Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Hội chứng tennis elbow là tình trạng viêm gân cánh tay do khuỷu tay thường xuyên phải chịu áp lực quá mức, thường không nguy hiểm nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng, gây khó khăn trong sinh hoạt và công việc. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những thông tin chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị hội chứng tennis elbow. Hãy cùng theo dõi nhé!
1. Hội chứng tennis elbow là gì?
Hội chứng Tennis Elbow (hay còn gọi là hội chứng viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay) là tình trạng phần gân nối cơ cánh tay và xương khuỷu tay bị viêm, tạo cảm giác đau nhức quanh mặt ngoài của khuỷu tay. Hội chứng có thể tác động và làm hạn chế khả năng vận động bình thường của khuỷu tay và cánh tay.
Ngoài khái niệm tennis elbow là gì, độ tuổi cũng như đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng elbow cũng là những thông tin quan trọng mà bạn nên lưu ý. Một nghiên cứu tại Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy có từ 1% đến 3% người trưởng thành mắc tennis elbow. Hội chứng này xảy ra phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi và không phân biệt giới tính. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc khuỷu tay quần vợt là những người thường xuyên chơi tennis hoặc làm các công việc như làm nông, điêu khắc, gia công, đánh máy,… Họ thường vận động cánh tay quá nhiều, làm cho gân ở khu vực khuỷu tay chịu áp lực lớn và dễ bị viêm, dẫn đến hội chứng tennis elbow.
2. Triệu chứng hội chứng khuỷu tay tennis elbow
Hầu hết những dấu hiệu của hội chứng tennis elbow phát triển theo thời gian, bắt đầu từ đau nhẹ và diễn biến chậm trong vài tháng. Cụ thể:
- Đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng khuỷu và cánh tay, có thể lan dần từ khuỷu tay xuống cẳng và cổ tay.
- Đau khi gấp duỗi, xoay khuỷu tay, lái xe, bê vác, đánh máy,…
- Cứng hoặc đau khi mở rộng cánh tay của bạn.
- Khớp khuỷu tay sưng tấy, sờ vào thấy mềm.
- Yếu cơ, cầm nắm không chắc chắn, khó khăn trong vận động.
Cảm giác nóng rát hoặc đau ở khuỷu tay ngoài có thể lan truyền đến cổ tay (những cảm giác này có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm). Trong thời gian đầu, các triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ và chưa ảnh hưởng quá nhiều tới sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Chỉ những lúc vận động mạnh và phải sử dụng nhiều lực ở cánh tay thì những cơn đau nhức mới trở nên rõ rệt hơn.
3. Nguyên nhân gây ra hội chứng đau khuỷu tay tennis elbow
Hội chứng tennis elbow thường xảy ra ở những người thường xuyên chơi thể thao hoặc làm những công việc đặc thù phải sử dụng cánh tay như thợ xây, đầu bếp, họa sĩ,… Nguyên nhân chính là do sự tổn thương ở gân nối cơ cánh tay và xương khuỷu tay. Cụ thể:
1 – Sử dụng cơ cánh tay ở cường độ cao: Việc lặp đi lặp lại các cử động tay như hoạt động thể thao như cử tạ, đấu kiếm, bơi lội, golf,… hay các công việc hàng ngày như vặn vít, sử dụng chuột máy tính, vẽ tranh,… một cách quá mức có thể dẫn đến căng thẳng và các tổn thương ở gân nối cơ tay và xương lồi cạnh ngoài khuỷu tay.
2 – Tập luyện, chơi quá sức hoặc sai kỹ thuật: Nếu bạn chủ quan bỏ qua các bài tập khởi động hay luyện tập không đúng kỹ thuật, sai tư thế,… có thể tác động đè nén đến cơ, gân, xương khớp, lâu ngày dẫn đến thương tổn.
3 – Một số nguyên nhân khác: Người bệnh mắc hội chứng khuỷu tay tennis cũng có thể do những nguyên nhân như:
- Dụng cụ tập luyện quá to hoặc quá nặng so với người tập.
- Những người trong độ tuổi trung niên từ 40 – 50 tuổi, đặc biệt là phụ nữ do quá trình lão hóa của cơ thể và sự suy giảm sức mạnh các cơ.
4. Biến chứng của hội chứng tennis elbow
Các biểu hiện của hội chứng khuỷu tay tennis thường diễn biến chậm, kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Do đó, các cơn đau nhức ban đầu thường không dễ nhận biết, tần suất xuất hiện không nhiều, khiến người bệnh mất cảnh giác và chủ quan trong việc thăm khám.
Đa phần các trường hợp mắc viêm gân khuỷu tay đều không gây ra vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể khỏi hoàn toàn khi kết hợp nghỉ ngơi và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, một số ít người bệnh gặp phải tình trạng mãn tính, tình trạng đau viêm không có dấu hiệu giảm hoặc rất dễ tái phát, về lâu dài có thể xảy ra một số biến chứng như:
- Hạn chế vận động vùng khuỷu.
- Tổn thương điểm bám gân dẫn đến suy yếu cơ, teo cơ, suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Tình trạng viêm mạn tính hoặc có thể khỏi rồi lại tái phát, lâu dài dẫn đến thoái hóa, xơ hóa gân duỗi ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt.
Vì vậy, ngay khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị sớm.
5. Những điều cần làm khi bị đau mỏm lồi cầu xương cánh tay
Người bệnh khi nhận thấy các triệu chứng đau nhức vùng cơ khuỷu tay và cánh tay cần làm những việc sau càng sớm càng tốt trước khi đến gặp bác sĩ:
- Ngừng chơi thể thao: Bạn không nên tiếp tục chơi thể thao hoặc vận động để cơ có thời gian phục hồi và ngăn bệnh trở nên trầm trọng hơn do rách gân hoặc máu bầm ra nhiều.
- Chườm lạnh: Bạn nên tiến hành chườm lạnh trong khoảng 10 – 15 phút, có thể làm 4 – 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 giờ. Bạn tuyệt đối không nên sử dụng dầu nóng, thuốc để xoa bóp cho vùng khuỷu tay hoặc đi nắn chỉnh không đúng bởi việc này có thể khiến tình trạng viêm nóng trở nên nặng hơn, thậm chí gây viêm mãn tính, rất khó điều trị sau này.
- Sử dụng băng treo tay, kinesio tape hỗ trợ: Nếu tình trạng đau nhiều, sưng tấy, bạn nên băng treo tay bất động tạm thời hoặc sử dụng kinesio tape để khuỷu tay nghỉ ngơi và hạn chế tác động làm tổn thương gân.
6. Phương pháp chẩn đoán hội chứng tennis elbow
Các bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng tennis elbow thông qua các phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng.
6.1. Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ có thể hỏi thăm về nhiều yếu tố khác nhau như sự phát triển của các triệu chứng, tiểu sử bệnh lý, nghề nghiệp và các môn thể thao đã chơi. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn từng bị tổn thương ở khuỷu tay, gặp tai nạn nghề nghiệp, có tiền sử viêm khớp dạng thấp các hoặc bệnh liên quan đến dây thần kinh.
Bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng tennis elbow bằng việc sử dụng nhiều nghiệm pháp khác nhau như: Yêu cầu bạn duỗi thẳng cánh tay hoàn toàn, co cổ tay, cử động khuỷu tay, cổ tay, ngón tay theo nhiều hướng,… xem các động tác này có gây đau hay không.
Bác sĩ cũng có thể trực tiếp tác động lực bằng cách nhấn vào vùng khuỷu tay để kiểm tra mức độ và xác định vị trí đau. Lúc này, bệnh nhân cần chú ý theo dõi, trả lời các câu hỏi của bác sĩ để quá trình chẩn đoán chính xác và hiệu quả nhất.
6.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Sau khi khám lâm sàng và xác định được cơ bản mức độ nặng – nhẹ của hội chứng tennis elbow, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán được chính xác hơn:
- Siêu âm: Phát hiện bệnh khi thấy kích thước gân to hơn do viêm, xác định mức độ nghiêm trọng của hội chứng, có thể phát hiện đứt gân, lắng đọng canxi trong gân, vỏ xương tại vị trí bám của gân không đều,…
- Chụp X-quang: Cung cấp hình ảnh rõ nét để kiểm tra cấu trúc của xương và có thể loại trừ được các bệnh liên quan đến viêm khớp hoặc gãy xương.
- Chụp MRI: Có thể xác định được mức độ đau, vị trí và tình trạng của gân bị tổn thương. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp MRI cổ bởi những thay đổi ở khớp cổ hay thoát vị đĩa đệm cũng dẫn đến đau cánh tay.
- Điện cơ (EMG): Có thể phân biệt tình trạng đau do khuỷu tay tennis hay chèn ép dây thần kinh, xác định được chính xác số lượng và loại dây thần kinh tổn thương do chèn ép.
7. 6 phương pháp điều trị hội chứng tennis elbow
Khi đã xác định mắc hội chứng khuỷu tay tennis, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt, tránh trường hợp bệnh tiến triển nặng thêm. Các phương pháp điều trị tennis elbow phổ biến hiện nay bao gồm biện pháp RICE, sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, tiêm PRP, dùng sóng xung kích ngoại bào và phẫu thuật.
7.1. Các biện pháp RICE giảm đau, giảm sưng tại nhà
Thống kê của Học viện Phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS) cho thấy khoảng 80 đến 95% bệnh nhân thành công khi điều trị không phẫu thuật. Bởi bản chất của hội chứng tennis elbow là sự tổn thương ở vùng gân khuỷu tay do hoạt động lặp đi lặp lại dẫn đến quá tải hoặc chấn thương. Do đó, việc nghỉ ngơi thường xuyên và giảm đau tại nhà với biện pháp RICE là một cách hữu hiệu giúp phục hồi tổn thương với những người mắc tennis elbow ở giai đoạn nhẹ.
1 – Rest (Nghỉ ngơi): Người bệnh cần giảm hoặc dừng các hoạt động như làm việc nặng nhọc liên quan đến sử dụng khuỷu tay, cánh tay, chơi thể thao hoặc các hoạt động khác gây ra các triệu chứng đau trong vài tuần để những tổn thương có thời gian hồi phục.
2 – Ice (chườm lạnh): Bạn sử dụng túi chườm lạnh chườm lên vị trí bị đau trong 15 – 20 phút mỗi lần, 3 lần mỗi ngày. Việc này có thể giúp bạn giảm triệu chứng đau và sưng viêm tại khuỷu tay.
3 – Compression (băng ép): Sử dụng nẹp tập trung vào phía sau khuỷu tay bệnh nhân cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của tennis elbow. Điều này có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách cho cơ và gân được nghỉ ngơi.
4 – Elevation (kê cao): Sử dụng dây đeo để nâng đỡ cẳng tay và hạn chế vận động, giúp giảm áp lực lên gân cơ, từ đó giảm tình trạng đau và sưng viêm.
7.2. Sử dụng thuốc
Với những triệu chứng ở mức nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, bao gồm Ibuprofen (Advil®) và Naproxen (Aleve®) hỗ trợ giảm đau và viêm. Tuy nhiên, người bệnh mắc hội chứng tennis elbow cần lưu ý rằng các loại thuốc NSAID chống chỉ định với những đối tượng sau:
- Người có bệnh về đường tiêu hóa, gan, hen suyễn,…
- Người có bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
- Người có tiền sử mẫn cảm, dị ứng thuốc.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng cuối hoặc đang cho con bú…
Nếu các cơn đau trở nên nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh tiêm giảm đau steroid vào vùng đau xung quanh mỏm lồi cầu ngoài để làm giảm các triệu chứng của bạn.
7.3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân mắc hội chứng tennis elbow ở giai đoạn nhẹ và hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ thực hiện những phương pháp như:
- Laser: Chùm tia laser có bước sóng rộng, cường độ cao có khả năng thâm nhập sâu vào khu vực gân bị tổn thương, kích thích tái tạo tế bào, giảm sưng viêm và giảm đau hiệu quả.
- Điện phân thuốc: Là phương pháp dùng dòng điện một chiều (Galvanic) đưa các ion thuốc cần thiết thẩm thấu qua da. Liệu pháp này có thể giúp giảm viêm, giảm đau cục bộ, cải thiện tình trạng hội chứng.
- Điện xung: Bản chất là việc sử dụng dòng điện không liên tục với tần số thấp, có tác dụng giảm đau, giảm viêm, tăng cường tuần hoàn máu khu vực gân bị tổn thương.
- Sóng ngắn: Là liệu pháp sử dụng bức xạ điện từ có bước sóng từ 11 – 22m, làm tăng lượng bạch cầu đến khu vực tổn thương và hỗ trợ giảm viêm rất tốt.
- Siêu âm: Là liệu pháp sử dụng sóng âm với tần số phù hợp gửi đến khuỷu tay. Sóng âm này có thể phá vỡ các mô sẹo, tạo ra các chấn thương vi mô (microtrauma) nhằm kích thích quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể. Liệu pháp này có thể giúp cải thiện tình trạng đau do viêm và hỗ trợ phục hồi.
Với những ai chưa biết, các phương pháp trên cũng được áp dụng trong vật lý trị liệu khớp khuỷu tay. Tuỳ vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp vật lý trị liệu phù hợp.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh mắc hội chứng tennis elbow thực hiện các bài tập trị liệu để cải thiện tình trạng viêm gân và tăng sức chịu đựng của cánh tay. Dưới đây là tổng hợp một số bài tập đơn giản, có hiệu quả cao mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà:
- Tỳ khuỷu tay vào bóng tennis, áp vào tường và kết hợp chuyển động tay lên xuống
- Cầm vật nặng theo chiều thẳng đứng, giữ cố định khuỷu tay và gập cổ tay lên xuống theo chiều thẳng đứng.
- Bàn tay cầm tạ sấp, không di chuyển cẳng tay, gập bàn tay lên trên…
Tìm hiểu chi tiết các bài tập vật lý trị liệu cho khuỷu tay đơn giản, hiệu quả và có thể áp dụng với hầu hết các tình trạng bệnh về khuỷu tay.
Để tăng hiệu quả tập luyện, bạn nên đến đăng ký điều trị tại các trung tâm phục hồi chức năng. Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA là một địa chỉ uy tín với đầy đủ các loại máy móc hiện đại phục vụ cho điều trị hội chứng tennis elbow của bệnh nhân. Theo phương pháp điều trị chuẩn Nhật Bản, đội ngũ bác sĩ – kỹ thuật viên đầu ngành sẽ hỗ trợ và hướng dẫn bạn trong suốt quá trình tập luyện để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.
7.4. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Tiểu cầu là những mảnh tế bào nhỏ trong máu có tác dụng chữa lành. PRP được điều chế bằng cách chiết tách máu của chính bệnh nhân, loại bỏ một lượng nhỏ máu và tách tiểu cầu khỏi các tế bào máu khác. Do đó, so với huyết tương thông thường thì PRP có lượng tiểu cầu cao gấp 6 – 10 lần.
Sau đó, bác sĩ sẽ vừa siêu âm, vừa tiêm trực tiếp huyết tương giàu tiểu cầu vào vùng bị viêm để đảm bảo rằng kim tiêm được đưa vào vị trí gân bị tổn thương một cách chính xác nhất.
Kỹ thuật này có tác dụng rất tốt trong giảm viêm, chữa lành mà không cần dùng đến thuốc, không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến bệnh nền, tăng sức mạnh cho gân, cơ và hạn chế được tình trạng tái phát so với sử dụng thuốc.
7.5. Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi bệnh nhân mắc hội chứng tennis elbow ở tình trạng nặng hoặc các triệu chứng không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí nặng thêm sau 6 – 12 tháng điều trị không phẫu thuật. Hầu hết các thủ tục phẫu thuật khuỷu tay quần vợt đều liên quan đến việc loại bỏ cơ bị bệnh và gắn lại cơ khỏe mạnh vào xương.
Trước khi quyết định phẫu thuật, bạn nên tìm hiểu một số rủi ro có thể xảy ra như khả năng nhiễm trùng, tổn thương thần kinh và mạch máu, thời gian phục hồi lâu, tay không được linh hoạt như trước,…
Có 2 phương pháp phẫu thuật tennis elbow phổ biến, bao gồm mổ mở và mổ nội soi khớp. Bạn cần tham khảo tư vấn chi tiết của bác sĩ để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với bản thân.
1 – Phẫu thuật mở: Bác sĩ sẽ rạch một đường trên khuỷu tay và thực hiện quy trình phẫu thuật. Mổ hở thường được thực hiện như một phẫu thuật ngoại trú và bệnh nhân hiếm khi cần phải ở lại qua đêm tại bệnh viện. Hạn chế của phương pháp này là bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, vết mổ dài hơn và thời gian đau sau mổ sẽ lâu hơn.
2 – Phẫu thuật nội soi khớp: Là phương pháp phẫu thuật kỹ thuật cao với nhiều ưu điểm vượt trội như ít xâm lấn, sẹo mổ nhỏ, điều trị chính xác, hạn chế nhiễm trùng, ít biến chứng và ít đau sau mổ. Giống như phẫu thuật mở, đây là một thủ tục diễn ra trong ngày hoặc ngoại trú.
Xem thêm: Phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay: Phương pháp & Bài tập
Lưu ý:
|
8. Cách chăm sóc và phục hồi sau khi điều trị đau khuỷu tay tennis
Việc chăm sóc tại nhà sau điều trị hội chứng tennis elbow cũng vô cùng quan trọng, sẽ giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả đồng thời đẩy nhanh thời gian chữa lành. Cụ thể như sau:
- Để khuỷu tay nghỉ ngơi nhiều nhất có thể tối thiểu 4 – 6 tháng sau điều trị.
- Luôn khởi động, giãn cơ thật kỹ trước khi chơi thể thao và tập luyện đúng kỹ thuật.
- Khi chơi tennis, bạn nên lựa chọn loại vợt nhẹ và có kích thước tay cầm phù hợp.
- Bạn nên sử dụng băng dán cơ rocktape trong quá trình vận động thể thao.
- Rèn luyện các bài tập vật lý trị liệu để duy trì sức mạnh và sự linh hoạt cho tay theo tư vấn của chuyên gia.
- Tập chuyển động cơ vai và bắp tay nhẹ nhàng để giảm căng thẳng ở khuỷu tay nhưng cố gắng không duỗi thẳng hoặc uốn cong cánh tay.
- Khi có biểu hiện sưng đau, bạn nên chườm vết thương bằng đá lạnh khoảng 15 phút/lần và lặp lại vài lần trong ngày.
Như vậy, hội chứng tennis elbow thường xảy ra do vận động tay quá nhiều với cường độ cao dẫn đến tổn thương gân. Hội chứng này không gây nguy hiểm cho người bệnh và tỷ lệ chữa thành công là khá cao. Tuy nhiên, ngay từ khi phát hiện mắc tennis elbow, người bệnh cần có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt để tránh bệnh tiến triển nặng thêm và gây nên những hệ quả xấu sau này.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến hội chứng khuỷu tay tennis, cũng như các bài tập vật lý trị liệu có liên quan, người bệnh hãy liên hệ với MYREHAB để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.