Lật sơ mi cổ chân có cần chụp X-quang không? Khi nào cần chụp cộng hưởng từ (MRI)?

Tác giả: Nguyễn ChiTham vấn y khoa: Th.s BSVũ Thị Hằng

Lật sơ mi cổ chân (bong gân cổ chân) là một trong những chấn thương thường gặp trong sinh hoạt và thể thao. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần tiến hành các chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang hay MRI (cộng hưởng từ).

1. Lật sơ mi cổ chân (Bong gân cổ chân) là?

Lật sơ mi hay còn gọi là bong gân cổ chân là tình trạng khớp cổ chân bị vặn xoắn hoặc bị kéo căng quá mức so với khả năng vận động bình thường của cổ chân, làm tổn thương các dây chằng và mô mềm xung quanh khớp cổ chân. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như đau, sưng, bầm tím, và đôi khi mất khả năng vận động bình thường. Nguyên nhân phổ biến bao gồm té ngã, bước hụt khi đi trên bề mặt không bằng phẳng hoặc khi tiếp đất không đúng cách trong các hoạt động thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá…

2. Khi nào lật sơ mi cổ chân cần chụp X-quang?

Không phải ai bị bong gân cổ chân cũng cần chụp X-quang. Chụp X-quang chủ yếu giúp phát hiện tổn thương về xương như gãy, nứt, di lệch hoặc mất tính liên tục của xương vùng cổ chân và cẳng chân. Tuy nhiên, X-quang không thể phát hiện tổn thương mô mềm như dây chằng hay gân. Việc quyết định có cần chụp X-quang hay không thường dựa vào các tiêu chí Ottawa Ankle Rules, được áp dụng rộng rãi trên thế giới, với độ chính xác và hiệu quả cao trong việc tránh lãng phí và giảm bớt nguy cơ tiếp xúc với tia X không cần thiết khi chụp.

hình ảnh x-quang cổ chân

Hình ảnh X-quang cổ chân. Nguồn: Internet 

3. Phân tích tiêu chí Ottawa Ankle Rules (Quy tắc mắt cá chân)

Ottawa Ankle Rules (OAR) là một công cụ sàng lọc được sử dụng rộng rãi để quyết định chỉ định X-quang cổ chân. Theo hướng dẫn này, chỉ định chụp X-quang được đặt ra nếu bệnh nhân có một trong những dấu hiệu sau:

  • Đau khi ấn vào vùng xương mắt cá trong (mắt cá trong hoặc khu vực cách đó khoảng 6 cm trở xuống).
  • Đau khi ấn vào vùng xương mắt cá ngoài (mắt cá ngoài hoặc khu vực cách đó khoảng 6 cm trở xuống).
  • Không thể chịu được trọng lượng cơ thể ngay sau chấn thương và tại thời điểm khám (không thể bước đi được 4 bước liên tiếp).

tiêu chí đánh giá có cần chụp x-quang cổ chân không

Minh họa về các vị trí của tiêu chí OAR. Nguồn: Internet

Nếu không xuất hiện các dấu hiệu trên, khả năng tổn thương xương thấp và thường không cần chụp X-quang.

4. Khi nào nên chụp cộng hưởng từ (MRI)?

Trong một số trường hợp, dù không có tổn thương xương nhưng nghi ngờ tổn thương dây chằng hoặc mô mềm sâu, MRI được chỉ định. MRI (cộng hưởng từ) có ưu điểm vượt trội khi đánh giá tổn thương mô mềm như dây chằng, gân, sụn khớp và cơ xung quanh vùng cổ chân. Phương pháp này có thể phát hiện chính xác mức độ tổn thương, phân biệt rõ tình trạng viêm, phù nề, rách dây chằng, đứt gân hoặc tụ dịch bên trong khớp. Các trường hợp cần cân nhắc MRI gồm:

  • Đau và sưng kéo dài trên 1 tuần, không giảm dù đã nghỉ ngơi và điều trị cơ bản.
  • Nghi ngờ đứt dây chằng cổ chân (như dây chằng chày-mác trước, dây chằng delta…), đặc biệt khi bác sĩ khám thấy cổ chân lỏng lẻo bất thường.
  • Người bệnh có dấu hiệu mất vững khớp, đi lại khó khăn kéo dài, tái phát nhiều lần sau chấn thương.
  • Cần loại trừ tổn thương sụn chêm, xương sụn dưới, hay thoái hóa khớp thứ phát sau nhiều lần lật cổ chân.

MRI cổ chân

Hình ảnh MRI cổ chân. Nguồn: Internet

MRI đặc biệt hữu ích với vận động viên, người chơi thể thao chuyên nghiệp, hoặc người có nhu cầu hồi phục chức năng toàn diện.

5. Vai trò quan trọng của bác sĩ phục hồi chức năng trong đánh giá lâm sàng

Trước khi quyết định thực hiện các chẩn đoán hình ảnh, việc thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng, bao gồm:

  • Kiểm tra tầm vận động khớp cổ chân
  • Kiểm tra sức cơ nhóm mác ngắn, mác dài, gấp – duỗi cổ chân
  • Kiểm tra cảm thụ bản thể (proprioception)
  • Làm các test đặc hiệu về độ vững của dây chằng như:
    • Anterior drawer test: phát hiện lỏng dây chằng sên mác trước (ATFL)

Anterior drawer test ankle

Anterior drawer test. Nguồn: Internet

  • Talar tilt test: kiểm tra tổn thương dây chằng mác gót (CFL)

test tổn thương khi lật sơ mi cổ chân

Talar tilt test. Nguồn: Internet

  • Squeeze test: kiểm tra gãy xương cẳng chân kín đáo

kiểm tra gãy xương cẳng chân kín

Squeeze test. Nguồn: Internet

Bác sĩ sẽ dựa vào khám lâm sàng để xác định mức độ nghiêm trọng của tổn thương, đồng thời tư vấn các phương pháp phục hồi chức năng như tập vật lý trị liệu, bài tập phục hồi sức mạnh và độ linh hoạt của cổ chân. Việc này không chỉ giúp tránh lãng phí mà còn hỗ trợ người bệnh hồi phục hiệu quả, nhanh chóng và bền vững hơn.

6. Lời khuyên từ chuyên gia khi bị lật sơ mi cổ chân

  • Khi bị lật sơ mi cổ chân, bạn nên dừng ngay các hoạt động thể thao, vận động vùng cổ chân. Thực hiện chườm đá, băng ép nhẹ nhàng để giảm sưng đau ban đầu.
  • Nếu đau và sưng nhiều, hạn chế vận động khớp cổ chân, hãy nhanh chóng đến khám bác sĩ.
  • Không tự ý quyết định đi chụp X-quang hay MRI khi chưa có chỉ định rõ ràng từ chuyên gia y tế.

Lời khuyên từ chuyên viên vật lý trị liệu:

  • Thực hiện các bài tập co duỗi cổ chân nhẹ nhàng, tránh tập quá mạnh hoặc gây đau nhiều.
  • Xoay cổ chân nhẹ nhàng, chậm rãi để tăng lưu thông máu và giảm cứng khớp.
  • Thường xuyên nâng cao chân khi nghỉ ngơi để hỗ trợ giảm sưng và phục hồi nhanh hơn.
  • Tránh các động tác làm căng quá mức cổ chân như nhón gót hay chạy nhảy cho đến khi hồi phục hoàn toàn.

trị liệu cổ chân

Hình ảnh khách hàng trị liệu tại trung tâm

Hiểu rõ khi nào cần thực hiện các xét nghiệm hình ảnh sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và sớm có phương án điều trị hiệu quả nhất.

Không phải ai bị lật cổ chân cũng cần chụp X-quang hay MRI. Việc chỉ định cần dựa vào tiêu chí lâm sàng rõ ràng như Ottawa Ankle Rules, kết hợp khám kỹ từ bác sĩ phục hồi chức năng. MRI chỉ cần thiết khi nghi ngờ tổn thương mô mềm sâu. Điều quan trọng không kém là phải điều trị và phục hồi chức năng đầy đủ, tránh biến chứng lỏng cổ chân kéo dài.

Nếu bạn bị lật cổ chân tái phát nhiều lần hoặc chưa được đánh giá đúng mức thì có thể liên hệ ngay đến Hotline 1900 3181 của Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka hoặc đặt lịch khám Tại đây

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 03/07/2025Ngày cập nhật: 03/07/2025

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.