6 điều cần biết về chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần

Tác giả: Myrehab - MatsuokaTham vấn y khoa: Th.s BSVũ Thị Hằng

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần (RFA) là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, cho phép giảm đau hiệu quả mà không cần phẫu thuật, đồng thời giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các chỉ số thử nghiệm RFA hiện còn chưa đồng nhất và không phải ai bị thoát vị đĩa đệm cũng sử dụng được RFA. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn 6 thông tin quan trọng về phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần này. Hãy cùng theo dõi nhé!

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần RFA
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần RFA

1. Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần RFA là gì?

Đây là phương pháp ứng dụng sóng có tần số 200 – 1200 Mhz nhằm tác động đến vùng đĩa đệm và bên trong đĩa đệm. Nhiệt được truyền qua đầu kim siêu nhỏ có gắn điện cực, hệ thống điều hòa và kiểm soát nhiệt nhằm duy trì đầu đốt ở khoảng 60 độ C, không gây bỏng cho các mô xung quanh.

Thông qua cơ chế sử dụng nhiệt lượng tạo ma sát ion, một phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm sẽ bị phân hủy. Nhờ đó, nhân nhầy co lại, giải phóng chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống, từ đó giảm đau nhức, tê bì và các triệu chứng khác liên quan đến thoát vị đĩa đệm.

Đầu kim gắn điện cực giúp truyền sóng cao tần, tạo ma sát ion và định hình lại nhân nhầy trong đĩa đệm
Đầu kim gắn điện cực giúp truyền sóng cao tần, tạo ma sát ion và định hình lại nhân nhầy trong đĩa đệm

2. 11 ưu nhược điểm của chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần

2.1. 7 ưu điểm của chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần

Phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần đang được đánh giá cao nhờ 7 ưu điểm vượt trội:

  1. Ít xâm lấn, không cần rạch da: Khi áp dụng phương pháp này, bệnh nhân chỉ cần một vết chọc kim nhỏ, giúp giảm thiểu tổn thương và đau đớn.
  2. Độ an toàn cao: Phương pháp này sử dụng sóng RFA tác động trực tiếp lên vùng bị tổn thương, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến các vùng xung quanh.
  3. Ít biến chứng: Do tính chất ít xâm lấn của phương pháp, giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra các biến chứng như chảy máu, tê liệt,…
  4. Bảo tồn được đĩa đệm: Phương pháp này chỉ tác động vào phần nhân nhầy bị thoát vị ra bên ngoài, giúp bảo tồn được đĩa đệm, duy trì chức năng cột sống tốt hơn và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
  5. Thời gian thực hiện ngắn (khoảng 20 phút): Điều này có lợi hơn rất nhiều so với các phương pháp phẫu thuật thông thường, giúp giảm thiểu thời gian và sự căng thẳng, lo lắng cho bệnh nhân.
  6. Bệnh nhân được xuất viện trong ngày: Giúp bệnh nhân có thể sớm trở về sinh hoạt bình thường, tiết kiệm chi phí nằm viện và thời gian chăm sóc tại viện.
  7. Quá trình phục hồi nhanh, bệnh nhân có thể hồi phục trong khoảng trung bình 1 tuần sau chữa trị.
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần là phương pháp ít xâm lấn, an toàn cao, thời gian thực hiện ngắn và bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần là phương pháp ít xâm lấn, an toàn cao, thời gian thực hiện ngắn và bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày

2.2. 4 nhược điểm của chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần

Bên cạnh những lợi ích trên, phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần (RFA) cũng có những nhược điểm nhất định như sau:

  1. Hạn chế về đối tượng áp dụng: Phương pháp RFA thường không phù hợp với những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo phức tạp hoặc bị thoát vị ở mức độ nghiêm trọng.
  2. Chỉ có hiệu quả với bệnh ở giai đoạn đầu, thể nhẹ: Đối với các tình trạng thoát vị đã tiến triển, biện pháp này sẽ không đạt hiệu quả tối ưu và bệnh nhân có thể cần phải chọn những phương pháp khác như phẫu thuật hoặc điều trị dài hạn hơn.
  3. Chi phí cao: So với các phương pháp điều trị truyền thống, RFA có chi phí cao, bao gồm cả chi phí thiết bị, công nghệ và chuyên môn của bác sĩ thực hiện.
  4. Không có nhiều cơ sở y tế đủ khả năng cho phương pháp này: Do yêu cầu thiết bị chuyên dụng và tay nghề cao của bác sĩ, hiện nay có ít cơ sở y tế có thể thực hiện phương pháp RFA.
Chỉ một số cơ sở y tế lớn có khả năng thực hiện phương pháp này do yêu cầu cao về trang thiết bị và tay nghề của y bác sĩ
Chỉ một số cơ sở y tế lớn có khả năng thực hiện phương pháp này do yêu cầu cao về trang thiết bị và tay nghề của y bác sĩ

3. Chỉ định và chống chỉ định chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần

3.1. Chỉ định

Phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần chỉ phù hợp với các đối tượng sau:

  • Thoát vị đĩa đệm thể lồi bên, bao xơ chưa rách.
  • Thoái hóa đĩa đệm độ II, III.
  • Bệnh nhân đã điều trị bảo tồn như uống thuốc, vật lý trị liệu… ít nhất 6 tuần nhưng không đạt hiệu quả hoặc đáp ứng hạn chế.

3.2. Chống chỉ định

Phương pháp RFA chống chỉ định với các trường hợp:

  • Bệnh nhân bị rách bao xơ đĩa đệm.
  • Thoát vị vượt quá 1/3 đường kính ống sống.
  • Thoái hóa đĩa đệm giai đoạn IV, V.
  • Người thoát vị đĩa đệm cổ, thắt lưng không đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa khác.
  • Bệnh nhân thoát vị kèm theo các bệnh lý cột sống khác như u tủy, viêm tủy, dị dạng cột sống,…
  • Mắc bệnh do chấn thương, cột sống mất vững.
Phương pháp RFA chống chỉ định với các trường hợp rách bao xơ đĩa đệm
Phương pháp RFA chống chỉ định với các trường hợp rách bao xơ đĩa đệm

4. Quy trình chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần

Quy trình đốt sóng cao tần RFA tạo hình nhân nhầy đĩa đệm được thực hiện với 7 bước, cụ thể:

  • Bước 1: Tiến hành sát trùng vùng can thiệp
  • Bước 2: Gây tê tại chỗ với Lidocain ở ngoài da và sâu trong mô mềm.
  • Bước 3: Chọc kim thăm dò dẫn đường vào đĩa đệm dưới hướng dẫn của DSA, đường vào của kim thăm dò đặt ở vị trí tiếp giáp giữa bao xơ và nhân nhầy.
  • Bước 4: Tiến hành bơm thuốc cản quang để kiểm tra tình trạng bao xơ
  • Bước 5: Đưa kim tái tạo được nối với máy phát sóng cao tần vào trong lòng kim thăm dò sao cho đầu kim tái tạo sâu hơn đầu kim thăm dò 5mm.
  • Bước 6: Chọc kim tái tạo xuyên qua bao xơ đến bên đối diện. Nhiệt độ kim được điều chỉnh tăng từ từ trong khoảng 40 – 70 độ C giải phóng nhân nhầy, tạo nên một khoảng trống hình trụ bên trong đĩa đệm. Nhân nhầy thoát vị co trở về đúng vị trí, giải phóng rễ thần kinh bị chèn ép.
  • Bước 7: Rút kim và băng vết chọc kim để tránh nhiễm trùng.
Đầu dò sóng cao tần được chọc xuyên qua bao xơ và thực hiện giải phóng nhân nhầy
Đầu dò sóng cao tần được chọc xuyên qua bao xơ và thực hiện giải phóng nhân nhầy

5. 5 lưu ý sau khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần

Để giữ cho kết quả điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần ổn định và lâu dài, bệnh nhân cần quan tâm đến 5 lưu ý quan trọng sau:

  • Tránh các tư thế gây áp lực lên cột sống: Sau khi điều trị, bệnh nhân cần hạn chế mang vác vật nặng và không nên ngồi hoặc đứng lâu trong một tư thế. Những hoạt động này có thể tạo áp lực lên đĩa đệm, gây ra nguy cơ tái phát hoặc làm tình trạng cột sống xấu đi.
  • Tập luyện thể dục đều đặn với các môn nhẹ nhàng: Vận động thể chất là điều cần thiết để duy trì sự linh hoạt và sức khỏe cột sống. Các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc dưỡng sinh là lựa chọn tốt vì chúng giúp cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ sự hồi phục.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Dinh dưỡng hợp lý sẽ hỗ trợ sức khỏe xương khớp, giúp cột sống khỏe mạnh hơn. Bệnh nhân nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, omega-3 (có trong cá và các loại hạt), đồng thời hạn chế các loại thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, bia rượu để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
  • Duy trì cân nặng hợp lý và tinh thần thoải mái: Giữ mức cân nặng trong giới hạn lành mạnh sẽ giảm tải áp lực lên cột sống, hỗ trợ quá trình hồi phục sau điều trị.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng: Giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa các vấn đề về cột sống có thể tái phát do áp lực tâm lý.

Có thể ban quan tâm:

Vận động nhẹ nhàng thường xuyên kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kết quả điều trị được ổn định và lâu dài
Vận động nhẹ nhàng thường xuyên kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kết quả điều trị được ổn định và lâu dài

6. Giải đáp các câu hỏi thường gặp về chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần

Câu 1: Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần có rủi ro hay biến chứng gì không?

Phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần (RFA) thường được đánh giá là an toàn và ít xâm lấn, nhưng vẫn có khả năng xảy ra một số rủi ro hoặc biến chứng như:

  • Tình trạng tạm thời như yếu cơ hoặc tê liệt nhẹ.
  • Sưng và bầm tím tại vị trí đầu dò.
  • Đau hoặc khó chịu nhẹ.
  • Trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra chảy máu hoặc nhiễm trùng đầu dò được đưa vào cơ thể.

Nhìn chung, các biến chứng của RFA là tương đối ít và thường ở mức độ nhẹ nhưng bệnh nhân vẫn cần theo dõi kỹ sau khi điều trị và cần thông báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường để đảm bảo an toàn tối đa.

Câu 2: Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần ở đâu?

Phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần hiện chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam và chỉ có một số bệnh viện lớn có đủ điều kiện về trang thiết bị và chuyên môn để thực hiện. Dưới đây là một số cơ sở y tế uy tín thực hiện phương pháp này:

  • Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
  • Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội)
  • Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh)

Bệnh nhân nên tham khảo và tư vấn kỹ với bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo rằng phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý của mình.

Phương pháp này hiện chỉ mới được áp dụng tại một số bệnh viện lớn tại Việt Nam
Phương pháp này hiện chỉ mới được áp dụng tại một số bệnh viện lớn tại Việt Nam

Phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần (RFA) mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh nhờ khả năng giảm đau nhanh chóng và tính ít xâm lấn. Tuy nhiên, do đòi hỏi về thiết bị và chuyên môn cao, phương pháp này hiện chỉ có mặt ở một số cơ sở y tế lớn, và còn hạn chế đối với một số đối tượng bệnh nhất định. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn đã hiểu thêm về những ưu, nhược điểm của phương pháp này cũng như các lưu ý quan trọng sau khi điều trị để duy trì sức khỏe cột sống ổn định và lâu dài.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 19/05/2024Ngày cập nhật: 13/01/2025

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.