Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Bàn chân khoèo (Talipes equinovarus) là một dị tật bẩm sinh phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu không được điều trị và phục hồi chức năng kịp, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại và cảm thấy tự ti khi lớn lên. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý tới quá trình phát triển ở chân của trẻ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường (chân cụp vào trong, không thể duỗi thẳng,…) và cho trẻ can thiệp phục hồi chức năng từ sớm.
Trong bài viết này, chuyên gia Myrehab Matsuoka sẽ cung cấp những thông tin quan trọng liên quan tới nguyên tắc, phương pháp và lưu ý trong vật lý trị liệu chân khoèo, giúp bố mẹ hiểu và đồng hành cùng con trên hành trình tìm lại đôi chân khỏe mạnh.
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng bàn chân khoèo
Theo tài liệu phục hồi chức năng bàn chân khoèo bẩm sinh của NXB Y Hà Nội [2], phục hồi chức năng vật lý trị liệu chân khoèo có 3 nguyên tắc điều trị/can thiệp sau:
- Thời điểm can thiệp: Bố mẹ nên bắt đầu quá trình phục hồi chức năng bàn chân khoèo cho trẻ càng sớm càng tốt. Thời điểm tốt nhất là ngay sau sinh.
- Phương pháp điều trị: Bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp phục hồi chức năng toàn diện bao gồm: bó bột chỉnh hình, nẹp chỉnh hình và bài tập kéo dãn.
- Lưu ý sau khi kết thúc bó bột: Trẻ nên được đưa đi tái khám thường quy 6 tháng/lần để đánh giá mức độ hiệu quả sau khi can thiệp điều trị.
2. 4 Phương pháp vật lý trị liệu chân khoèo
Hiện nay, vật lý trị liệu chân khoèo có 4 phương pháp bao gồm: Bó bột chỉnh hình theo phương pháp Ponseti, dùng băng chỉnh hình, dùng nẹp chỉnh hình, vận động trị liệu.
2.1 Bó bột chỉnh hình theo phương pháp Ponseti
Trong lĩnh vực điều trị vật lý trị liệu chân khoèo, phương pháp Ponseti được chứng minh là ưu việt hơn so với phẫu thuật. Hiệu quả mang lại đó là có thể điều chỉnh hoàn toàn biến dạng bàn chân khoèo trong tối đa 98% trường hợp. Đặc biệt, phương pháp này có tính an toàn cao hơn, hạn chế xâm lấn và gây đau đớn cho trẻ nhỏ. Vì vậy, Ponsetti là phương pháp “tiêu chuẩn vàng” được nhiều các bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu trên thế giới lựa chọn trong phục hồi chức năng bàn chân khoèo cho trẻ.[3]
Bó bột chỉnh hình theo phương pháp Ponseti tập trung vào việc điều chỉnh trục xương sên và kéo dãn các dây chằng xung quanh xương sên, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi của bệnh nhân. [4] Kỹ thuật bó bột Ponsetti được tiến hành qua 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Điều chỉnh bàn chân từ vị trí ngoài dần dần về trung tâm, thực hiện 4 lần bó (trong 2 tháng).
- Giai đoạn 2: Thu hẹp bàn chân về 0° trong khi duy trì độ nghiêng ở 0°, thực hiện 4 đợt tiếp theo (trong 2 tháng).
- Giai đoạn 3: Điều chỉnh bàn chân để nghiêng ra bên ngoài 5° và gập mu bàn chân ở góc 5°, thực hiện 2 đợt cuối (trong 1 tháng).
Sau giai đoạn bó bột chỉnh hình, trẻ sẽ được đeo nẹp Dennis-Brown để duy trì kết quả bó bột. Nẹp Dennis-Brown gồm 2 giày phù hợp với kích thước bàn chân trẻ và liên kết với nhau bằng một thanh nẹp để duy trì độ rộng bằng vai, xoay và nghiêng ra bên ngoài. Trẻ sẽ đeo nẹp trong khoảng 23 tiếng mỗi ngày cho đến khi trẻ có khả năng tự đi. Sau đó, trẻ sẽ tiếp tục đeo vào ban đêm cho đến khi đủ 36 tháng tuổi.
Chỉ định:
- Đối tượng áp dụng: Phương pháp Ponseti áp dụng cho trẻ có bàn chân khoèo bẩm sinh dưới 12 tháng tuổi với 2 trường hợp:
- Trẻ có bàn chân khoèo một bên hoặc cả hai bên
- Trẻ có bàn chân khoèo cùng với các biến chứng như cứng đa khớp, trật khớp háng,…
- Thời gian bó bột: 4 – 5 tháng (2 tuần/đợt x 8 – 10 đợt).
- Người thực hiện: Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
Chống chỉ định:
- Trẻ mắc bệnh thoát vị tủy lớn (có túi thoát vị).
- Trẻ mắc bệnh giòn xương bẩm sinh.
Lưu ý khi thực hiện vật lý trị liệu chân khoèo [2]:
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của sưng, tím, hoặc đau trong các ngón chân, bố mẹ cần thông báo với bác sĩ để tháo bột ngay lập tức để tránh nguy cơ hoại tử.
- Sau khi tháo bột, bác sĩ cần rửa sạch chân và bôi Betadin lên các vết xước, loét để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Trong trường hợp có nhiễm trùng da, bố mẹ cần cho sử dụng kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
- Bố mẹ nên hướng dẫn và động viên trẻ thực hiện các bài tập kéo dãn thụ động tại khớp cổ chân – bàn chân trong những khoảng thời gian không bó bột. Thời gian này sẽ bao gồm trước và sau khi tháo bột để duy trì sự linh hoạt và tính linh hoạt của các khớp.
2.2 Phương pháp dùng băng chỉnh hình
Phương pháp vật lý trị liệu chân khoèo dùng băng chỉnh hình sẽ dùng băng hoặc buộc dây nhằm kích thích các cơ xung quanh bàn chân và cố định bàn chân tạm thời bằng bằng dây buộc không co giãn.
Quá trình điều trị kéo dài liên tục hàng ngày trong khoảng hai tháng và sau đó giảm dần. Kết quả cải thiện sẽ xuất hiện trong vòng ba tháng đầu tiên, tuy nhiên, tốc độ hiệu quả thường chậm hơn so với phương pháp Ponseti. [3]
Phương pháp dùng băng hoặc buộc dây gồm 7 bước như sau:
- Bước 1: Đặt trẻ nằm ngửa và gập gối.
- Bước 2: Quấn một tấm vải đệm xung quanh bàn chân, gối và đùi của trẻ.
- Bước 3: Sử dụng băng dính để bọc quanh phần đệm lót từ mép bên ngoài của bàn chân, lên đến mu, qua lòng bàn chân và tiếp tục qua gối để sang phía bên kia.
- Bước 4: Sử dụng băng dính một lần nữa để quấn quanh cẳng chân, nhằm giữ chặt lớp băng dính trước đó.
- Bước 5: Mỗi 2 – 3 ngày, thêm một lớp băng dính mới lên trên lớp cũ và siết chặt hơn.
- Bước 6: Sau 7 ngày, tháo tất cả các lớp băng dính và đệm lót ra.
- Bước 7: Ngày thứ 8, tiến hành băng lại theo cách mô tả trên.
Chỉ định:
- Đối tượng áp dụng: Phương pháp vật lý trị liệu chân khoèo dùng băng chỉnh hình sẽ áp dụng cho trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh nhỏ hơn 6 tháng tuổi không có điều kiện bó bột chỉnh hình.
- Thời gian băng: Đến khi phục hồi hoàn toàn.
2.3 Phương pháp dùng nẹp chỉnh hình
Sau khi đã điều chỉnh bàn chân khoèo về vị trí chức năng bình thường thông qua thao tác chỉnh hình và bó bột, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng nẹp để cố định bàn chân và ngăn ngừa tái phát. Điều này đóng vai trò quyết định đối với tương lai của trẻ và việc không đeo nẹp đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng cho trẻ trong giai đoạn này.
Đặc điểm cơ bản của phương pháp vật lý trị liệu chân khoèo dùng nẹp chỉnh hình:
- Thanh nẹp có chiều dài từ gót giày của một bên đến gót giày của bên kia bằng chiều rộng của vai của trẻ.
- Giày được xoay ra ngoài 60 – 70 độ ở bên hoặc các bên bị ảnh hưởng.
- Trong trường hợp nẹp không thể điều chỉnh, bên chân không bị ảnh hưởng cũng có thể được đặt ở mức 60 – 70 độ vì bàn chân bình thường có thể xoay ra bên ngoài đến 70 độ một cách dễ dàng. Trường hợp nẹp có thể điều chỉnh được, bàn chân không bị ảnh hưởng phải được đặt ở góc xoay ngoài 40 độ.
- Giày được định vị để có thể gập lưng khoảng 10 độ và nên có miếng đệm gót để ngăn bàn chân trượt ra khỏi giày.
Chỉ định:
- Đối tượng áp dụng: Trẻ bàn chân khoèo sau bó bột chỉnh hình.
- Người thực hiện: Kỹ thuật viên phục hồi chức năng, dụng cụ chỉnh hình.
- Thời gian đeo nẹp: Cả ngày lẫn đêm, cứ 2 giờ tháo ra kiểm tra và tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng.
- Lưu ý: Bố mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra nẹp định kỳ 2 tháng/lần hoặc khi nẹp chật.
Có thể bạn quan tâm: Vật lý trị liệu chân vòng kiềng người lớn và những thông tin cần biết
2.4 Vận động trị liệu
Vận động trị liệu là phương pháp giúp tăng cường sức mạnh, tính linh hoạt và điều chỉnh vị trí thích hợp của bàn chân. Phương pháp này được áp dụng phổ biến trong phục hồi chức năng chân, kể tới như viêm cân gan chân hay vật lý trị liệu viêm cân gan bàn chân. Các bài tập vật lý trị liệu chân khoèo kết hợp cùng với nẹp và bó bột, thường được khuyến nghị như một phần của kế hoạch điều trị toàn diện cho trẻ có bàn chân khoèo.
Bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng kế hoạch tập luyện phù hợp mức độ nghiêm trọng và loại bàn chân khoèo của trẻ. Dưới đây là 3 bài tập được nhiều bác sĩ chỉ định cho để phục hồi chức năng bàn chân khoèo bẩm sinh.
2.4.1 Gập bàn chân
Thiết bị và dụng cụ hỗ trợ: Không.
Các bước thực hiện [6]:
- Sau khi đặt trẻ nằm ngửa, cha mẹ cần đặt một tay hoặc lòng bàn tay dưới gót chân trẻ, tay kia nhẹ nhàng nắm lấy bắp chân trẻ.
- Thực hiện uốn cong bàn chân bé lên từ từ cho đến khi bé bắt đầu phản kháng.
Thời gian tập vật lý trị liệu chân khoèo – gập bàn chân:
- 10 giây/lần.
- Lặp lại 10 lần.
Lưu ý [7]:
- Bố mẹ không nên tạo áp lực lên lòng bàn chân của trẻ vì điều đó sẽ khiến các ngón chân cong lại.
- Bố mẹ không nên chỉ duỗi các ngón chân vì sẽ làm phần bàn chân phía dưới cong hơn.
2.4.2 Xoay đầu gối
Các bước thực hiện:
- Bắt đầu bài tập bằng cách cho em bé nằm ngửa.
- Sau đó, bố mẹ cần nhẹ nhàng nắm lấy bàn chân trước bằng một tay trong khi tay kia giữ bắp chân.
- Nhẹ nhàng xoay bàn chân hướng ra ngoài một góc 90⁰ hoặc theo một góc mà trẻ có thể chịu đựng được hoặc đến khi thấy trẻ phản kháng.
Thời gian tập:
- 10 giây/lần.
- Lặp lại 10 lần.
Lưu ý:
- Việc thực hiện vật lý trị liệu chân khoèo bằng bài tập xoay đầu gối cần được hướng dẫn và giám sát bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế có kinh nghiệm trong điều trị bàn chân khoèo.
- Cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh gây áp lực quá mạnh có thể gây tổn thương thêm cho chân.
2.4.3 Di động mô mềm vùng cổ bàn cẳng chân
Các bước thực hiện [8]:
- Đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt phẳng mềm.
- Sử dụng ngón cái và ngón trỏ của bạn để nắm chặt phần trước của bàn chân của bé, sau đó nhẹ nhàng nâng chân của bé lên.
- Tiếp theo, bố mẹ dùng đầu ngón tay để massage nhẹ nhàng lên các nếp nhăn ở phía trước của bàn chân của bé.
Thời gian tập: Lặp lại động tác trong vòng 1 – 2 phút.
Lưu ý: Massage cần được thực hiện đều đặn hàng ngày để tăng cường hiệu quả và đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình điều trị bàn chân khoèo.
Video minh họa cách thực hiện bài tập vật lý trị liệu chân khoèo này:
3. Những lưu ý khi thực hành vật lý trị liệu chân khoèo
Vật lý trị liệu chân khoèo là một quá trình đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều yếu tố khác nhau. Vì thế, trong khi thực hiện vật lý trị liệu cho chân khoèo, bố mẹ cần lưu ý 4 điều sau đây để giúp trẻ có thể nhanh chóng cải thiện và ngăn ngừa được các biến chứng liên quan.
1 – Theo dõi và tái khám thường xuyên
Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám định kỳ và thực hiện việc đeo nẹp theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian dài. Ngoài ra, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ, bố mẹ nên đưa đến cơ sở y tế ngay để có can thiệp kịp thời và tăng cơ hội phục hồi cho trẻ. [9]
2 – Duy trì chế độ ăn uống hợp lý
Kết hợp cùng các bài tập vật lý trị liệu chân khoèo, chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị bàn chân khoèo đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển của trẻ. Dưới đây là một số điều cần lưu ý:
- Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng: Trẻ cần được cung cấp đủ lượng calo, protein, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ sự phát triển và tái tạo cơ bắp, xương và mô liên kết. Ngoài ra, để xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp và đáp ứng nhu cầu cụ thể của trẻ, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
- Chú ý đến cân nặng: Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để duy trì cân nặng ổn định và phát triển phù hợp với độ tuổi của trẻ.
- Uống đủ nước: Đảm bảo trẻ uống đủ nước hàng ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể và hỗ trợ quá trình phục hồi.
- Hạn chế thức ăn không lành mạnh: Hạn chế thức ăn có chứa đường, chất béo không lành mạnh để giảm nguy cơ tăng cân và các vấn đề sức khỏe liên quan.
3 – Kiên trì tập luyện thường xuyên ngay cả ở nhà
Sau một thời gian được hướng dẫn tập luyện bởi các chuyên gia vật lý trị liệu, phụ huynh có thể cho trẻ duy trì tập luyện thường xuyên ở nhà. Các bài tập vật lý trị liệu chân khoèo sẽ giúp cải thiện sức mạnh và linh hoạt của cơ bắp, khớp và dây chằng trong bàn chân, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và điều trị bàn chân khoèo.
4 – Kết hợp đồng bộ với phục hồi tâm lý
Trẻ em mắc bệnh bàn chân khoèo bẩm sinh nếu không được hỗ trợ phục hồi chức năng từ sớm có thể phải đối mặt với những vấn đề về tâm lý. Do đó, gia đình cần giải thích cho trẻ hiểu về tình trạng bệnh lý của mình, giúp trẻ có thể chấp nhận và vượt qua các mặc cả, tự ti. Ngoài ra, trường học cũng cần cung cấp thông tin cho các học sinh về bệnh tình của bạn để họ có thể thể hiện sự thông cảm và hỗ trợ.
Vật lý trị liệu chân khoèo đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và phục hồi chức năng của bệnh nhân. Vì thế, trẻ bị chân khoèo cần được phát hiện và can thiệp sớm bằng việc thực hiện tập vật lý trị liệu kịp thời để mang lại hiệu quả hồi phục cao.
Hy vọng bài chia sẻ tới từ chuyên gia phòng khám xương khớp Myrehab sẽ giúp bố mẹ có thêm góc nhìn về phục hồi chức năng bàn chân khoèo bẩm sinh. Bố mẹ nên lựa chọn trung tâm uy tín để quá trình phục hồi để việc điều trị chân khoèo đạt hiệu quả và an toàn, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh biến chứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội