Vật lý trị liệu ngón tay cò súng: 4 phương pháp & bài tập

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.

Ngón tay cò súng là bệnh lý viêm gân thường gặp, do phì đại bao gân gấp ngón tay và quá sản sụn sợi ở bề mặt tiếp xúc của gân và bao gân, gây hình thành cục xơ ở gân. làm chít hẹp đường hầm của gân. Sự chít hẹp này sẽ làm gân di chuyển khó khăn hoặc bị kẹt, khiến ngón tay không cử động được hay thường ở tư thế gấp, có thể nghe thấy tiếng bật khi duỗi thụ động. 

Người bệnh có thể tham khảo ngay thông tin về vật lý trị liệu ngón tay cò súng để hỗ trợ việc giãn cơ và quá trình phục hồi các tổn thương trong bài viết dưới đây. 

1. Mục tiêu của vật lý trị liệu ngón tay cò súng

Vật lý trị liệu sẽ giúp giảm đau và chống viêm gân gấp; giải phóng tình trạng tắc nghẽn bào gân cơ cấp; cải thiện chức năng ngón tay bằng cách làm tăng tính linh hoạt và sức mạnh của ngón tay, bàn tay, cải thiện khả năng vận động. Hiện nay, có đa dạng phương pháp được áp dụng như cấp tính (nẹp) và mạn tính (nhiệt trị liệu, sóng xung kích bên ngoài, vận động trị liệu). [1] [2]

2. Phương pháp trị liệu ngón tay cò súng giai đoạn cấp tính 

Những phương pháp trị liệu trong giai đoạn trị liệu ngón tay có súng cấp tính là nẹp, siêu âm dưới nước, laser xung, sóng ngắn xung,… Trong đó, sử dụng nẹp ngón tay là một phương pháp được áp dụng rất phổ biến.

Nẹp là phương pháp trị liệu trong trường hợp cấp tính, giúp hạn chế chuyển động để tránh tình trạng tổn thương thêm nghiêm trọng, được nhiều nghiên cứu cho rằng có khả năng làm thay đổi cơ chế sinh học của các gân các cơ duỗi ngón (flexor tendons) và khuyến khích sự trượt tốt đa của gân.

Nẹp thường được khuyến khích để đeo trong 6 – 10 tuần. Loại nẹp ban đêm cũng đã được chứng minh có thể làm tăng tính tuân thủ điều trị của bệnh nhân và làm giảm các triệu chứng của tình trạng ngón tay cò súng (cấp độ 1 và 2) lên đến 55% trong vòng dưới 3 tháng. Những loại nẹp được sử dụng phổ biến hiện nay:

  • Nẹp khớp DIP: Có thể giải quyết đến 50% các triệu chứng ở người bệnh.
  • Nẹp khớp MCP: Có thể gập đến 15 độ và cải thiện các triệu chứng lên đến 92,9%. [3][4]
Nẹp ngón tay cò súng
Nẹp ngón tay là phương pháp hỗ trợ cải thiện ngón tay cò súng

3. Phương pháp trị liệu ngón tay cò súng giai đoạn mạn tính

3.1. Sóng xung kích bên ngoài (ESWT)

Sóng xung kích bên ngoài (Extracorporeal Shockwave Therapy – ESWT) là phương pháp điều trị không xâm lấn, sử dụng nguyên lý tạo ra sóng âm khiến mao mạch cực nhỏ trong gân và xương đứt đoạn, hỗ trợ việc tái cấu trúc vi động mạch và kích thích phát triển, hình thành mới, hỗ trợ làm lành vết thương nhanh hơn ở gân và xương. Vì vậy, máy sóng xung kích là dòng máu dinh dưỡng cần thiết cho sự bắt đầu và duy trì quá trình phục hồi mô bị hư tổn. [5]  

Phác đồ điều trị sử dụng sóng xung kích bên ngoài gồm có hai phần đối với mỗi lần điều trị là:

  • Lần đầu sử dụng sóng xung kích ngoại cơ thể xuyên tâm (rESWT) với 1000 shot, sử dụng mật độ dòng năng lượng 0.8 bar và tần số 9Hz.
  • Lần sau sử dụng liệu pháp sóng xung kích tập trung (fESWT) với 500 shot với mật độ dòng năng lượng 0,6 bar và tần số 8Hz. [6]
Phương pháp sóng xung kích
Phương pháp dùng sóng xung kích bên ngoài để tác động vào ngón tay

3.2. Nhiệt trị liệu

Nhiệt trị liệu là một trong các phương pháp vật lý trị liệu ngón tay cò súng hiện nay, được tiến hành gồm 2 phương thức là:

  • Nhiệt trị liệu bề mặt (độ sâu 2 – 3cm), bao gồm các hình thức như chườm nóng, tắm sáp nóng, parafin,…
  • Nhiệt trị liệu bên trong (độ sâu 5cm) sử dụng siêu âm sóng ngắn, laser. [6

Nhiệt lượng từ phương pháp này sẽ làm tăng cường lưu thông máu, mở rộng các mô collagen và giảm triệu chứng sưng, phù nề, đồng thời hỗ trợ giảm triệu chứng đau và cứng khớp.

Phương pháp nhiệt trị liệu
Phương pháp nhiệt trị liệu giúp hỗ trợ cải thiện ngón tay cò súng

3.3. Vận động trị liệu

Phương pháp vận động trị liệu là cách hiệu quả nhất trong trị liệu ngón tay cò súng, có thể làm tăng tính linh hoạt và sức mạnh của ngón tay, bàn tay. Bạn có thể thực hiện các bài tập giãn cơ cùng các bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ bàn tay.

3.3.1. 8 bài tập kéo giãn gân cơ ngón tay

Dưới đây là những bài tập vật lý trị liệu ngón tay cò súng đơn giản mà bạn có thể thực hiện ở bất kỳ đâu, hỗ trợ kéo giãn các cơ để tăng khả năng vận động của các ngón tay.

Bài 1: Duỗi ngón tay 

Mục tiêu bài tập: Giúp vận động ngón tay linh hoạt hơn nhờ cong toàn bộ ngón tay ngón tay lần lượt về phía sau và kéo giãn.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Đặt một bàn tay lên mặt phẳng, dùng tay còn lại để giữ một ngón tay bị đau.
  • Bước 2: Từ từ nhấc ngón tay lên và duỗi ngón lên cao nhất, giữ các ngón còn lại trên mặt phẳng. 
  • Bước 3: Giữ ngón tay trong vài giây rồi rồi thả về vị trí ban đầu, bạn có thể thực hiện động tác này trên tất cả các ngón tay và lặp lại 5 hiệp.

Tần suất tập: Thực hiện 3 lần mỗi ngày. [7]

Bài tập nhấc ngón tay
Hướng dẫn bài tập nhấc ngón tay
Bài 2: Duỗi ngón tay có sức cản

Mục tiêu bài tập: Hỗ trợ tăng cường sức mạnh phần gân duỗi ngón tay. 

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Để một bàn tay lên mặt phẳng, cố gắng nhấc một ngón tay lên.
  • Bước 2: Dùng một ngón tay của bàn tay còn lại để cản lại.  
  • Bước 3: Giữ trạng thái đó trong 10 giây.

Tần suất tập: Thực hiện bài tập 6 – 10 lần/ngày. [8]

Bài tập nhấc ngón tay có lực cản
Bài tập nhấc ngón tay có lực cản
Bài 3: Dạng ngón tay có sức cản

Mục tiêu bài tập: Tạo lực cản nhẹ nhàng để tăng cường khả năng vận động của các khớp ngón tay và tăng sức mạnh cho các cơ quanh khớp.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Đặt bàn tay ở trước mặt, mở rộng ngón tay bị đau và ngón tay bình thường bên cạnh nó.
  • Bước 2: Sử dụng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay đối diện để ấn nhẹ vào các ngón tay đang mở rộng, tạo lực cản cho hai ngón tay khi bạn tách chúng ra. Bạn cũng có thể nhờ người hỗ trợ để ấn vào ngón tay trong quá trình thực hiện bài tập này.
  • Bước 3: Giữ động tác trong vài giây rồi trở về vị trí ban đầu, thực hiện lại trong 5 hiệp.

Tần suất tập: Tập 3 lần/ngày. [7]

Bài tập mở rộng ngón tay
Cách thực hiện bài tập mở rộng ngón tay
Bài 4: Gấp đốt bàn ngón tay

Mục tiêu bài tập: Giúp tăng khả năng vận động các khớp ở đầu ngón tay.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Đặt ngón tay cái nằm ngang dưới khớp trên cùng của ngón tay bị đau trên bàn tay còn lại.
  • Bước 2: Dần dần uốn cong khớp trên cùng của ngón tay để bao lấy ngón cái, giữ trong 10 giây.

Tần suất tập: Thực hiện 6 – 10 lần/ngày. [8]

Bài tập gập đốt bàn ngón tay
Cách thực hiện uốn cong đầu ngón tay
Bài 5: Gấp ngón tay

Mục tiêu bài tập: Cách thực hiện bài tập có nhiều điểm tương đồng với bài tập uốn cong đầu ngón tay, có thể tăng cường hỗ trợ các khớp ở giữa ngón tay.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Giữ ngón tay cái ở đốt ngón tay tại phần gốc bàn tay.
  • Bước 2: Uốn cong khớp đầu và khớp giữa của ngón tay trong khi giữ nguyên phần còn lại của ngón tay.

Tần suất tập: Thực hiện động tác ít nhất 2 lần/ngày. [9]

Bài tập gập ngón tay
Cách uốn cong đầu và khớp giữa
Bài 6: Trượt ngón tay

Mục tiêu bài tập: Giúp tăng khả năng vận động của và làm chủ của ngón cái.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Chạm đầu ngón tay cái vào đầu ngón trỏ
  • Bước 2: Từ từ trượt ngón cái xuống phần gốc của ngón trỏ và ngược trở lại vị trí ban đầu.
  • Bước 3: Lặp lại động tác với các ngón tay còn lại. [10]
Bài tập trượt ngón tay cái
Bài tập trượt ngón tay cái
Bài 7: Trượt gân

Mục tiêu bài tập: Thực hiện chuyển động bàn tay và cổ tay để cải thiện lưu thông máu qua cổ tay, tăng vận động của các gân ngón tay, hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ chấn thương và tăng tính linh hoạt.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Mở rộng bàn tay hết mức, uốn cong các khớp đầu và khớp giữa của ngón tay.
  • Bước 2: Duỗi các ngón tay rồi uốn cong để đầu ngón tay chạm vào phần đầu của lòng bàn tay.
  • Bước 3: Duỗi các ngón tay ra trở lại, tiếp tục gập ngón tay để phần ngón tay vuông góc với phần lòng bàn tay.
  • Bước 4: Duỗi ngón tay rồi uốn cong để đầu ngón tay chạm vào phần cuối của lòng bàn tay. 
  • Bước 5: Thực hiện mỗi động tác 2 lần.

Tần suất tập: Tập 2 lần/ngày. [11]

Bài tập trượt gân
Bài tập trượt gân
Bài 8: Co – duỗi ngón tay

Mục tiêu bài tập: Tăng cường sự linh hoạt của các khớp nối ngón tay và bàn tay, giúp tăng cường lưu thông lưu thông máu để giảm các triệu chứng ngón tay cò súng.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Duỗi các ngón tay càng rộng càng tốt và giữ trong vài giây, sau đó siết các ngón tay lại gần nhau.
  • Bước 2: Uốn cong các ngón tay về phía sau trong vài giây rồi uốn về phía trước.
  • Bước 3: Lúc này, hãy giữ cho ngón cái thẳng và nhẹ nhàng uốn ngón tay cái về sau trong vài giây.
  • Bước 4: Lặp lại các động tác một vài lần.

Tần suất tập: Thực hiện bài tập ít nhất 2 lần/ngày. [7]

Bài tập co và duỗi ngón tay
Hướng dẫn bài tập co – duỗi ngón tay

3.3.2. 7 bài tập tăng cường sức mạnh các cơ ngón tay

Bên cạnh việc kéo dãn các cơ ở bàn tay, một số bài tập vật lý trị liệu ngón tay cò súng dưới đây sẽ tăng cường sức mạnh các cơ ở ngón tay, hỗ trợ quá trình phục hồi các tổn thương. 

Bài 1: Duỗi cổ tay đồng thời hai bên

Mục tiêu bài tập: Hỗ trợ quá trình phục hồi ở những người gặp các vấn đề về ngón tay, bàn tay hoặc cổ tay, giúp bạn có thể vận động bình thường.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Áp hai lòng bàn tay vào nhau ở trước ngực, ngay dưới cằm, khuỷu tay uốn cong.
  • Bước 2: Từ từ hạ hai tay xuống ngang eo và áp sát vào bụng cho đến khi cảm thấy căng ở cổ tay và các ngón tay, giữ trong 10 giây.
  • Bước 3: Giữ nguyên hai lòng bàn tay áp sát vào nhau, di chuyển tay về vị trí ban đầu.

Tần suất tập: Thực hiện động tác lặp lại 2 – 4 lần tập. [9]

Bài tập căng cơ tay thụ động
Bài tập căng cổ tay thụ động
Bài 2: Kéo giãn cổ tay

Mục tiêu bài tập: Đây là bài vật áp dụng để tăng sức mạnh tổng hợp đới với các cơ cổ tay, ngón tay hoặc bàn tay bị tổn thương, tạo điều kiện cho quá trình phục hồi tình trạng ngón tay cò súng.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Duỗi thẳng các ngón tay rồi từ từ uốn cong bàn tay thành nắm đấm, giữ ngón cái ở bên ngoài.
  • Bước 2: Cong cổ tay hướng về phía cơ thể cho đến khi có cảm giác căng, giữ động tác trong 2 giây rồi đưa về vị trí ban đầu.

Tần suất tập: Thực hiện động tác 10 lần cho mỗi bên cổ tay. [9]

Bài tập co cơ tay
Hướng dẫn thực hiện động tác co cổ tay
Bài 3: Nghiêng trụ – Nghiêng quay

Mục tiêu bài tập: Tăng cường sức mạnh cho cổ tay để hỗ trợ quá trình phục hồi của ngón tay.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Úp lòng bàn tay xuống bàn, giữ cổ tay thẳng.
  • Bước 2: Uốn cổ tay sang trái càng xa càng tốt, giữ trong hai giây rồi đưa cổ tay trở về vị trí ban đầu. 
  • Bước 3: Tiếp tục uốn cổ tay về bên còn lại với phương pháp tương tự.

Tần suất tập: Tập 10 lần đối với mỗi bên tay. [9]

Bài tập uốn cong cổ tay
Cách thực hiện bài tập uốn cong cổ tay
Bài 4: Xòe bàn tay có sức cản

Mục tiêu bài tập: Tăng cường cơ bắp của các ngón tay, giúp cải thiện lưu thông máu và kỹ năng vận động tinh.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Chụm các đầu ngón tay và ngón cái lại với nhau, đặt một sợi dây thun hoặc khối bột chuyên dụng bao quanh ngón tay.
  • Bước 2: Di chuyển các ngón tay còn lại ra xa ngón cái để làm căng dây chun, giữ động tác trong 2 – 3 giây rồi trở về trạng thái ban đầu, lặp lại 10 – 15 hiệp.

Tần suất tập: Thực hiện 3 lần/ngày. [7]

Bài tập xòe bàn tay có lực cản
Hướng dẫn xòe ngón tay bằng dây chun
Bài 5: Bóp bóng

Mục tiêu bài tập: Giảm đau đớn và chấn thương dây thần kinh quay (dây thần kinh chi phối các cử động và cảm giác ở cánh tay, cẳng tay, bàn tay).

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Đặt một vật, có thể là quả bóng mềm, vào lòng bàn tay.
  • Bước 2: Bóp chặt quả bóng trong vài giây rồi mở rộng các ngón tay để thả ra. 
  • Bước 3: Lặp lại động tác 10 – 15 lần.

Tần suất tập: Thực hiện ít nhất 3 lần/ngày. [12

Bài tập bóp bóng
Bài tập bóp bóng hỗ trợ bàn tay
Bài 6: Nhặt đồ vật nhỏ

Mục tiêu bài tập: Đây là bài tập đơn giản có thể thực hiện ở mọi nơi, được áp dụng để tăng khả năng co duỗi của các khớp ngón tay để ngón tay chuyển động linh hoạt hơn.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Đặt đồng xu, hoặc các loại đồ vật có kích thước nhỏ khác, lên bàn
  • Bước 2: Sử dụng ngón tay bị đau và ngón cái để nhấc từng vật lên và di chuyển sang một bên khác của bàn.
  • Bước 3: Thực hiện động tác này liên tục trong 5 phút

Tần suất tập: Thực hiện bài tập 2 lần/ngày. [7]

Bài tập nhặt các vật nhỏ
Bạn có thể nhặt các vật nhỏ để luyện tập cho tay
Bài 7: Bóp khăn

Mục tiêu bài tập: Tăng sức mạnh cho bàn tay, hỗ trợ chức năng của tay trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Đặt 1 tờ giấy hoặc một chiếc khăn vo tròn vào lòng bàn tay.
  • Bước 2: Dùng ngón tay bóp giấy hoặc khăn thành hình nhỏ nhất có thể, giữ động tác này trong vài giây rồi thả ra.
  • Bước 3: Từ từ duỗi thẳng ngón tay để thả giấy hoặc khăn ra. Lặp lại động tác này 10 lần. 

Tần suất tập: Tập bài tập này 2 lần/ngày. [7]

Bài tập bóp khăn
Cách làm bài tập nắm khăn

4. Thời gian vật lý trị liệu ngón tay cò súng

Thông thường, việc điều trị sẽ mất khoảng 8 tuần để người bệnh cải thiện mức độ nghiêm trọng của bệnh và thường mất đến 4 tháng đeo nẹp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngón tay cò súng mà thời gian phục hồi có thể khác biệt. Bác sĩ và các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ tiến hành đánh giá tình trạng để dự đoán thời gian cần thiết mà bạn phải điều trị. [13]

5. 5 điều cần lưu ý trong quá trình vật lý trị liệu ngón tay cò súng

Sau khi tìm hiểu về những phương pháp thực hiện vật lý trị liệu ngón tay cò súng, bạn cần lưu ý những điều sau để việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn: [13]

  • Tiến hành chườm lạnh nếu cảm thấy đau, sưng trong quá trình tập luyện. Bạn có thể chườm bằng khăn hoặc túi chườm trong 15 phút.
  • Dành thời gian để tập các động tác vận động trị liệu mỗi ngày từ 2 – 3 lần tùy vào loại bài tập để hỗ trợ quá trình cải thiện.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng khoảng 5 phút/ngày ở vùng bị sưng đau, có thể sờ được bằng tay.
  • Hạn chế co các ngón tay và giảm các hoạt động gây áp lực đối với bàn tay.
  • Sử dụng các loại nẹp đeo đúng cách để hỗ trợ quá trình điều trị, đeo nẹp trong thời gian quy định.
Massage bàn tay
Massage tay cũng là một việc cần thiết trong quá trình hỗ trợ phục hồi

6. Giải đáp 1 số câu hỏi thường gặp khi vật lý trị liệu ngón tay cò súng

Khi tiến hành các phương pháp vật lý trị liệu để hỗ trợ điều trị tình trạng ngón tay cò súng, nhiều người thường thắc mắc về các vấn đề như:

Câu 1: Ngón tay cò súng ở bàn tay có gây ảnh hưởng lâu dài không?

Tình trạng ngón tay cò súng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến cho việc phục hồi khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn. Phương pháp vật lý trị liệu thường sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu được bắt đầu trị liệu từ sớm.

Nghiêm trọng hơn, bạn có nguy cơ gặp phải các biến chứng về xương khớp, tổn thương dây thần kinh tạm thời và cứng khớp. [14]

Câu 2: Vật lý trị liệu ngón tay cò súng hiệu quả như thế nào?

Các phương pháp vật lý trị liệu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị, giúp tăng tính linh hoạt để bàn tay có thể vận động bình thường và hỗ trợ giảm đau nhức, sưng. Đặc biệt, phương pháp nẹp ban đêm có thể mang đến hiệu quả cải thiện lên đến 90% sau tối đa 10 tuần sử dụng. [2]

Câu 3: Ngón tay cò súng có tự khỏi không?

Tình trạng này không thể tự khỏi mà bạn cần thăm khám ngay khi phát hiện tình trạng sưng, đau, cứng khớp. Trong nhiều trường hợp, ngón tay cò súng thường có thể gây ra nhiều biến chứng như ngón tay hoặc ngón cái bị kẹt trong tư thế uốn cong làm giảm khả năng chuyển động, ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường. [15]

Thăm khám phục hồi chức năng
Tiến hành thăm khám ngay khi phát hiện các triệu chứng lạ ở bàn tay

Trên đây là các phương pháp vật lý trị liệu ngón tay cò súng được áp dụng phổ biến hiện nay. Nếu bạn mắc phải tình trạng ngón tay cò súng, hay tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tập vật lý trị liệu cho tay dưới sự giám sát của các chuyên gia.

Nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ hỗ trợ tập luyện vật lý trị liệu uy tín thì Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka là sự lựa chọn uy tín hàng đầu trong việc thăm khám, tư vấn và hỗ trợ phục hồi chức năng ngón tay cò súng. Trung tâm Myrehab Matsuoka cung cấp dịch vụ chất lượng với:

  • Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao.
  • Hệ thống trang thiết bị vật lý trị liệu hiện đại theo tiêu chuẩn Âu – Mỹ, không gian phòng tập rộng rãi, thoáng mát với nhiều phòng chuyên biệt.
  • Xây dựng kế hoạch tập luyện cá nhân hóa phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh, đồng thời tiến hành thăm khám 1:1 và xây dựng lịch tập luyện linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng.

Đến ngay Trung tâm Myrehab Matsuoka để cải thiện hiệu quả tình trạng ngón tay cò súng, giúp bạn lấy lại khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 21/04/2024Ngày cập nhật: 21/04/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo