4 thông tin chi tiết về tập phục hồi chức năng ngón tay 

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.

Đối tượng cần thực hiện phục hồi chức năng ngón tay có thể là những người bị các chấn thương gãy xương, bong gân, trật khớp,… sau phẫu thuật đứt gân, gãy xương hay các bệnh lý như viêm khớp, hội chứng ống cổ tay, tai biến,…

Tập phục hồi chức năng ngón tay với những động tác đơn giản, phù hợp sẽ hỗ trợ giảm đau, hạn chế cứng cơ, hồi phục sức mạnh và sự linh hoạt của ngón tay. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những bài tập, lưu ý khi tập vật lý trị liệu ngón tay. Hãy cùng theo dõi nhé!

Tập phục hồi chức năng ngón tay hỗ trợ giảm đau, hạn chế cứng cơ, hồi phục sức mạnh và sự linh hoạt của ngón tay
Phục hồi chức năng là phương pháp phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau

1. Các trường hợp cần tập vật lý trị liệu ngón tay

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả đối với các trường hợp như: [1]

  • Chấn thương: Các chấn thương như bong gân, trật khớp, gãy xương ngón tay,… do tai nạn, té ngã, va đập mạnh hoặc loãng xương. Để lựa chọn các bài tập vật lý trị liệu ngón tay phù hợp, trong đó có vật lý trị liệu đứt gân ngón tayvật lý trị liệu ngón tay cò súng, bệnh nhân có thể xác định được các triệu chứng thông qua những dấu hiệu như đau, sưng tấy, bầm tím, hạn chế cử động, thậm chí là biến dạng ngón tay. 
  • Viêm khớp: Là tình trạng thoái hóa khớp do sụn khớp bị bào mòn theo thời gian. Biểu hiện có thể bao gồm đau, sưng đỏ và hạn chế cử động.
  • Cứng khớp bàn ngón tay: Có thể xảy ra do chấn thương, viêm khớp hay sử dụng nẹp trong thời gian dài. [2]
  • Viêm gân, viêm bao hoạt dịch khớp bàn ngón: Là tình trạng viêm của các gân cơ ngón tay, gây đau, sưng tấy và giới hạn khả năng vận động.
  • Hội chứng ống cổ tay: Xảy ra do sự chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay, dẫn đến đau, tê bì và ngứa ran ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón đeo nhẫn.
  • Liệt ngón tay: Có thể do chấn thương, đột quỵ hoặc các bệnh lý thần kinh khác [2]
  • Sau phẫu thuật nối gân gấp ngón tay,…
Phục hồi chức năng ngón tay thường áp dụng cho các trường hợp chấn thương, cứng khớp, viêm khớp, viêm gân, ...
Tập phục hồi chức năng ngón tay thường áp dụng cho các trường hợp chấn thương, cứng khớp, viêm khớp, viêm gân, hội chứng ống cổ tay, liệt ngón tay, sau phẫu thuật gân gấp ngón tay,…

2. 15 bài tập phục hồi chức năng ngón tay

Để đạt được hiệu quả tối ưu trong quá trình tập phục hồi chức năng ngón tay, bạn nên thực hiện theo trình tự sau:

  • Chuẩn bị: Trước khi vào bài tập, người bệnh cần thực hiện các bài khởi động như di động mô mềm, di động khớp, kéo giãn nhẹ nhàng,… nhằm làm nóng các cơ, khớp ngón tay, tăng lưu thông máu và giảm co cứng cho các bài tập tiếp theo.
  • Vật lý trị liệu: Các liệu pháp như siêu âm dưới nước, điện xung, sóng ngắn, laser,… có thể được áp dụng làm tăng cường lưu thông máu, kích thích các tế bào và thúc đẩy quá trình phục hồi.
  • Bài tập vận động: Sau khi thực hiện khởi động và vật lý trị liệu, người bệnh có thể bắt đầu tập luyện vận động theo chỉ dẫn của bác sĩ.

2.1. 6 bài tập cho ngón tay bị cứng khớp

Nhóm bài tập phục hồi chức năng ngón tay này có tác dụng rất tốt trong việc hạn chế cứng khớp, gia tăng khả năng vận động của các khớp ngón tay. 

2.1.1. Bài tập nắm tay

Lợi ích bài tập: Tác động vào các khớp và các cơ xung quanh, hỗ trợ làm tăng sự linh hoạt của các ngón tay.

Bài tập:

  • Bước 1: Bắt đầu với bàn tay mở và các ngón tay duỗi thẳng.
  • Bước 2: Từ từ co các ngón tay lại hết mức cho đến khi cảm thấy căng ở các khớp ngón tay. 
  • Bước 3: Từ từ duỗi các ngón tay về tư thế ban đầu.

Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày.

Lưu ý: Động tác chỉ nên thực hiện nhẹ nhàng, chậm rãi để không làm ảnh hưởng đến vết thương đang lành. [3]

Các bước thực hiện bài tập nắm tay
Bài tập nắm tay

2.1.2. Bài tập dạng khép bàn ngón tay

Lợi ích bài tập: Tập phục hồi chức năng ngón tay với bài tập dạng khép bàn ngón tay hỗ trợ thư giãn, giảm đau và hiệu quả trong việc gia tăng phạm vi chuyển động ngón tay.

Bài tập:

  • Bước 1: Đặt bàn tay trên bàn, bàn tay úp.
  • Bước 2: Từ từ duỗi các ngón tay căng ra hết mức có thể sao cho lòng bàn tay vẫn áp sát mặt bàn.
  • Bước 3: Giữ trong khoảng 30 – 60 giây rồi thả lỏng về trạng thái ban đầu.

Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp mỗi ngày. [3]

Các bước thực hiện bài tập dạng khép bàn tay
Bài tập dạng khép bàn ngón tay

2.1.3. Bài tập dạng khép các ngón tay

Lợi ích: Hỗ trợ giảm đau, tăng khả năng vận động và tính linh hoạt các ngón tay.

Bài tập:

  • Bước 1: Bắt đầu với bàn tay xòe, các ngón tay khép lại.
  • Bước 2: Từ từ xòe căng các ngón tay ra hết mức.
  • Bước 3: Giữ khoảng 10 giây, sau đó khép các ngón tay về tư thế ban đầu.

Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày. [4]

Các bước thực hiện bài tập dang khép các ngón tay
Bài tập dạng khép các ngón tay

2.1.4. Bài tập gập khớp đốt bàn ngón tay

Lợi ích: Cải thiện phạm vi chuyển động, tính linh hoạt và giảm đau ngón tay.

Bài tập:

  • Bước 1: Bắt đầu với bàn tay xòe và các ngón tay duỗi thẳng.
  • Bước 2: Từ từ gập các ngón tay sao cho các ngón vuông góc với bàn tay
  • Bước 3: Giữ khoảng 15 – 30 giây rồi duỗi thẳng các ngón tay về tư thế ban đầu.

Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày.

Lưu ý: Trong quá trình thực hiện bài tập phục hồi chức năng ngón tay gập khớp đốt, bạn có thể sử dụng tay còn lại để hỗ trợ nếu gặp khó khăn khi gập ngón tay. [3]

Các bước thực hiện bài tập gập khớp đốt bàn ngón tay
Bài tập gập khớp đốt bàn ngón tay

2.1.5. Bài tập tạo hình mỏ vịt

Lợi ích: Kích hoạt các cơ gấp ngón tay và vận động khớp ngón tay.

Bài tập:

  • Bước 1: Bắt đầu với bàn tay xòe và các ngón tay duỗi thẳng.
  • Bước 2: Từ từ gập các ngón tay sao cho ngón tay cái và các ngón còn lại tạo với nhau thành hình mỏ vịt.
  • Bước 3: Giữ khoảng 15 – 30 giây rồi duỗi thẳng các ngón tay về tư thế ban đầu.

Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày. [4]

Bài tập tạo hình mỏ vịt
Bài tập tạo hình mỏ vịt

2.1.6. Luyện tâm cử động

Lợi ích: Tập phục hồi chức năng ngón tay với bài tập luyện tâm cử động giúp gia tăng khả năng vận động, sức bền và sức mạnh của các ngón tay.

Bài tập:

  • Bước 1: Bắt đầu với bàn tay xòe và các ngón tay duỗi thẳng.
  • Bước 2: Nắm chặt bàn tay lại, giữ khoảng 5 giây rồi từ từ mở bàn tay.
  • Bước 3: Dùng bàn tay không bị thương từ từ gập từng ngón tay.

Tần suất luyện tập: Lặp lại khoảng 5 – 10 lần cho cả bàn tay, 2 – 3 hiệp/ngày.

Các bước thực hiện bài tập luyện tâm cử động
Bài tập luyện tâm cử động cho ngón tay

2.2. 5 bài tập tăng độ linh hoạt cho ngón tay và bàn tay

Các bài tập phục hồi chức năng ngón tay trong nhóm này có tác dụng tốt trong việc tăng cường lưu thông máu đến bàn tay, giảm đau, cải thiện chức năng và độ linh hoạt cho các ngón tay.

2.2.1. Bài tập giương móng vuốt

Lợi ích bài tập: Gia tăng độ linh hoạt của dây chằng, hạn chế tình trạng xơ cứng của các khớp ngón tay.

Bài tập:

  • Bước 1: Giơ bàn tay ra phía trước mặt.
  • Bước 2: Từ từ gập các ngón tay vào trong, tưởng tượng như đang giơ móng vuốt.
  • Bước 3: Giữ khoảng 30 giây rồi mở lại bàn tay về tư thế ban đầu.

Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, thực hiện bất cứ lúc nào.

Các bước thực hiện bài tập giương móng vuốt
Bài tập giương móng vuốt

2.2.2. Bài tập dạng khép ngón tay có kháng trở

Bài tập:

  • Bước 1: Đặt tay lên bàn, dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay đối diện để giữ các ngón tay của bàn tay bị đau.
  • Bước 2: Di chuyển ngón tay bị ảnh hưởng càng xa ngón tay bình thường gần nhất càng tốt để chúng tạo thành vị trí chữ V.
  • Bước 3: Lặp lại liên tục khoảng 5 – 10 lần cho mỗi hiệp.

Tần suất luyện tập: Thực hiện bài tập phục hồi chức năng ngón tay dạng khép có kháng trở 2 – 3 hiệp/ngày. [1]

Bài tập dạng khép ngón tay có kháng trở
Bài tập dạng khép ngón tay có kháng trở

2.2.3. Bài tập nhặt đồ

Bài tập:

  • Bước 1: Đặt nhiều loại đồ vật nhỏ như đồng xu hay nút chai trên bàn.
  • Bước 2: Nhấc từng vật một bằng bằng ngón cái và ngón tay bị đau.
  • Bước 3: Di chuyển đồ vật sang phía đối diện của bàn.

Tần suất luyện tập: Thực hiện liên tục trong khoảng 10 phút, lặp lại 2 – 3 lần/ngày. [1]

Bài tập nhặt đồ
Bài tập nhặt đồ

2.2.4. Bài tập đối chiếu các ngón tay

Bài tập:

  • Bước 1: Đặt tay lên bàn, bàn tay thư giãn.
  • Bước 2: Đưa ngón tay cái để tạo hình chữ O với các ngón tay còn lại.
  • Bước 3: Giữ khoảng 3 – 5 giây với mỗi ngón tay.

Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày. [1]

Bài tập đối chiếu các ngón tay
Bài tập đối chiếu các ngón tay

2.2.5. Chơi trò chơi nhạc cụ

Theo nghiên cứu của Thư viện Y học Quốc gia, các trò chơi nhạc cụ có thể cải thiện phạm vi chuyển động chung, sức mạnh và sự khéo léo của bàn tay. Bên cạnh đó, việc chơi nhạc cũng có khả năng xoa dịu cảm xúc, hạn chế căng thẳng và gia tăng động lực tập luyện cho người bệnh. [6]

Các nhạc cụ có thể piano, violin, trống, harmonica thực tế hoặc ứng dụng trò chơi trên điện thoại. Việc tập luyện với nhạc sẽ giúp hoạt động co cơ trở nên tích cực hơn khi người bệnh cố gắng theo kịp nhịp điệu và tốc độ của bài nhạc.

Bài tập chơi trò chơi nhạc cụ
Các ứng dụng trò chơi nhạc cụ có thể được sử dụng như piano, violin, trống, harmonica,…

2.3. 4 bài tập tăng sức mạnh cho ngón tay và bàn tay

Nhóm các bài tập phục hồi chức năng ngón tay dưới đây có thể gia tăng sức mạnh cho các cơ ở ngón tay và bàn tay, đồng thời cải thiện khả năng cầm nắm đồ vật cho người bệnh.

2.3.1. Bài tập bóp bóng

Dụng cụ: 1 quả bóng mềm nhỏ.

Bài tập:

  • Bước 1: Đặt bóng trong lòng bàn tay và giữ bằng các ngón tay.
  • Bước 2: Dùng sức của các ngón tay, bóp bóng hết sức và giữ khoảng 5 giây.
  • Bước 3: Thả lỏng các ngón tay rồi tiếp tục lặp lại động tác.

Tần suất luyện tập: 15 – 20 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày. [5]

Bài tập bóp bóng
Bài tập bóp bóng

2.3.2. Bài tập duỗi các ngón tay

Lợi ích bài tập: Tương tự như các bài tập phục hồi chức năng ngón tay, duỗi các ngón tay giúp các cơ ngón tay được di chuyển linh hoạt hơn, các khớp gân, cơ ở bàn tay được phục hồi mạnh mẽ hơn. 

Bài tập:

  • Bước 1: Đặt tay lên bàn, bàn tay úp và áp sát mặt bàn.
  • Bước 2: Dùng lực từ từ nâng từng ngón tay lên khỏi mặt bàn. 
  • Bước 3: Giữ khoảng 5 giây đối với mỗi ngón tay.

Tần suất luyện tập: Thực hiện 10 – 12 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp mỗi ngày.

Lưu ý: Nếu quá trình nâng ngón tay gặp khó khăn, bạn có thể sử dụng tay còn lại để hỗ trợ. [7]

Bài tập duỗi các ngón tay
Bài tập duỗi các ngón tay

2.3.3. Bài tập xòe bàn tay với dây chun kháng lực

Dụng cụ: 1 dây chun nhỏ.

Bài tập:

  • Bước 1: Ngồi thoải mái, đặt cẳng tay lên bàn với bàn tay ngửa và chụm các đầu ngón tay.
  • Bước 2: Dùng dây chun đeo qua các đầu ngón tay
  • Bước 3: Cố gắng dùng các đầu ngón tay kéo giãn dây chun hết mức có thể.
  • Bước 4: Giữ khoảng 15 giây rồi thả lỏng về tư thế ban đầu.

Tần suất luyện tập: 30 phút/lần, mỗi ngày tập 2 lần sáng và chiều. [8]

Bài tập xòe bàn tay với dây chun kháng lực
Bài tập xòe bàn tay với dây chun kháng lực

2.2.4. Bài tập gập duỗi cổ tay với tạ

Dụng cụ: 1 quả tạ 0,5 – 1kg

Bài tập:

  • Bước 1: Bắt đầu ở tư thế đặt cẳng tay lên bàn, bàn tay giữ tạ hướng xuống và đưa qua mép bàn.
  • Bước 2: Giữ nguyên cẳng tay, từ từ duỗi cổ tay và nâng bàn tay lên cao tối đa.
  • Bước 3: Giữ khoảng 5 – 10 giây và từ từ thả xuống.

Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày. [9

Bài tập gập duỗi cổ tay với tạ
Bài tập gập duỗi cổ tay với tạ

3. Các dụng cụ hỗ trợ tập phục hồi chức năng ngón tay

Để hỗ trợ quá trình tập luyện phục hồi chức năng ngón tay, người bệnh có thể sử dụng bổ sung một số dụng cụ như máy tập cử động, dây chun, bóng mềm, tạ,…

Dụng cụ Tác dụng
Máy tập cử động bàn ngón tay

Máy tập cử động bàn ngón tay

Cải thiện sự linh hoạt, sức mạnh và hỗ trợ cử động ngón tay. Máy tập này phù hợp với các trường hợp điều trị sau phẫu thuật, cứng khớp ngón tay, chấn thương nặng hay phục hồi sau tai biến. [10]
Dây chun

Dây chun kháng lực

Hỗ trợ vận động và tăng sức mạnh các cơ ngón tay, giúp bệnh nhân dễ dàng thay đổi cường độ bài tập bằng cách chọn dây chun dày hơn, kéo dây chun căng hơn,… [11]
Bóng mềm nhỏ

Bóng mềm nhỏ

Hỗ trợ tốt cho các bài tập phục hồi chức năng ngón tay cùng bóng, hỗ trợ làm nóng các cơ, tăng sức mạnh và khả năng cầm nắm của bàn tay. [11]
Tạ

tạ nhỏ

Tăng cường sức mạnh, khả năng kiểm soát và sự ổn định cho sức mạnh của các cơ ngón tay, bàn tay và cả cánh tay. Tạ thường được sử dụng với các bài tập nâng cao, khi người bệnh đã hồi phục các chức năng cơ bản của bàn tay.

4. Giải đáp các câu hỏi thường gặp

Câu 1: Tập vật lý trị liệu ngón tay thường gặp trong trường hợp nào?

Tập phục hồi chức năng ngón tay thường được chỉ định trong nhiều trường hợp khác nhau nhằm giảm đau, cải thiện sức mạnh và phạm vi chuyển động. Các trường hợp cụ thể bao gồm:

  • Tổn thương mô mềm ngón bàn tay
  • Cứng khớp bàn ngón tay
  • Thoái hóa khớp, viêm khớp
  • Gãy xương đốt bàn ngón
  • Viêm gân, viêm bao hoạt dịch khớp bàn ngón
  • Sau phẫu thuật nối gân gấp ngón tay,…

Câu 2: Tập phục hồi chức năng ngón tay có tác dụng phụ gì không?

Các bài tập vật lý trị liệu có thể dẫn đến những cơn đau nhẹ, tuy nhiên cơn đau thường hết trong 2 – 4 giờ sau tập luyện. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu và hạn chế trong việc thực hiện các bài tập. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu thực hiện bài tập và làm theo chỉ dẫn một cách cẩn thận, bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng, tăng dần cường độ theo thời gian để giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra. [12]

Câu 3: Tập vật lý trị liệu chấn thương ngón tay bao lâu thì khỏi?

Mỗi bệnh nhân sẽ có thời gian hồi phục khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương:

  • Những chấn thương nhẹ có thể hồi phục sau khoảng vài ngày đến 1 tuần.
  • Những chấn thương nặng có thể hồi phục sau vài tuần. [13]

Câu 4: Tại sao chấn thương ở ngón tay lâu lành so với các vị trí khác?

Chấn thương ngón tay lâu lành hơn là do gân ngón tay đặc biệt có lưu lượng máu kém so với các nhóm cơ khác lớn hơn. Do đó, việc phục hồi chức năng ở ngón tay là một quá trình tích cực, lâu dài, nhằm khuyến khích lưu thông máu và thúc đẩy khả năng hồi phục. [14]

Tập vật lý trị liệu ngón tay thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần
Vật lý trị liệu chấn thương ngón tay thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần

Trên đây là tổng hợp thông tin chi tiết về lưu ý, các bài tập phục hồi chức năng ngón tay, các dụng cụ hỗ trợ tập luyện và giải đáp một số câu hỏi thường gặp. Người bệnh cần tập luyện thường xuyên, làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng và an toàn.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vật lý trị liệu ngón tay, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB – MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 18/05/2024Ngày cập nhật: 18/05/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo