Khám phá các bệnh lý liên quan đến cấu trúc bàn chân, từ bàn chân bẹt đến bàn chân vòm cao, viêm cân gan bàn chân (plantar fascia) cho đến bunions và hội chứng ống cổ chân. Bài viết trình bày nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị dựa trên các nghiên cứu quốc tế.
1. Giới thiệu về cấu trúc bàn chân
Bàn chân là bộ phận vô cùng phức tạp với sự kết hợp hài hòa của các xương, cơ, dây chằng và mô mềm. Vòm chân, được tạo thành từ cấu trúc xương cổ chân (tarsal) và bàn ngón chân (metatarsal), giúp phân tán trọng lực khi di chuyển và hấp thụ sốc. Sự ổn định của bàn chân phụ thuộc vào hình thái và chức năng của các thành phần này. Khi cấu trúc bàn chân bị thay đổi hoặc tổn thương, các bệnh lý liên quan có thể phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và gây đau đớn cho người bệnh.
2. Các bệnh lý liên quan đến cấu trúc bàn chân
2.1. Bàn chân bẹt (Flat feet)
Bàn chân bẹt là tình trạng mất đi độ cong tự nhiên của vòm chân, khiến phần giữa của bàn chân tiếp xúc trực tiếp với mặt đất khi đứng. Nguyên nhân có thể do di truyền, phát triển xương không đầy đủ hoặc sự suy yếu của các cơ hỗ trợ như cơ chày sau (tibialis posterior). Tình trạng này có thể dẫn đến đau nhức, mỏi chân và ảnh hưởng tiêu cực đến dáng đi cũng như khả năng vận động.
Hình ảnh bàn chân bẹt trong thực tế. Nguồn: Internet
2.2. Bàn chân vòm cao (Cavus Foot)
Bàn chân vòm cao là tình trạng vòm bàn chân cong quá mức, khiến trọng lượng cơ thể dồn không đều lên bàn chân. Không giống như bàn chân bình thường, nơi lực phân bố đều lên toàn bộ lòng bàn chân, người có bàn chân vòm cao thường chịu áp lực quá mức lên gót chân và vùng đầu xương bàn chân, dẫn đến đau và khó chịu khi đi lại.
Nguyên nhân của bàn chân vòm cao có thể xuất phát từ bất thường bẩm sinh về cấu trúc xương hoặc các rối loạn thần kinh – cơ như bệnh Charcot-Marie-Tooth, bại não hoặc đột quỵ, gây mất cân bằng kiểm soát cơ bắp
HÌnh ảnh bàn chân thường, bàn chân vòm cao và bàn chân bẹt
2.3. Viêm cân gan bàn chân (Plantar Fasciitis)
Viêm cân gan chân (plantar fasciitis) là bệnh lý phổ biến khi cân gan chân – tức dải mô liên kết dưới bàn chân – bị viêm, gây ra cơn đau dữ dội ở vùng gót chân, đặc biệt vào buổi sáng hoặc sau thời gian dài nghỉ ngơi. Nguyên nhân có thể bao gồm việc sử dụng giày dép không phù hợp, tăng áp lực lên bàn chân do hoạt động thể chất hoặc các chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại. Tình trạng căng cân gan chân kéo dài sẽ dẫn đến sự tiến triển thành bệnh gai gót chân.
Tình trạng viêm cân gan chân. Nguồn: Internet
2.4. Biến dạng khớp bàn ngón chân cái (Bunions)
Biến dạng khớp ngón chân cái – Bunions hay còn gọi là dị dạng ngón cái (hallux valgus) là tình trạng lệch vị trí của ngón cái khi bị đẩy sang ngoài, tạo thành một khối xương ở cạnh trong bàn chân. Tình trạng này thường liên quan đến yếu tố di truyền, thói quen sử dụng giày dép không phù hợp và cách đi lại không đúng kỹ thuật. Biến dạng khớp ngón chân cái có thể gây đau, khó khăn trong việc di chuyển và làm thay đổi hình dáng tự nhiên của bàn chân.
Tình trạng dị dạng ngón cái. Nguồn: Internet
2.5. Hội chứng ống cổ chân (Tarsal Tunnel Syndrome)
Hội chứng ống cổ chân xảy ra khi dây thần kinh tại vùng ống cổ chân – khu vực bên trong mắt cá chân bị chèn ép do các dị dạng hình học hoặc các tổn thương từ chấn thương. Triệu chứng bao gồm đau, tê và cảm giác ngứa ran dọc theo chân. Nguyên nhân của hội chứng này có thể do sự thay đổi cấu trúc bàn chân, chấn thương hoặc do mất cân bằng cơ bắp.
Hội chứng ống cổ chân. Nguồn: Internet
3. Nguyên nhân khởi phát các bệnh lý bàn chân
Các bệnh lý liên quan đến cấu trúc bàn chân thường phát sinh do sự kết hợp của nhiều yếu tố:
- Di truyền và cấu trúc xương:
Một số người sinh ra có cấu trúc bàn chân bất thường khiến cho vòm chân không phát triển đúng cách. Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng khi có người thân trong gia đình mắc các bệnh lý bàn chân. - Yếu tố cơ học và chức năng của cơ:
Sự mất cân bằng giữa các cơ hỗ trợ, đặc biệt là cơ chày sau (tibialis posterior), dẫn đến việc không duy trì được vòm chân tự nhiên. Điều này có thể do thiếu tập luyện hoặc chấn thương mạn tính. - Ảnh hưởng của môi trường và giày dép:
Sử dụng giày dép không phù hợp, thiếu đệm hoặc không hỗ trợ đúng mức có thể làm tăng áp lực lên cấu trúc bàn chân, góp phần vào sự phát triển của các bệnh như viêm cân gan chân và bunions. - Chấn thương và tác động cơ học:
Những chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại trong quá trình vận động có thể gây tổn thương cho các mô liên kết và xương, dẫn đến sự thay đổi hình dáng của bàn chân, như trường hợp bàn chân bẹt hoặc bàn chân lõm. - Yếu tố lão hóa:
Quá trình thoái hóa theo tuổi tác làm giảm tính đàn hồi của mô liên kết, ảnh hưởng đến khả năng duy trì vòm chân, đặc biệt ở người cao tuổi.
4. Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán
Bàn chân có thể gặp nhiều vấn đề khác nhau, từ mất vòm, vòm quá cao, viêm cân gan chân, chèn ép thần kinh cho đến biến dạng ngón chân cái. Mỗi tình trạng đều có những dấu hiệu nhận biết riêng và cần các phương pháp chẩn đoán phù hợp để đánh giá mức độ ảnh hưởng.
4.1. Bàn chân bẹt (Pes Planus)
Khám lâm sàng:
Khi quan sát bàn chân, có thể thấy vòm bàn chân bị xẹp khi đứng, nhưng nếu nhón gót mà vòm chân xuất hiện trở lại thì thường là bàn chân bẹt linh động. Một dấu hiệu khác là “Too Many Toes” – khi nhìn từ phía sau, có thể thấy nhiều ngón chân hơn bình thường do bàn chân bị xoay ngoài.
Các bài test vận động có thể giúp đánh giá chức năng của bàn chân bao gồm:
Windlass test (Jack’s test) – nâng ngón chân cái để xem bàn chân có tạo được vòm không. Nếu không, có thể vòm đã mất hoàn toàn.
Kiểm tra nhón gót một chân: nếu không thể nhón gót hoặc khó tạo lại vòm, có thể gân chày sau đang gặp vấn đề.
Triệu chứng thường gặp của bàn chân bẹt gồm đau dọc theo mặt trong bàn chân, nhất là dọc theo đường đi của gân chày sau, cảm giác mỏi, đau cổ chân khi đi bộ lâu hoặc đứng lâu.
Ngoài ra, các bác sĩ phục hồi chức năng có thể chỉ định thực hiện một số kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh như:
- X-quang: Giúp đánh giá mức độ sụp vòm bàn chân.
- Cộng hưởng từ MRI: Nếu nghi ngờ tổn thương gân chày sau, có thể cần kiểm tra bằng MRI.
- Máy đo cấu trúc bàn chân DIERS: Đánh giá áp lực dồn lên bàn chân khi đứng, đi bộ và mức độ mất cân bằng giữa hai chân.
4.2. Bàn chân vòm cao (Pes Cavus)
Khám lâm sàng:
Ngược lại với bàn chân bẹt, bàn chân vòm cao có vòm bàn chân cong quá mức ngay cả khi chịu lực. Thường đi kèm với biến dạng ngón chân như Claw toes (ngón chân quặp) hoặc Hammer toes (ngón chân búa). Vì áp lực dồn nhiều lên đầu ngón chân, có thể xuất hiện mô chai ở dưới đầu xương đốt bàn.
Test vận động:
Một bài test quan trọng là Coleman Block test – nếu đặt gót chân lên một miếng gỗ mà vòm chân vẫn cao, có thể bàn chân vòm cao là do bệnh lý thần kinh.
Triệu chứng thường gặp:
- Đau gót chân và đầu xương đốt bàn do áp lực không được phân bố đều.
- Cảm giác mất ổn định khi đi lại, dễ bị trật khớp cổ chân.
Cận lâm sàng:
- X-quang: Kiểm tra độ cong bất thường của vòm bàn chân.
- EMG (điện cơ đồ): Đánh giá nguyên nhân thần kinh, đặc biệt trong các bệnh như Charcot-Marie-Tooth.
- Máy đo cấu trúc bàn chân DIERS: Xác định vùng chịu tải nhiều nhất và đánh giá nguy cơ tổn thương do phân bố áp lực không đều.
4.3. Viêm cân gan chân (Plantar Fasciitis)
Khám lâm sàng:
Viêm cân gan chân thường gây đau ở gót chân, đặc biệt khi ấn vào vùng dưới gót hoặc khi kéo căng gân Achilles. Khi nhìn kỹ, có thể thấy sưng nhẹ quanh vùng gót chân.
Test vận động:
- Windlass test: Khi kéo căng ngón cái, nếu bệnh nhân cảm thấy đau ở gót, có thể liên quan đến viêm cân gan chân.
- Heel Compression Test: Đau khi ấn vào mặt trong gót chân.
Triệu chứng đặc trưng:
- Đau nhói vào buổi sáng khi bước chân đầu tiên.
- Đau tăng lên khi đi bộ lâu hoặc chạy bộ.
Cận lâm sàng:
- X-quang: Có thể thấy gai xương gót, nhưng không phải lúc nào cũng gây đau.
- Siêu âm: Quan sát độ dày của cân gan chân (trên 4mm có thể là dấu hiệu viêm).
- Máy đo cấu trúc bàn chân DIERS: Đánh giá phân bố áp lực trên lòng bàn chân khi đi và đứng, giúp phát hiện vùng chịu áp lực quá mức và hỗ trợ thiết kế miếng đệm chỉnh hình phù hợp.
4.4. Hội chứng ống cổ chân (Tarsal Tunnel Syndrome)
Khám lâm sàng:
Tình trạng chèn ép thần kinh chày sau có thể gây sưng nhẹ ở mặt trong cổ chân. Một số trường hợp có vết sẹo hoặc dấu hiệu tổn thương tại vị trí chèn ép.
Test vận động:
- Tinel’s sign: Gõ vào vùng sau mắt cá trong, nếu có cảm giác tê buốt lan xuống bàn chân, có thể nghi ngờ tổn thương thần kinh.
- Dorsiflexion-eversion test: Gập lưng bàn chân và xoay ngoài, nếu có cảm giác đau hoặc tê, khả năng cao là có hội chứng ống cổ chân.
Triệu chứng thường gặp:
- Tê bì, châm chích hoặc đau rát lan từ cổ chân xuống bàn chân.
- Cảm giác yếu cơ, khó vận động ngón chân.
Cận lâm sàng:
- Siêu âm: Kiểm tra tình trạng chèn ép thần kinh hoặc viêm bao gân quanh ống cổ chân.
- EMG: Đánh giá mức độ tổn thương của thần kinh chày sau.
- Máy đo cấu trúc bàn chân DIERS: Xác định sự phân bố lực bất thường do chèn ép thần kinh và hỗ trợ điều chỉnh dụng cụ chỉnh hình nếu cần.
4.5. Biến dạng ngón chân cái (Hallux Valgus – Bunion)
Khám lâm sàng:
Biến dạng này khiến ngón chân cái lệch vào trong, còn xương đốt bàn 1 lại hướng ra ngoài, tạo thành bướu xương ngay khớp ngón cái. Da vùng này có thể đỏ và sưng. Trong nhiều trường hợp, bàn chân cũng xuất hiện các biến dạng khác như Hammertoes (ngón chân búa).
Test vận động:
- Test ấn ngón cái: Kiểm tra độ đau và khả năng cử động của khớp ngón cái.
- Test nhón gót: Đánh giá mức độ mất vững của bàn chân khi chịu tải.
Triệu chứng thường gặp:
- Đau và viêm tại khớp ngón cái, nhất là khi đi giày chật.
- Giảm khả năng gập duỗi ngón cái, ảnh hưởng đến dáng đi.
Cận lâm sàng:
- X-quang: Đo góc lệch của ngón cái (trên 15° có thể là Hallux Valgus).
- MRI: Nếu có viêm khớp đi kèm, cần kiểm tra mức độ tổn thương mô mềm.
- Máy đo cấu trúc bàn chân DIERS: Phân tích áp lực trên bàn chân, giúp xác định mức độ ảnh hưởng của biến dạng đến tư thế và dáng đi, đồng thời hỗ trợ thiết kế miếng đệm hoặc giày chỉnh hình phù hợp.
Thiết bị đo áp lực bàn chân DIERS pedoscan tại Trung tâm Myrehab Matsuoka. Nguồn: Internet
5. Phương pháp điều trị và quản lý bàn chân bẹt
5.1. Điều trị bảo tồn
Trong hầu hết các trường hợp, các phương pháp điều trị bảo tồn là bước đầu tiên được áp dụng:
- Sử dụng giày dép phù hợp: Chọn giày có đệm tốt và hỗ trợ vòm chân để giảm áp lực.
- Chèn đệm hỗ trợ (orthotics): Được thiết kế riêng nhằm hỗ trợ và cân bằng áp lực trên bàn chân.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập kéo giãn, tăng cường cơ và cải thiện thăng bằng giúp ổn định cấu trúc bàn chân.
- Sử dụng thuốc chống viêm: Giúp giảm sưng và đau, hỗ trợ quá trình điều trị bảo tồn.
Tập luyện cho bàn chân bẹt. Nguồn: Myrehab-Matsuoka
5.2. Can thiệp phẫu thuật cho người bị bàn chân bẹt
Trong trường hợp bệnh lý nặng hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn, can thiệp phẫu thuật cho người bệnh bị bàn chân bẹt có thể được xem xét. Một số phẫu thuật thường gặp bao gồm:
- Chỉnh hình xương: Tái tạo lại cấu trúc xương để phục hồi vòm chân tự nhiên.
- Cắt bỏ khối xương (bunions): Giảm đau và cải thiện hình dáng bàn chân.
- Giải phóng dây thần kinh: Trong trường hợp hội chứng ống cổ chân khi dây thần kinh bị chèn ép.
6. Phòng ngừa các bệnh lý liên quan cấu trúc bàn chân
- Để giữ cho bàn chân khỏe mạnh và hạn chế các vấn đề về cấu trúc, bạn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản. Trước hết, hãy chọn giày dép phù hợp – giày nên có đệm tốt, hỗ trợ vòm chân và không quá chật, hạn chế đi giày cao gót hoặc giày quá chật gây áp lực không đều lên bàn chân. Nếu bạn có bàn chân bẹt hoặc vòm cao, miếng lót chỉnh hình có thể giúp điều chỉnh áp lực lên chân.
- Vận động thường xuyên cũng rất quan trọng. Các bài tập như nhón gót, co ngón chân hay kéo căng gân Achilles giúp tăng cường cơ bàn chân và cổ chân. Tập các động tác thăng bằng, chẳng hạn như đứng một chân, sẽ giúp bạn di chuyển ổn định hơn. Tuy nhiên, nếu có vấn đề về bàn chân, hãy tránh các bài tập tác động mạnh như chạy trên nền cứng.
- Kiểm soát cân nặng cũng là một cách hữu hiệu để giảm áp lực lên bàn chân. Một chế độ ăn cân đối, giàu canxi, vitamin D và protein sẽ giúp xương và mô liên kết khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, uống đủ nước cũng giúp giữ độ đàn hồi của gân và dây chằng.
- Đừng quên kiểm tra bàn chân định kỳ, đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường, béo phì hoặc có vấn đề về thần kinh. Nếu nhận thấy đau, sưng hay bất kỳ thay đổi nào, hãy đi khám sớm để được tư vấn kịp thời. Chăm sóc bàn chân không khó, chỉ cần một chút quan tâm mỗi ngày, bạn sẽ tránh được nhiều rắc rối về sau.
Tại MYREHAB – MATSUOKA, chúng tôi sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu giúp giảm đau, chống viêm kết hợp cùng lộ trình vận động trị liệu tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm đem lại hiệu quả lâu dài, không gây ra tác dụng phụ, giúp khách hàng chủ động trong việc phòng ngừa biến chứng và các bệnh lý khác.
Để đặt lịch khám tại Myrehab Matsuoka, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE 1900 3181 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.