Cách nhận biết & phục hồi chức năng di chứng sau vỡ mâm chày

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Vỡ mâm chày là vết gãy ở vùng mâm chày nằm trên bề mặt của xương chày, thường diễn ra do các chấn thương khi té ngã, tai nạn giao thông. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp. Tìm hiểu ngày những di chứng sau vỡ mâm chày thường gặp và những phương pháp giúp cải thiện hiệu quả.

1. 5 di chứng có thể gặp sau vỡ mâm chày 

Vỡ mâm chày là một chấn thương có thể tiến triển từ đơn giản đến phức tạp và dẫn đến các di chứng nguy hiểm như sau:

1 – Cứng khớp gối: Nghiên cứu cho thấy có đến 20% bệnh nhân bị cứng khớp gối trong vòng 1 năm sau khi phẫu thuật vỡ mâm chày. Tình trạng này có thể khiến người bệnh bị co cứng và gặp khó khăn khi gập duỗi khớp gối, thường diễn ra do dính khớp hoặc xơ hóa các cấu trúc quanh khớp.

2 – Nhiễm trùng cấp tính: Người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng trong các trường hợp gãy xương hở, phải cố định vết thương từ bên ngoài, vệ sinh vết thương không đúng cách, mắc hội chứng chèn ép khoang,… Các triệu chứng thường gặp là sưng viêm, đỏ, sờ vào vết thương thấy ấm, chảy mủ hay tiết dịch, nứt vết thương phẫu thuật, sốt, cơ thể mệt mỏi. 

3 – Nhiễm trùng mãn tính (viêm tủy xương): Nếu tình trạng nhiễm trùng không được xử lý triệt để, người bệnh có thể mắc phải viêm tủy xương, thường không dẫn đến những triệu chứng rõ ràng như nhiễm trùng cấp tính nhưng có thể dẫn đến các cơn đau dai dẳng và làm xuất hiện các lỗ rò.

4 – Liền xương kém: Vỡ mâm chày thường dẫn đến sự biến dạng mối nối giữa xương chày và xương mác, gây khấp khểnh bề mặt sụn khớp, khiến cho trục cơ học của chân bị thay đổi, ảnh hưởng đến khả năng vận động.

5 – Thoái hóa khớp sau chấn thương: Thoái hóa khớp là tình trạng bào mòn sụn khớp gây ra các phản ứng viêm và làm tổn thương xương, dây chằng và gân, giảm chất lượng dịch khớp. Các chấn thương ở khớp gối có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp của người bệnh lên đến 7 lần.

Người bệnh gặp tình trạng vỡ mâm chày cần tiến hành thăm khám để được chỉ định lộ trình phục hồi chức năng mâm chày sớm, nhằm cải thiện các cơn đau nhức trong thời gian đầu, giúp quá trình phục hồi diễn ra hiệu quả hơn, cải thiện chức năng ở khớp và cơ quanh khớp, ngăn ngừa nguy cơ gặp các biến chứng. Nếu không được trị liệu kịp thời, các cơn đau có thể nghiêm trọng hơn, khớp khó khôi phục lại như bình thường, thậm chí dẫn đến di chứng cứng khớp, nhiễm trùng, thoái hóa khớp,… cản trở sinh hoạt và dẫn đến tàn tật.

Tìm hiểu chi tiết về chấn thương dây chằng đầu gối – 3 mức độ, dấu hiệu, biến chứng và các phương pháp điều trị

Di chứng sau vỡ mâm chày gây ra các cơn đau, khớp khó khôi phục lại như bình thường
Các dạng chấn thương vỡ mâm chày có thể dẫn đến những di chứng nghiêm trọng

2. Phục hồi chức năng sau vỡ mâm chày để hạn chế các di chứng

Để hạn chế nguy cơ để lại các di chứng sau vỡ mâm chày, người bệnh có thể thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu và tiến hành tập luyện phục hồi chức năng theo hướng dẫn của chuyên gia.

2.1. Áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu

Một số phương pháp vật lý trị liệu có thể được áp dụng để cải thiện tình trạng chấn thương và giảm nguy cơ gặp phải di chứng sau vỡ mâm chày.

1- Nhiệt trị liệu:

  • Hồng ngoại, Parafin: Tạo nhiệt độ phù hợp để hỗ trợ giãn cơ, tăng tuần hoàn máu để vận chuyển dưỡng chất và oxy đến hỗ trợ vùng bị thương, đồng thời giúp thư giãn để giảm đau, hỗ trợ người bệnh thực hiện các bài tập.
  • Chườm lạnh: Áp dụng vào giai đoạn đầu, thực hiện chườm khoảng 10 – 15 phút ở vùng bị thương để giảm tình trạng sưng nóng ở khớp.
2 phương pháp nhiệt trị liệu giúp cải thiện các triệu chứng vỡ mâm chày
Thực hiện liệu pháp nhiệt trị liệu để cải thiện các triệu chứng vỡ mâm chày

2 – Sóng ngắn trị liệu: Sử dụng các bức xạ điện từ có bước sóng ngắn để mang đến hiệu quả chống viêm, giảm ứ đọng máu gây phù nề, kích thích quá trình phục hồi ở vùng khớp bị tổn thương.

Phương pháp trị liệu bằng sóng ngắn
Phương pháp trị liệu bằng sóng ngắn

3 – Điện xung trị liệu: Sử dụng thiết bị điện xung để truyền sóng điện xung với tần số thấp, hỗ trợ kích thích thần kinh cơ, ức chế dẫn truyền để giảm các cơn đau và tăng cường tuần hoàn máu.

Phương pháp điện xung dành cho đầu gối
Áp dụng phương pháp điện xung dành cho đầu gối

4 – Siêu âm trị liệu: Sử dụng sóng siêu âm để tăng cường tuần hoàn máu đến vùng bị thương, hỗ trợ quá trình phục hồi ở xương, dây chằng,… ngăn ngừa viêm, xơ dính mô mềm.

Liệu pháp trị liệu vỡ mâm chày bằng siêu âm
Liệu pháp trị liệu vỡ mâm chày bằng siêu âm

2.2. Tập các bài tập phục hồi chức năng

Người bệnh cần tiến hành các bài tập phục hồi chức năng kiên trì nhằm cải thiện các cơn đau, giảm phù nề; kiểm soát lực cơ và chống phù nề, đặc biệt là đối với cơ tứ đầu đùi; ngăn ngừa cứng khớp và cải thiện tầm vận động khớp gối.

2.2.1. PHCN với điều trị bảo tồn và sau mổ buộc vòng chỉ thép có bó bột tăng cường

Người bệnh tiến hành các bài tập phục hồi chức năng trong giai đoạn bất động khớp và sau khi tháo bột để ngăn ngừa di chứng sau vỡ mâm chày.

1 – Giai đoạn bất động khớp gối: Trong giai đoạn còn đang bó bột để bất động khớp gối, người bệnh có thể tiến hành thực hiện các bài tập như:

  • Tập co cơ tĩnh trong nẹp, bột: Tiến hành co các cơ đùi, cẳng chân, đặc biệt là cơ tứ đầu đùi trong vòng 10 giây. Lặp lại động tác này 10 lượt/ lần và có thể tăng dần lên 20 lượt/lần, thực hiện 2 lần/ngày.
  • Tập chủ động các khớp tự do: Thực hiện các bài tập vận động dành cho khớp háng, khớp cổ chân,… ở chân bị thương để tăng cường khả năng vận động, hỗ trợ phần đầu gối.
  • Tập đi với nạng: Khi bột đã khô, người bệnh luyện tập các bài tập với nạng như cách đứng dậy, đi lại, đặt một phần trọng lượng cơ thể lên chân bị thương,…
Người bệnh trong giai đoạn bất động khớp có thể luyện tập sử dụng nạng
Người bệnh trong giai đoạn bất động khớp có thể luyện tập sử dụng nạng

2 – Giai đoạn sau bất động: Sau khi tháo bột hoặc ngưng sử dụng nẹp khớp gối, người bệnh sẽ bắt đầu tiến hành một số phương pháp vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, điện xung trị liệu,… Ngoài ra, kỹ thuật viên có thể thực hiện xóa bóp quanh vết mổ, di động xương bánh chè và khớp gối để tăng sự linh hoạt cho khớp. 

Người bệnh có thể được hướng dẫn tập bài tập gập duỗi khớp gối giúp phục hồi tầm vận động của khớp như:

  • Tập gập và duỗi khớp gối chậm rãi trong vòng 20 phút/lần, thực hiện 2 lần/ngày. 
  • Tăng dần mức độ gập duỗi lên từng mức 5° – 10° để người bệnh thể gập được 30° trong những ngày đầu tập luyện, tăng lên 90° sau 6 tuần, phục hồi tầm vận động khớp gối sau 12 tuần, hoạt động như bình thường sau 6 tháng.
Thực hiện các bài tập gập và duỗi khớp gối
Thực hiện các bài tập gập và duỗi khớp gối

Khi tình trạng khớp gối đã ổn định, người bệnh có thể tiến hành các bài tập với dụng cụ hỗ trợ (ghế chuyên dụng, dây co giãn, tạ, cầu thang,…) để cải thiện sức mạnh cơ đùi quanh khớp gối.

2.2.2. PHCN sau néo ép xương bánh chè hoặc các phẫu thuật khác không cần bó bột

Đối với những bệnh nhân điều trị không cần cố định khớp, dưới đây là những phương pháp phục hồi chức năng giúp ngăn ngừa di chứng sau vỡ mâm chày theo từng giai đoạn.

1 – Giai đoạn I: từ ngày 01 đến 14 ngày sau phẫu thuật: Trong giai đoạn này, người bệnh có thể thực hiện một số bài tập để giúp cải thiện khả năng gập duỗi khớp gối, giảm các cơn đau, phù nề và kiểm soát lực cơ:

Bài 1: Tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi: 

  • Nằm ngửa trên thảm tập, duỗi chân bị thương và lót một chiếc gối nhỏ dưới đầu gối, mũi bàn chân hướng lên trên. 
  • Chân còn lại co lên và gập đầu gối. 
  • Siết chặt cơ đùi ở chân bị thương, ép đầu gối xuống gối, giữ tư thế trong 3 – 5 giây rồi thả lỏng.
  • Lặp lại 20 lần.
Bài tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi
Bài tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi

Bài 2: Tập vận động thụ động khớp gối: 

  • Gập khớp gối thụ động với sự trợ giúp của kỹ thuật viên từ 0 – 30° trong thời gian đầu
  • Tăng dần đến sau 2 tuần thì có thể gập gối đến 90°.
Bài tập vận động thụ động khớp gối
Thực hiện vận động khớp gối với sự trợ giúp của kỹ thuật viên

Bài 3: Tập gấp duỗi khớp gối: 

  • Nằm ngửa và đặt chân bị thương lên cao, bên dưới đầu gối là điểm tựa. 
  • Duỗi thẳng đầu gối và giữ trong vài giây (giữ lâu nhất có thể) rồi hạ chân xuống để nghỉ. 
  • Lặp lại 10 lượt/lần và tập 2 lần/ngày.
Bài tập gập duỗi khớp gối
Bài tập gập duỗi khớp gối khi đưa chân lên cao

Người bệnh có thể luyện tập thêm các bài tập dành cho khớp háng, khớp cổ chân để hỗ trợ tăng cường lực của chân bị thương. Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp điều trị trong giai đoạn này như chườm lạnh, băng chun ép cố định khớp gối.

2 – Giai đoạn II: từ 02 tuần đến 06 tuần sau phẫu thuật: Ở giai đoạn này, người bệnh thực hiện các bài tập nhằm mục tiêu cải thiện tầm vận động của khớp bị thương, tăng cường lực cơ ở các nhóm cơ đùi và ngăn ngừa di chứng sau vỡ mâm chày như:

Bài 1: Bài tập gấp duỗi khớp tối đa: Tập gấp và duỗi với mức độ tăng dần, thực hiện 20 phút/lần và 2 lần/ngày để người bệnh có thể cải thiện tầm vận động khớp gối hoàn toàn đến tuần thứ 6.

Bài tập gấp duỗi khớp tối đa
Thực hiện gập duỗi khớp hoàn toàn với sự giám sát của kỹ thuật viên

Bài 2: Tập đi với nạng/khung đi: Người bệnh luyện tập đi lại với sự trợ giúp của nạng, không dồn trọng lượng cơ thể lên chân bị thương để có thể quay lại đi lại bình thường không cần đến nạng trong khoảng 4 tuần.

Tập đi với nạng/khung đi
Người bệnh luyện tập với nạng

Các bài tập khác: Thực hiện các bài tập như xuống tấn, đạp xe đạp, bơi lội,… dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng.

Người bệnh có thể tập luyện các bài tập bơi lội với kỹ thuật viên
Người bệnh có thể tập luyện các bài tập bơi lội với kỹ thuật viên

Trong quá trình luyện tập, người bệnh cũng có thể kế hợp với các dụng cụ giúp làm tăng lực cơ tứ đầu đùi như dây co giãn, tạ hoặc bao cát, các dụng cụ chuyên dụng khác. Sau khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày, người bệnh có thể trở về hoạt động bình thường sau khoảng 6 tuần.

3. Cách phòng ngừa và giảm thiểu di chứng sau vỡ mâm chày

Để có thể cải thiện hiệu quả tình trạng vỡ mâm chày và hạn chế những di chứng, người bệnh nên lưu ý những điều dưới đây.

1 – Điều trị và chăm sóc đúng cách

  • Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị, thông báo với bác sĩ ngay về những phản ứng của khớp gối trong quá trình tập luyện.
  • Không tự ý tập luyện tại nhà mà cần thực hiện phục hồi chức năng dưới sự giám sát chuyên gia y tế.
  • Thực hiện phục hồi chức năng từ sớm và luyện tập các bài tập phù hợp với từng giai đoạn.

2 – Duy trì sức khỏe khớp gối

  • Sử dụng dụng cụ bảo hộ đầu gối để hỗ trợ khớp bị thương khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Tránh vận động khớp quá nhiều trong thời gian hồi phục, không chạy nhảy, đi bộ dài hoặc nâng các vật nặng khi đang bị thương.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân gây áp lực lên khớp gối khiến chấn thương nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.
  • Luyện tập cho khớp bị thương và những khớp xung quanh, vận động toàn thân để tăng sức mạnh toàn diện, hỗ trợ quá trình phục hồi.

3 – Phục hồi toàn diện

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ và tái khám theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi quá trình hồi phục của khớp gối.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để hỗ trợ quá trình phục hồi của đầu gối như canxi, vitamin D, axit béo omega-3,…
Chế độ ăn uống bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp
Xây dựng chế độ ăn uống bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp

Người bệnh có thể gặp những di chứng sau vỡ mâm chày nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ xương khớp và khả năng vận động. Phương pháp cải thiện hiệu quả tình trạng này là tiến hành vật lý trị liệu và thực hiện các bài tập phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp với duy trì với thói quen sống lành mạnh, có lợi cho xương khớp.

Để cải thiện hiệu quả tình trạng vỡ mâm chày và phòng tránh những di chứng, người bệnh nên đến ngay các cơ sở uy tín để được hướng dẫn phục hồi chức năng. Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA là địa chỉ cung cấp dịch vụ thăm khám và trị liệu vỡ mâm chày chất lượng hàng đầu với:

  • Lộ trình điều trị cá nhân hóa theo tình trạng của người bệnh với chương trình hồi phục chức năng toàn diện theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
  • Đội ngũ chuyên gia gồm bác sĩ và các kỹ thuật viên có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, thường xuyên được giao lưu học hỏi với các chuyên gia tại Tập đoàn Emergency Medical Service (EMS) Nhật Bản.
  • Hệ thống trang thiết bị hỗ trợ chẩn đoán và trị liệu hiện đại theo tiêu chuẩn Âu – Mỹ.

Hãy đến ngay Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được hỗ trợ toàn diện và hiệu quả quá trình phục hồi các chấn thương tại đầu gối.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 04/12/2024Ngày cập nhật: 04/12/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.