Viêm khớp cổ tay gây ra tình trạng đau, nhức, mỏi ở vùng cổ tay, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau và hạn chế chức năng bàn tay, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày. Bệnh có thể khởi phát âm thầm nhưng tiến triển nhanh nếu không được can thiệp đúng cách.
1. Viêm khớp cổ tay là gì?
Viêm khớp cổ tay là tình trạng viêm xảy ra ở một hoặc nhiều khớp trong vùng cổ tay, gây ra đau, sưng và hạn chế vận động. Tùy vào nguyên nhân và mức độ tổn thương, viêm có thể cấp tính hoặc mạn tính. Viêm khớp cổ tay là bệnh lý viêm xảy ra do tổn thương ở các bộ phận cấu tạo thành khớp như đầu xương, mô sụn, màng bao hoạt dịch, dây thần kinh, dây chằng,… Những bộ phận này bị tổn thương gây các phản ứng viêm mô mềm xung quanh, gây ra các triệu chứng như đau nhức, sưng đỏ, tê cứng, ê mỏi ở cổ tay. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến chất lượng sống và khả năng lao động, nhất là với người sử dụng tay nhiều như nhân viên văn phòng, thợ thủ công, vận động viên, người lớn tuổi…
Viêm khớp cổ tay không chỉ đơn thuần là tổn thương tại khớp mà còn liên quan đến cơ, gân, bao hoạt dịch, hệ thần kinh và hệ tuần hoàn quanh cổ tay. Việc điều trị hiệu quả đòi hỏi đánh giá toàn diện và tiếp cận đa phương pháp, trong đó phục hồi chức năng đóng vai trò then chốt.
Viêm khớp cổ tay đem lại nhũng triệu chứng đau nhức, hạn chế vận động của người mắc phải
Cấu trúc giải phẫu cổ tay và vai trò vận động
Cổ tay là một khớp cổ tay được cấu tạo bởi nhiều xương và khớp nhỏ, cùng với đó là hệ thống dây chằng, mạch máu và thần kinh đan xen nhau. Khớp cổ tay bao gồm hai nhóm chính là phần xương khớp và phần mô mềm. Hai phần này cùng nhau phối hợp nhịp nhàng giúp bàn tay vận động linh hoạt. Về cấu trúc xương khớp cổ tay cũng chia thành hai nhóm: nhóm xương cổ tay và nhóm khớp cổ tay.
Cổ tay là một trong những khớp phức tạp nhất của cơ thể, gồm:
- 8 xương cổ tay nhỏ sắp xếp thành 2 hàng
- 2 xương lớn của cẳng tay: xương quay và xương trụ
- Các dây chằng, gân, cơ, bao khớp và thần kinh
Khớp cổ tay đóng vai trò then chốt trong các hoạt động tinh vi như viết, gõ bàn phím, cầm nắm, xoay vặn… Nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ và khớp, cổ tay cho phép bàn tay thực hiện hàng trăm động tác phức tạp mỗi ngày. Một khi khớp cổ tay bị viêm, các chức năng này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân thường gặp gây viêm khớp cổ tay
Viêm khớp cổ tay có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất gồm:
2.1. Viêm xương khớp cổ tay (thoái hóa khớp cổ tay)
Viêm khớp cổ tay có thể do thoái hóa, là một trong những loại phổ biến nhất. Qua thời gian, sụn khớp bị thoái hóa sẽ mất tính đàn hồi, mỏng dần, khô và nứt nẻ, sau đó dẫn đến các vết loét, mất dần tổ chức sụn, làm trơ các đầu xương dưới sụn. Theo thời gian, sụn khớp mòn đi khiến xương cọ sát vào nhau gây đau và viêm. Viêm khớp cổ tay thường gặp ở người trung niên và cao tuổi, đặc biệt là người làm việc tay chân nặng hoặc lặp đi lặp lại.
2.2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm khớp mạn tính có tính chất hệ thống, trong đó hệ miễn dịch tấn công vào màng hoạt dịch quanh khớp. Bệnh được coi là một bệnh tự miễn với sự tham gia của nhiều yếu tố như nhiễm khuẩn hoặc di truyền. Bệnh hay gặp ở đối tượng nữ giới, tuổi trung niên, với đặc điểm là viêm nhiều khớp đối xứng, cứng khớp buổi sáng đặc biệt là nhóm khớp cổ tay và bàn ngón tay hai bên. Bệnh diễn biến mạn tính với các đợt cấp tính, trong đợt cấp tính thường sưng đau nhiều khớp, kèm sốt và có thể có các biểu hiện nội tạng. Bệnh có thể khởi phát ở cổ tay và gây biến dạng nếu không điều trị sớm.
2.3. Chấn thương lặp đi lặp lại (Repetitive Strain Injury – RSI)
Là hệ quả của việc sử dụng cổ tay liên tục trong thời gian dài, như đánh máy, chơi nhạc cụ, bưng bê… gây viêm gân, viêm bao hoạt dịch và đau cổ tay mạn tính.
2.4. Bệnh lý chuyển hóa (Gout, tiểu đường, lupus…)
Gout gây tích tụ tinh thể urat trong khớp, gây sưng đỏ dữ dội. Tiểu đường và lupus cũng có thể làm tổn thương hệ thống thần kinh và mạch máu vùng cổ tay, dẫn đến viêm khớp thứ phát.
2.5 Hội chứng ống cổ tay
Là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay hoặc bị viêm dây thần kinh giữa. Hội chứng ống cổ tay thường xuất hiện ở những người trên 40, hay những người làm việc văn phòng phải dùng máy tính nhiều. Triệu chứng thường xuất hiện từ từ, lúc đầu các triệu chứng xuất hiện không thường xuyên, về sau thường kéo dài, liên tục gồm các triệu chứng tê bì, đau buốt ở đầu các ngón tay cái, ngón 2 và ngón 3. Tê và nhức phía gan tay…
Viêm gân gấp chung các ngón, viêm gân duỗi chung các ngón, viêm gân dạng dài duỗi ngắn ngón cái…: gây sưng, đau, hạn chế động tác ở cổ tay.
3. Triệu chứng nhận biết sớm viêm khớp cổ tay
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu viêm khớp cổ tay giúp ngăn ngừa tổn thương mạn tính và biến chứng. Những triệu chứng cần lưu ý gồm:
- Đau nhói hoặc đau âm ỉ kéo dài: Triệu chứng đau xuất hiện thường trực cả ngày lẫn đêm, không giảm khi nghỉ ngơi hay khi ngừng hoạt động.
- Cứng khớp buổi sáng: Cứng khớp buổi sáng, khó cử động cổ tay trong vài phút đến vài giờ sau khi ngủ dậy và giảm cứng khớp khi bệnh nhân tập cử động từ từ.
- Sưng, nóng, đỏ: Sưng tấy đỏ là triệu chứng khá phổ biến chỉ điểm một tình trạng viêm ở cổ tay.
- Tiếng lục khục khi cử động: Khi vận động khớp cổ tay có tiếng lục khục và cảm giác vận động không trơn tru.
- Hạn chế cử động: Do đau, cứng khớp mà gây hạn chế cử động, nếu bệnh tiến triển lâu dài sẽ dẫn đến teo cơ, dính khớp, mất chức năng của khớp.
- Triệu chứng toàn thân: Một số dấu hiệu toàn thân gợi ý có tình trạng viêm trong cơ thể như sốt, mệt mỏi, chán ăn,…
Mặc dù mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng liên quan đến viêm khớp có thể khác nhau, nhưng hầu hết các bệnh liên quan đến viêm khớp đều là mãn tính. Điều này có nghĩa là chúng tồn tại lâu dài,thậm chí là vĩnh viễn và cuối cùng có thể gây tổn thương khớp nghiêm trọng.
4. Điều trị viêm khớp cổ tay như thế nào?
Viêm khớp cổ tay có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nhằm nâng cao hiệu quả tốt nhất có thể, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cho từng trường hợp dựa trên nguyên nhân gây bệnh, mức độ nặng của bệnh, bệnh lý phối hợp và tuổi tác, công việc của người bệnh.
4.1. Thuốc chống viêm và các loại thuốc điều trị nguyên nhân
Thuốc kháng viêm: các thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) là loại thuốc được sử dụng khá phổ biến để điều trị tình trạng này. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây đau khớp cổ tay mà bác sĩ sẽ chỉ định các nhóm thuốc tác động vào cơ chế bệnh sinh của bệnh giúp điều trị triệt để bệnh và tránh tái phát.
Tuy sử dụng thuốc là phương pháp ưu tiên nhưng không nên lạm dụng thuốc quá mức hoặc dùng không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm. Vì thế, cần tham vấn y khoa trước khi sử dụng, đồng thời phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ định về thuốc và liều dùng.
4.2. Tiêm tại chỗ
Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc chống viêm tại chỗ nếu triệu chứng đau khớp cổ tay ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. Tiêm khớp cổ tay sẽ có tác dụng chống viêm, giảm bớt và cải thiện các triệu chứng viêm tạm thời.
Ngoài ra, trong một số trường hợp viêm khớp hoặc viêm phần mềm quanh khớp mạn tính, bác sĩ có thể sử dụng một số biện pháp tiêm tại chỗ mới như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hay tiêm collagen cho khớp giúp đem lại hiệu quả tối ưu và lâu dài.
4.3. Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng
Bạn nên đến khám chuyên khoa vật lý triệu liệu – phục hồi chức năng khi:
- Cơn đau kéo dài trên 1 tuần dù đã nghỉ ngơi
- Cảm giác cổ tay yếu đi, tê bì lan xuống bàn tay
- Khớp cổ tay bị biến dạng, sưng to hoặc cứng kéo dài
- Đã điều trị nội khoa nhưng không cải thiện rõ
Các kỹ thuật vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cần được thực hiện phối hợp với dùng thuốc để kiểm soát cơn đau, phục hồi chức năng khớp cổ tay, đồng thời ngăn ngừa quá trình thoái hóa mô sụn
Trong điều trị viêm khớp cổ tay, các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng bao gồm:
- Mang nẹp: Với chức năng cố định ổ khớp, giảm tác động cơ học và áp lực lên vùng cổ tay, nẹp có thể giúp người bệnh giảm đau nhức, tê cứng, sưng viêm. Đồng thời, nẹp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi tổn thương ở ổ khớp.
- Chườm lạnh: Khi cổ tay có dấu hiệu sưng nóng, phù nề do chấn thương, cách tốt nhất trong trường hợp này chính là chườm túi đá lên khớp trong khoảng thời gian từ 10 – 15 phút. Khi chườm lạnh, nhiệt độ từ túi chườm giúp co mạch máu, giảm viêm và giảm đau nhức rõ rệt ở khu vực ổ khớp.
- Thực hiện các bài tập: Người bệnh có thể thực hiện các bài tập dành riêng cho vùng cổ tay và ngón tay theo đề nghị của bác sĩ. Cách làm này nhằm giảm sự chèn ép lên dây thần kinh, cải thiện khả năng vận động và hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa và tiến triển của bệnh xương khớp mãn tính.
Vật lý trị liệu là giải pháp an toàn để điều trị các triệu chứng đau nhức
4.4. Phẫu thuật
Khi bệnh viêm khớp cổ tay ở mức độ nặng, các cách điều trị bảo tồn không thể đáp ứng thì trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị phương án phẫu thuật. Bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật ngoại khoa tùy vào nguyên nhân gây tổn thương khớp cổ tay như:
- Cắt bỏ gai xương
- Bó bột khớp cổ tay nếu chấn thương dẫn đến đứt dây chằng hoặc nứt xương
- Phẫu thuật giải áp hội chứng ống cổ tay, viêm gân dạng dài – duỗi ngắn ngón cái
- Phẫu thuật loại bỏ hạt tophi trong trường hợp bị gout
Trong trường hợp khớp bị tổn thương nặng, giải pháp bác sĩ đưa ra có thể là thay thế cơ quan tổn thương bằng các vật liệu nhân tạo.
Phẫu thuật đem lại hiệu quả rõ rệt hơn so với điều trị bảo tồn và chỉ nên thực hiện phẫu thuật khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì can thiệp ngoại khoa tiềm ẩn biến chứng, rủi ro.
5. Cách phòng tránh bệnh viêm khớp cổ tay
Nếu người bệnh tiếp tục duy trì các thói quen xấu, bệnh này có thể tiến triển nặng hoặc tái phát nhiều lần. Bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh nên tuân thủ lối sống khoa học nhằm duy trì hệ xương khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa.
- Hạn chế tập thể thao với các môn tác động trực tiếp đến cổ tay như đánh cầu lông, tennis…
- Khuyến khích tập luyện thể thao với các môn có cường độ vận động nhẹ như bơi lội, đi bộ, yoga để tránh gây kích thích, tổn thương ổ khớp.
- Tạo thói quen nghỉ từ 5 – 10 phút sau mỗi giờ đánh máy, vẽ hoặc may vá…
- Bỏ thói quen uống rượu bia, dùng thuốc lá. Trong bữa ăn hàng ngày cần điều chỉnh hàm lượng đạm phù hợp. Đặc biệt nên chú ý uống đủ nước, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây… giúp ổn định nồng độ axit uric trong máu, duy trì hệ xương khỏe mạnh.
- Hết sức thận trọng khi tham gia giao thông, chơi thể thao, sinh hoạt thường ngày nhằm giảm nguy cơ chấn thương khớp cổ tay.
- Hạn chế mang vác vật nặng, nguyên nhân phổ biến gây tổn thương khớp cổ tay. Khi cần di chuyển đồ đạc, vật có trọng lượng nặng, nên cẩn thận dùng các loại dụng cụ hỗ trợ.
Viêm khớp cổ tay nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ hồi phục tốt mà không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc hoặc bỏ qua các dấu hiệu ban đầu có thể dẫn đến tổn thương mạn tính và ảnh hưởng chức năng lâu dài.
Nếu bạn đang gặp các triệu chứng nghi ngờ viêm khớp cổ tay, hãy để đội ngũ chuyên gia tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka đồng hành cùng bạn trên hành trình phục hồi chức năng và lấy lại chất lượng sống.