Vật lý trị liệu sau gãy tay: Chương trình trị liệu với từng đối tượng

Việc tập vật lý trị liệu sau gãy tay đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục tình trạng xương khớp, hạn chế các biến chứng hay ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh. Với mỗi cách điều trị (bảo tồn hay phẫu thuật), bệnh nhân sẽ cần tập vật lý trị liệu theo lộ trình khác nhau. 

Lưu ý:

  • Đối với bệnh nhân sau phẫu thuật, tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình luyện tập để đảm bảo an toàn. Người bệnh thường sẽ bắt đầu tập với các bài tập nhẹ nhàng, sau đó mới tăng dần cường độ để phù hợp với tình trạng chấn thương.
  • Đối với các bài tập đơn giản tập tại nhà, bệnh nhân vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để thực hiện đúng cách và hiệu quả hơn.

1. 5 trường hợp gãy tay cần tập vật lý trị liệu 

1 – Gãy xương khuỷu tay: Đây là tình trạng xương của khớp khuỷu tay chịu tác động của các lực quá mạnh dẫn đến các chấn thương như xương bị cong, nứt hoặc tách ra thành 2 hoặc nhiều mảnh. 

Vật lý trị liệu sau trong trường hợp này giúp ngăn ngừa nguy cơ biến dạng khuỷu tay, hạn chế tổn thương mạch máu và thần kinh để người bệnh có thể khôi phục hoạt động bình thường ở khuỷu tay.

5 kiểu gãy tay ở phần khuỷu tay
Gãy tay ở phần khuỷu tay

>>> Xem thêm: Phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay

2 – Gãy xương cẳng tay: Gãy xương cẳng tay là chấn thương với các dạng phổ biến như: gãy phần xương trụ và xương quay ở cẳng tay; gãy xương trụ hoặc xương quay; gãy 1/3 đầu trên xương trụ, gãy 1/3 đầu dưới xương quay. 

Các phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng sẽ giúp tăng cường lưu thông máu để vận chuyển các dưỡng chất đến nuôi dưỡng xương khớp và các cơ quanh khớp, giúp giảm đau nhức hiệu quả và tăng cường sức mạnh cho các cơ quanh khớp.

Vị trí gãy xương cẳng tay
Vị trí gãy xương cẳng tay

>>> Xem thêm: Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay

3 – Gãy xương cánh tay: Gãy xương cánh tay là dạng gãy xương diễn ra tại vùng từ dưới mấu động lớn đến mỏm trên lồi cầu, thường diễn ra phổ biến, chiếm 5% trong số các ca gãy xương. 

Thực hiện vật lý trị liệu trong trường hợp này có thể cải thiện tình trạng đau nhức, thúc đẩy quá trình liền xương và phục hồi khả năng vận động của tay bị thương.

Các dạng gãy xương cánh tay
Người bệnh có thể gặp các dạng gãy xương cánh tay khác nhau

Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng sau gãy xương cánh tay giúp giảm đau, sưng tấy, hỗ trợ quá trình liền xương diễn ra hiệu quả và tăng cường sức mạnh cơ ở tay bị thương.

4 – Gãy khớp cổ tay: Gãy khớp cổ tay là thuật ngữ chỉ tình trạng gãy ở các xương nhỏ nối với xương cẳng tay. Người bị gãy khớp cổ tay cần thực hiện vật lý trị liệu để phục hồi tầm vận động của khớp cổ tay, cải thiện sự linh hoạt và tăng cường sức mạnh để giúp người bệnh có thể khôi phục khả năng thực hiện các hoạt động bình thường.

Tình trạng gãy khớp cổ tay
Tình trạng gãy khớp cổ tay

5 – Gãy xương bàn tay: Đây là tình trạng gãy một trong số các xương ở bàn tay như các xương nhỏ ở ngón tay, xương dài ở lòng bàn tay. Người bệnh cần tiến hành vật lý trị liệu để khôi phục sự linh hoạt và khả năng vận động bình thường của bàn tay, kết hợp với các bài tập vận động tinh để người bệnh có thể thực hiện các hoạt động đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay.

Gãy xương nhỏ ở bàn tay
Gãy các xương nhỏ ở bàn tay

2. Nguyên tắc phục hồi chức năng sau gãy tay

1 – Mục đích tập vật lý trị liệu sau gãy tay: Việc tập vật lý trị liệu sau gãy tay có thể được tiến hành khác nhau phụ thuộc vào tình trạng chấn thương, vị trí gãy đang mắc phải. Tuy nhiên, việc phục hồi cần đảm bảo các mục đích và nguyên tắc dưới đây.

  • Cải thiện sức mạnh vùng xương khớp bị tổn thương và các nhóm cơ quanh khớp.
  • Giảm đau nhức, sưng nề sau chấn thương, ngăn ngừa nguy cơ cứng khớp.
  • Ngăn ngừa nguy cơ teo cơ và những biến chứng chung do thiếu vận động.
  • Tăng cường tuần hoàn máu để thúc đẩy quá phục hồi tổn thương, hỗ trợ quá trình liền xương và hạn chế nguy cơ lệch trục.
  • Cải thiện khả năng vận động, giúp người bệnh có thể quay lại thực hiện các công việc, sinh hoạt bình thường.

Thông thường, việc thực hiện chức năng có thể được bắt đầu ngay sau khi người bệnh được cố định xương gãy (bó bột hoặc phẫu thuật). Thời gian tập vật lý trị liệu sau gãy tay có thể kéo dài 4 đến 8 tuần tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.

2 – Nguyên tắc tập vật lý trị liệu sau gãy tay: Trong quá trình tập luyện, người bệnh cần đảm bảo những tiêu chí sau để hạn chế nguy cơ chấn thương thêm nghiêm trọng.

  • Không xoa bóp mạnh vào vùng xương bị gãy.
  • Không được xoay xương, bẻ khớp ở những vùng xương bị gãy.
  • Không dùng lực đẩy hoặc kháng trở đối với phần ngọn chi đến chỗ bị gãy.
  • Không áp dụng lực cơ từ tay để tác động đến phần bị gãy xương.
  • Tập phục hồi chức năng vùng bị thương kết hợp với các nhóm cơ ngoại vi để duy trì độ linh hoạt và hạn chế các biến chứng do bất động khớp.
  • Luyện tập các bài tập phù hợp với vị trí xương gãy, loại xương gãy; phương pháp cố định và đặc điểm liền xương; các đặc điểm về thể trạng, lứa tuổi, các bệnh lý về xương đang mắc phải.
  • Luyện tập với mức độ tăng dần.

Bài viết liên quan: 12 bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay hiệu quả – phục hồi nhanh

Bác sỹ chuyên khoa Myrehab Matsuoka chẩn đoán để đưa ra các phương pháp vật lý trị liệu sau gãy tay
Người bệnh cần đảm bảo các nguyên tắc khi tập vật lý trị liệu sau gãy tay

3. Chương trình vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau gãy tay

Đối với bệnh nhân tập vật lý trị liệu sau gãy tay, mục tiêu phục hồi chức năng có thể được xác định theo 4 giai đoạn, tương đương với các giai đoạn liền xương. 

Giai đoạn

Mục tiêu can thiệp

Giai đoạn 1 (Pha viêm) 

Kiểm soát đau và sưng phù; duy tầm vận động và sự linh hoạt của khớp, lực cơ, sức bền của bên không bị thương.

  • Áp dụng nguyên tắc PRICES (P – Bảo vệ, R- Hạn chế vận động gây hại, I – Chườm đá, C – Băng ép, E – Kê chi lên cao, S – Nâng đỡ).
  • Thực hiện trị liệu nâng cao chi để hỗ trợ tuần hoàn máu cho các vùng bị phù nề. 

Giai đoạn II (Can mềm)

Đạt mục tiêu phục hồi sự linh hoạt của khớp, phục hồi 80% tầm vận động; duy trì sức mạnh cơ và sức bền của bên không bị thương.

  • Thực hiện bài tập đẳng trường để tập sức mạnh cơ.
  • Thực hiện vận động chức năng chủ động.

Giai đoạn III (Can cứng)

  • Tăng sức mạnh và sức bền cho các cơ, phục hồi lực cơ bằng kháng lực. 
  • Phục hồi hoàn toàn tầm vận động và cảm thụ bản thể cho phần bị thương.
  • Bắt đầu tập kháng lực từ nhẹ đến trung bình theo các mẫu phục hồi chức năng tương ứng với các môn thể thao (nếu cần)

Giai đoạn IV (Pha hồi phục)

Sử dụng các khớp bị thương để thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày, có thể tham gia các hoạt động thể thao, giải trí.

3.1. Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân gãy tay điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn đối với bệnh nhân gãy tay là phương pháp điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh bó bột để cố định xương và sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau, canxi,… Các bài tập vật lý trị liệu sau gãy tay sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn sau đây.

3.1.1. Trong 0 – 2 tuần đầu

Trong thời gian 0 – 2 tuần đầu, người bệnh bắt đầu thực hiện bất động tay bằng nẹp, bó bột nên cần tiến hành điều trị bảo tồn với các bài tập như:

  • Co cơ tĩnh: Luyện tập co cơ trong bột đối với các cơ vùng đai vai, cơ nhị đầu, cơ tam đầu cánh tay.
  • Luyện tập tăng cường: Cử động chủ động ngón tay, cổ tay để tăng sự linh hoạt, hỗ trợ quá trình phục hồi của phần tay bị thường.

Lưu ý: Trong quá trình luyện tập, người bệnh cần chú ý theo dõi mạch quay và thần kinh quay để kịp thời phát hiện các dấu hiệu tổn thương và theo dõi tiến triển của thần kinh. Nếu tình trạng không thuyên giảm, người bệnh cần báo với bác sĩ điều trị ngay vì có khả năng gặp phải tình trạng dây thần kinh bị kẹt giữa hai đầu xương hoặc đứt dây thần kinh khi bị chèn ép do phù nề.

3.1.2 Trong 2 – 8 tuần đầu (Trong khi bó bột)

Ở giai đoạn này, người bệnh đang tiến hành bó bột và nẹp cố định vị trí gãy xương, việc luyện tập chủ yếu nhằm mục tiêu cải thiện các cơn đau, giảm phản ứng viêm, hỗ trợ quá trình liền xương và tránh nguy cơ cứng khớp do bất động.

1 – Tập luyện cơ: Tập tĩnh có đẳng trường (kể cả trong bột): Người bệnh tiến hành co cơ mà không cần di chuyển khớp, có tác dụng ngăn ngừa teo cơ, giảm sưng nề, tăng lực cơ tĩnh trong khi không kích thích quá nhiều đến khớp. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập co cơ tĩnh 10 lần/hiệp và 10 hiệp/ngày.

Bài tập co cơ tĩnh khi đang bó bột
Tập các bài tập cơ tĩnh khi đang bó bột

2 – Tập luyện các khớp, các cơ liên quan bổ trợ: Người bệnh cần thực hiện tập các bài tập cho các khớp, các cơ lân cận để hỗ trợ cho việc phục hồi. Ví dụ, đối với trường hợp gãy đầu dưới xương quay và bó bột cố định ở cẳng tay, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập tại ngón tay, khớp khuỷu tay, khớp vai,… Việc luyện tập cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh nguy cơ làm tổn thương đến phần xương bị gãy. 

Thực hiện bài tập cho các khớp lân cận trong quá trình đang bó bột
Thực hiện bài tập cho các khớp lân cận trong quá trình đang bó bột

3.1.3. Trong 8 – 12 tuần (Sau khi được tháo bột)

Sau khi người bệnh được tháo bột, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tình trạng xương khớp của bệnh nhân đối với các phương diện như tầm vận động, cơ lực của nhóm cơ,… Tùy theo tình trạng mà người bệnh sẽ được tiến hành các bài tập vật lý trị liệu sau gãy tay với cường độ khác nhau.

1 – Nhiệt trị liệu: Ở giai đoạn này, người bệnh cần tiến hành chườm nóng bằng cách sử dụng túi chườm ấm, khăn ngâm nước ấm,… Phương pháp này có thể cải thiện lưu thông máu để tăng cường dưỡng chất đến nuôi dưỡng các khớp và cơ, đồng thời hỗ trợ giảm đau nhức hiệu quả. Thực hiện chườm nóng 20 – 30 phút mỗi ngày và các lần chườm cách nhau ít nhất 2 – 3 tiếng.

Thực hiện chườm nóng ở giai đoạn 8 -12 tuần sau bó bột để hỗ trợ giảm đau
Thực hiện chườm nóng ở giai đoạn này để hỗ trợ giảm đau

2 – Tập sức mạnh cơ: Người bệnh sẽ được ưu tiên tập luyện phục hồi đối với các nhóm cơ ít chịu tổn thương bằng các bài tập thụ động khớp, sau đó mới tăng dần mức độ thành các bài tập chủ động có trợ giúp và các bài tập chủ động. Các bài tập tăng sức mạnh của các cơ có sức cản cũng có thể được áp dụng trong trường hợp nhóm cơ còn yếu.

Ví dụ, đối với trường hợp phục hồi chức năng gãy đầu trên xương cánh tay, người bệnh có thể thực hiện lặp lại các bài tập như:

  • Bài tập trượt cánh tay trên mặt bàn: Ngồi kế bên mặt bàn sao cho vai vuông góc với cạnh bàn, đặt một bàn tay lên bàn rồi từ từ trượt cánh tay trên bàn đến điểm xa nhất có thể để duỗi thẳng cánh tay, sau đó trở về tư thế ban đầu. Thực hiện động tác 10 – 15 lần.
Bài tập trượt cánh tay trên mặt bàn
Thực hiện trượt cánh tay trên mặt bàn
  • Bài tập dang cánh tay 90 độ ở tư thế nằm nghiêng: Nằm nghiêng cơ thể về một bên sao cho cánh tay bị thương hướng lên trên, sau đó nâng cánh tay nhẹ nhàng đến khi tạo thành một góc 90 độ với với cơ thể, sau đó đưa cánh tay về vị trí ban đầu. Lặp lại bài tập 10 – 15 lần.
Bài tập dang cánh tay 90 độ ở tư thế nằm nghiêng
Bài tập dang cánh tay khi nằm nghiêng

Tìm hiểu thêm các bài tập phục hồi chức năng cánh tay với những động tác nhẹ nhàng sẽ giúp bạn không bị cứng cơ, lấy lại sức mạnh và sức bền cho cánh tay. 

3 – Các bài tập xoa bóp, nắn đẩy mạnh lưu thông mạch máu: Tiến hành massage trị liệu bằng các động tác xoa bóp, bấm huyệt, nắn các cơ,… để hỗ trợ tuần hoàn máu nhằm cải thiện quá trình phục hồi và giảm các cơn đau. Lưu ý, chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng bằng tay cho bệnh nhân, hạn chế sử dụng các loại cồn, dầu cao, rượu thuốc khi xoa bóp.

Bài tập xoa bóp, nắn đẩy mạnh lưu thông mạch máu
Thực hiện xoa bóp để hỗ trợ lưu thông máu ở khu vực bị thương

4 – Tập duy trì sức cơ, tạo thế cho cơ vận động (những nhóm cơ tổn thương nặng): Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu sau gãy tay nhằm tăng sức mạnh của các cơ, có thể bổ sung thêm kháng lực để tăng hiệu quả của bài tập. Một số bài tập có thể được thực hiện là:

  • Bài tập giãn cơ tam đầu: Cố định một đầu dây co giãn ở một điểm cao hơn đầu, hai tay giữ đầu dây còn lại trước ngực, gập khuỷu tay. Từ từ kéo dây để duỗi khuỷu tay và giữ cho cánh tay thẳng, sau đó trở về tư thế ban đầu. Lặp lại tư thế này 10 – 15 lần.
Bài tập giãn cơ tam đầu
Bài tập giúp giãn cơ tam đầu
  • Bài tập bóp bóng: Cầm một quả bóng vừa vặn với lòng bàn tay, từ từ bóp và giữ các ngón tay ôm chặt lấy quả bóng, giữ trong vài giây rồi thả lỏng tay. Lặp lại động tác 10 – 15 lần.
Bài tập bóp bóng
Bài tập bóp bóng

5 – Tập vận động chịu lực tỳ đè tăng dần với xương bị tổn thương: Người bệnh luyện tập chịu lực tỳ đè lên vùng xương bị gãy. Cường độ của bài tập này sẽ tăng dần để tránh gây chấn thương cho bệnh nhân.

Nếu các bài tập vật lý trị liệu sau gãy tay đạt hiệu quả, người bệnh sẽ bắt đầu tăng cường độ và biên độ của chuyển động xương khớp tay, tập đến khi tầm vận động, cơ lực và chức năng của khớp trở về bình thường.

3.1.4. Sau 12 tuần

Ở giai đoạn này, người bệnh đã phục hồi được tương đối các tổn thương nên sẽ được chi định tập luyện với cường độ cao hơn, giúp khôi phục hầu hết phạm vi chuyển động của khớp để người bệnh lấy lại khả năng hoạt động, sinh hoạt bình thường.

1 – Duy trì tập luyện sức mạnh cơ, tập luyện chịu lực của xương: Ở giai đoạn này, người bệnh thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh ở cường độ cao với mục tiêu cải thiện sức mạnh và không gây đau đớn. Một số bài tập thường được áp dụng là:

  • Bài tập plank tư thế cao: Nằm sấp, chống hai bàn tay vuông góc với sàn và nhón mũi chân để nâng cơ thể lên, giữ cho lưng thẳng. Duy trì tư thế trong 20 giây, sau đó tăng dần thời gian tập luyện.
Bài tập Plank tư thế cao
Thực hiện plank tư thế cao khi tình trạng tay của bệnh nhân đã ổn định hơn
  • Bài tập chống đẩy vào tường: Đứng cách tường khoảng 60cm, hai chân rộng bằng vai. Chống hai bàn tay lên tường, sau đó từ từ gập khuỷu tay để đưa cơ thể lại gần tường rồi duỗi tay để đưa cơ thể về vị trí ban đầu, giữ cho lưng luôn thẳng. Lặp lại động tác này 10 – 15 lần.
Bài tập chống đẩy vào tường
Thực hiện plank vào tường để tăng cường sức mạnh cơ và khớp

2 – Luyện tập hoạt động trị liệu: Người bệnh duy trì các bài tập cho đến khi các khớp khôi phục tầm vận động, cơ lực và tập sử dụng tay bị thương để thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường.

3.2. Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân gãy tay điều trị phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng trong trường hợp người bệnh bị gãy xương với các biến chứng như gãy hở, tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh, gãy xương có độ di lệch lớn và nắn chỉnh thất bại, gãy xương có dấu hiệu chèn ép khoang,… 

Thông người, người bệnh sau khi phẫu thuật thì các khớp không bị bất động và khá vững nên có thể hoạt động khớp sớm hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh kết xương không vững thì vẫn cần bó bột sau phẫu thuật và tiến hành tập vật lý trị liệu sau gãy tay tương tự với bệnh nhân điều trị bảo tồn.

Việc thực hiện vật lý trị liệu đối với bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ được tiến hành theo các giai đoạn như sau.

3.2.1. Tuần 0 – 1

1 – Nhiệt trị liệu: Người bệnh cũng tiến hành chườm lạnh ngắt quãng để giúp giảm đau, giảm sưng viêm khu vực gãy xương.

2 – Tập luyện cơ tĩnh có đẳng trường (kể cả trong bột): Ở giai đoạn đầu, cả bệnh nhân bó bột và bệnh nhân sau phẫu thuật đều cần tập các bài tập cơ tĩnh như duỗi và khép các khớp để ngăn ngừa nguy cơ teo cơ. Lưu ý, không được phép tự ý xoay xương ở giai đoạn này.

3 – Tập luyện các khớp các cơ liên quan bổ trợ và các khớp có thể được tập: Luyện tập cử động ở các cơ xung quanh vùng bị thương để ngăn ngừa tình trạng cứng khớp, teo cơ.

Chú ý: Trong quá trình tập luyện, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị và sự giúp đỡ của kỹ thuật viên.

Phương pháp chườm lạnh trong vật lý trị liệu sau gãy tay
Thực hiện chườm lạnh giúp hỗ trợ giảm đau sau phẫu thuật

3.2.2. Tuần 2 – 4

1 – Nhiệt trị liệu: Bước vào giai đoạn này, người bệnh có thể bắt đầu chườm nóng để giúp làm mềm và thư giãn các cơ, tăng cường máu đến khu vực xương gãy để mang các chất dinh dưỡng, tăng hiệu quả chữa lành.

2 – Massage mô mềm: Thực hiện massage, xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay ở các mô mềm tại các vị trí như cơ, dây chằng, gân,… để giúp tăng cường lưu thông máu, giảm căng cơ và cải thiện các cơn đau. Người bệnh cần thận trọng khi sử dụng các loại cao, dầu, thuốc khi massage.

3 – Tập tăng sức cơ: Tập các bài tập co cơ tĩnh và bắt đầu phối hợp với vác bài tập co duỗi khớp, bài tập tăng khả năng vận động khớp chủ động được hỗ trợ và bài tập chủ động. Việc tập sớm có thể hạn chế nguy cơ teo cơ, tăng sức mạnh của cơ và người bệnh có thể tăng dần cường độ luyện tập nếu quá trình luyện tập có tiến triển tốt.

Massage các mô quan khớp để hỗ trợ quá trình phục hồi
Massage các mô quan khớp để hỗ trợ quá trình phục hồi

 

3.2.3. Tuần 4 – 8

Trong giai đoạn này, các cơ và xương khớp đã dần hồi phục nên người bệnh có thể tập vật lý trị liệu sau gãy tay với các bài tập như:

  • Tập các bài tập tì đè: Thực hiện các bài tập tì đè, cầm nắm với sự hỗ trợ của dụng cụ kháng lực để tăng sức mạnh các cơ, hỗ trợ quá trình phục hồi.
  • Tập các bài tập gập duỗi khớp: Tập gập và duỗi khớp theo chỉ định của bác sĩ để khôi phục phạm vi vận động ở vùng bị gãy xương, cải thiện khả năng vận động và giúp cơ, xương trở về trạng thái ban đầu.
  • Sinh hoạt nhẹ nhàng: Ngoài các bài tập để tăng cường sự linh hoạt và sức mạnh của các cơ, người bệnh cần luyện tập thực hiện các động tác sinh hoạt hàng ngày như cầm nắm các vật dụng như bút, đũa, khăn, thay quần áo,… Để có thể quay lại thực hiện các hoạt động này như bình thường, người bệnh có thể phải tập từ 6 tháng đến 2 năm tùy vào tình trạng tổn thương.
Thực hiện các bài tập giúp bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động bình thường
Thực hiện các bài tập giúp bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động bình thường

Lưu ý: Người bệnh chỉ tiến hành các bài tập này khi trạng thái của xương khớp đã thực sự ổn định. Bên cạnh đó, tránh việc sử dụng rượu thuốc, thuốc xoa bóp, đắp lá vào vùng bị thương vì có thể ảnh hưởng đến quá trình liền xương.

3.2.4. Sau 8 – 12 tuần

Ở giai đoạn này, người bệnh cần duy trì các bài tập vật lý trị liệu sau gãy tay, duy trì tập luyện sức mạnh cơ và khả năng chịu lực của xương. Tùy theo khả năng đáp ứng của bệnh nhân mà có thể tăng dần cường độ luyện tập.

4. 6 lưu ý quan trọng khi tập vật lý trị liệu sau gãy tay

Trong quá trình tập vật lý trị liệu sau gãy tay, người bệnh cần lưu ý tuân thủ những điều dưới đây để quá trình phục hồi sau chấn thương diễn ra hiệu quả hơn.

1 – Tập vật lý trị liệu sau gãy tay càng sớm càng tốt: Thông thường, bệnh nhân gãy tay có thể tập phục hồi chức năng 1 – 2 ngày sau khi điều trị bảo tồn bằng bó bột hoặc thực hiện phẫu thuật. Việc tập luyện từ sớm sẽ giúp người bệnh tránh các biến chứng như teo cơ, cứng khớp, hạn chế vận động khớp,… 

Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn mà người bệnh sẽ có các bài tập với cường độ khác nhau, chẳng hạn như không tác động trực tiếp vào vùng vừa mổ/bó bột mà sẽ thực hiện một số động tác như gồng cơ, tập thở, các vùng xa vùng bất động…

2 – Tuân thủ hướng dẫn của các nhân viên y tế trong suốt giai đoạn điều trị: Người bệnh cần luyện tập theo đúng với lộ trình điều trị được bác sĩ đề ra và có sự theo dõi của kỹ thuật viên có chuyên môn trong quá trình tập để đảm bảo tập luyện đúng tư thế và thay đổi lộ trình phù hợp với tình trạng của người bệnh.

3 – Chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân đối: Xây dựng chế độ ăn uống bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho xương khớp như protein (thịt, cá, sữa, trứng, các loại đậu,…), canxi (sữa, sữa chua, bông cải xanh, hạnh nhân,…), vitamin D (lòng đỏ trứng, dầu cá, các loại cá, nấm,…), vitamin phức hợp từ rau củ quả.

Bổ sung các thực phẩm có lợi cho xương khớp để hỗ trợ quá trình phục hồi sau gãy tay
Bổ sung các thực phẩm có lợi cho xương khớp để hỗ trợ quá trình phục hồi

4 – Kiểm soát cơn đau và thể lực trong quá trình tập luyện phục hồi: Trong quá trình tập vật lý trị liệu sau gãy tay, người bệnh cần tập luyện với cường độ phù hợp và báo ngay với bác sĩ hay kỹ thuật viên nếu các cơn đau quá nghiêm trọng. Đồng thời, hay thường xuyên vận động toàn thân để tăng cường thể lực, hỗ trợ quá trình tập luyện hiệu quả hơn.

5 – Tập vận động duy trì tăng cường các nhóm cơ liên quan tránh teo cơ: Tập phục hồi chức năng ở vùng bị gãy xương kết hợp với các nhóm cơ lân cận để hỗ trợ quá trình phục hồi, tránh nguy cơ cứng khớp, teo cơ.

6 – Sinh hoạt điều độ, khoa học trong khoảng thời gian này: Người bệnh cần thường xuyên nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh vận động mạnh ở những vùng bị chấn thương. Bên cạnh đó, không sử dụng bia rượu, thuốc lá, thực phẩm nhiều muối, dầu mỡ, đường,… trong thời gian này hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa sự phát triển của các yếu tố gây viêm.

Hạn chế sử dụng bia rượu để hỗ trợ quá trình phục hồi
Hạn chế sử dụng bia rượu để hỗ trợ quá trình phục hồi

Tùy vào vị trí gãy xương và phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật, các bài tập vật lý trị liệu sau gãy tay sẽ khác nhau. Cường độ và thời gian luyện tập còn phụ thuộc vào tình trạng và tốc độ phục hồi của người bệnh. Trong quá trình tập luyện, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ đồng thời duy trì các thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Nếu người bệnh cần hỗ trợ trong việc thực hiện phục hồi chức năng sau gãy tay, Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản MYREHAB MATSUOKA là địa chỉ uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu chuyên môn, kỹ thuật viên có tay nghề cao và trang bị hệ thống trang thiết bị chẩn đoán và trị liệu tiên tiến hàng đầu được nhập khẩu tư Âu – Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung tâm MYREHAB MATSUOKA còn là đơn vị tiên phong trong thực hiện phục hồi chức năng toàn diện theo quy trình chuẩn Nhật Bản, có thể tiến hành xây dựng liệu trình tập luyện cá nhân hóa phù hợp với tình trạng chấn thương của từng bệnh nhân và luôn theo sát người bệnh trong quá trình trị liệu.

Người bị gãy tay có thể tìm đến Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA từ sớm để được tư vấn và hướng dẫn thực hiện phục hồi chức năng bởi các chuyên gia.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 31/07/2024Ngày cập nhật: 31/07/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.