Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Vật lý trị liệu gai gót chân không chỉ giúp giảm đau mà còn có thể cải thiện sự linh hoạt và phục hồi chức năng của gót chân. Phương pháp này có ưu điểm rất tốt là bạn có thể áp dụng các bài tập tại nhà, tiết kiệm tối ưu hóa chi phí và đặc biệt nó có thể giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc giảm đau.
1. Vật lý trị liệu gai gót chân là gì?
Gai gót chân là một tình trạng phổ biến gây đau ở phần dưới gót chân. Đây là bộ phận thường chịu nhiều áp lực lớn khi nâng đỡ toàn cơ thể trong các hoạt động như đi bộ, chạy, nhảy, leo trèo,… dẫn đến các tình trạng viêm, sưng gây khó chịu khi cử động.
Bệnh lý này hình thành khi gót chân bị sưng viêm lâu ngày, canxi sẽ bắt đầu tích tụ thành một mảnh phôi hóa của xương và bắt đầu mọc ra, bám theo chiều của dây chằng tạo thành gai gót chân.[1]
Mặc dù, gai gót chân có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, tuy nhiên, với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể đi lại bình thường, các bác sĩ sẽ sử dụng vật lý trị liệu gai gót chân. Đây là phương pháp tập trung vào sử dụng các kỹ thuật như massage, giãn cơ và các bài tập cụ thể để giảm đau và phục hồi gót chân bị tổn thương [2].
2. Thời điểm nên thực hiện tập vật lý trị liệu gai gót chân
Theo các chuyên gia, bệnh nhân nên thực hiện vật lý trị liệu gai gót chân ngay cả khi không có các triệu chứng rõ ràng hoặc không cảm thấy đau đớn [3]. Các bài tập vật lý trị liệu phù hợp với các bệnh nhân ở tình trạng nhẹ để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và giảm đau mà không cần phải có sự can thiệp bằng phẫu thuật. Trong trường hợp các bệnh nhân có dấu hiệu xơ hoặc mãn tính và điều trị nội khoa không mang lại tác dụng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Xem thêm: Viêm gân gót chân – Dấu hiệu, Nguyên nhân & Cách điều trị
3. 10 phương pháp vật lý trị liệu gai gót chân
Dưới đây là 10 phương pháp vật lý trị liệu có hiệu quả cao, thường được ứng dụng trong điều trị gai gót chân.
3.1 Sử dụng nhiệt trị liệu
Phương pháp nhiệt trị liệu sử dụng nhiệt lạnh cho các trường hợp đau cấp tính nhằm làm dịu cơn đau, giảm viêm ở vùng gót chân bị gai xương và nhiệt nóng sẽ được sử dụng cho trường hợp đau mãn tính nhằm nới lỏng các cơ bắp căng thẳng và thúc đẩy lưu lượng oxy và máu đến vùng bị tổn thương.
Bệnh nhân có thể thực hiện phương pháp này tại nhà, tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu. Bởi vì, việc chườm nhiệt không đúng cách sẽ gây ra tác dụng phụ. Tiêu biểu như, chườm nóng quá lâu và sai cách có thể làm tăng cảm giác đau nhói ở gót chân.
Bệnh nhân nên thực hiện chườm lạnh từ 15 – 20 để giảm sưng [4]. Nếu sau 2 – 3 ngày mà bạn không nhận thấy có hiệu quả, hãy kết hợp với chườm nóng ở nhiệt độ thấp [5]. Bạn nên kết hợp xen kẽ: chườm nóng trong vài phút rồi chuyển sang chườm lạnh [4].
3.2 Điều trị bằng sóng xung kích
Sóng xung kích tạo ra các xung điện ngắn và mạnh tác động trực tiếp lên vùng gai gót chân khiến cho canxi tích tụ vỡ thành các tinh thể nhỏ rồi và hấp thụ vào các mô xung quanh. Đồng thời, tác dụng lâm sàng của sóng xung kích sẽ kích thích tuần hoàn máu và tăng cường phục hồi tế bào, giảm viêm, giảm đau thông qua cơ chế giảm truyền tín hiệu đau và ức chế hoạt động của các cơ quan thần kinh.
Bên cạnh đó, sóng xung kích còn có tác dụng đẩy nhanh quá trình tổng hợp Procollagen – thúc đẩy các sợi collagen mới được tạo thành theo cấu trúc dọc, làm cho các sợi gân mới hình thành dày đặc và cứng hơn, tạo ra cấu trúc vững chắc hơn cho gót chân [3].
Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, liệu trình vật lý trị liệu gai gót chân bằng sóng xung kích tại Myrehab Matsuoka sẽ tiến hành trong 5 – 10 buổi, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng của bệnh nhân và đưa ra các giải pháp trị liệu phù hợp.
3.3 Sử dụng liệu pháp laser
Tia laser được sử dụng tiếp xúc trực tiếp lên vùng bị gai gót trong vài phút, ánh sáng này sẽ tác động vào khu vực trong da, kích thích quá trình trao đổi chất của tế bào và tăng cường phản ứng miễn dịch, thúc đẩy quá trình chữa lành và phục hồi bàn chân nhanh hơn so với tự nhiên. Điều này giúp giảm viêm ở vùng gót chân và mang lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân [6].
Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, liệu pháp này điều trị hàng ngày trong khoảng 5 – 10 buổi tùy vào khả năng cải thiện của người bệnh. Vật lý trị liệu gai gót chân bằng laser hầu như không có tác dụng phụ, hầu hết người bệnh có thể trở lại sinh hoạt bình thường ngày sau khi điều trị.
3.4 Điều trị siêu âm trị liệu
Máy siêu âm trị liệu là một phương pháp vật lý trị liệu gai gót chân có xâm lấn nhỏ. Bác sĩ sẽ sử dụng một đầu phát sóng âm thanh tần số cao và biên độ thấp để tạo ra sóng âm tác động vào các mô bị tổn thương trong khu vực vùng gai gót chân. Đồng thời, bác sĩ sẽ đưa một chiếc kim nhỏ đi vào da để đưa chất lỏng vào bên trong và hút các mô bị hỏng hoặc bị nhũ hóa đi ra ngoài. Sau khi tất cả các mô bị tổn thương đã được loại bỏ, bác sĩ sẽ đưa đầu dò ra và băng vết mổ lại. Toàn bộ quy trình siêu âm trị liệu có xâm lấn này chỉ mất vài phút và có rất ít biến chứng. [7]
Phương pháp siêu âm trị liệu thông qua hiệu ứng hấp thụ năng lượng, giúp tăng cường lưu thông máu, cung cấp chất dinh dưỡng cho các mô từ đó tăng cường khả năng tự phục hồi và tái tạo mô.
3.5 Bài tập vật lý trị liệu đau gót chân tại nhà đơn giản, hiệu quả
Khi mắc bệnh gai gót chân, nhiều bệnh nhân có xu hướng hạn chế vận động để tránh hoặc giảm cơn đau ở gót chân. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự cứng cơ bàn chân do thiếu sự vận động.
Theo chuyên gia phòng khám cơ xương khớp Myrehab, bệnh nhân nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng tại nhà để nới lỏng các cơ, giảm đau và cải thiện tình trạng gai gót chân.
Lưu ý: Bệnh nhân cần tới thăm khám bác sĩ để chẩn đoán đúng tình trạng gai gót chân và được hướng dẫn chi tiết về liệu trình điều trị cùng giải pháp phục hồi hiệu quả. Việc tự điều trị và tập luyện tại nhà khi chưa có chỉ định từ chuyên gia có thể gây ra những rủi ro không mong muốn. |
Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu gai gót chân đơn giản, hiệu quả dành cho bệnh nhân gặp tình trạng gai gót chân.
3.5.1 Bài tập nâng cao gót chân
Bài tập nâng cao gót chân là một phương pháp tăng cường sức mạnh cho gân gót. Bằng bài tập vật lý trị liệu gai gót chân này, bạn có thể giảm cường độ va đập mà bàn chân phải chịu khi tiếp xúc với mặt đất [8].
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Đứng lên trên một bậc thang hoặc nền phẳng sao cho phần gót của bạn đặt trên không.
- Bước 2: Dùng một vật cố định, ví dụ như một tay vịn hoặc tường để giữ thăng bằng, hỗ trợ cho bạn.
- Bước 3: Bắt đầu nhón chân từ từ cùng một lúc hai gót chân của bạn lên, đảm bảo bạn duy trì được thăng bằng và kiểm soát chuyển động của cơ thể.
- Bước 4: Lặp lại quá trình này 10 lần, để đảm bảo bài tập này đem lại hiệu quả cao, bạn nên tập mỗi ngày từ 3 – 4 lần.
3.5.2 Bài tập kéo giãn với dây Band
Bài tập vật lý trị liệu gai gót chân – kéo khăn kéo giãn với dây Band tác động rộng rãi đến các cơ ở lòng bàn chân và bắp chân nên đặc biệt thích hợp cho những cơ khó tiếp cận và giúp kéo căng cơ. [8]
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Ngồi trên một bề mặt thoải mái và duỗi thẳng chân ra trước.
- Bước 2: Đặt một chiếc khăn hoặc dây thun dưới cung chân
- Bước 3: Sử dụng cả hai tay, kéo dây thun hoặc khăn về phía bạn, kéo lực từ từ đủ để tạo một cảm giác căng trong vùng cơ bàn chân và giữ trong khoảng 30 giây. Sau đó, bạn thả lỏng và nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn (15 giây) rồi lặp lại các động tác trên khoảng 3 lần.
Lưu ý: Khi thực hiện bài tập này, nếu có bất kỳ cảm giác đau hoặc khó chịu nào bạn nên điều chỉnh lại lực tay và thực hiện bài tập này một cách nhẹ nhàng.
3.5.3 Bài tập chạm tường
Bài tập vật lý trị liệu gai gót chân bằng cách chạm tường có tác dụng kéo giãn gân gót chân giảm cảm giác co cứng trong cơ bàn chân, làm cho khớp chân linh hoạt hơn [3]
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Đứng trước một bức tường phẳng và đặt hai tay lên nó.
- Bước 2: Bước chân lên phía trước một khoảng vừa phải và khuỵu cong đầu gối khoảng 130 độ, chân phía sau giữ thẳng. Đảm bảo rằng cả hai bàn chân đều chạm xuống sàn.
- Bước 3: Giữ vị trí này khoảng 10 giây, cảm nhận mức độ căng trong cơ bàn chân và bắp chân.
- Bước 4: Lặp lại bài tập này khoảng 15-20 lần.
3.5.4 Bài tập eccentric (eccentric exercise)
Eccentric là một trong những bài tập vật lý trị liệu gai gót chân có nhiều nghiên cứu nhất về hiệu quả giảm đau ở vùng gót chân.
Hướng dẫn thực hiện [9]:
- Bước 1: Đứng trên một nền bậc thang, và nhón cả hai gót chân lên (kể cả gót không đau).
- Bước 2: Từ từ rút co chân không đau lên.
- Bước 3: Sau đó từ từ khụy khớp gối của chân đau xuống tối đa mà cơ thể có thể chịu được, giữ duy trì động tác này trong khoảng 10 giây và sau đó quay trở lại vị trí ban đầu.
3.5.5 Bài tập lăn chai nước
Bài tập lăn chai nước bằng lòng bàn chân có tác dụng làm thư giãn cơ bàn chân, giảm đau và giảm viêm [8].
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị một chai nước đã được để đông lạnh và một chiếc ghế thoải mái.
- Bước 2: Sau đó bạn ngồi trên ghế và đặt một chai nước đông lạnh dưới chân bạn.
- Bước 3: Bắt đầu lăn chai nước qua lại bằng cách di chuyển chân ra xa – lại gần. Đảm bảo một lực vừa đủ tác động lên chai nước.
- Bước 4: Tiếp tục lăn chai nước trong khoảng 2 phút, tập trung vào cảm giác thư giãn và massage nhẹ nhàng cho cơ bàn chân.
Lưu ý: Cần điều chỉnh thời gian thực hiện, tránh làm quá lâu vì độ lạnh của chai nước có thể làm tổn thương da.
3.5.6 Liệu pháp massage lòng bàn chân
Massage là phương pháp vật lý trị liệu gai gót chân có thể thư giãn các cơ và giảm đau bàn chân thông quá cách xoa bóp lòng bàn chân để làm các mô viêm mềm ra, tăng cường lưu thông máu và hỗ trợ quá trình phục hồi [8].
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Bắt chéo chân bị đau qua chân kia, sao cho lòng bàn chân có gai nhọn ở phía trên.
- Bước 2: Dùng tay massage từ vùng đau sau đó lan rộng ra các vùng khác của lòng bàn chân, theo hướng từ trong ra ngoài.
- Bước 3: Thực hiện động tác này trong khoảng 10 giây, lặp lại từ 2-3 lần mỗi ngày.
3.5.7 Giữ thả đồ vật bằng ngón chân
Đây là một bài tập giãn cơ bàn chân và bắp chân có tác dụng của bài tập tăng hoạt động vận động tinh bàn ngón chân [8]. Bạn có thể thực hiện bài tập vật lý trị liệu gai gót chân này trước khi bắt đầu ngày mới để khởi động khớp chân sau khi thức dậy.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Ngồi trên giường hoặc chuẩn bị một chiếc ghế thoải mái.
- Bước 2: Đặt những đồ vật nhỏ xuống gần chân mà bạn có thể nắm giữ bằng ngón chân (ví dụ: bạn có thể sử dụng viên bi).
- Bước 3: Điều khiển ngón chân để nắm chặt vật đó khoảng 5 giây và thả ra.
- Bước 4: Lặp lại bài tập này khoảng 10 lần cho mỗi lần tập.
3.5.8 Bài tập bóp khăn bằng ngón chân
Việc tăng cường các cơ bị yếu ở những người bị gai gót chân là rất quan trọng. Bài tập vật lý trị liệu gai gót chân này tập trung vào việc sử dụng các ngón chân để kích thích hoạt động các cơ bên trong lòng bàn chân và hỗ trợ vòm chân [8].
Hướng dẫn các bước thực hiện:
- Bước 1: Đặt chân lên một chiếc khăn trên sàn.
- Bước 2: Lòng bàn chân của bạn phải tiếp xúc với mặt đất, chỉ có ngón chân cái của bạn được sử dụng trong bài tập này.
- Bước 3: Sử dụng ngón chân cái để nắm lấy chiết khăn bằng cách giữ chặt, sau đó thả ra.
- Bước 4: Lặp lại 10 lần cho mỗi lần thực hiện.
3.5.9 Bài tập ngồi dựa tường nâng gót chân
Bài tập vật lý trị liệu gai gót chân này có tác dụng kéo dãn sâu bắp chân và gót chân, giảm căng cứng và đau ở bàn chân và tăng khả năng vận động [3].
Cách thực hiện bài tập:
- Bước 1: Đứng cách tường một vài bước chân, đặt chân trái trước chân phải.
- Bước 2: Nghiêng cơ thể về phía tường, hơi cong đầu gối chân trái.
- Bước 3: Từ từ chuyển trọng lượng cơ thể sang chân trái.
- Bước 4: Giữ đầu gối chân phải thẳng khi nhấc gót chân phải lên khỏi mặt đất.
- Bước 5: Cảm nhận sự căng dọc của bắp chân sau và giữ vị trí này trong khoảng từ 15 đến 30 giây.
- Bước 6: Thực hiện tương tự từ 2 đến 5 lần cho mỗi lần tập.
3.5.10 Bài tập kéo giãn hai chân tư thế ngồi
Bài tập duỗi ngón chân kéo giãn hai chân tư thế ngồi có tác dụng làm giảm căng cứng ở lòng bàn chân cho bệnh nhân gai gót chân [3].
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Ngồi ở tư thế thoải mái
- Bước 2: Dùng hai tay kéo nhẹ ngón chân về phía sau cho đến khi bạn cảm thấy căng ở lòng bàn chân.
- Bước 3: Giữ vị trí này trong khoảng 20 giây, lặp lại bài tập này khoảng từ 3 đến 5 lần cho cả hai chân.
4. Lưu ý quan trọng trong điều trị gai gót chân bằng vật lý trị liệu
Những lưu ý dưới đây sẽ hỗ trợ quá trình điều trị bệnh lý gai gót chân bằng vật lý trị liệu và phục hồi khả năng đi lại cho bệnh nhân.
4.1 Điều chỉnh đúng tư thế
- Khi đi lại: Bệnh nhân khi thực hiện vật lý trị liệu gai gót chân nên giữ đầu và vai thẳng, thả lỏng cơ, bước đi nhẹ nhàng, tránh dồn lực quá lớn vào gót chân. Bệnh nhân nên sử dụng miếng đệm lót chân để giảm áp lực tập trung lên một điểm duy nhất trên gia gót chân.
- Khi đứng: Bệnh nhân nên đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai để phân bổ trọng lượng đều cho hai chân. Điều này sẽ tránh dồn lực vào một vị trí sẽ gây áp lực lớn xuống lòng bàn chân.
- Khi ngồi: Bệnh nhân nên chọn một ghế có hỗ trợ đủ cho lưng và chân, độ cao vừa phải phù hợp với cơ thể sao cho gót chân đặt phẳng trên sàn, đầu gối ngang hông, tránh ngồi vắt chéo chân.
- Khi nằm ngủ: Bệnh nhân nên sử dụng một gối hoặc miếng lót dưới gót chân để giữ cho chân đúng tư thế và giảm áp lực lên gót chân.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng thêm một số dụng cụ chỉnh hình để đem lại hiệu quả tốt hơn như:
- Nẹp ban đêm có tác dụng nẹp cố định bàn chân và gót chân, giảm căng cơ và đau nhức khi đi ngủ.
- Miếng lót dày có kích thước, độ dày và đàn hồi phù hợp sẽ hỗ trợ vòm bàn chân, giảm áp lực lên gót chân.
Lưu ý: Bệnh nhân gai gót chân cần tránh đi giày cao gót hoặc giày, dép có đế quá cứng vì nó có thể gây áp lực lớn lên gót chân, khiến tình trạng gai gót trở nên trầm trọng hơn. [10, 11]
4.2 Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung một số loại thực phẩm tốt quá trình điều trị vật lý trị liệu gai gót chân để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi như [12]:
- Các loại thực phẩm giàu omega 3 như các hồi, cá thu, hạt óc chó, hạt chia,… giúp giảm viêm, giảm đau nhức.
- Thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, dâu tây, ớt chuông,…giúp tăng cường hệ miễn dịch, phục hồi môi tổn thương.
- Thực phẩm giàu canxi như: sữa, sữa chua, phô mai, rau lá xanh,… giúp tăng cường sức khỏe xương khớp.
- Các loại thực phẩm giàu glucosamine và chondroitin như: sụn vi cá, súp gà, nấm,…
Lưu ý: Bệnh nhân nên lựa chọn thực phẩm phù hợp và cân bằng đầy đủ cả bốn nhóm chất dinh dưỡng (protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất) để đảm bảo sức khỏe cho cả cơ thể.
4.3 Chế độ sinh hoạt
Dưới đây là một số lưu ý về chế độ sinh hoạt hỗ trợ bệnh nhân nhanh chóng phục hồi trong và sau quá trình vật lý trị liệu gai gót chân: [13]
- Một chế độ ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp cơ thể có thời gian hồi phục.
- Bệnh nhân nên tránh các hoạt động thể thao mạnh như: Chạy bộ, nhảy dây, bóng đá, bóng rổ,… để giảm gây áp lực lên gót chân, khiến tình trạng gai gót chân trở nên trầm trọng. Thay vào đó, bệnh nhân có thể chuyển sang các hoạt động như bơi lội, đạp xe hoặc yoga để vừa rèn luyện sức khỏe, vận động cơ thể nhưng không tác động nhiều lực mạnh lên vùng bàn chân.
- Bệnh nhân nên hạn chế đi bộ trên địa hình gồ ghề có thể làm tăng nguy cơ sưng vùng gót bị gai, gây ra cảm giác đau khó chịu.
Những lưu ý trên giúp tối ưu hóa quá trình điều trị gai gót chân bằng vật lý trị liệu. Tuy nhiên, bệnh nhân hãy lắng nghe và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc các chuyên gia để đảm bảo việc điều trị tốt nhất.
5. 03 câu hỏi thường gặp về vật lý trị liệu gai gót chân
5.1 Bệnh gai gót chân có chữa dứt điểm được không?
Bệnh gai gót chân về cơ bản là do tích tụ canxi khi gặp chấn thương hay căng thẳng, thường tái phát nhiều lần ở chân. Đó là phần nhô ra từ xương nên không thể tự biến mất. [14] Phần lớn các trường hợp bị gai gót chân chỉ bị nhẹ, đau ít có thể khắc phục bằng thuốc sau ít tuần, những trường hợp nặng hơn thì vài tháng. Như đã đề cập bên trên, các liệu pháp trị liệu được sử dụng để giảm thiểu các cơn đau xảy ra cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát và khó điều trị triệt để.
5.2 Gai gót chân có nên đi bộ không?
Theo các chuyên gia, ngoài việc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu gai gót chân kể trên, đi bộ từ 20 – 30 phút mỗi ngày là một phương pháp tốt để cải thiện và duy trì sức khỏe cho bệnh nhân gai gót chân. Tuy nhiên, nếu tình trạng gai gót chân vẫn chưa được kiểm soát, bệnh nhân không nên đi bộ nhằm tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của cơ thể [15]. Bởi vì, khi đi bộ trọng lượng của cơ thể sẽ tập trung chủ yếu lên bàn chân và có thể gây tác động đến các xương và mô xung quanh. Khi đó, bàn chân của người bệnh sẽ trở nên nhạy cảm và bị tê liệt theo thời gian khiến cho cơ thể phản ứng bằng các cơn đau.
Lưu ý: Bệnh nhân nên trang bị một đôi giày có chất lượng tốt, êm hoặc miếng đệm lót chân có độ đàn hồi tốt để giảm áp lực lên gót chân, tránh tình trạng gây đau nhức.
5.3 Phòng tránh gai xương gót chân như thế nào?
Để ngăn ngừa gai gót chân, bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp nhằm giảm các yếu tố có nguy cơ góp phần vào sự phát triển của nó như [16]:
- Chọn giày vừa vặn và phù hợp với chân, đặc biệt là khi tham gia các hoạt động có nhiều tác động mạnh như chạy nhảy, các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, đá bóng,…
- Tăng dần thời gian hoạt động thể chất để cơ thể thích nghi, tránh chấn thương do hoạt động quá mức.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm áp lực lên bàn chân và gót chân.
- Thực hiện các bài tập kéo dãn bắp chân và bàn chân thường xuyên để duy trì tính linh hoạt và giảm áp lực cho gót chân.
- Tránh đứng và đi lại trong thời gian dài trên bề mặt cứng. Nếu không tránh được các hoạt động này, nên sử dụng đế lót có đệm để làm giảm áp lực cho vùng bàn chân.
Vật lý trị liệu gai gót chân là giải pháp điều trị tối ưu về hiệu quả điều trị và chi phí cho bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ (đau nhức khi đi lại hoặc thậm chí không có triệu chứng). Đây là việc nên thực hiện ngay sau khi được chẩn đoán bệnh lý để ngăn ngừa bệnh phát triển xấu, có dấu hiệu xơ hoặc mãn tính khiến bệnh nhân phải thực hiện giải pháp phẫu thuật.
Hãy tới các trung tâm phục hồi chức năng, vật lý trị liệu uy tín để phát hiện sớm bệnh lý viêm gai gót chân và thực hiện các bài tập hiệu quả, để việc đi lại không bị ảnh hưởng nhé.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội