Trong quá trình phục hồi chức năng nói sau tai biến, bệnh nhân và người nhà thường thắc mắc về những vấn đề sau đây:
Câu 1: Khi nào nên tập phục hồi chức năng nói để đạt hiệu quả cao nhất?
Đối với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, các hình thức phục hồi chức năng đạt hiệu quả tốt nhất khi bệnh nhân qua giai đoạn cấp, sau 24 giờ đầu. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được tập cách diễn đạt những mong muốn đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày, ví dụ như muốn ăn gì, đang khó chịu ở đâu.
Câu 2: Chứng khó nói sau tai biến có ảnh hưởng gì đến sự minh mẫn của người bệnh không?
Thông thường, người bị đột quỵ và dẫn đến di chứng khó nói thường vẫn minh mẫn, có thể hiểu được chính xác những điều muốn biểu đạt nhưng không thể diễn đạt chính xác theo mong muốn.
Câu 3: Mất bao lâu để phục hồi chức năng nói sau đột quỵ?
Thông thường, 6 tháng đầu tiên là thời gian quan trọng nhất của việc phục hồi chức năng sau đột quỵ. Người bệnh có thể đạt được tiến bộ sau vài tuần tập luyện đầu tiên và sau đó tình trạng có thể dần được cải thiện ổn định hơn.
Sau 6 tháng đầu, người bệnh vẫn có cơ hội phục hồi. Thời gian hồi phục của mỗi người bệnh còn phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí đột quỵ, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác, bệnh lý đi kèm,…
Câu 4: Có phải tất cả bệnh nhân đều có thể hồi phục chức năng ngôn ngữ sau tai biến?
Việc thực hiện phục hồi chức năng nói sau tai biến không có tác dụng đối với tất cả bệnh nhân, có đến 21% đến 40% bệnh nhân không thể khôi phục chức năng ngôn ngữ. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân chỉ có thể hồi phục đến một mức độ nhất định chứ không thể trở về như bình thường. Hiệu quả của quá trình phục hồi chức năng còn phụ thuộc vào tình trạng đột quỵ và nỗ lực của bệnh nhân trong quá trình tập luyện.