Phương pháp và bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa an toàn, hiệu quả cao

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị đau thần kinh tọa không xâm lấn bằng các bài tập và áp dụng thiết bị trị liệu hiện đại (sóng xung kích, tia laser,…). Đây là phương pháp chữa trị có tính an toàn và hiệu quả cao nên thường được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn cho các bệnh nhân gặp các cơn đau nhức do thần kinh tọa bị tổn thương.

Thực hiện vật lý trị liệu đau thần kinh tọa sớm có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân.

1. Tính hiệu quả của vật lý trị liệu cho bệnh nhân đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa hay bệnh rễ thần kinh vùng thắt lưng, là một cơn đau bắt nguồn từ dây thần kinh kéo dài từ phía sau xương chậu xuống phía sau đùi. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh chính ở chân và lớn nhất trong toàn bộ cơ thể của mỗi người. [1]

Đau thần kinh toạ là một cơn đau bắt nguồn từ dây thần kinh kéo dài từ phía sau xương chậu xuống phía sau đùi
Đau thần kinh tọa là cơn đau xuất phát từ vùng mông và cơ mông, thường do chấn thương hoặc kích thích dây thần kinh tọa

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, đau thần kinh tọa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau tác động vào nơi xuất phát nguyên ủy cũng như dọc đường đi của thần kinh tọa. 

Trong đó, các nguyên nhân gây tổn thương rễ chiếm 90-95% do thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng. Trong nhiều trường hợp, các nhóm nguyên nhân thoái hóa này có thể kết hợp với nhau gây đau thần kinh tọa.

Ngoài ra, đau thần kinh tọa có thể do một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như: viêm nhiễm tại vùng cột sống thắt lưng, tổn thương lao, chấn thương cột sống, u, viêm dây thần kinh đơn thuần do virus,…

Chẩn đoán xác định đau thần kinh tọa không khó nhưng quan trọng nhất là chẩn đoán nguyên nhân để đưa ra lộ trình điều trị và phục hồi hiệu quả.

Hiện nay, vật lý trị liệu đau thần kinh tọa là một phương pháp được các bác sĩ lựa chọn chỉ định cho bệnh nhân vì tính an toàn cao, cải thiện tính linh hoạt và thúc đẩy quá trình phục hồi cho người bệnh với tỷ lệ thành công là 90 – 95%. Bởi vì, phương pháp này thường tập trung vào các hoạt động như vận động chủ động thông qua tập luyện và kết hợp với những tác nhân vật lý khác như: Nhiệt trị liệu (nóng và lạnh), ánh sáng trị liệu (hồng ngoại, tử ngoại, laser),…

Một chương trình vật lý trị liệu phù hợp thể trạng của bệnh nhân sẽ mang lại những tác dụng sau:

  • Giảm bớt sự chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Giảm đau lưng, mông, đùi và chân.
  • Giảm co thắt cơ.
  • Tăng cường khả năng lưu thông máu, kích thích quá trình tái tạo mô mềm và cải thiện tính linh hoạt của các khớp.
  • Phục hồi chức năng của cột sống thắt lưng và khớp cùng chậu.
  • Cải thiện khả năng vận động cho phần dưới cơ thể (từ vùng thắt lưng trở xuống).
  • Ngăn ngừa khả năng tái phát trong tương lai. [2]

Như vậy, phục hồi chức năng đau thần kinh tọa hoàn toàn có thể giúp điều trị chứng đau thần kinh tọa hiệu quả. [3]

Kỹ thuật viên Nakazono Kenichi đang thực hiện vật lý trị liệu đau thần kinh tọa cho bệnh nhân tại Myrehab Matsuoka.
Kỹ thuật viên Nakazono Kenichi đang thực hiện vật lý trị liệu cho bệnh nhân đau thần kinh tọa tại Myrehab Matsuoka.

2. Thời điểm nên thực hiện vật lý trị liệu đau thần kinh tọa

Vật lý trị liệu sớm là yếu tố then chốt giúp nhiều bệnh nhân đạt được kết quả điều trị nhanh hơn và cải thiện chức năng cho cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên đánh giá cụ thể về tình trạng đau thần kinh tọa, tiền sử bệnh lý và nhu cầu điều trị của từng bệnh nhân. Ba nguyên tắc quan trọng trong vật lý trị liệu đau thần kinh tọa như sau:

  • Điều trị triệu chứng bệnh bằng cách giải phóng áp lực chèn ép lên dây thần kinh tọa thông qua các phương pháp phù hợp.
  • Giúp khôi phục chức năng bình thường của cơ thể.
  • Phòng ngừa sự xuất hiện của các biến chứng tiềm ẩn. [2]

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị đau thần kinh tọa bằng thuốc và vật lý trị liệu thường được ưu tiên sử dụng đầu tiên. Khi các phương pháp điều trị bảo tồn này không hiệu quả hoặc để điều trị nguyên nhân gây bệnh như chấn thương, chỉnh hình cột sống, u tủy, thoát vị đĩa đệm nặng,… bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa. [4]

Liệu pháp vật lý trị liệu thần kinh tọa giúp giảm cơn đau thắt lưng và hông hiệu quả
Liệu pháp vật lý trị liệu thần kinh tọa giúp giảm cơn đau thắt lưng và hông hiệu quả

3. 9 phương pháp vật lý trị liệu đau thần kinh tọa an toàn, hiệu quả

Dưới đây là những phương pháp vật lý trị liệu an toàn và hiệu quả cao thường bác sĩ chỉ định trong quá trình điều trị bảo tồn cho bệnh nhân đau thần kinh tọa.

3.1 Phương thức nhiệt (chườm lạnh/chườm nóng)

Vật lý trị liệu đau thần kinh tọa bằng liệu pháp nhiệt rất hữu ích trong việc giảm đau nhờ các cơ chế giúp thúc đẩy quá trình lành mô. Khi bạn chườm nhiệt lên một bộ phận cơ thể, nhiệt sẽ làm cho các mạch máu ở khu vực đó giãn ra, giúp giảm đau, chống tình trạng co cứng cơ và tăng cường chuyển hóa các dinh dưỡng cần thiết.

Liệu pháp nhiệt có hai hình thức:

  • Chườm lạnh: Để thực hiện, người bệnh cần sử dụng một túi nước đá đặt lên vùng bị ảnh hưởng trong 15 – 20 phút cho mỗi lần và thực hiện khoảng vài lần một ngày. Bệnh nhân nên chườm lạnh khi có tình trạng viêm cấp, sưng viêm hoặc phù nề nghiêm trọng. [5]
  • Chườm nóng: Người bệnh có thể sử dụng chai nước nóng, túi, khăn nóng hoặc đệm sưởi điện áp lên vùng bị ảnh hưởng trong 15 – 20 phút và cần có thời gian nghỉ giữa các lần để tránh tổn thương da. Chườm nóng được áp dụng khi bệnh nhân có các biểu hiện tê bì, mất cảm giác ở bàn chân kèm theo các cơn đau thắt lưng. [5]

Ngoài ra, với các cơn đau kéo dài, người bệnh thường được chỉ định sử dụng kết hợp cả nóng và lạnh trong vài giờ, mỗi lần khoảng 20 phút. [6]

Lưu ý: Không dùng phương pháp nhiệt trong trường hợp bị viêm nhiễm cấp tính.

Phục hồi chức năng đau thần kinh tọa bằng phương pháp chườm nóng
Chườm nóng giúp cải thiện sự lưu thông máu tại vùng bị đau, từ đó giảm căng thẳng và tăng cường sự thoải mái cho người đau thần kinh tọa

3.2. Siêu âm trị liệu

Siêu âm trị liệu là phương pháp vật lý trị liệu đau thần kinh tọa sử dụng sóng âm xuyên qua các mô sâu ở vùng lưng dưới và tăng cường lưu lượng máu tới vùng bị ảnh hưởng. Tác dụng của liệu pháp này là giảm các cơn co thắt cơ đang chèn ép dây thần kinh cũng như cải thiện tình trạng cứng khớp, đau, sưng tấy và đẩy nhanh quá trình phục hồi. [7]

Phương pháp siêu âm trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu đau thần kinh tọa bằng siêu âm trị liệu

3.3. Sử dụng điện xung

Điện xung trị liệu (TENS) là phương pháp sử dụng các dòng điện xung có tần số thấp và trung bình để kích thích thần kinh bằng điện qua da. Chức năng của TENS là gửi một dòng điện có kiểm soát nhằm kích thích các tế bào thần kinh, tạo ra endorphin, một chất giảm đau tự nhiên mà cơ thể tự sản xuất. [8]

Phương pháp điện xung trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu đau thần kinh tọa bằng điện xung trị liệu

3.4 Sóng xung kích Shockwave

Vật lý trị liệu bằng sóng xung kích (Shockwave) sử dụng sóng âm thanh năng lượng cao để kích thích quá trình chữa lành và giảm đau. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sóng xung kích có thể xuyên qua cơ thể tới 5 inch (khoảng 12.7 cm), giúp giải phóng hiệu quả các dây thần kinh và cơ bắp bị chèn ép  giúp giảm viêm, kích thích sự tái tạo mô và giảm đau cho người bệnh. [9]

Nếu dùng sóng xung kích không đúng cách và đúng liều có thể gây ra một số nguy hiểm như co thắt, đau tăng. Vì thế, mọi kỹ thuật trị liệu bằng sóng xung kích đều cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện bởi các KTV lành nghề để đảm bảo an toàn và hiệu quả trị liệu. [10]

Vật lý trị liệu bằng sóng xung kích
Sóng xung kích hoạt động bằng cách sử dụng sóng âm thanh năng lượng cao để kích thích quá trình giảm viêm và chữa lành đau thần kinh tọa

3.5 Chiếu tia laser

Điều trị bằng laser công suất cao thường được ứng dụng cho người bệnh gặp vấn đề về cơ xương như viêm khớp, viêm gân, đau cơ, chấn thương mô và đau thần kinh tọa. [11]

Ánh sáng từ thiết bị chiếu tia laser sẽ thâm nhập qua lớp da và kích hoạt các chất giảm đau tự nhiên có trong cơ thể là endorphin và enkephalin, giúp giảm viêm và sưng tấy liên quan đến chứng đau thần kinh tọa. 

Ngoài ra, vật lý trị liệu đau thần kinh tọa bằng laser có khả năng ngăn đường truyền tín hiệu đau đến não nên bệnh nhân sẽ cảm thấy các cơn đau thần kinh tọa thuyên giảm ngay từ lần điều trị đầu tiên.[11]

Laser có khả năng ngăn đường truyền tín hiệu đau đến não giúp bệnh nhân cảm thấy các cơn đau thần kinh tọa thuyên giảm ngay từ lần điều trị đầu tiên
Laser lạnh thường có kích thước tương đương với một chiếc đèn pin được dùng để chiếu trực tiếp lên vùng cần điều trị

3.6 Liệu pháp massage

Khi các cơ lõi và cơ lưng dưới bị căng sẽ tạo áp lực lên rễ thần kinh tọa ở lưng dưới. Liệu pháp massage có tác dụng nới lỏng và mở rộng các cơ này một cách hiệu quả, giúp cải thiện cơn đau và chức năng ở lưng dưới và chân. Thông qua thao tác xoa bóp mô mềm giúp tăng cường lưu thông máu, oxy và các chất dinh dưỡng đến các vùng bị đau, giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. [12

Bên cạnh đó, massage trị liệu còn có một lợi ích tích cực đó là kích thích giải phóng endorphin – một loại hormone tự nhiên của cơ thể, từ đó giúp giảm cảm giác đau cho người bệnh phục hồi chức năng đau thần kinh tọa.

Massage giúp giảm sưng viêm xung quanh dây thần kinh tọa, giảm áp lực và đau
Massage nhẹ nhàng có thể giúp giảm sưng viêm xung quanh dây thần kinh tọa, giảm áp lực và đau

3.7 Sử dụng dụng cụ hỗ trợ

Đai cố định cột sống là một dụng cụ chỉnh hình linh hoạt được làm bằng vật liệu mềm như hỗn hợp cotton, vải hoặc cao su tổng hợp. Công dụng của đai chỉnh hình là để giảm áp lực quá mức lên cột sống, tạo sự ổn định cho cột sống và tăng áp lực trong vùng bụng. [13]

Một số ưu và nhược điểm của việc sử dụng đai hỗ trợ lưng bao gồm:

Ưu điểm:

  • Trong thời gian bị đau lưng, đai hỗ trợ có thể giúp người bệnh dễ dàng hơn khi chuyển đổi giữa các tư thế như nằm, đứng, ngồi…
  • Khi bị chấn thương ở lưng, nếu bạn cử động quá nhiều thì có thể làm hạn chế khả năng hồi phục của cơ thể. Do đó, việc sử dụng đai hỗ trợ lưng có thể giúp bạn hạn chế chuyển động và phạm vi chuyển động, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi tự nhiên của cơ thể.
  • Đai hỗ trợ có thể giảm áp lực trên đĩa đệm thoát vị, từ đó giảm nguy cơ thoát vị nghiêm trọng hơn, đặc biệt là đối với những người phải di chuyển nhiều bằng xe, phải ngồi hoặc di chuyển liên tục,…
  • Khi đeo đai hỗ trợ lưng, người bệnh vật lý trị liệu đau thần kinh tọa có thể dễ dàng cải thiện tư thế, giữ lưng thẳng hơn thay vì khom lưng như khi chưa đeo.

Nhược điểm: Trường hợp đai đỡ lưng không có kích thước vừa vặn với phần lưng sẽ có thể gây tổn thương, kích ứng da hoặc phát ban khi chà xát trên da người đeo đai.

Đai cố định cột sống giúp giảm căng thẳng trên dây thần kinh
Đai cố định cột sống giúp giảm căng thẳng trên dây thần kinh, từ đó giảm triệu chứng đau và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi

3.8. 9 bài tập vận động hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa

Các bài tập kéo dãn cơ có tác dụng mục đích tăng sức mạnh của các cơ và giảm căng thẳng cho dây thần kinh tọa, ngăn cơn đau tái phát trong tương lai.

Lưu ý: Những bài tập dưới đây có cường độ nhẹ nhàng và dễ thực hiện, tuy nhiên, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu trước khi tự luyện tập tại nhà để tối ưu hóa hiệu quả đạt được.

3.8.1. Gập đầu gối và ngực

Đây là một bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa đơn giản giúp cải thiện độ linh hoạt và độ dẻo dai của vùng thắt lưng, giảm đau thần kinh tọa bằng cách nới lỏng cơ mông và cơ hình lê – những cơ có thể bị viêm và chèn ép vào dây thần kinh tọa. [14]

Hướng dẫn thực hiện

  • Bước 1: Bạn hãy bắt đầu với tư thế nằm ngửa với hai chân duỗi thẳng.
  • Bước 2: Bạn gập một đầu gối lên ngực, sau đó dùng hai tay vòng qua và ôm lấy đầu gối.
  • Bước 3: Ở bước này, bạn sẽ hít thở sâu và giữ tư thế này trong vài giây. Sau đó, bạn hãy thả lỏng và hạ đầu gối về vị trí ban đầu và lặp lại với bên đối diện (Mỗi bên khoảng 2 – 4 lần).

Lưu ý:

  • Nếu bạn gặp đau ở đầu gối, bạn có thể chắp tay sau đùi để giảm áp lực thay vì vòng tay quanh đầu gối.
  • Bạn nên kiểm soát độ căng của cơ bắp và không kéo quá mức có thể chịu đựng, tránh tạo ra cảm giác đau đớn hoặc căng thẳng quá mức trong quá trình thực hiện.
Bài tập gập đầu gối và ngực
Bài tập gập đầu gối và ngực

3.8.2. Kéo giãn lưng

Việc thực hiện các động tác kéo dãn lưng có thể giúp giảm căng cơ lưng do hoạt động hàng ngày và tăng khả năng vận động cho vùng cột sống. [15]

Hướng dẫn thực hiện

  • Bước 1: Bạn nằm sấp trên mặt đất, đặt hai tay dưới vai và khuỷu tay ôm sát vào cơ thể.
  • Bước 2: Khi hít vào, bạn hãy ấn vào lòng bàn tay và từ từ duỗi hai vai ra phía sau khi nâng đầu và ngực lên. Bạn nên giữ khuỷu tay hơi cong và cằm luôn hướng lên trên.
  • Bước 3: Bạn cố gắng siết chặt các cơ bụng, lưng và đùi và giữ vị trí này trong 30 giây. Sau đó, bạn từ từ hạ xuống và lặp lại động tác tương tự.

Lưu ý:

  • Khi thực hiện vật lý trị liệu đau thần kinh tọa, bạn nên tránh ép cơ thể vào những tư thế phức tạp vì sẽ gây đau nhức trong tập luyện.
  • Khi đẩy vai ra sau, hãy đẩy với tốc độ từ từ và tránh nảy lên, vì điều này có thể làm căng cơ.
Bài tập kéo giãn lưng
Bài tập kéo giãn lưng

3.8.3. Tư thế chim bồ câu hướng về phía trước

Tư thế chim bồ câu là một bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa giúp mở hông, giảm đau lưng, tăng tính linh hoạt và kéo căng cơ. [16]

Hướng dẫn thực hiện

  • Bước 1: Để thực hiện động tác này, bạn bắt đầu từ tư thế quỳ gối với hai tay, đầu gối và bàn chân tiếp xúc với mặt sàn.
  • Bước 2: Bạn nâng bàn chân phải lên phía trước và đặt ngay trước đầu gối của chân trái, sau đó duỗi chân trái ra phía sau.
  • Bước 3: Bạn nâng cơ thể lên bằng cách chuyển trọng lượng từ tay sang chân, hít một hơi thật sâu và nghiêng người về phía sau. Bạn có thể sử dụng tay để nâng cơ thể lên cao hơn.
  • Bước 4: Bạn nhẹ nhàng hạ mông phải xuống thảm nhưng đảm bảo giữ trọng lượng phân bố đều giữa cả hai hông. Nếu bạn gặp khó khăn khi tập bài tập này, bạn hãy đặt một chiếc khăn gấp bên dưới mông phải để hỗ trợ cơ thể.

Lưu ý:

  • Khi tập bài tập này, bạn nên lưu ý đến cảm giác căng và co bóp trong các cơ để đảm bảo không kéo căng quá mức và không gây ra đau hay tổn thương khác.
Bài tập tư thế chim bồ câu hướng về phía trước
Bài tập tư thế chim bồ câu hướng về phía trước

3.8.4. Tư thế chim bồ câu ngồi hỗ trợ kéo giãn cột sống

Đây là một biến thể khác của tư thế chim bồ câu cổ điển giúp giảm căng thẳng cho các khớp, duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của cơ bắp và dây chằng.  [17]

Hướng dẫn cách thực hiện:

  • Bước 1: Bạn ngồi về phía mép ghế, ngồi thẳng lưng và đặt chân vuông góc với mặt sàn, cách nhau một khoảng bằng chiều rộng của hông.
  • Bước 2: Bạn đặt chân phải bắt chéo qua chân trái, đồng thời đặt khuỷu tay trái vào bên ngoài đầu gối phải.
  • Bước 3: Bạn nhẹ nhàng xoay người sang một bên cho đến khi bạn cảm nhận được căng ở phần cột sống, giữ trong 10 giây và lặp lại ở phía đối diện, mỗi bên 3 – 5 lần.

Lưu ý: Bạn cũng có thể thực hiện bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa này khi ngồi trên thảm với hai chân duỗi về phía trước và thực hiện các động tác tương tự như khi ngồi.

Bài tập tư thế chim bồ câu ngồi hỗ trợ kéo giãn cột sống
Bài tập tư thế chim bồ câu ngồi hỗ trợ kéo giãn cột sống

3.8.5. Tư thế đứng duỗi cơ gân kheo

Thực hiện bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa – đứng duỗi cơ gân kheo có thể tăng cường sự linh hoạt và di động của cơ bắp và gân kheo, giúp giảm bớt cảm giác cứng nhắc và hạn chế chuyển động.[18]

Hướng dẫn thực hiện:

  • Bước 1: Bạn duỗi một chân ra bằng cách đặt gót chân lên một bề mặt cao như cầu thang hoặc ghế, đảm bảo ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của hông.
  • Bước 2: Bạn giữ cho cột sống thẳng, duỗi thẳng một chân từ từ về phía trước cho đến khi căng hết mức. Chân còn lại không cần phải duỗi thẳng, chỉ cần uốn cong nhẹ ở đầu gối.
  • Bước 3: Bạn cần giữ tư thế này trong khoảng 10 đến 30 giây, lặp lại 3 lần cho mỗi bên chân.

Lưu ý: Bạn nên đảm bảo duy trì tư thế đúng và không bị nghiêng hoặc uốn lưng quá mức, hãy giữ cho cột sống thẳng trong suốt quá trình tập để cơ và gân kheo được duỗi một cách hiệu quả nhất.

Bài tập tư thế đứng duỗi cơ gân kheo
Tư thế đứng duỗi cơ gân kheo

3.8.6. Xoay chậu ra phía sau

Bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa này giúp điều chỉnh sự mất cân bằng cơ ở xương chậu và tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ vùng này. [19]

Hướng dẫn thực hiện:

  • Bước 1: Bạn nằm xuống sàn, cong hai đầu gối và đặt bàn chân phẳng trên sàn, rộng bằng hông. Sau đó, bạn đưa cánh tay xuống hai bên cơ thể, lòng bàn tay hướng xuống.
  • Bước 2: Bạn siết chặt cơ bụng và hóp bụng, dùng cánh tay để hỗ trợ đẩy và nâng hông về phía trần nhà và siết chặt cơ mông. Sau đó, bạn vận động các cơ cốt lõi để phần cột sống của bạn ấn xuống sàn. 
  • Bước 3: Sau khi thả lỏng và trở về tư thế ban đầu, bạn tiếp tục lặp lại động tác khoảng 3 lần và tăng dần tùy theo khả năng của mình.

Lưu ý: Bạn nên bắt đầu với mức độ căng nhẹ và dần dần tăng cường khi cơ thể bạn cảm thấy thoải mái. Bạn không nên vận động quá mức vì điều này có thể gây chấn thương.

Bài tập xoay chậu ra phía sau
Bài tập xoay chậu ra phía sau

3.8.7. Ép 2 gối vào ngực 

Động tác ép căng đầu gối lên ngực là một bài tập giãn cơ đơn giản giúp nới lỏng các cơ bị căng ở vùng hông và lưng dưới.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Bước 1: Bạn bắt đầu với tư thế nằm ngửa, đầu gối cong và bàn chân đặt phẳng trên sàn.
  • Bước 2: Bạn nhẹ nhàng nâng một đầu gối cong lên phía ngực trước sau đó nâng chân còn lại rồi đan các ngón tay của bạn ngay dưới đầu gối.
  • Bước 3: Trong khi kéo, bạn hãy cố gắng thư giãn chân, xương chậu và lưng dưới nhiều nhất có thể. Bạn giữ động tác trong vài giây và đưa chân trở về vị trí ban đầu, tiếp tục thực hiện động tác khoảng 10 -15 lần.

Lưu ý: Trong quá trình thực hiện bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa – ép 2 gối vào ngực, bạn không nên nâng hai chân cùng một lúc vì điều này đòi hỏi phải huy động rất nhiều sức mạnh ở bụng. Bạn nên bắt đầu với một chân rồi tiếp tục với chân kia có thể sẽ an toàn hơn, đặc biệt là đối với những người có vùng lưng dễ bị tổn thương.

Bài tập ép 2 gối vào ngực
Bài tập ép hai đầu gối vào ngực

3.8.8. Nằm chống khuỷu

Bài tập nằm sấp chống khuỷu tay rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng đau lưng dưới.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Bước 1: Để thực hiện bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa này, bạn nằm sấp và đặt khuỷu tay ngay dưới vai.
  • Bước 2: Bạn đẩy nhẹ người lên bằng khuỷu tay và giữ cho khuỷu tay vuông góc với vai.
  • Bước 3: Bạn cần giữ nguyên tư thế này trong khoảng 5 – 20 giây, sau đó trở lại với tư thế nằm sấp ban đầu.

Lưu ý:

  • Nếu bạn gặp các triệu chứng mới hoặc gia tăng cơn đau ở chân thì bạn nên dừng lại và hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Để giúp giảm bớt tình trạng căng quá mức các cơ phía dưới, bạn hãy xoay bàn chân vào trong và để cơ dưới thư giãn.
Bài tập nằm chống khuỷu
Bài tập nằm chống khuỷu

3.8.9. Kéo giãn nhóm cơ dựng sống và cơ lưng dưới

Động tác kéo giãn này tác động lên cơ bụng và lưng của bạn, góp phần giảm đau, giảm áp lực lên lưng dưới, đồng thời giảm căng cơ. [20]

Hướng dẫn thực hiện:

  • Bước 1: Bạn bắt đầu bài tập bằng việc quỳ xuống và ngồi lên đầu gối của mình.
  • Bước 2: Bạn nghiêng cơ thể về phía trước và giữ mông của bạn ở trên gót chân, sau đó ấn trán xuống sàn.
  • Bước 3: Bạn di chuyển cánh tay sao cho chúng nằm dọc theo cơ thể, với lòng bàn tay hướng lên. Tiếp theo, bạn hãy thực hiện việc hít vào và thở ra chậm và sâu, đảm bảo rằng mỗi hơi thở kéo dài ít nhất tám nhịp.

Lưu ý:

  • Nếu bạn đang bị chấn thương đầu gối thì nên tránh tập bài tập ở tư thế này.
  • Khi thực hiện vật lý trị liệu đau thần kinh tọa với bài tập kéo giãn nhóm cơ dựng sống và cơ lưng dưới, bạn nên duy trì nhịp thở đều đặn, tránh việc nín thở vì điều đó có thể khiến cơ bắp của bạn căng thẳng.
Bài tập kéo giãn nhóm cơ dựng sống và cơ lưng dưới
Bài tập kéo giãn nhóm cơ dựng sống và cơ lưng dưới

3.9 Sử dụng máy kéo giãn giảm áp cột sống DTS

Cơ chế hoạt động của phương pháp giải nén cột sống DTS (Decompression Traction System) như sau: Bàn kéo hoặc máy nhẹ nhàng kéo dãn cột sống và tạo ra một áp lực âm trong đĩa đệm. Điều này giúp giảm áp lực trên dây thần kinh bị nén và tình trạng thoát vị đĩa đệm cùng các vấn đề khác liên quan đến cột sống. [21]

Trong buổi trị liệu DTS, bệnh nhân được cố định vào bàn điều trị hoặc máy bằng dây nịt hoặc đai. Sau đó, thiết bị sẽ áp dụng lực kéo nhẹ nhàng và có kiểm soát lên cột sống, lực kéo này được tùy chỉnh cho phù hợp với tình trạng và triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân.

Phương pháp vật lý trị liệu đau thần kinh tọa này có thể được thực hiện bằng tay ở giai đoạn cấp (24 – 48 giờ đầu) hoặc bằng máy trong giai đoạn bán cấp (sau 48 giờ) và mãn tính. Quá trình điều trị có thể kéo dài 15 – 20 phút cho mỗi lần và áp dụng 1 – 2 lần/ngày.

Liệu pháp DTS thường được coi là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, nó có thể không phù hợp với những người bị loãng xương nặng, gãy xương cột sống hoặc có khối u cột sống. [22]

Phương pháp sử dụng máy kéo giãn giảm áp cột sống DTS
Phương pháp sử dụng máy kéo giãn giảm áp cột sống DTS

Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn 22 bài tập phục hồi chức năng tiền đình đơn giản tại nhà

4. 7 Lưu ý khi thực hiện vật lý trị liệu đau thần kinh tọa

1 – Nên thăm khám bác sĩ trước khi thực hiện điều trị đau thần kinh tọa

Nên thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và chọn phương pháp trị liệu phù hợp. Để quá trình tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa có thể diễn ra hiệu quả và an toàn, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, kiên nhẫn luyện tập và hạn chế vận động quá mạnh hoặc đột ngột để tránh gây chấn thương.

Bệnh nhân nên đi thăm khám bác sĩ trước khi thực hiện điều trị đau thần kinh tọa
Bệnh nhân nên đi thăm khám bác sĩ để xác định đúng tình trạng bệnh và các phương pháp trị liệu phù hợp.

2 – Có thể kết hợp điều trị thần kinh cột sống – Chiropractic để tăng hiệu quả

Vật lý trị liệu đau thần kinh tọa tập trung vào việc tăng cường và ổn định cơ thể, trong khi chăm sóc chỉnh hình giúp giảm đau bằng cách điều chỉnh cột sống. Sự kết hợp của hai phương pháp này không chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn mà còn giúp giảm hoặc loại bỏ cơn đau, mang lại cho bạn chất lượng cuộc sống tốt hơn. [23]

Ký thuật viên tại Myrehab Matsuoka đang thực hiện liệu pháp Chiropractic cho bệnh nhân bị đau thần kinh tọa.
Ký thuật viên tại Myrehab Matsuoka đang thực hiện liệu pháp Chiropractic cho bệnh nhân bị đau thần kinh tọa.

3 – Tập thể dục phù hợp với tình trạng bệnh

Đau thần kinh tọa có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên không phải chương trình tập luyện nào cũng có tác dụng với tất cả mọi người. Do đó, khi điều trị, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp bạn lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa, bao gồm các bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa và động tác giãn cơ phù hợp nhất với tình trạng của bạn. Họ cũng sẽ hướng dẫn bạn thực hiện đúng cách. [24]

Người bệnh đau thần kinh tọa nên tránh vận động mạnh như xoay người đột ngột, chạy nhảy, cúi gập người,… để tránh gây ra những cơn đau nhức không mong muốn.

4 – Lựa chọn bài tập, thời gian và cường độ tập phù hợp

Tập thể dục ở bệnh nhân đau thần kinh tọa có thể bắt đầu bằng các động tác giãn cơ nhẹ nhàng, đi bộ hoặc các bài tập đơn giản khác và được thực hiện trong một thời gian ngắn. Khi cảm thấy thoải mái hơn, thời gian tập luyện vật lý trị liệu đau thần kinh tọa có thể tăng lên từng chút một. [25]

5 – Điều chỉnh tư thế sinh hoạt đúng cách

Tư thế tốt tạo ra sự cân bằng và giảm bớt căng thẳng trong cơ thể. Đau thần kinh tọa có thể xảy ra khi sử dụng sai tư thế trong một thời gian dài. Vì thế, việc duy trì một tư thế tốt có thể giúp ngăn ngừa kích thích dây thần kinh tọa, giảm căng cơ và cải thiện chức năng của phần thân dưới.

Nghỉ ngơi tuyệt đối trong trường hợp nặng, nên nằm giường cứng, tránh nằm võng hay ngồi ghế xích đu. Tránh vận động mạnh như xoay người đột ngột, chạy nhảy, cúi gập người…

Tư thế nằm

Để điều chỉnh tư thế ngủ đúng, bạn nên lưu ý:

  • Người bệnh có tình trạng đau thần kinh tọa nặng nên nằm nghỉ ngơi trên giường cứng, tránh nằm võng hay ngồi ghế xích đu để ổn định hệ thần kinh và xương khớp.
  • Tư thế nằm tốt nhất là nằm nghiêng với đầu gối hơi cong, bạn có thể thêm một chiếc gối giữa hai đầu gối để tư thế này trở nên thoải mái hơn.
  • Nếu nằm ngửa, bạn có thể đặt một chiếc gối dưới đầu gối để giữ lưng và giảm áp lực lên lưng dưới.
  • Nếu bạn quen nằm sấp khi ngủ, hãy kê một chiếc gối nhỏ dưới đầu và một chiếc gối lớn hơn dưới bụng để giảm thiểu tình trạng cong lưng. [26]
Tư thế nằm nghiêng đúng và sai
Tư thế nằm nghiêng đúng

Tư thế đứng

Bên cạnh những lưu ý về vật lý trị liệu đau thần kinh tọa, khi đứng, bạn nên phân bổ trọng lượng đồng đều giữa cả hai chân với khoảng cách rộng bằng hông. Ngoài ra, bạn nên tránh tư thế đứng chân thấp hơn, chân cao hơn, lưng cong và đầu nghiêng về phía trước vì việc uốn cong thắt lưng có thể làm căng và làm nặng thêm tình trạng dây thần kinh tọa vốn đã dễ bị kích thích.[26]

Tư thế đứng đúng và sai
Để đứng đúng, bạn cần giữ cho lưng thẳng với hai chân rộng bằng hông và không chùng xuống

Tư thế ngồi

Tư thế ngồi khiến cột sống uốn cong về phía trước một chút so với tư thế đứng. Theo thời gian, tư thế gập người về phía trước này có thể tạo tải trọng lên các đĩa đệm cột sống phía dưới, gây thoát vị. Vì thế, để giảm thiểu căng thẳng cho dây thần kinh tọa khi ngồi, đan xem với các bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa, chúng ta cần lưu ý:

  • Đặt bàn chân phẳng trên sàn, nên ngồi thẳng, vai ngửa ra sau và xương bả vai hướng xuống. 
  • Không nên bắt chéo chân.
  • Giữ hông và đầu gối cong một góc 90 độ.
Tư thế ngồi đúng và sai
Tư thế ngồi đúng là khi bạn giữ lưng thẳng, vai thư giãn và đảm bảo đôi chân được đặt chắc chắn xuống mặt đất với góc độ của đầu gối và hông là 90 độ

Tư thế khi nâng đồ

Khi nâng một vật lên khỏi mặt đất, bạn nên ngồi xổm xuống phía trước vật đó bằng cách uốn cong đầu gối và không cong lưng. Sau khi nâng vật lên, bạn nên giữ sát ngực đồng thời duỗi thẳng đầu gối để đứng lên. Quan trọng nhất là bạn nên hít vào và thở ra đều đặn trong khi làm việc với cơ bụng. Kỹ thuật nâng đúng cách có thể giúp ngăn ngừa chấn thương cho cơ, khớp và đĩa đệm.

Tư thế đúng khi nâng vật nặng
Khi nâng một đồ vật lên, bạn ngồi xổm xuống phía trước vật đó bằng cách uốn cong đầu gối, đồng thời giữ lưng thẳng với nhịp thở đều đặn

6 – Giữ ấm cơ thể khi mùa đông đến

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lạnh có thể khiến cho đầu mút dây thần kinh ở khớp trở nên nhạy cảm, làm tăng cảm giác đau hơn. Do đó, mặc ấm là điều quan trọng để giữ cho cơ thể không bị lạnh, đặc biệt tại vị trí của các khớp. Hãy đảm bảo mặc đủ lớp áo và sử dụng phụ kiện như găng tay, khăn đeo cổ để bảo vệ các khớp khỏi tác động của thời tiết lạnh.

7 – Có thể sử dụng lá lốt để hỗ trợ giảm đau thần kinh tọa

Theo y học hiện đại, lá lốt chứa những hợp chất hóa học có khả năng chống viêm và kháng khuẩn. Do đó, lá lốt có thể giúp cải thiện và điều trị các vấn đề liên quan đến xương khớp, đặc biệt là đau thần kinh tọa.

Một số bài thuốc chữa bệnh đau thần kinh tọa khá phổ biến từ lá lốt với độ an toàn cao và chi phí thấp bao gồm:

  • Nước uống từ lá lốt.
  • Rượu ngâm từ lá lốt.
  • Đắp lá lốt.
  • Ngâm chân từ lá lốt.
  • Chế biến các món ăn từ lá lốt: Chả lá lốt, thịt bò xào lá lốt, lá lốt rán trứng, bò nướng lá lốt,…
Lá lốt ngâm rượu giúp giảm triệu chứng đau thần kinh tọa
Lá lốt ngâm rượu có tác dụng làm dịu cảm giác đau và giảm viêm, giúp giảm triệu chứng của đau thần kinh tọa

Tổng kết

Vật lý trị liệu đau thần kinh tọa là một giải pháp điều trị không xâm lấn giúp người bệnh kiểm soát và giải quyết các triệu chứng của bệnh. Để đạt được kết quả tối ưu trong việc phục hồi chức năng và điều trị đau dây thần kinh tọa, người bệnh nên tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ và tái khám khi cần thiết.

Việc can thiệp và điều trị sớm sẽ giúp bạn hạn chế được nguy cơ mắc các biến chứng liên quan. Vì thế, ngay khi nhận thấy mình có những dấu hiệu liên quan đến đau thần kinh tọa hoặc các bệnh lý cơ xương khớp khác, bạn hãy đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé!

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 23/05/2024Ngày cập nhật: 07/07/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo