Lộ trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ & Lưu ý an toàn

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.

Để các bệnh nhân thay khớp gối có thể đi lại nhanh chóng sau phẫu thuật, rút ngắn thời gian điều trị, các bác sĩ sẽ chỉ định và hướng dẫn thực hiện các bài tập phục hồi chức năng. 

Trong phạm vi bài viết này, chuyên gia Myrehab Matsuoka sẽ tập trung vào lộ trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ cùng một số lưu ý đảm bảo an toàn đối với bệnh nhân mổ thay thế đầu gối một phần và bán phần.

Đối với các bệnh nhân phẫu thuật thay thế xương bánh chè, phẫu thuật thay thế đầu gối phức tạp (hoặc sửa đổi), phẫu thuật phục hồi sụn, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chi tiết trong các chuyên đề sau. 

1. Lộ trình và bài tập phục hồi chức năng thay thế đầu gối toàn phần/một phần

Đối với các bệnh nhân thay khớp gối toàn phần hoặc một phần sẽ được chỉ định thực hiện bài tập phục hồi chức năng vào ngày sau khi phẫu thuật thành công [1]. Lộ trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ sẽ được chia thành 2 giai đoạn sớm và nâng cao [2].  

1.1 Các bài tập phục hồi chức năng thay khớp gối sớm sau phẫu thuật

Đặc điểm chung của các bài tập phục hồi chức năng dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật đó là các động tác nhẹ nhàng. Mục đích là để bệnh nhân có thể vận động để lưu thông khí huyết và các cơ bắt đầu làm quen với việc hoạt động sau phẫu thuật.

1.1.1 Bài tập duỗi thẳng đầu gối 

Thiết bị và dụng cụ hỗ trợ: 1 chiếc khăn dày

Hướng dẫn thực hiện[2]:

  • Bước 1: Bạn đặt một chiếc khăn cuộn nhỏ ngay phía trên gót chân để gót chân không chạm vào đệm giường.
  • Bước 2: Bạn siết chặt đùi và cố gắng duỗi thẳng đầu gối hoàn toàn và chạm mặt sau đầu gối vào giường, rồi giữ thẳng trong 5 đến 10 giây.

Bạn thực hiện động tác này lặp lại cho đến khi bạn cảm thấy mỏi ở đùi thì dừng lại.

Tần suất luyện tập: Bạn sẽ thực hiện bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ này hằng ngày.

Cách đặt chân đúng trong bài tập duỗi thẳng chân
Cách đặt chân đúng trong bài tập duỗi thẳng chân.

1.1.2 Nâng chân thẳng

Thiết bị và dụng cụ hỗ trợ: Không

Hướng dẫn thực hiện[2]:

  • Bước 1: Bạn nâng chân thẳng
  • Bước 2: Bạn siết chặt cơ đùi với đầu gối duỗi thẳng hoàn toàn trên giường, giống như với cơ tứ đầu ở trên.
  • Bước 3: Bạn nâng chân của bạn lên vài cm và giữ trong 5 đến 10 giây sau đó từ từ hạ xuống.

Bạn lặp lại các động tác của bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ này cho đến khi bạn cảm thấy mỏi ở phần đùi thì dừng lại.

Tần suất luyện tập: Hàng ngày.

Bài tập nâng chân thẳng
Bài tập nâng chân thẳng có thể thực hiện ngay trên giường bệnh.

1.1.3 Xoay các khớp cổ chân 

Thiết bị và dụng cụ hỗ trợ: 1 chiếc ghế cao vừa phải

Hướng dẫn thực hiện[2]:

  • Bước 1: Bạn xoay cổ chân từ từ 10 lần theo chuyển động tròn theo chiều kim đồng hồ.
  • Bước 2: Bạn xoay từ từ cổ chân theo hướng ngược lại 10 lần.

Tần suất:

  • Thực hiện tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ với bài tập xoay các khớp cổ chân 3 lần, mỗi lần 20 lượt xoay (bao gồm cùng chiều và ngược chiều).

Lưu ý: Bạn nên thực hiện động tác một cách chậm rãi và chú ý tới khả năng chịu đau của cơ chân để đảm bảo an toàn cho khớp gối.

Bài tập xoay các khớp cổ chân
Bài tập tự xoay các khớp cổ chân không có những sự hỗ trợ khác.

1.1.4 Đi bộ nhẹ nhàng

Bên cạnh các bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ, bạn cũng nên tập đi bộ cùng với nạng hoặc khung tập đi ở trong phòng bệnh. Hoạt động này sẽ giúp đầu gối sớm lấy lại được khả năng cử động và cảm nhận được sức mạnh ở đôi chân [2].

Hướng dẫn đi bộ đúng cách:

  • Bước 1: Bạn đứng thẳng lưng, thả lỏng thoải mái với trọng lượng cân bằng đều trên khung tập đi hoặc nạng.
  • Bước 2: Bạn đưa khung tập đi hoặc nạng lên phía trước một bước ngắn, rồi đưa chân về phía trước sao cho đầu gối duỗi thẳng và gót chân chạm sàn trước. Thực hiện tương tự với chân còn lại.

Lưu ý: 

  • Bạn nên chạm vào gót chân xuống sàn trước, sau đó đặt toàn bộ bàn chân. Khi nhấc chân, bạn sẽ bắt đầu với các ngón chân và đưa lên khỏi mặt sàn.
  • Ở những ngày đầu sau phẫu thuật, bạn nên đi bộ nhẹ nhàng và nhịp nhàng vừa sức với khả năng chịu đựng của đôi chân. Sau khoảng 2 – 3 tuần, tình trạng phần khớp gối đã được cải thiện, bạn có thể dành nhiều thời gian đi bộ và trong quãng đường dài hơn. Lúc này, bạn có thể bắt đầu sử dụng một chiếc nạng thay cho khung tập đi.

>> Xem thêm: Thoái hoá khớp gối – Nguyên nhân và Phương pháp điều trị

Bài tập đi bộ nhẹ nhàng
Đi bộ đúng cách sẽ giúp bệnh nhân lấy lại được khả năng cử động ở đầu gối sau mổ.

1.2 Bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ nâng cao

Khi bạn đã lấy lại được khả năng độc lập, đi nhiều bước liên tục trong những quãng đường ngắn, bạn có thể tăng cường hoạt động của mình bằng cách bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ sau[2].

1.2.1 Nâng cao đùi, gập đầu gối nhẹ nhàng

Thiết bị và dụng cụ hỗ trợ[2]: Khung tập đi

Hướng dẫn thực hiện:

  • Bước 1: Bạn ở tư thế 1 chân đứng thẳng, chân còn lại sẽ nâng đùi lên cao và gập đầu gối và giữ trong khoảng từ 5 – 10 giây.
  • Bước 2: Bạn duỗi thẳng đầu gối và chạm sàn bằng gót chân rồi tới toàn bộ bàn chân.

Bạn lặp lại động tác này nhiều lần đối với cả 2 chân cho đến khi mỏi thì dừng lại.

Tần suất: Hàng ngày.

Bài tập nâng đùi và gập đầu gối nhẹ nhàng
Bạn nâng đùi và từ từ gập đầu gối một cách chậm rãi.

1.2.2 Hỗ trợ uốn cong đầu gối

Thiết bị và dụng cụ hỗ trợ[2]: 01 chiếc khăn

Hướng dẫn thực hiện:

  • Bước 1: Để thực hiện bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ – uốn cong đầu gối, bạn cần nằm ngửa thoải mái trên một mặt phẳng và co đầu gối lên.
  • Bước 2: Bạn đặt 01 chiếc khăn đã xếp lên đầu gối và thả xuống mắt cá chân. Bạn giữ tư thế này trong 5 đến 10 giây. Bạn thực hiện động tác này lặp đi lặp lại với cả 02 chân cho đến khi cảm thấy mỏi thì dừng lại.

Tần suất: Hàng ngày.

Bài tập hỗ trợ uốn cong đầu gối
Lưu ý giữ tư thế gập chân và khéo khăn về phía sau để đầu gối tập khả năng cong lại.

2. Một số lưu ý trong quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối

Thông thường, bệnh nhân thay khớp gối có thể xuất viện trong vòng 1 đến 5 ngày sau phẫu thuật. Họ có thể tự chăm sóc bản thân và trở lại các hoạt động hàng ngày trong 6 tuần sau phẫu thuật. Phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục ở mức 90% sau 3 tháng. Để cơ thể hồi phục hoàn toàn, bệnh nhân có thể mất 6 tháng hoặc lâu hơn [3].

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan thuộc Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng, để tăng cường quá trình phục hồi, song song với việc thực hiện các bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ, người bệnh cần chú ý đến những điều sau:

  • Duy trì dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ.
  • Thực hiện những bài tập vật lý trị liệu.
  • Không ngồi khoanh chân trong 6 tuần đầu sau mổ.
  • Lựa chọn ghế ngồi đủ cao đảm bảo gối gấp 90 độ và có tay vịn để dễ đứng lên.
  • Nên sử dụng thảm chống trượt trong nhà tắm vì khu vực này thường ẩm ướt, dễ gây trượt ngã.
  • Hạn chế xoay khớp gối.
  • Lái xe sau khi phẫu thuật 6 – 8 tuần nếu bệnh nhân không còn thấy đau ở khớp gối.
  • Sử dụng giày hỗ trợ di chuyển.
  • Không quỳ trên đầu gối mổ.
  • Chườm đá trong 20 phút sau mỗi 3 – 4 giờ để giúp giảm sưng và đau.
  • Bổ sung nhiều loại thực phẩm tốt cho phục hồi xương khớp như vitamin C, vitamin D, vitamin K, canxi, magie, Omega-3. Bệnh nhân nên ăn nhiều thức ăn chứa chất xơ để giúp ngừa táo bón do tác dụng phụ của thuốc giảm đau. Dinh dưỡng và chế độ ăn sau mổ cũng là lưu ý chung cho quá trình phục hồi chức năng đầu gối, kể tới như phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm

Chuyên gia Myrehab Matsuoka khuyên bệnh nhân thay khớp gối nên bắt đầu quá trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ càng sớm càng tốt để rút ngắn quá trình phục hồi sau phẫu thuật khớp gối.

Chuyên gia Nakazono và Kỹ thuật viên Myrehab Matsuoka đang hỗ trợ bệnh nhân khớp gối tập đi tại nhà.
Chuyên gia Nakazono và Kỹ thuật viên Myrehab Matsuoka đang hỗ trợ bệnh nhân khớp gối tập đi tại nhà.

3. Một số câu hỏi thường gặp sau phẫu thuật thay khớp gối

3.1 Khi nào có thể thực hiện bài tập phục hồi chức năng sau thay khớp gối?

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, bệnh nhân có thể bắt đầu thực hiện bài tập phục hồi chức năng sau khi đã tỉnh táo hoàn toàn sau cuộc phẫu thuật thay khớp gối. Ở thời điểm này, kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện những bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ, cụ thể là gập gối nhẹ nhàng, sau đó di chuyển nhẹ nhàng với các dụng cụ hỗ trợ như nạng hoặc khung tập đi.

3.2 Mất bao lâu để đi lại bình thường sau phẫu thuật thay khớp gối?

Sau phẫu thuật khoảng 3 tuần, bệnh nhân có thể đi lại mà không cần các thiết bị hỗ trợ. Mốc thời gian chỉ mang tính tương đối vì tùy vào thể trạng và khả năng phục hồi của từng người [4].

3.3 Làm thế nào để giảm nguy cơ nhiễm trùng và sưng tại khu vực vết mổ?

Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ theo dõi và kê đơn thuốc kháng sinh để giảm tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, bạn nên tuân thủ việc vệ sinh vết mổ, không nên tự ý thực hiện khi chưa có sự cho phép của bác sĩ và nhân viên y tế. Ví dụ [5]

  • Giữ băng gạc sạch và khô.
  • Rửa tay trước khi vệ sinh vùng phẫu thuật.
  • Uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các dưỡng chất.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia.
  • Không thoa bất cứ thứ gì lên vết phẫu thuật khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.

Trong vòng 2 năm đầu sau phẫu thuật [6], bệnh nhân có thể sẽ đối mặt với tình trạng bị nhiễm trùng ở phần thay khớp gối do vi khuẩn xâm nhập và phần khớp nhân tạo không được bảo vệ bởi hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. 

Vì vậy, bệnh nhân nên lưu ý tới các dấu hiệu bất thường như: Xuất hiện nhiều vết mẩn đỏ, đau nhức hoặc bị sưng ở xung quanh đầu gối, sốt cao hơn 37,8°C, ớn lạnh, dịch tiết ra từ vết mổ có màu xám và có mùi hôi. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ để có các phương pháp điều trị nhiễm trùng sau phẫu thuật nhanh chóng, hiệu quả.

Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ sẽ giúp bệnh nhân giảm các cơn đau và nhanh chóng phục hồi. Điều quan trọng là bệnh nhân thay khớp gối cần được tư vấn lộ trình phù hợp và có sự đồng hành sát sao của chuyên gia để đạt hiệu quả như mong đợi. 

Bác sĩ, chuyên gia Myrehab Matsuoka đồng hành tận tâm giúp người bệnh an tâm trong quá trình phục hồi khớp gối sau mổ
Sự đồng hành tận tâm của bác sĩ, chuyên gia Myrehab Matsuoka giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm trong quá trình phục hồi khớp gối sau mổ.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 15/04/2024Ngày cập nhật: 18/05/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo