nhiên không được để nước tiếp xúc với phần bó bột
Bệnh nhân gãy xương cẳng tay bó bột vẫn có thể tắm bình thường, nhưng không được để nước tiếp xúc với phần bó bột

Như vậy, bài viết đã giới thiệu 5 lưu ý cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay. Mặc dù gãy xương cẳng tay không phải là tình trạng nặng, bệnh nhân cũng không nên chủ quan mà tự ý về nhà tập luyện hay tháo bột tại nhà. Bệnh nhân cần tích cực tập luyện và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để sớm phục hồi và trở lại khỏe mạnh nhất. 

Để được thăm khám và tư vấn kỹ lưỡng về việc phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay, bệnh nhân có thể liên hệ Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ trị liệu toàn diện cho bệnh nhân gãy xương cẳng tay như:

  • Trải nghiệm dịch vụ 5 sao với cơ sở vật chất hiện đại, tối tân và thường xuyên được nâng cấp
  • Trải nghiệm được tư vấn 1-1 về lộ trình và được xây dựng chương trình tập luyện cá nhân hóa, được theo dõi sát sao
  • Trị liệu cùng đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên nghiệp, niềm nở và thân thiện

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 29/03/2024Ngày cập nhật: 10/12/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo