Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuka.
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi chất nhầy đĩa đệm lệch khỏi vòng sợi của cột sống. Căn bệnh này thường đến từ các thói quen sinh hoạt không điều độ, tuổi tác, di truyền,… khiến người bệnh đau lưng, dần mất đi khả năng lao động, thậm chí là bại liệt. Bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết về căn bệnh này qua bài viết dưới đây!
1. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng chất nhầy đĩa đệm lệch ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hoặc các rễ dây thần kinh, từ đó gây đau cột sống. Đoạn cột sống dễ bị thoát vị nhất là cột sống thắt lưng và cổ. Bởi lẽ, đây là các vị trí này chịu nhiều áp lực nhất từ các hoạt thường ngày.
Theo nghiên cứu của PubMed Central, hiện nay càng nhiều người trẻ mắc căn bệnh này. Khoảng 95% trường hợp thoát vị địa đệm thắt lưng dưới xuất hiện ở độ tuổi từ 25 – 55 tuổi. Mỗi năm có tới 2% số người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân hàng đầu gây đau lưng, cổ, cánh tay hoặc đau chân.
2. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm
Đau thoát vị đĩa đệm thường có 4 giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn 1: Vòng bao xơ chưa rách nhưng đĩa đệm đã có dấu hiệu biến dạng. Bệnh nhân sẽ chỉ cảm thấy tê tay chân nên rất ít người nhận ra mình đang bị bệnh.
- Giai đoạn 2: Khi vòng xơ bắt đầu có dấu hiệu rách, nhân nhầy thoát khỏi vùng yếu đó, làm cho đĩa đệm phình to. Tuy nhiên, triệu chứng cơn đau vẫn chưa rõ rệt.
- Giai đoạn 3: Khi vòng xơ bị rách toàn phần, nhân nhầy lệch ra ngoài và áp lực lên rễ thần kinh. Phần lớn người bệnh thường chỉ bắt đầu điều trị khi đã trải qua những đợt đau quặn khó chịu.
- Giai đoạn 4: Tình trạng áp đảo rễ thần kinh kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cơn đau trở nên nặng hơn và dai dẳng, tác động nghiêm trọng đến cả sức khỏe và tâm lý của người bệnh.
Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí mà đĩa đệm lồi ra và dây thần kinh bị áp lực. Các triệu chứng đau thường chỉ xuất hiện khi nhân nhầy trung tâm bị thoát ra và chèn ép vào các mô xung quanh có dây thần kinh đi qua.
Căn bệnh này thường xuất hiện ở thắt lưng và cổ. Với từng vị trí, sẽ có các dấu hiệu bệnh khác nhau:
2.1. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Dấu hiệu thoát vị địa đệm thắt lưng thường xuất hiện từ giai đoạn 2, khi các cơn đau bắt đầu trở nên rõ ràng hơn.
- Đau ở thắt lưng: Xuất hiện những cơn đau đột ngột mạnh mẽ hoặc đau âm ỉ liên tục tại vùng thắt lưng, tạo ra cảm giác nhức nhối từng cơn.
- Đau nhiều và lan rộng hơn: Khi bệnh tình trở nặng, cơn đau không chỉ ở vùng thắt lưng mà còn lan rộng xuống các vùng lân cận như mông, đùi, khiến người bệnh tê bì, mất cảm giác tứ chi.
- Đau tăng lên khi vận động: Khi hoạt động mạnh, cột sống sẽ chịu áp lực lớn hơn khiến các phần đĩa đệm ngày càng lồi ra, khi ngồi hoặc đứng lâu cũng có thể gây ra đau đớn do chất nhầy đĩa đệm đã mất đi độ đàn hồi.
- Giảm khả năng vận động: Người bệnh gặp khó khăn khi cúi người, cong lưng, cầm nắm đồ vật,… khiến họ không thể đứng thẳng mà bị vẹo về một bên để giảm đau.
- Mất kiểm soát cơ thể: Xảy ra khi phần nhân nhầy bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu và chèn lên dây thần kinh, khiến người bệnh không kiểm soát được tiểu tiện, đại tiện, bị rối loạn cảm giác,… thậm chí là teo cơ, bại liệt.
2.2. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cổ
Thoát vị đĩa đệm cổ xảy ra khi chất nhầy địa đệm lệch khỏi vị trí ban đầu và chèn lên rễ dây thần kinh cổ hoặc tủy sống cổ. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc thoát vị đĩa đệm cổ: Bạn có thể tham khảo một số biểu hiện thoát vị đĩa đệm để biết liệu mình có đang mắc bệnh hay không:
- Cơn đau xuất hiện ở vùng cổ vai gáy: Cơn đau đột ngột có thể xuất hiện tại một hoặc hai đốt sống cổ và toàn khu vực gáy.
- Cơn đau lan rộng: Từ vai lan ra tay, với cảm giác tê dọc theo cánh tay và bàn tay, có thể mở rộng lên phía sau đầu và khu vực xung quanh mắt.
- Mức độ đau thay đổi: Cơn đau cổ có thể xuất hiện liên tục hoặc thay đổi không theo quy luật nhất định. Điều này có thể gia tăng khi thực hiện các động tác như di chuyển, nghiêng cổ, cúi đầu, hắt hơi,…
- Giảm hoặc mất cảm giác: Các hoạt động hàng ngày như cầm, nắm, vận động nặng, mặc quần áo,… bị ảnh hưởng.
- Giảm khả năng di chuyển: Khó khăn trong việc thực hiện các cử động của cổ và tay, đặc biệt là khi cố gắng đưa tay ra phía sau lưng hoặc giữ tay nâng cao. Về lâu dài, một số vùng cổ và tứ chi có thể bị tê liệt.
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm có thể ngày càng trở nên nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị. Điều này giúp ngăn chặn sự phát triển của các biến chứng nguy hiểm như hẹp ống sống, thiếu máu não hay hội chứng chèn ép tủy sống,…
3. Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là hệ quả của việc sai tư thế, hay mang vác nặng, chấn thương cột sống, tuổi cao, tiền sử bệnh về cột sống, thừa cân, chiều cao hoặc di truyền.
1- Sai tư thế: Việc thường xuyên ngồi sai tư thế (ngồi cong vẹo, ngồi gù lưng,…), mang vật nặng sai cách sẽ dễ gây chấn thương cột sống. Khi đó, đĩa đệm sẽ bị đau nhức, mài mòn và dần biến dạng, thoát vị ra khỏi cột sống.
2 – Đặc thù công việc: làm việc nặng, ngồi nhiều, đứng nhiều: Những thói quen kể trên sẽ làm tăng áp lực lên cột sống và hệ thống đĩa đệm, dễ dẫn đến hiện tượng thoát vị. Điều này thường xảy ra ở hai nhóm người có đặc thù công việc sau:
- Công nhân thường xuyên kéo, đẩy, gập người, khuân vác nặng
- Nhân viên văn phòng ngồi lâu một chỗ, ít vận động trong suốt 8 – 10 tiếng đi làm
3 – Chấn thương cột sống: Trường hợp này xảy ra khi có một lực mạnh tác động mạnh đến cột sống như té ngã, chơi thể thao, tai nạn giao thông… Điều này sẽ làm tổn thương cột sống, từ đó dần thay đổi cấu trúc và vị trí đĩa đệm.
4 – Tuổi tác: Tuổi càng cao, độ đàn hồi của đĩa đệm càng giảm, trở nên mỏng hơn và mất khả năng giữ nước. Thêm vào đó, cấu trúc cột sống cũng có sự thay đổi, dẫn đến hiện tượng thoái hóa, gai cột sống. Những thay đổi này có thể tạo nên các vùng không đồng đều trên bề mặt đĩa đệm, gây nên tình trạng thoát vị.
5 – Cân nặng dư thừa: Cân nặng dư thừa sẽ tạo áp lực lên cột sống, khiến các đốt cột sống chèn ép đĩa đệm. Về lâu dài, các đĩa đệm này sẽ mỏng đi, lồi ra ngoài và lệch khỏi vị trí ban đầu.
6 – Chiều cao: Theo Nghiên cứu “Chiều cao, béo phì và nguy cơ thoát vị đĩa đệm thắt lưng” của PubMed đã khẳng định yếu tố chiều cao ảnh hưởng đến khả năng bị thoát vị đĩa đệm. Cụ thể, đàn ông có chiều cao từ 180 cm trở lên và phụ nữ có chiều cao từ 170cm trở lên dễ mắc bệnh hơn so với những người thấp hơn họ 10 cm.
7 – Di truyền: Theo Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ, thoát vị đĩa đệm có khuynh hướng phát triển trong các gia đình có nhiều thành viên mắc bệnh này.
4. Biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không nhận ra mình đang mắc bệnh vì các cơn đau chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nếu để tình trạng thoái vị kéo dài đến các giai đoạn sau, một số biến chứng không mong muốn có thể xảy ra như:
- Mất khả năng vận động, mất cảm giác tứ chi.
- Chèn ép, gây tổn thương hệ thần kinh tứ chi (cánh tay, chân,…)
- Suy yếu, teo cơ
- Rối loạn hệ tiêu hóa, bài tiết không tự chủ do dây thần kinh thắt lưng bị chèn ép
- Bị bại liệt, tàn phế do nhân nhầy đĩa đệm tràn và làm hẹp khoang cột sống.
5. 5 phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Thường khi các cơn đau trở nặng, hoặc gây biến chứng, người bệnh mới đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Điều này sẽ dễ khiến cột sống tổn thương và lan ra các bộ phận khác. Do đó, bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán bệnh từ sớm. Dưới đây là các cách chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng:
5.1. Chẩn đoán lâm sàng
1 – Giai đoạn đau cấp: Bắt đầu xuất hiện các cơn đau khi bị chấn thương hoặc làm việc quá sức. Bệnh tình tái phát khi bạn hoạt động mạnh ở các vùng đĩa đệm. Tuy nhiên, vòng sợi chưa bị tổn thương, chỉ đĩa đệm hoặc vòng sợi lồi ra.
2 – Giai đoạn chèn ép rễ: Các cơn đau bắt đầu lây lan và trở nặng như đau chân, đau khi vận động, khi hắt xì,… Khi đó, rễ thần kinh cột sống sẽ bị chèn ép bởi vòng sợi đã bị đứt, đĩa đệm bị lệch ra sau.. Người bệnh còn có thể bị sưng tấy vùng mô xung quanh, tuần hoàn kém,…
5.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
1 – Chụp X-quang: Chuyên gia sẽ đánh giá được hình thái cột sống, hình ảnh thoái hóa, lệch trục, trượt đốt sống dựa trên ảnh X-quang của các đốt sống, phát hiện thêm những tổn thương khác như xẹp đốt sống, thân u đốt sống, gãy eo,…
2 – Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này sẽ sử dụng nam châm mạnh và khoa học máy tính để tạo ra hình ảnh cột sống 3D. Dựa vào mô hình MRI, chuyên gia sẽ xác định được giai đoạn thoát vị, mức độ dây thần kinh bị chèn ép và các tổn thương khác kéo theo như nang dịch, thoái hóa đĩa đệm, có u trong ống sống,…
3 – Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT scan): Phương pháp này thường được áp dụng khi bác sĩ muốn xác định tình trạng xương và mức độ thoát vị canxi hóa. Máy CT hoặc CAT sẽ cho ra hình dạng và kích thước, các phần cấu tạo bên trong và xung quanh cột sống.
4 – Chụp tủy (hay còn gọi là chụp tủy sống cản quang): Chuyên gia sẽ sử dụng tia X và tiêm iodium vào ống sống (nằm giữa các xương cột sống). Kết quả hình ảnh sẽ cho thấy tình trạng tủy sống, dây thần kinh, khối u,… dưới dạng nghiêng và cắt lớp.
5 – Nghiên cứu điện cơ và dẫn truyền thần kinh (EMG/NCS): Những chiếc kim nhỏ sẽ được đặt vào vào các cơ khác nhau và đánh giá chức năng của dây thần kinh. EMG/NCS thường giúp xác định dây thần kinh nào bị thoát vị đĩa đệm, có tổn thương thần kinh đang diễn ra hay không, dây thần kinh có ở trạng thái hồi phục sau chấn thương trong quá khứ hay không hoặc có vị trí chèn ép dây thần kinh nào khác hay không.
6. 6 phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm
Đối với các trường hợp bị đau nặng, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp dưới đây để hỗ trợ và đẩy nhanh quá trình lành bệnh.
6.1. Sử dụng thuốc
Ở giai đoạn đầu, khi các dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm chưa nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc sau:
- Thuốc không kê đơn (OTC): Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau hiệu quả.
- Thuốc giảm đau Opioid: Được bác sĩ kê đơn nếu cơn đau trầm trọng và thuốc OTC không làm cơn đau thuyên giảm. Tuy nhiên, bạn hãy cung cấp đầy đủ các thông tin về tình trạng bệnh, các bệnh nền,… với bác sĩ để tránh tác dụng phụ của Opioid trước khi sử dụng.
- Thuốc giãn cơ: Những loại thuốc này có thể giúp thư giãn các vùng đau, nhưng dễ gây mệt mỏi, buồn ngủ,… Bác sĩ có thể chỉ định các loại như Cyclobenzaprine, Orphenadrine, Carisoprodol,…
- Thuốc giảm đau thần kinh: Nếu bệnh tình kéo dài, bạn có thể sử dụng thuốc chống co giật (hay thuốc giảm đau dây thần kinh) như Gabapentin, Topiramate,...
6.2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu không chỉ giúp giảm bớt sự khó chịu, các cơn đau nhức do thoát vị đĩa đệm gây ra mà còn hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi bệnh. Cụ thể:
- Giảm áp lực lên dây thần kinh: Tác động vật lý giúp giải tỏa các dây thần kinh bị chèn ép, đồng thời giảm cơn đau nhức ở người bệnh.
- Tăng cường sức khỏe khớp: Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường tính dẻo dai cho xương khớp, tăng sức mạnh và sức bền cho cơ bắp.
- Tăng lưu lượng máu, oxy, dinh dưỡng đến đĩa đệm: Những liệu pháp như chiếu hồng ngoại, sóng ngắn,… giúp làm giãn mạch máu. Từ đó sẽ tăng cường lưu lượng máu mang oxy và dinh dưỡng đến các khu vực trong cơ thể, đặc biệt là khu vực bị thoát vị đĩa đệm.
- Tăng tính dẻo dai cho cơ thể: Việc tập luyện vật lý trị liệu sẽ giúp cơ thể bạn tăng tính dẻo dai và bền bỉ, nhờ vậy tham gia những hoạt động mỗi ngày dễ dàng hơn.
Một số phương pháp vật lý trị liệu các bác sĩ thường áp dụng để điều trị thoát vị đĩa đệm như siêu âm, sóng ngắn, chườm mát, chườm ấm, laser, nẹp hỗ trợ, băng dán kinesio hỗ trợ,… Kiên trì thực hiện các bài tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm sẽ giúp người bệnh tăng sự dẻo dai cho hệ xương khớp, cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
6.3. Trị liệu thần kinh cột sống
Các phần cấu trúc sai lệch của cột sống, đĩa đệm sẽ được các chuyên gia nắn chỉnh trực tiếp bằng tay. Từ đó, các đĩa đệm bị thoát vị sẽ dần trở lại vị trí ban đầu, giảm chèn ép rễ dây thần kinh hiệu quả.
6.4. Châm cứu giảm đau
Châm cứu sẽ tác động đến các huyệt đạo, làm giảm sự căng thẳng của não bộ và độ nhạy cảm của cơ thể với các cơn đau. Bác sĩ sẽ châm huyệt trên vùng dải thắt lưng để điều trị nhanh chóng các bệnh về xương khớp, đau thắt lưng,… do thoát vị đĩa đệm gây nên.
Bạn có thể tham khảo thêm về tác dụng, cách hoạt động,… cụ thể của châm cứu qua bài viết “Châm cứu có phải vật lý trị liệu không?”
6.5. Tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng cột sống
Đây còn được gọi là phong bế ngoài màng cứng hoặc dây thần kinh, tiêm cột sống. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc steroid trực tiếp vào cột sống của bạn. Thuốc làm giảm sưng tấy và viêm dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm. Điều này sẽ cho phép cơ thể bạn hồi phục và trở lại hoạt động nhanh hơn.
6.6. Phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị không xâm lấn không đem lại hiệu quả sau 6-12 tuần áp dụng. Dưới đây là nhóm đối tượng được chỉ định phẫu thuật:
- Người bệnh điều trị theo đúng phác đồ của các biện pháp không xâm lấn nhưng không thuyên giảm.
- Người bệnh có hội chứng đuôi ngựa (nón tủy cùng). Tình trạng này xảy ra khi rễ thần kinh đuôi ngựa ở phần hông và mông bị chèn ép.
- Người bệnh bị teo cơ tiến triển, bị liệt. Khối lượng cơ giảm sút, khiến người bệnh khó vận động trong thời gian và dẫn đến bại liệt.
Với sự tiến bộ của y học và công nghệ, hiện nay đã có rất nhiều phương pháp phẫu thuật tiên tiến để điều trị thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng. Các kỹ thuật như phẫu thuật nội soi, mổ mở lấy thoát vị, can thiệp ít xâm lấn, sử dụng cụ silicon hỗ trợ, tạo hình nhân nhầy đĩa đệm bằng sóng cao tần,… đã mang lại kết quả rất tích cực cho bệnh nhân.
7. Cách phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm
Người mắc thoát vị đĩa đệm thường mất từ vài tuần đến vài tháng để giảm triệu chứng và thấy dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, ở những trường hợp nặng, khi xương khớp bắt đầu trải qua quá trình thoái hóa do tuổi tác hoặc các vấn đề khác, quá trình điều trị có thể kéo dài lâu hơn, thậm chí có thể mất vài năm.
Trong một số trường hợp, bệnh thoát vị đĩa đệm vẫn có khả năng tái phát nếu người bệnh hoạt động mạnh hoặc làm việc quá sức. Điều này sẽ gây tổn thương cột sống, khiến bệnh tình tái diễn và trở nên trầm trọng hơn.
Dưới đây là 5 cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm tại nhà mà bạn nên áp dụng:
1 – Vận động nhẹ nhàng: Người đang điều trị thoát vị đĩa đệm nên vận động nhẹ với tần suất đều để kích thích cơ bắp, cải thiện lưu thông máu đến cột sống, hỗ trợ quá trình phục hồi.
2 – Không hoạt động quá sức, làm việc đúng tư thế: Khi làm việc, bạn nên giữ thẳng lưng và đứng lên tập vài động tác nhẹ sau mỗi 1 – 2 giờ ngồi liên tục. Ngoài ra, bạn cũng không nên mang vác, nâng vật quá sức.
3 – Luôn uống đủ nước: Sự mất nước làm giảm lượng máu đến cột sống và làm chậm quá trình phục hồi thoát vị đĩa đệm. Để hạn chế tình trạng này, bạn hãy thường xuyên uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
4 – Chế độ ăn uống khoa học: Việc thường xuyên bổ sung các dưỡng chất như vitamin, canxi, Chondroitin,.. sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Bạn nên chọn các thực phẩm như hải sản, sữa, rau có màu xanh đệm, trái cây tươi,…
5 – Sống lành mạnh: Bạn nên hạn chế hút thuốc, rượu bia, chất kích thích, đảm bảo trọng lượng cơ thể ở mức ổn định và thường xuyên kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần.
8. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh thoát vị đĩa đệm
Theo nghiên cứu của Cleveland Clinic, cứ mỗi năm, khoảng 2% dân số thế giới mắc thoát vị đĩa đệm. Do đó, có rất nhiều câu hỏi xoay quanh căn bệnh phổ biến này. Dưới đây là một số giải đáp nhanh cho 4 thắc mắc thường gặp về bệnh thoát vị đĩa đệm:
Câu 1: Đau thoát vị đĩa đệm ở đâu?
Đĩa đệm là phần chất nhầy nằm giữa hai đốt cột sống của con người. Thoát vị là hiện tượng phần đĩa đệm này phình to và lệch ra khỏi vị trí bình thường. Hai vị trí thường xảy ra thoát vị nhất là thắt lưng và cổ.
2 dốt sống L4 và L5 nằm ở vị trí thấp nhất nên phải chịu nhiều áp lực từ phần trên của cơ thể, dễ bị thoái hóa, tổn thương và thoát vị đĩa đệm. Tìm hiểu thêm về vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm L4 L5 để tăng sự linh hoạt và sức mạnh của các cơ quanh khớp, hỗ trợ phục hồi.
Câu 2: Điều trị thoát vị đĩa đệm mất bao lâu?
Thời gian khỏi bệnh sẽ dao động vào khoảng vài tuần đến vài tháng. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào phác đồ điều trị, tuổi tác, tiền sử bệnh,… Phần lớn, người bệnh sẽ thấy tình trạng bệnh thuyên giảm sau vài tuần điều trị. Nếu ở những người cao tuổi, xương khớp của họ thoái hóa, quá trình này có thể sẽ mất đến vài tháng.
Câu 3: Thoát vị đĩa đệm có chữa được không?
Câu trả lời là Có. Căn bệnh này có thể được chữa khỏi nếu bạn điều trị đều đặn dưới sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn cao. Để có thể chữa khỏi hoàn toàn, bạn nên kết hợp điều trị với chế độ sinh hoạt lành mạnh, điều độ.
Có thể thấy, thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng trẻ hóa, kể cả những người từ 25 tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh. Hiện có nhiều cách chẩn đoán lâm sàng để bạn có thể phát hiện và điều trị bệnh từ sớm. Tuy vậy, “phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, điều độ để giảm nguy cơ mắc bệnh và nâng cao sức khỏe toàn diện.
Nếu bạn đang tìm kiếm các bài tập vật lý trị liệu để điều trị song song với thoát vị đĩa đệm, bạn có thể cân nhắc Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka. Với phương châm “Hơn cả sự phục hồi”, chúng tôi mong muốn đem lại cho khách hàng những lộ trình chữa trị phù hợp và an toàn nhất, giúp họ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội