Hội chứng cổ vai gáy thường gây ra tình trạng co cứng cơ, đau cổ vai gáy, giảm tầm vận động và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Việc phục hồi chức năng giúp cải thiện lưu thông máu, giảm đau, giãn cơ và tăng cường sức mạnh cơ bắp, từ đó khôi phục khả năng vận động. Ngoài ra, phục hồi chức năng còn giúp phòng ngừa tái phát và duy trì sức khỏe cột sống.
1. Hội chứng cổ vai gáy là gì?
Hội chứng cổ vai gáy (hay còn gọi là đau cổ vai gáy) là tình trạng đau nhức ở vùng cổ, vai và gáy, có thể lan xuống tay và lưng. Đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài ngày và tái phát liên tục. Cảm giác đau có thể là âm ỉ, nhức mỏi hoặc có thể là những cơn đau dữ dội khiến người bệnh khó chịu trong các hoạt động hàng ngày.

Đau cổ vai gáy có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các bệnh lý liên quan đến xương khớp, cơ bắp đến các vấn đề về thần kinh. Những nguyên nhân này có thể bao gồm thoái hóa đĩa đệm cổ, thoát vị đĩa đệm, căng cơ, viêm khớp, hoặc các chấn thương do tư thế không đúng, đặc biệt khi ngồi lâu trước máy tính hay điện thoại.
2. Nguyên nhân đau cổ vai gáy đang gia tăng
Trong quá khứ, đau cổ vai gáy thường xuất hiện ở những người trung niên hay cao tuổi; những người làm việc nặng nhọc, như công nhân, nông dân. Tuy nhiên, hiện nay hội chứng này đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ, đặc biệt là những người làm công việc văn phòng, học sinh, sinh viên và những người có thói quen sử dụng thiết bị điện tử nhiều.
Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ mắc đau cổ vai gáy ở giới trẻ tăng mạnh trong những năm gần đây. Dưới đây là bảng số liệu nghiên cứu được lấy từ “ Tạp chí Y học Việt Nam năm 539 – tháng 6 – số 3 – 2024”.
Đặc điểm mẫu nghiên cứu | Tần số | Tỷ lệ (%) | |
Hội chứng đau cổ vai gáy | Có | 113 | 61.75 |
Không | 70 | 38.25 |
Nhận xét: Tỷ lệ có Hội chứng đau cổ vai gáy là 61.75% và không có Hội chứng đau cổ vai gáy là 38.25%
Theo bảng trên, tỉ lệ đau cổ vai gáy ở sinh viên chiếm 61,75%. Đây là một con số đáng báo động, bởi nếu tình trạng đau mỏi cổ vai gáy kéo dài, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề như giảm khả năng vận động vùng cổ, đau lan xuống tay, tê bì, hoa mắt, chóng mặt do ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây chèn ép dây thần kinh, làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày.
3. Những nguyên nhân đau cổ vai gáy
3.1. Thói quen ngồi sai tư thế
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau cổ vai gáy ở giới trẻ là thói quen ngồi sai tư thế, đặc biệt là khi làm việc với máy tính. Nhiều người thường có xu hướng cúi đầu quá 15-20 phút liên tục khi sử dụng điện thoại hoặc ngồi lâu một chỗ trước máy tính từ 30-60 phút liên tục không thay đổi tư thế. Khi cơ thể không được điều chỉnh đúng tư thế thì các cơ ở vùng phía trước cổ bị co rút, trong khi cơ ở phía sau yếu đi. Điều đó làm mất cân bằng giữa các nhóm cơ trước và sau cổ dẫn đến tư thế cổ rùa.
Ngoài ra, việc ngồi lâu cũng khiến các đĩa đệm ở cổ phải chịu áp lực lớn, dẫn đến thoái hóa và các vấn đề về cột sống cổ.
3.2. Thời gian sử dụng thiết bị điện tử
Trong xã hội hiện đại, việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính để làm việc hoặc giải trí là rất phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị điện tử quá lâu mỗi ngày( cụ thể là từ 4-6 tiếng mỗi ngày) khiến cơ thể không có thời gian để nghỉ ngơi, dẫn đến tình trạng căng thẳng, mỏi cơ, đặc biệt là ở vùng .
Việc nhìn xuống điện thoại hoặc cúi đầu khi xem máy tính có thể gây áp lực lên vùng cổ và gáy, dẫn đến đau đớn và khó chịu. Có thể bạn chưa biết khi đầu bạn cúi về phía trước thêm 1 inch (~2,54 cm) so với tư thế thẳng, áp lực lên đốt sống cổ sẽ tăng thêm 4-5 kg. Nhiều người chưa nhận thấy được mối nguy hiểm của thói quen này cho đến khi cơn đau trở nên nghiêm trọng.
3.3. Căng thẳng và stress
Căng thẳng và stress là một yếu tố quan trọng dẫn đến đau cổ vai gáy. Khi con người bị stress, cơ thể sẽ tự động căng cứng cơ bắp, đặc biệt là ở vùng cổ và vai như cơ ức đòn chũm, cơ ngực lớn, cơ ngực nhỏ và cơ nâng vai làm kéo cổ và vai về phía trước dân đến tư thế cổ rùa, lưng gù. Những người trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực trong học tập, công việc và các mối quan hệ, điều này khiến cơ thể dễ bị mỏi mệt và dẫn đến các vấn đề về cổ vai gáy.
Thêm vào đó, khi căng thẳng kéo dài, cơ thể không thể tự phục hồi, dẫn đến tình trạng đau nhức mãn tính.

3.4. Ít vận động
Lối sống ít vận động cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đau cổ vai gáy ở giới trẻ. Khi không vận động đủ, cơ thể trở nên yếu ớt, các cơ bị yếu đặc biệt là nhóm cơ vùng cổ vai như: cơ thang giữa, dưới, cơ trám và cơ cổ sâu không đủ lực giữ thẳng cột sống làm vai tròn và cổ rùa. Điều này khiến cho vùng cổ vai dễ bị đau nhức, hạn chế tầm vận động của cột sống cổ.
Việc ít vận động cũng khiến hệ tuần hoàn không được cải thiện, làm giảm khả năng cung cấp máu và dưỡng chất cho các cơ bắp và khớp, gây ra tình trạng mỏi mệt và đau đớn.
3.5. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Ngày nay, nhiều người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, như thức khuya, ngủ không đủ giấc, ăn uống không khoa học và thiếu các bài tập thể dục. Những thói quen này làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ bắp và xương khớp. Hậu quả là các cơ và khớp không được phục hồi đầy đủ, dẫn đến tình trạng đau cổ vai gáy.

3.6. Các nguyên nhân khác
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây nhầm lẫn với đau cổ vai gáy:
- Bệnh lý tim mạch
Bệnh mạch vành: Đau lan từ ngực lên vai, cổ, có thể kèm theo khó thở, chóng mặt.
Nhồi máu cơ tim: Cơn đau đột ngột, dữ dội, có thể lan ra tay trái, lưng hoặc cổ.
Bóc tách động mạch chủ: Đau nhói đột ngột vùng cổ, vai, thường kèm theo huyết áp cao và khó thở.
- Bệnh phổi
Tràn khí màng phổi: Đau nhói vùng vai gáy, khó thở đột ngột.
Ung thư phổi: Có thể gây đau vai gáy kéo dài, đặc biệt nếu khối u chèn ép dây thần kinh.
- Bệnh lý tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đau lan vùng ngực, cổ, có thể nhầm với đau tim hoặc đau vai gáy.
- Nhiễm trùng và viêm
Viêm màng não: Đau cổ, cứng cổ, sốt cao, đau đầu dữ dội.
Viêm đốt sống cổ do nhiễm trùng: Đau kéo dài, có thể kèm theo sốt và mệt mỏi.
Nếu có triệu chứng đau cổ vai gáy không rõ nguyên nhân hoặc kèm theo dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, đau ngực, sốt cao, mất cảm giác, nên đi khám sớm để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng.
4. Hậu quả của hội chứng đau cổ vai gáy đối với sức khỏe
4.1. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Đau cổ vai gáy kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cơn đau không chỉ làm giảm khả năng vận động mà còn làm giảm sự tập trung và hiệu quả công việc. Những người mắc phải căn bệnh này có thể gặp khó khăn khi lái xe, làm việc, thậm chí là trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
4.2. Ảnh hưởng đến tinh thần
Đau cổ vai gáy kéo dài có thể dẫn đến tình trạng stress, lo âu và trầm cảm, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Việc phải đối mặt với cơn đau liên tục có thể làm giảm tâm trạng, giảm khả năng giao tiếp xã hội và làm việc nhóm, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và công việc của họ.
4.3. Những biến chứng khó lường
Nếu không được điều trị kịp thời, đau cổ vai gáy có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Cơn đau có thể lan rộng ra các vùng khác như lưng, cánh tay, và thậm chí là ảnh hưởng đến các chức năng thần kinh, gây tê liệt hoặc mất cảm giác. Ngoài ra, nếu tình trạng đau do thoái hóa đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm không được điều trị, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
5. Giải pháp phòng ngừa và điều trị đau cổ vai gáy
5.1. Tập thể dục và vận động thường xuyên
Để phòng ngừa và điều trị đau cổ vai gáy, việc tập thể dục và vận động thường xuyên là rất quan trọng. Các bài tập như yoga, pilates, hoặc các bài tập kéo dãn cơ sẽ giúp cải thiện sự dẻo dai của cơ thể, giảm căng thẳng và giúp cơ thể thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Việc duy trì một lối sống năng động cũng giúp cải thiện tuần hoàn máu và cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.
5.2. Điều chỉnh tư thế ngồi
Một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa đau cổ vai gáy là điều chỉnh tư thế ngồi đúng. Khi làm việc với máy tính hoặc điện thoại, bạn nên chú ý giữ cổ và đầu thẳng, tránh cúi quá lâu. Cần phải ngồi thẳng lưng, giữ vai thư giãn và không ngồi quá lâu một chỗ. Nếu cần thiết, bạn nên đứng dậy và đi lại mỗi 30 phút.

5.3. Sử dụng ghế ngồi phù hợp
Việc chọn một chiếc ghế ngồi văn phòng đúng cách cũng rất quan trọng để phòng ngừa đau cổ vai gáy. Ghế cần có tựa lưng giúp hỗ trợ cột sống và giúp bạn duy trì tư thế đúng. Ngoài ra, màn hình máy tính nên được đặt ngang tầm mắt để bạn không phải cúi xuống quá lâu.
5.4. Điều trị kịp thời
Nếu cơn đau cổ vai gáy kéo dài, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp. Điều trị có thể bao gồm dùng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể cần phẫu thuật. Bên cạnh đó, các biện pháp giảm stress và thư giãn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh.
Đau cổ vai gáy không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động. Việc phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau, cải thiện tư thế, tăng cường sức mạnh cơ bắp và ngăn ngừa tái phát.
Thông qua các phương pháp như vật lý trị liệu, bài tập kéo giãn và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, người bệnh có thể phục hồi chức năng vùng cổ vai gáy một cách hiệu quả. Đầu tư vào phục hồi chức năng không chỉ giúp giảm đau lâu dài mà còn mang lại sức khỏe bền vững, cải thiện hiệu suất làm việc và sinh hoạt hàng ngày.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/