3 giai đoạn & lưu ý phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh 

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Hội chứng viêm đa rễ thần kinh (Hội chứng Guillain-Barré – GBS) là nhóm bệnh đa dây thần kinh tự miễn, có biểu hiện như tổn thương lan toả nơron thần kinh ngoại vi cả vận động và cảm giác, khiến bệnh nhân bị giảm vận động, giảm cảm giác ở ngoại vi ở cả hai bên.

Nếu đang trong quá trình điều trị và phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các phương pháp trị liệu trong 3 giai đoạn phục hồi cũng như thời gian và những lưu ý trong quá trình phục hồi. 

1. 3 giai đoạn phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh

Tình trạng viêm đa rễ thần kinh có thể diễn biến nhanh chỉ trong vòng vài ngày hoặc vài tuần với những dấu hiệu cụ thể như: tê bì, có cảm giác kim đâm bắt đầu từ bàn chân và bàn tay, sau đó lan đến cánh tay và chân; yếu cơ, đau nhức; giảm khả năng thăng bằng và phối hợp của cơ thể; gặp khó khăn trong việc đi lại; mất khả năng cử động chân, tay hoặc mặt.

Trước tình trạng đó, người bệnh có thể thực hiện phương pháp phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh theo 3 giai đoạn cụ thể dưới đây.

1.1. Giai đoạn cấp tính (2 – 3 tuần đầu): Phục hồi chức năng hô hấp

Ở giai đoạn này, theo tham vấn của BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka, mục tiêu của việc tập luyện ở giai đoạn cấp tính là:

  • Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hô hấp.
  • Đặt bệnh nhân theo tư thế để ngăn ngừa loét cơ, giảm đau đến mức thấp nhất và gia tăng sức chịu đựng ở tư thế đứng.
  • Ngăn ngừa co rút, teo yếu cơ. 
  • Gia tăng tầm vận động của khớp mà vẫn đảm bảo cấu trúc khớp không bị tổn thương.

Các phương pháp phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh có thể được thực hiện là vỗ rung kết hợp dẫn lưu tư thế, dẫn lưu các vùng mô phổi theo tư thế và tập thở cơ hoành; vận động thụ động các khớp, di động mô mềm, lăn trở,… 

Xem thêm: [A – Z] Đau thần kinh toạ – Nguyên nhân và cách phòng ngừa

1.1.1. Đặt tư thế và lăn trở để ngăn ngừa co rút và loét đè ép

Đây là phương pháp giúp phòng chống thương tật và các biến chứng, cần được thực hiện trong 2 -3 giờ/lần và áp dụng các phương pháp sau:

  • Đối với người chưa thể chủ động vận động tay chân: Kỹ thuật viên nhẹ nhàng lăn trở cho người bệnh, kết hợp với lót khăn hoặc gối vào các điểm tỳ để chống loét và co rút.
  • Đối với người bệnh có thể chủ động vận động: Khi muốn lăn trở về hướng bị thương, kỹ thuật viên sẽ nâng tay và chân của người bệnh ra trước để người bệnh có thể tự tiến hành lăn trở sang phía bên kia. Ngược lại, nếu muốn lăn trở sang phía bên không bị thương, kỹ thuật viên sẽ nâng và chuyển sang tay chân để người bệnh tự lăn trở theo.
Phương pháp lăn trở ngăn ngừa co rút và loét đè ép
Phương pháp lăn trở

1.1.2. Vận động thụ động gia tăng tầm vận động khớp

Bài tập vận động thụ động là bài tập mà phạm vi chuyển động của người bệnh là khoảng cách bạn có thể di chuyển các khớp của mình theo các hướng khác nhau với tư thế đúng những chương trình tập vận động. Các bài tập phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh này thường sẽ được thực hiện dưới sự giúp đỡ của kỹ thuật viên hoặc bác sĩ để giúp bạn khôi phục phạm vi chuyển động.

Vận động thụ động có thể cải thiện lưu lượng máu và tăng kích thích cảm giác cho các chi, ngăn tình trạng co cứng. Việc tập luyện thường xuyên cũng có thể kích thích tính linh hoạt thần kinh để não bộ làm quen với những sự thay đổi.

Kỹ thuật viên có thể kết hợp sử dụng nhiệt để giảm đau cơ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kéo giãn. Người bệnh cần thực hiện 2 lần/ngày nếu không thể tự vận động.

Các bài tập vận động thụ động dưới sự giúp đỡ của kỹ thuật viên
Các bài tập vận động thụ động dưới sự giúp đỡ của kỹ thuật viên

1.1.3 Vỗ rung kết hợp dẫn lưu tư thế 

Vỗ rung là phương pháp được thực hiện để khiến các dịch đặc dính ở thành ngực trở nên lỏng hơn, giúp chúng di chuyển đến các đường dẫn khí lớn dễ dàng hơn, từ đó giúp lưu thông đường thở. Phương pháp phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh này có thể được thực hiện cùng với các kỹ thuật thở theo chu kỳ, làm được cả trong cả giai đoạn hít vào hoặc thở ra. 

Dẫn lưu tư thế là kỹ thuật điều chỉnh tư thế thích hợp để dẫn dịch tiết từ đường hô hấp ra ngoài, cũng có thể được kết hợp với phương pháp vỗ rung.

Cách thực hiện vỗ rung:

  • Chuẩn bị: Dùng bàn tay khum lại, sử dụng ngón tay hoặc dùng các thiết bị hỗ trợ vỗ rung bằng điện hoặc khí nén.
  • Thực hiện: Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế dẫn lưu và tiến hành các bước vỗ và rung. Khi vỗ, kỹ thuật viên khum bàn tay và vỗ liên tục, nhịp nhàng vào thành ngực, đảm bảo các cạnh của bàn tay tiếp xúc với thành ngực và không gây đau cho người bệnh. Khi rung, kỹ thuật viên đặt lòng bàn tay phẳng áp vào thành ngực (tương đương với khu vực thùy phổi bị tổn thương), căng các cơ cánh tay và vai để tạo sự rung, dùng tay còn lại ấn nhẹ lên bàn tay ở thành ngực ở vùng được rung.
  • Tần suất: Thực hiện trong 15 – 30 phút/hiệp và 3 hiệp/ngày vào buổi sáng, chiều và tối. 
Tư thế khum bàn tay để thực hiện vỗ rung kết hợp dẫn lưu
Tư thế khum bàn tay để thực hiện vỗ rung kết hợp dẫn lưu

Những điều cần lưu ý khi thực hiện phương pháp vỗ rung kết hợp dẫn lưu:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện và tiến hành dưới sự giúp đỡ của kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
  • Không nín thở trong quá trình thực hiện, thư giãn hơi thở và hít thở sâu.
  • Vỗ với lực đều nhau cho mỗi lần và tránh vỗ vào các khu vực như cột sống bả vai, xương đòn, các mỏm gai đốt sống, các gân nổi, mô vú.
  • Khi vỗ, lực vỗ phải bằng nhau, nếu lực của tay thuận và tay không thuận không đều nhau thì nên giảm tốc độ vỗ. 

1.1.4. Dẫn lưu các vùng mô phổi theo tư thế

Dẫn lưu các vùng mô phổi theo tư thế là phương pháp đặt bệnh nhân trong tư thế phù hợp, để thay đổi trọng lực tác động lên cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình dẫn lưu dịch tiết từ phế quản và phổi. Việc dẫn lưu dịch tiết là kỹ thuật giúp duy trì đường thở thông thoáng, đây là một trong những mục tiêu trong phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh.

Các tư thế và cách thực hiện sẽ phụ thuộc vào vị trí của các thuỳ phổi:

1 – Thuỳ trên: 

  • Phân thùy đỉnh: Ngồi ở tư thế thẳng, có thể hơi nghiêng người nếu đang bị thương.
  • Phân thùy trước: Nằm ngửa, hai tay thả lỏng sang một bên; đầu gối phải hơi cong trên gối.
  • Phân thùy sau: Nằm nghiêng về bên trái rồi xoay mặt 45° tựa lên chiếc gối đỡ đầu khác. Tay trái đặt ở sau lưng, xung quanh cơ thể có 3 chiếc gối nâng vai (cách giường 30cm) và tay phải đặt lên gối đỡ. giữ đầu gối cong. Thực hiện tương tự trong trường hợp nằm nghiêng về bên phải.

2 – Thuỳ giữa: Đối với thùy bên và thùy trung gian, thực hiện tư thế nằm ngửa, nửa người quay sang trái và bên dưới vai phải được kê một chiếc gối, hai tay thả lỏng hai bên, chân giường phải cao hơn mặt đất 35cm, ngực nghiêng một góc 15°.

3 – Thuỳ dưới:

  • Phân thùy trên: Nằm sấp, quay đầu sang một bên, hai tay thả lỏng thoải mái cạnh đầu, kê một chiếc gối dưới hông.
  • Phân thùy đáy trước: Nằm ngửa, mông tựa lên gối, đầu gối cong, ngực nghiêng một góc 20°, chân giường cao hơn mặt đất 46cm.
  • Phân thùy đáy sau: Nằm sấp và đầu quay sang một bên, hai tay để thoải mái ở hai bên đầu, kê một chiếc gối dưới hông, chân giường phải cao hơn mặt đất 46cm, ngực nghiêng một góc 20°.
  • Phân thùy đáy trong: Nằm nghiêng về bên phải, kê gối dưới hông, ngực nghiêng một góc 20°, chân giường phải cao hơn mặt đất 46cm.
  • Phân thùy đáy bên: Nằm nghiêng về bên trái, kê gối dưới hông, chân giường cao 46cm so với mặt đất, ngực nghiêng một góc 20°.
Các tư thế hỗ trợ dẫn lưu mô phổi
Các tư thế hỗ trợ dẫn lưu mô phổi để phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh

1.1.5. Tập thở cơ hoành để xử lý các vấn đề hô hấp

Thở cơ hoành (thở bụng) là bài tập tăng cường cơ hoành – cơ quan trọng thực hiện đến 80% hoạt động thở. Phương pháp này giúp kiểm soát hơi thở, tăng hiệu quả thông khí và hấp thụ oxy, giúp bệnh nhân thư giãn, có thể thực hiện việc ho đúng cách để tăng loại bỏ các dịch tiết.

Bệnh nhân có thể tham khảo 2 bài tập thở cơ hoành sau khi điều trị phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh ở giai đoạn cấp tính này. 

Bài 1: Tập thở khi nằm ngửa 

  • Bước 1: Nằm ngửa trên thảm tập hoặc trên giường, cong đầu gối. Bạn có thể kê một chiếc gối dưới đầu và đầu gối để hỗ trợ. 
  • Bước 2: Đặt một tay lên ngực trên và tay còn lại lên bụng ở dưới xương sườn.
  • Bước 3: Từ từ hít vào bằng mũi để không khí đi sâu vào bụng dưới, giữ nguyên bàn tay đặt trên ngực và giơ bàn tay đặt trên bụng lên.
  • Bước 4: Thở ra qua miệng và mím nhẹ môi, kết hợp siết chặt và hướng cơ bụng vào trong. Đưa bàn tay trên bụng của bạn trở về vị trí ban đầu.

Tần suất tập: Thực hiện bài tập liên tục trong 5 – 10 phút, lặp lại vài lần trong ngày. Bạn cũng có thể thực hành động tác này khi ngồi trên ghế, gập đầu gối và thả lỏng vai, đầu và cổ. 

Bài tập thở khi nằm ngửa
Bài tập thở khi nằm ngửa

Bài 2: Tập thở khi ngồi

  • Bước 1: Ngồi thẳng trên ghế, giữ vai thư giãn, kéo giãn phần phần giữa rốn và xương ức.
  • Bước 2: Ngồi trên xương chậu, giữ xương chậu đều hai bên.
  • Bước 3: Đặt tay ở hai bên xương sườn dưới.
  • Bước 4: Hít vào từ từ bằng mũi, cảm nhận xương sườn của bạn mở rộng ra ngoài và hướng lên trên. Lúc này, cơ thể sẽ giãn ra theo ba hướng là phía trước, hai bên và phía sau.
  • Bước 5: Sau đó thở ra bằng mũi và cảm nhận xương sườn dưới của bạn di chuyển vào trong.

Tần suất tập: Thực hiện bài tập phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh này trong 5 – 10 phút và lặp lại nhiều lần trong ngày tưởng tự với bài tập thở khi nằm.

Bài tập thở khi ngồi
Bài tập thở khi ngồi

1.1.6. Di động mô mềm

Di động mô mềm là kỹ thuật dùng lực từ bàn tay để tác động đến các mô, giúp kéo dãn để làm tăng sự linh hoạt phần da, cơ, cân mạc, dây chằng, bao khớp. Phương pháp này giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau và phù nề, phục hồi các mô tổn thương và phục hồi chức năng vận động. 

Di động mô mềm là kỹ thuật dùng lực từ bàn tay để tác động đến các mô
Kỹ thuật di động các mô mềm

1.2. Giai đoạn ổn định: Cải thiện khả năng vận động

Đối với phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh ở giai đoạn ổn định, người bệnh có thể luyện tập để hỗ trợ tư thế đứng thẳng, cải thiện chức năng phổi, giãn cơ nhẹ nhàng, hỗ trợ phạm vi chuyển động tích cực, tránh mệt mỏi quá sức và cải thiện dần khả năng vận động.

1.2.1. Hoạt động trị liệu

Hoạt động trị liệu là một lĩnh vực của phục hồi chức năng, thực hiện việc đào tạo lại các hoạt động như mặc quần áo, tắm rửa, di chuyển tại giường, đi lại,… ở những người gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động này do tình trạng viêm đa rễ thần kinh.

Ngoài ra người bệnh cũng có thể thực hiện các bài tập để tăng sự thăng bằng cũng như khả năng kiểm soát vận động đối với các hoạt động bình thường thông qua thực hiện các kỹ thuật giãn cơ trong bài tập PNF (Proprioceptive Neuromuscular Facilitation). 

Phương pháp này thường sẽ được áp dụng đối với những người gặp các biến chứng của viêm đa rễ thần kinh như mất khả năng tự chủ, gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày,…

Bệnh nhân Myrehab Matsuoka thực hiện các hoạt động trị liệu trị viêm đa rễ thần kinh dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên
Thực hiện các hoạt động trị liệu trị viêm đa rễ thần kinh dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên

1.2.2. Các bài tập tăng cường sức mạnh

Bài 1: Đi bộ nhanh dần đều

  • Cách thực hiện: Người bệnh phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh đi bộ nhanh dần đến khi đạt được chỉ số lý tưởng là 100 bước/phút. Người bệnh có thể kiểm tra bằng cách thử nói chuyện khi đang đi bộ để xác định không có tình trạng hụt hơi.
  • Tần suất: 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần.
Đi bộ nhanh dần đều có thể cải thiện khả năng vận động ở người bị viêm đa rễ thần kinh
Đi bộ nhanh dần đều có thể cải thiện khả năng vận động ở người bị viêm đa rễ thần kinh

Bài 2: Tập bơi

  • Cách thực hiện: Thực hiện khởi động và kéo giãn cơ trước khi bơi. Thời gian đầu, bạn có thể tập bơi liên tục trong 30 giây sau đó nghỉ trong 30 giây và tăng cường độ tập lên bơi trong 45 giây và nghỉ trong 15 giây.
  • Tần suất: Thực hiện 30 phút/buổi tập, bắt đầu với 1 – 2 buổi/tuần và tăng dần tần suất luyện tập.
Bơi lội hỗ trợ cải thiện viêm đa rễ thần kinh
Bơi lội 1 – 2 buổi/tuần để hỗ trợ cải thiện viêm đa rễ thần kinh

Bài 3: Tập đạp xe

  • Cách thực hiện: Đạp xe nhẹ nhàng trong 5 – 10 phút. Chuyển sang cường độ trung bình trong 3 – 5 phút. Thực hiện luân phiên giữa cường độ cao (1 – 3 phút) và cường độ trung bình (3 – 5 phút) trong 20 đến 30 phút tiếp theo. Hạ nhiệt bằng cách đạp ở cường độ thấp trong 5 – 10 phút.
  • Tần suất: 20 – 30 phút/ngày và tối thiểu 3 buổi/tuần.
Đạp xe cũng là một phương pháp phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh
Đạp xe cũng là một phương pháp phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh

Bài 4: Tập aerobic

Bạn có thể thực hiện phối hợp các bài tập aerobic dưới đây trong một buổi tập, thực hiện luân phiên các bài tập trong 20 – 30 phút và tập luyện đều đặn 1 lần/ngày. 

Bài 4A: Cây kéo

  • Bước 1: Đứng thẳng, hai tay giơ ngang vuông góc với cơ thể, gập khuỷu tay để hai bàn tay trước ngực.
  • Bước 2: Bước chân phải sang ngang đồng thời duỗi hai cánh tay ra ngoài sang hai bên, bước chân phải trở về và gập khuỷu tay.
  • Bước 3: Thực hiện tương tự với chân trái, lặp lại bài tập trong 1 phút.
Cách thực hiện bài tập aerobic cây kéo
Cách thực hiện bài tập aerobic cây kéo

Bài 4B: Dậm gót chân

  • Bước 1: Đặt hai tay lên hông, đưa chân trái về trước hơi chếch sang trái, gót chân chạm đất và mũi chân hướng lên trên, sau đó đưa chân trái trở về tư thế ban đầu.
  • Bước 2: Thực hiện tương tự với chân phải và tập luân phiên giữa hai chân trong 1 phút
  • Bước 3: Kết hợp với động tác gập khuỷu tay lên xuống khi đã thành thạo bài tập này.
Bài tập aerobic dậm gót chân
Hướng dẫn thực hiện bài tập aerobic dậm gót chân

Bài 4C: Bước chân

  • Bước 1: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai và chống hai tay lên eo.
  • Bước 2: Bước chân phải lên một bước, sau đó bước chân trái lên một bước.
  • Bước 3: Tiếp tục bước chân phải lùi về một bước rồi bước chân trái lùi một bước
Cách thực hiện bài tập aerobic bước chân
Cách thực hiện bài tập aerobic bước chân

Bài 4D: Nâng đầu gối

  • Bước 1: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai và chống hai tay lên eo.
  • Bước 2: Từ từ nâng đầu gối chân phải để đùi và cẳng chân vuông góc với nhau rồi đưa chân về vị trí ban đầu.
  • Bước 3: Thực hiện tương tự với chân trái và tập luân phiên giữa hai chân trong 1 phút.
Cách thực hiện bài aerobic nâng đầu gối
Cách thực hiện bài aerobic nâng đầu gối

1.2.3. Các bài tập cải thiện tư thế thăng bằng

Bạn có thể luyện tập kết hợp 10 tư thế thăng bằng dưới đây thành một bài tập để tập luyện 1 – 2 lần mỗi ngày để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh.

Bài 1: Tập nhấc một chân giữ thăng bằng

  • Bước 1: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng hông và trọng lượng của cơ thể chia đều trên cả hai chân.
  • Bước 2: Chuyển trọng lượng của cơ thể sang bên phải, sau đó nhấc chân trái lên khỏi sàn đưa sang ngang, có thể vịn tay vào một chiếc ghế để hỗ trợ.
  • Bước 3: Giữ tư thế trong tối đa 30 giây, sau đó quả trở lại vị trí ban đầu và đổi chân.
Bài tập nhấc một chân giữ thăng bằng
Bài tập thay đổi trọng lượng lên chân

Bài 2: Tập kiễng chân giữ thăng bằng

  • Bước 1: Đứng thẳng, hai chân cách nhau bằng vai.
  • Bước 2: Đưa hai tay ra trước mặt, duỗi thẳng cánh tay. 
  • Bước 3: Từ từ kiễng cả hai chân lên, giữ trong 2 – 3 giây rồi hạ xuống.
  • Bước 4: Thực hiện lặp lại khoảng 15 lần.
Bài tập kiễng chân để giữ thăng bằng
Bài tập kiễng chân để giữ thăng bằng

Bài 3: Tập đưa chân ra trước

  • Bước 1: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, dồn trọng lực cơ thể đều về hai chân.
  • Bước 2: Dồn trọng lượng cơ thể lên chân trái và nhấc chân phải lên, giữ tối đa trong 30 giây.
  • Bước 3: Từ từ hạ chân xuống rồi thực hiện tương tự với chân còn lại thực hiện động tác 10 lần mỗi bên.
Bài tập đưa chân ra trước
Bài tập đưa chân ra trước

Bài 4: Tập đứng chân trước chân sau 

  • Bước 1: Đứng thẳng, đặt bàn chân trái phía trước sao cho gót chân chạm vào mũi của bàn chân phải, hai bàn chân tạo thành một đường thẳng.
  • Bước 2: Bạn có thể vịn một tay vào một chiếc ghế để hỗ trợ và thả tay khi đã quen với động tác. 
  • Bước 3: Giữ động tác trong 30 giây rồi đổi chân.
Bài tập thăng bằng chân trước chân sau
Bài tập thăng bằng chân trước chân sau

Bài 5: Tập giơ chân trên ghế

  • Bước 1: Ngồi trên ghế với cột sống thẳng đứng, giữ hai chân không cao hơn đầu gối.
  • Bước 2: Từ từ duỗi thẳng chân trái, giữ nguyên trong 3 – 5 giây, hạ chân xuống và lặp lại với chân phải.
  • Bước 3: Thực hiện 10 – 20 lần và lặp lại 1 – 3 hiệp.
Bài tập giơ chân trên ghế
Bài tập giơ chân trên ghế

Bài 6: Tập nâng gối

  • Bước 1: Đứng trên chân trái và nhấc chân phải lên.
  • Bước 2: Duy trì tư thế bằng cách giữ cột sống, cổ và đầu của bạn được thẳng.
  • Bước 3: Giữ trong 15 giây và thực hiện tương tự với chân còn lại.
Bài tập nâng gối
Bài tập nâng gối

Bài 7: Tập đi trên đường thẳng

  • Bước 1: Tìm một sợi dây căng dọc, một thanh gỗ thẳng hoặc kẻ một đường trên đất.
  • Bước 2: Giơ cánh tay rộng sang hai bên, thực hiện đi trên dây sao cho chân không lệch sang một bên, để gót chân này chạm mũi chân kia.
  • Bước 3: Đi bộ ít nhất 15 bước.
Bài tập đi trên đường thẳng
Cách thực hiện bài tập đi trên đường thẳng

Bài 8: Bài tập plank với bóng

  • Bước 1: Thực hiện tư thế plank với hai khủy tay cố định trên một quả bóng, hai mũi bàn chân chống trên đất.
  • Bước 2: Căn chỉnh vai và hông vuông góc với sàn nhà, vận động cơ mông và cơ tứ đầu để duy trì tư thế trong tối đa 3 giây.
  • Bước 3: Tăng dần thời gian giữ tư thế khi bạn đã quen với bài tập phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh này hơn.
Bài tập plank với bóng
Bài tập plank với bóng

Bài 9: Bài tập cân bằng với bóng

  • Bước 1: Cầm bóng tạ thể lực trên tay, đứng trên một chân (có thể thay đổi chân liên tục).
  • Bước 2: Người hỗ trợ sẽ ném quả bóng về phía người bệnh, người bệnh sử dụng quả bóng tạ để đẩy quả bóng kia trở về phía người hỗ trợ.
  • Bước 3: Lặp lại bài tập 10 – 20 lần.
Bài tập cân bằng với bóng
Bài tập cân bằng với bóng

Bài 10: Tập uốn cong bắp tay giữ thăng bằng

  • Bước 1: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng hông, giữ quả tạ với trọng lượng vừa phải ở tay trái, lòng bàn tay hướng lên trên. 
  • Bước 2: Nhấc chân phải lên khỏi sàn và uốn cong đầu gối, gập khuỷu tay để đưa tạ lên xuống trong khoảng 30 giây.
  • Bước 3: Trở về tư thế ban đầu và thực hiện tương tự với chân và tay còn lại. Bạn có thể tăng dần số lần tập khi khả năng thăng bằng đã được cải thiện.
Bài tập gập tay giữ thăng bằng với tạ
Bài tập gập tay giữ thăng bằng với tạ

1.3. Giai đoạn phục hồi (2 – 4 tuần sau ổn định): Tăng sức bền

Sau khi đã thực hiện các bài tập ổn định, người bệnh sẽ thực hiện các kỹ thuật phục hồi với mục tiêu cải thiện tư thế đứng thẳng và khả năng chịu trọng lượng cơ thể, khuyến khích quá trình phục hồi chức năng cường độ cao với các kỹ thuật rèn luyện sức bền tích cực và hỗ trợ thần kinh cơ. 

1.3.1. Bài tập giãn cơ 

Bạn có thể thực hiện kết hợp các bài tập phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh giãn cơ chi trên và giãn cơ chi dưới luyện tập giãn cơ 1 – 2 lần/ngày. Thời gian tập có thể tăng dần khi bạn đã quen với các bài tập.

Bài tập giãn cơ chi trên

Bài 1:  Giãn khớp vai

  • Bước 1: Nằm ngửa trên thảm tập, đan hai bàn tay vào nhau và đặt trước bụng.
  • Bước 2: Từ từ duỗi thẳng cánh tay và gập vai để đưa cánh giơ lên cao góc 90 độ với cơ thể.
  • Bước 3: Đưa hai cánh tay về vị trí ban đầu, lặp lại động tác 25 – 30 lần.
Bài tập giãn khớp vai
Bài tập giãn khớp vai

Bài tập 2: Bài tập khớp khuỷu tay

  • Bước 1: Nằm ngửa và đặt một chiếc khăn ở ngay dưới một bên khuỷu tay, duỗi thẳng cánh tay.
  • Bước 2: Nắm hờ bàn tay và từ từ gập khuỷu tay đến khi bàn tay gần chạm vào bên vai, sau đưa tay về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác 25 – 30 lần.
Bài tập giãn khớp khuỷu tay
Bài tập giãn khớp khuỷu tay

Bài tập giãn cơ chi dưới

Bài 1: Giãn gan bàn chân

  • Bước 1: Chuẩn bị một quả bóng tập có thể nén hoặc một quả bóng tennis.
  • Bước 2: Đứng và đặt quả bóng dưới lòng bàn chân phía trên, đặt gót chân xuống sàn.
  • Bước 3: Bắt đầu dậm chân nhẹ nhàng để nhấn quả bóng xuống, thực hiện trong 1 – 2 phút đối với mỗi chân.
Hướng dẫn giãn gan bàn chân
Hướng dẫn giãn gan bàn chân

Bài 2: Giãn gân kheo

  • Bước 1: Đừng thẳng quay mặt vào tường, đưa một chân về phía trước, chống hai tay vào tường.
  • Bước 2: Nghiêng người về phía trước và kéo căng chân để tăng sự co giãn ở mắt cá chân, giữ cho chân sau và đầu gối thẳng.
  • Bước 3: Thực hiện việc kéo căng trong 5 giây rồi thả rồi, sau đó lặp lại động tác căng gót chân thêm một vài lần. Tập bài tập này 2 phút đối với mỗi chân.
Hướng dẫn giãn gân kheo
Hướng dẫn giãn gân kheo

Bài 3: Giãn cơ tứ đầu

  • Bước 1: Đứng thẳng, có thể đặt tay lên tường để giữ thăng bằng.
  • Bước 2: Gập đầu gối, đưa gót chân ra phía sau chạm vào mông, cố gắng giữ cơ thể đứng thẳng và duy trì tư thế trong 30 giây.
  • Bước 3: Thực hiện bài tập phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh – giãn cơ tứ đầu tương tự với chân còn lại.
Bài tập giãn cơ tứ đầu
Hướng dẫn giãn cơ tứ đầu

1.3.2. 3 bài tập tăng cường sức mạnh

Bài 1: Squat với ghế

  • Bước 1: Ngồi trên một chiếc ghế chắc chắn, đặt hai chân ở tư thế tách đôi.
  • Bước 2: Dồn trọng lượng cơ thể về phía trước cho đến khi bạn có thể dựa vào chân để từ từ đứng lên.
  • Bước 3: Dồn trọng lực ở chân để hạ cơ thể xuống chạm mông vào ghế.

Tần suất tập: Lặp lại bài tập 10 – 15 lần, 1 – 2 hiệp/ngày.

Cách thực hiện squat với ghế
Cách thực hiện squat với ghế

Bài 2: Nâng bắp chân 

  • Bước 1: Đặt hai đầu ngón tay ở hai tay lên quầy bếp. 
  • Bước 2: Từ từ dồn trọng lực nhấc gót chân trái lên khỏi sàn, đứng bằng các đầu ngón chân.
  • Bước 3: Từ từ hạ người xuống sàn và lặp lại động tác khi đổi chân.

Tần suất tập: Lặp lại bài tập phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh – nâng bắp chân từ 10 – 15 lần, 2 hiệp/ngày.

Hướng dẫn cách nâng bắp chân
Hướng dẫn cách nâng bắp chân

Bài 3: Ngồi gập chân

  • Bước 1: Ngồi ở nửa trên của ghế, đặt cả hai chân phẳng trên sàn.
  • Bước 2: Dần dần kéo các ngón chân và mắt cá chân lên cao nhất có thể rồi hạ xuống từ từ.
  • Bước 3: Tăng độ khó cho bài tập bằng cách kéo dần chân về phía cơ thể.

Tần suất tập: Lặp lại bài tập 10 – 15 lần, 3 hiệp/ngày.

Tư thế chân trong bài tập duỗi chân
Tư thế chân trong bài tập duỗi chân

2. Thời gian phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh

Người bệnh có thể cần phải tiến hành phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh trong khoảng 6 – 12 tháng tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Vì đây là bệnh lý tổn thương thần kinh ngoại vi ảnh hưởng đến cả vận động và cảm giác nên thời gian phục hồi sẽ khác nhau tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người. Việc thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng cũng sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.

3. 3 lưu ý cần biết khi phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh

Khi thực hiện phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh, người bệnh cần lưu ý những điều sau để giúp việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

1 – Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập luyện: Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm đa rễ thần kinh để đưa ra phương pháp điều trị khác và phác đồ phục hồi chức năng cá nhân hóa với từng bệnh nhân. Trong quá trình tập luyện, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ và tập dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên y tế để đảm bảo tập đúng cách và mang đến hiệu quả cải thiện rõ rệt. Đây là một trong những lưu ý quan trọng không chỉ được áp dụng trong phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh mà còn trong phục hồi chức năng thần kinh nói chung, trong đó có vật lý trị liệu đau thần kinh tọa hay phục hồi chức năng tiền đình.

2 – Tập trung phục hồi chức năng bàn chân cho bệnh nhân: Một trong những triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân bị viêm đa rễ thần kinh là bàn chân thường bị mất cảm giác, tê bì. Người bệnh cần tập trung trị liệu để phục hồi chức năng ở bàn chân do đây là bộ phận thường tiếp xúc với mặt đất và tình trạng mất cảm giác có thể khiến bàn chân dễ bị thương do người bệnh không phát hiện ra những vết cắt, vết xước.

3 – Kiểm soát lượng đường trong máu: Theo thống kê tại Hoa Kỳ, có đến 60 – 70% người mắc bệnh tiểu đường gặp phải các vấn đề thân kinh như tê, ngứa ran hoặc nóng rát ở bàn chân, đau hoặc tê một bên ở phần thân, xương chậu. Để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh, người bệnh nên chủ động kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể bằng cách: 

  • Ăn uống với khẩu phần phù hợp, bổ sung nhiều chất xơ cần thiết.
  • Hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, gluten, thức anh nhanh, đồ đóng hộp,…
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
  • Duy trì thói quen ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.
  • Bổ sung khoáng chất Crom (có trong  thịt, trái cây, rau và các loại hạt) và Magie (rau màu xanh đậm, bí và hạt bí ngô, cá ngừ, ngũ cốc nguyên hạt, sô cô la đen, chuối và đậu) để hỗ trợ cải thiện tình trạng lượng đường trong máu cao. 
Các thực phẩm giàu chất xơ giảm nguy cơ tiểu đường gây viêm đa rễ thần kinh
Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ để giảm nguy cơ tiểu đường gây viêm đa rễ thần kinh

4. Giải đáp 2 câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh

Câu 1: Nếu không phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh thì sao? 

Theo tham vấn của BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab – Matsuoka, bệnh nhân nếu không tiến hành phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như tê và ngứa ran ở các vùng da, đau cơ, yếu hoặc mất khả năng vận động tăng dần ở 2 chân hoặc tứ chi, gặp khó khăn khi đi lại.

Người bệnh cũng có thể gặp các tình trạng như rối loạn thị lực, liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt), nhắm mắt không kín, ăn uống bị rơi, khó nuốt, dễ bị sặc,… cản trở sinh hoạt, thậm chí dẫn đến các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật.

Câu 2: Bệnh viêm đa rễ thần kinh có chữa khỏi được hoàn toàn không? 

Theo tham vấn của BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab – Matsuoka, tình trạng viêm đa rễ thần kinh có thể được chữa khỏi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng,… 

Nếu người bệnh được thăm khám kịp thời, tình trạng viêm đa rễ thần kinh có thể phục hồi sau 6 tháng – 1 năm và người bệnh có thể vượt qua cơn nguy hiểm. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân gặp phải di chứng về khả năng vận động hoặc mất cảm giác.

Bệnh nhân tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên tại Myrehab Matsuoka
Việc trị liệu đúng cách có thể hỗ trợ quá trình phục hồi viêm đa rễ thần kinh

Để tiến hành phục hồi chức năng viêm đa rễ thần kinh, người bệnh cần thực hiện các phương pháp trị liệu theo từng quy trình dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Để việc điều trị đạt hiệu quả, hãy thực hiện đều đặn, tìm kiếm sự giúp đỡ của các kỹ thuật viên chuyên về phục hồi chức năng và tái khám thường xuyên để kiểm tra hiệu quả tập luyện.

Một trong những địa chỉ uy tín có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm đa rễ thần kinh là Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab – Matsuoka, có thể hỗ trợ phục hồi chức năng với các phương pháp và trang thiết bị hiện đại hàng đầu đạt tiêu chuẩn Âu – Mỹ. Bệnh nhân còn được tư vấn bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch tập luyện cá nhân hóa dựa trên tình trạng bệnh lý cụ thể của bệnh nhân để theo dõi sát sao trong suốt quá trình hồi phục.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 24/05/2024Ngày cập nhật: 24/05/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.