Viêm khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị chuyên sâu

Tác giả: Myrehab - MatsuokaTham vấn y khoa: Th.s BSVũ Thị Hằng

Viêm khớp gối là một trong những bệnh lý cơ xương khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, đặc biệt ở nhóm tuổi trung niên, người cao tuổi và vận động viên. Đây là tình trạng viêm xảy ra ở một hoặc nhiều cấu trúc của khớp gối, gây đau, sưng, hạn chế vận động và nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn tới thoái hóa khớp, thậm chí gây tàn phế.

1. Viêm khớp gối là gì? Tổng quan giải phẫu bệnh học

Khớp gối là một khớp bản lề lớn nhất cơ thể, chịu trọng lực cơ thể và tham gia vào hầu hết các hoạt động sinh hoạt như đi lại, ngồi xuống, đứng lên, leo cầu thang. Khớp gối là khớp phức tạp nhất và đòi hỏi nhiều chức năng nhất trong cơ thể con người.  Khớp gối được cấu thành bởi 3 xương: xương đùi xa, xương chày gần, xương bánh chè; cùng với sụn khớp, màng hoạt dịch, dây chằng, sụn chêm và cơ quanh gối.

Viêm khớp gối xảy ra là khi những mảnh xương sụn đầu gối tổn thương như bị bào mòn, bề mặt sụn thô ráp và xù xì. Khi đó,  các xương cọ xát vào nhau nhiều hơn, ma sát nhiều và tính đàn hồi của phần sụn khớp bị giảm đi, gây đau nhức khó chịu. Viêm khớp gối là tình trạng viêm tại một hoặc nhiều thành phần của khớp, dẫn đến hiện tượng sưng nề, đau, cứng khớp, hạn chế vận động. Viêm có thể xảy ra cấp tính (sau chấn thương, nhiễm trùng) hoặc mạn tính (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp…).

Nhiều trường hợp viêm đầu gối do chủ quan không điều trị sớm, khiến bệnh tiến triển nhanh, có nguy cơ dẫn đến thoái hóa nặng. Ngoài ra, khi lựa chọn phương pháp điều trị không đúng, người bệnh có khả năng đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm khớp gối

2. Nguyên nhân nào gây viêm khớp gối?

Viêm khớp là hệ quả của chấn thương: nếu bạn thường xuyên giữ tư thế ngồi xổm, hay nâng tạ kéo dài và liên tục thì sẽ khiến khớp gối phải chịu tác động lực không nhỏ. Bên cạnh đó, những vận động viên bóng đá, điền kinh, quần vợt,… nhìn chung là các môn thể thao đòi hỏi phải chạy nhiều thì nguy cơ mắc chấn thương và viêm khớp gối cũng rất cao.

2.1. Thoái hóa khớp gối (Osteoarthritis)

Thoái hóa khớp gối là nguyên nhân phổ biến nhất, đặc biệt ở người trên 50 tuổi, thường xuất phát từ nguyên nhân lão hóa của cơ thể hoặc vận động quá sức, tai nạn, thiếu hụt chất dinh dưỡng,… làm giảm chất lượng sụn khớp, làm sụn mỏng đi, bề mặt xù xì, khiến các đầu xương va chạm trực tiếp, gây viêm và đau. Thoái hóa tiến triển dẫn đến biến dạng khớp. Bệnh nhân sẽ bị đau nhức ở vị trí trước hoặc trong khớp gối. Đặc biệt là âm thanh lục cục sẽ phát ra mỗi khi người bệnh duỗi hay gập chân lại, càng vận động khớp gối sẽ càng đau.

2.2 Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis)

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, cơ thể tấn công chính các màng hoạt dịch của khớp, gây viêm, đau, sưng và có thể dẫn đến phá hủy khớp. Bệnh lý này sẽ tác động tới chức năng sụn khớp, hoạt dịch, đầu xương dưới sụn và là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị cứng, đau nhức khớp gối. Nếu không điều trị ngay từ giai đoạn đầu, bệnh có thể gây biến chứng dính khớp, làm khớp biến dạng.Viêm khớp dạng thấp thường đối xứng và có biểu hiện toàn thân.

Viêm bao hoạt dịch khớp: bao hoạt dịch là một bộ phận lót đệm ở khớp gối, bên trong có chứa chất lỏng. Vai trò của bao hoạt dịch là giúp phần gân cũng như dây chằng hoạt động dễ dàng hơn. Khi chấn thương xảy ra có thể gây viêm bao hoạt dịch và làm đau khớp gối.

2.3. Viêm khớp sau chấn thương

Chấn thương ở vùng gối như gãy xương, đứt dây chằng chéo, tổn thương sụn chêm nếu không được điều trị đúng cách có thể gây viêm mạn tính. Khớp gối mất ổn định dễ dẫn tới viêm và thoái hóa sớm.

2.4. Nhiễm trùng khớp gối (Viêm khớp nhiễm khuẩn)

Hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Vi khuẩn xâm nhập vào khớp qua đường máu, phẫu thuật hoặc chấn thương hở. Biểu hiện sưng nóng đỏ đau kèm sốt cao, cần cấp cứu y tế.

2.5. Viêm khớp vảy nến, gout, lupus ban đỏ hệ thống

Các bệnh hệ thống có thể ảnh hưởng đến khớp gối. Đặc trưng bởi các cơn viêm kịch phát, kèm theo dấu hiệu toàn thân, tổn thương da, rối loạn chuyển hóa.

2.6. Bàn chân bẹt và lệch trục chi dưới

Một nguyên nhân ít được đề cập nhưng rất quan trọng. Khi trục chân lệch, hoặc bàn chân bẹt làm thay đổi phân bố lực tác động lên khớp gối, gây quá tải vùng sụn khớp – đặc biệt là ngăn trong. Lâu ngày dẫn đến viêm và thoái hóa.

2.7. Hội chứng Patellofemoral

Hội chứng Patellofemoral thường xảy ra do có sự mất cân bằng ở cơ hỗ trợ khớp gối. Hoạt động của đầu gối có thể bị thay đổi khi gân quanh đầu gối bị căng quá mức, cơ đùi bị yếu. Điều này khiến cho khớp gối phải chịu áp lực, các vùng quanh khớp bị căng. Càng tiến triển thì càng dễ xảy ra kích thích và viêm cho khớp gối.

Đau khớp gối ở người trẻ tuổi do mắc hội chứng Patellofemoral thường gây ra triệu chứng: đau phía trước đầu gối và vùng quanh xương bánh chè, đau hoặc cứng khớp khi quỳ, đau khi leo cầu thang hoặc ngồi xổm,…

3. Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp gối?

Mọi đối tượng đều có khả năng mắc viêm khớp gối. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân mà các đối tượng có thể có sự khác biệt:

  • Thoái hóa khớp gối: Khả năng thoái hóa khớp gối tăng lên ở những đối tượng sau 45 tuổi, phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp hơn nam giới.
  • Viêm khớp dạng thấp: Có xu hướng ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cũng cao hơn ở Mỹ hay các nước Bắc Âu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp gối

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp gối như:

  • Tuổi: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp nhiều hơn nam giới.
  • Cân nặng: Trọng lượng cơ thể làm tăng áp lực lên tất các khớp, đặc biệt là khớp gối.
  • Di truyền: Các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến tình trạng thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp, hay các bệnh hệ thống khác gây viêm khớp gối.
  • Chấn thương: Các chấn thương hay công việc lặp đi lặp lại gây áp lực cho khớp gối trong thời gian dài chẳng hạn như ngồi xổm, nâng tạ, quỳ đều có thể gây thoái hóa khớp gối.
  • Dinh dưỡng lối sống: Hút thuốc lá, các yếu tố môi trường hay chế độ ăn sẽ ảnh hưởng nhiều đến viêm khớp dạng thấp.

4.  Triệu chứng của viêm khớp gối

Một số biểu hiện thường sẽ gặp phải ở những người bị viêm khớp gối đó là:

  • Đau nhức: triệu chứng này có thể xảy ra âm ỉ, tăng khi vận động, giảm khi nghỉ hoặc xuất hiện đột ngột. Tình trạng đau có thể xuất hiện ở mặt trước, ,ặt trong hoặc lan ra phía sau gối. Người bệnh thường sẽ cảm thấy đau nhức khớp gối sau khi thức dậy vào buổi sáng sớm hoặc sau giấc ngủ trưa. Khi đau khớp gối trở nên nghiêm trọng hơn, triệu chứng đau nhức có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày và khiến bệnh nhân mất ngủ.
  • Khớp gối khó vận động: khi khớp gối bị sưng viêm thì sẽ dẫn đến tình trạng cứng khớp và bệnh nhân cũng khó vận động vùng khớp này, từ đó việc vận động cũng trở nên khó khăn. Khớp gối hạn chế vận động khi gập, duỗi, lên xuống cầu thang hoặc đứng dậy từ tư thế ngồi.
  • Quanh khớp sưng đỏ: nguyên nhân của hiện tượng này đó là do sự viêm khớp khiến chất dịch bị tích tụ lại ở vị trí này, có thể ấn thấy lún hoặc cảm giác căng tức. Khi ấn tay vào đây người bệnh có thể cảm nhận được sự ấm nóng của khớp viêm.
  • Cứng khớp buổi sáng: Điển hình trong viêm khớp dạng thấp, kéo dài 10 -30 phút, phải dùng tay xoa bóp mới cử động được.
  • Phát tiếng lạo xạo: Khi vận động khớp gối.
  • Biến dạng khớp: Ở giai đoạn muộn (gối vòng kiềng, gối chạng hai).

5. Chẩn đoán viêm khớp gối

Viêm đầu gối thường được chẩn đoán qua các phương pháp, cụ thể:

  • Kiểm tra triệu chứng: Kiểm tra tầm vận động của khớp (ROM),độ vững khớp; đánh giá dấu hiệu đau, sưng, sự biến dạng khớp hoặc các dấu hiệu xương khớp bất thường khác. 
  • Xét nghiệm: Chụp X-quang khớp gối để đánh giá hẹp khe khớp, gai xương, vôi hóa; chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối để đánh giá chi tiết sụn khớp, sụn chêm, dây chằng và màng hoạt dịch; siêu âm khớp gối để phát hiện tràn dịch, viêm màng hoạt dịch; chụp CT Scan (nếu cần) trong các trường hợp phức tạp, cần khảo sát chính xác tổn thương xương và thực hiện các xét nghiệm như CRP, ESR, RF, Anti-CCP, acid uric máu hoặc xét nghiệm tế bào, tinh thể, cấy vi khuẩn để phân tích dịch khớp sẽ giúp bác sĩ phát hiện những điểm bất thường trong khớp gối. Tùy theo tình trạng bệnh, người bệnh sẽ được chỉ định làm các loại xét nghiệm phù hợp.

6. Biến chứng của khớp gối

Viêm khớp gối khiến chức năng vận động của người bệnh giảm sút nghiêm trọng. Bệnh ở giai đoạn đầu nếu không được phát hiện sớm hoặc hướng điều trị không phù hợp, sẽ chuyển nhanh sang giai đoạn III và IV. Bệnh trở nên nguy hiểm hơn với những biến chứng như:

  • Teo cơ, biến dạng khớp hoặc dính khớp.
  • Suy giảm chức năng vận động.
  • Thấp khớp cấp, gây tổn thương van tim, dẫn tới mắc các bệnh tim mạch.
  • Thoái hóa khớp nặng, biến dạng khớp, tàn phế, bại liệt.
  • Cứng khớp, mất chức năng vận động.
  • Mất cân bằng cơ học chi dưới, ảnh hưởng khớp hông, cột sống.
  • Tăng nguy cơ té ngã, gãy xương ở người già.
  • Trầm cảm, giảm chất lượng sống, phụ thuộc vào người thân.

7. Các phương pháp điều trị viêm khớp gối 

Mục tiêu của điều trị viêm khớp gối là giảm đau, giúp người bệnh hoạt động dễ dàng. Phương pháp điều trị sẽ gồm:

  • Giảm cân ở mức phù hợp với thể trạng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể cơn đau đầu gối từ viêm xương khớp;
  • Tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục giúp tăng cường những cơ bắp quanh đầu gối, giúp khớp ổn định và giảm đau.
  • Sử dụng các loại thuốc kháng viêm kết hợp với một số loại thuốc giảm đau trong trường hợp cơn đau xuất hiện dày đặc, gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Một số  trường hợp phản ứng viêm cấp tính,  bác sĩ sẽ chỉ định tiêm trực tiếp thuốc cortisone vào vùng khớp gối, giúp hạn chế quá trình viêm và giảm nhanh các triệu chứng đau nhức.
  • Áp dụng vật lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả cho phần lớn những bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ nghiêm túc theo đúng phác đồ điều trị. Phương pháp này thường được kết hợp với việc dùng thuốc để mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị. 
  • Dùng thuốc giảm đau kháng viêm: áp dụng đối với những trường hợp xuất hiện các cơn đau khớp một cách dày đặc khiến cho những sinh hoạt và vận động hàng ngày bị ảnh hưởng. Nếu bệnh nhân bị viêm khớp cấp tính thì có khả năng phải dùng thêm cortisone tiêm trực tiếp vào khớp gối, giúp giảm nhanh và hạn chế triệu chứng đau nhức do viêm khớp.
  • Phẫu thuật: khi bệnh tiến triển nặng và bệnh nhân không đáp ứng các biện pháp nội khoa thì phẫu thuật là phương pháp cần thiết lúc này để bảo toàn chức năng vận động của vùng khớp gối. Một số hình thức phẫu thuật có thể được áp dụng bao gồm: phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, phẫu thuật loại bỏ xương khớp gối và phẫu thuật nội soi.

Viêm khớp gối không chỉ đơn thuần là một bệnh xương khớp mà là sự mất cân bằng giữa cấu trúc, chức năng và vận động của cơ thể.Tình trạng viêm khớp gối nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới chức năng vận động cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Do đó khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì bạn nên đi khám sớm để được tư vấn điều trị đúng cách, kịp thời và tránh xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Điều trị hiệu quả cần tiếp cận đa chuyên ngành, trong đó phục hồi chức năng là chìa khóa để khôi phục khả năng sống độc lập và phòng tái phát. 

Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ thăm khám và phục hồi chức năng thì có thể liên hệ ngay đến Hotline 1900 3181 của Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka hoặc đặt lịch khám Tại đây.

 

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

 

Ngày đăng: 28/03/2025Ngày cập nhật: 28/03/2025